Cuộc tìm kiếm mộ Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (phần 1)

- GS. VS. Đào Vọng Đức
Sách của Sở Thông tin Truyền thông Hà Tĩnh



Ngày 1 tháng 12 năm 2009, tại hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã tổ chức tang lễ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập theo nghi thức quốc gia và tổ chức an táng tại quê nhà (xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Tháng 3 năm 2010, Ban liên lạc Họ Hà Việt nam đã xuất bản sách Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, theo giấy phép số 13/GP-STTTT do Sở Thông tin Truyền thông Hà Tĩnh cấp ngày 9/2/2010.

Chúng tôi giới thiệu nội dung cuốn sách này như là một tài liệu tham khảo để bạn đọc có thể tiếp cận với sự kiện/hiện tượng này từ nhiều hướng khác nhau, từ lịch sử, văn hóa và tâm linh... nhất là những tiềm năng ngoại cảm đặc biệt của con người. Tài liệu này có sự kiểm chứng của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người và do đại diện Ban liên lạc Họ Hà Việt Nam và các tác giả cung cấp...

LỜI GIỚI THIỆU



GS. VS Đào Vọng Đức
Viện Vật Lý và Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người


Cuộc hành trình tìm kiếm di hài cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã hoàn thành với kết quả mong đợi. Tôi có cơ duyên tham gia công việc từ những ngày khởi đầu cũng như nhiều người đã được chứng kiến sự kiện, chúng tôi giữ mãi những kỷ niệm đầy ấn tượng và xúc động.

Nhớ lại cách đây gần hai năm, một số đại diện cho dòng họ Hà - Ông Hà Huy Lợi, Đại tá Hà Văn Sỹ, và Phó giáo sư - Tiến sỹ Hà Vĩnh Tân - đã bố trí cuộc gặp với Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người, bày tỏ nguyện vọng nung nấu của dòng họ, tìm kiếm di hài của cụ Hà Huy Tập để đưa về an táng tại quê hương Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh. Nhận thức rằng đây là việc làm đầy tình nghĩa, có ý nghĩa lớn lao không những riêng cho dòng họ mà là chung cho cả đất nước. Thuận theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Trung tâm đã rất nhiệt tình hưởng ứng và tích cực hỗ trợ cho việc tìm kiếm.

Trong những thập kỷ gần đây chúng ta chứng kiến những bước phát triển ngoạn mục của Khoa học kỹ thuật và công nghệ, đánh dấu bởi vô số những phát minh kỳ diệu từ những lãnh vực lý thuyết trừu tượng nhất đến các ứng dụng rộng rãi nhất trong thực tế sản xuất và đời sống. Cũng đồng thời ngày càng dồn dập những thông tin, trong nước cũng như trên thế giới, về những khả năng rất kỳ lạ của con người, những hiện tượng siêu phàm kỳ bí, thể hiện rất đa dạng trong đời sống cộng đồng, mà không cách nào lý giải nổi trong khuôn khổ những kiến thức đã có của các ngành Khoa học truyền thống

Tiếp cận những vấn đề này một cách khách quan, tôn trọng sự thật, với thái độ thực sự cầu thị, khiêm tốn học hỏi để khám phá, nhằm mục đích tối thượng phục vụ cộng đồng, là điều tâm đắc cuả rất nhiều nhà nghiên cứu trong các lãnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Khoa học phi truyền thống.

Có thể dự đoán rằng để có một lý thuyết về các khả năng đặc biệt của con người, về các hiện tượng siêu nhiên sẽ phải vận dụng phối hợp nhiều ngành Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội đặc biệt là Triết học, Cận tâm lý học và Thần học. Và cũng dễ hiểu rằng trong cuộc hành trình này - Vật lý học, với những thành tựu vĩ đại trong thế kỷ qua là Thuyết lượng tử và Thuyết tương đối và thành tựu có tính cách mạng đang chờ đón trong những thập kỷ tới là Lý thuyết Đại thống nhất, sẽ có những tác dụng định hướng.

Lịch sử phát triển của Khoa học cho thấy rằng những phát minh lớn có được không chỉ dựa vào lý trí và lập luận logic mà còn bằng cả những nhạy cảm thẩm mỹ và sự hỗ trợ của yếu tố trực giác, cảm hứng.

Theo dự đoán của nhiều học giả nổi tiếng thì thế kỷ 21 này sẽ được đánh dấu một bước tiến vĩ đại, đó là nhận thức được rằng Khoa học và Tâm linh không đối nghịch nhau, mà là hai mặt đối ngẫu bổ sung cho nhau để nghiên cứu thực tại.

Einstein - nhà bác học lỗi lạc nhất thế kỷ 20, người khai sáng ra Thuyết tương đối và Thuyết lượng tử, những luận thuyết đã mang lại biết bao thành quả diệu kỳ trong Khoa học và Công nghệ hiện đại - vẫn luôn tự đánh giá vốn kiến thức của mình còn quá nhỏ bé trước cái huyền bí bao la và sâu thẳm của vũ trụ, đã khẳng định rằng: “Khoa học, Tôn giáo, Nghệ thuật là những cành nhánh của cùng một cây... Khoa học không có Tôn giáo thì khập khiễng, Tôn giáo không có Khoa học thì mờ ảo”.

Pauli, nhà vật lý lừng danh với “Nguyên lý loại trừ Pauli” trong Vật lý nguyên tử, nhận định rằng “Nếu Vật lý và Tâm linh được xem như các mặt bổ sung cho nhau của thực tại thì sẽ cực kỳ thỏa mãn”.

Tiên đề xuyên suốt của Thuyết lượng tử là tính đối ngẫu bổ sung của thực tại thông qua “Nguyên lý bổ sung đối ngẫu” khẳng định rằng mọi vật thể cùng một lúc thể hiện mình với hai bản chất tương phản nhau: Sóng và Hạt. Nguyên lý này dẫn đến một hệ quả cực kỳ quan trong là vật thể vi mô chuyển động không theo bất cứ một quỹ đạo xác định nào, có nghĩa là chuyển từ vị trí này qua vị trí khác theo vô số con đường cùng một lúc. Suy rộng ra là có thể cùng một lúc hiện diện tại vô số vị trí khác nhau, cùng một lúc có thể ở trong vô số trạng thái khác nhau. Điều này gợi cho ta liên tưởng đến các câu chuyện thần thoại về thần thông biến hóa, xuất quỷ nhập thần... Thuyết lượng tử nhìn nhận một cách sâu sắc rằng bản chất của mọi vật thể là sóng, thế giới hiện tượng là những con sóng uốn lượn lan tỏa trên mặt một đại dương năng lượng mênh mông, có lúc cô đọng lại thành các khối có hình thể và rồi cũng lại tan biến thành sóng trên mặt đại dương đó.

Nguyên lý bổ sung đối ngẫu cũng hoàn toàn phù hợp với giáo lý Đạo Phật, thể hiện sâu sắc nhất trong Kinh Kim Cương và Kinh Bát Nhã Ba La Mật khi luận về tính đối ngẫu của Ngũ Âm: Sắc - Thọ - Tưởng - Hành - Thức cũng như trong đạo lý Chân Không.

Cũng hoàn toàn trùng hợp với đạo lý chân không trong Kinh Phật, thuyết lượng tử dẫn đến một hệ quả rất quan trọng là không thể tồn tại chân không như một “không gian trống rỗng”. Khi hội tụ các điều kiện thích hợp, từ chân không sẽ tạo ra các hạt và phản hạt mọi thể loại, tương tác với nhau theo mọi cách để tạo ra thế giới hiện tượng muôn hình muôn vẻ như ta cảm nhận, và cuối cùng lại hủy hoại trở về chân không.

Chân không là trạng thái nền với mức năng lượng thấp nhất, nhưng mức thấp nhất ấy cũng đã là lớn vô hạn. Bản chất này của “Chân Không lượng tử” dẫn đến một hệ quả rất đặc biệt là sự tồn tại một tha lực kỳ bí trong đó (Hiệu ứng casimir). ứng dụng hiệu ứng này vào công nghệ nano và tìm kiếm những năng lượng mới là một hướng nghiên cứu đầy hứa hẹn có tính thời sự đặc biệt, đang được nhiều người quan tâm.

Một phương hướng nghiên cứu sâu sắc nhất và có tầm quan trọng đặc biệt của vật lý học hiện đại là xây dựng Lý thuyết Đại thống nhất - thống nhất các dạng tương tác - các dạng năng lượng trên cùng một nền tảng. Các kết quả nghiên cứu lý thuyết phát hiện rằng ngoài ba chiều không gian như ta đang sống và cảm nhận, nhất thiết phải có thêm ít nhất là sáu chiều không gian phụ trội. Điều đặc biệt là trong Lý thuyết Đại thống nhất này nhất thiết phải tồn tại các trường “Vong”. Các trường “Vong” giữ vai trò chủ chốt trong các cấu trúc, có tác dụng chủ đạo chi phối các cơ chế tương tác nhưng không hề xuất hiện một cách tường minh trong thực tế.

Những thành tựu của Khoa học và Công nghệ hiện đại rọi những tia sáng mới vào Khoa học dự báo. Người ta dần dà cảm nhận được mối liên hệ sâu xa giữa Khoa học dự báo và Khoa học hiện đại, đặc biệt là Vật lý học. Dự báo liên quan chặt chẽ với phạm trù không - thời gian, mà bản chất của không - thời gian lại là một trong những vấn đề cốt lõi nhất của Vật lý học hiện đại.

Theo Thuyết tương đối của Einstein, không gian và thời gian đều có cùng một bản chất và biến đổi qua nhau theo các hệ quy chiếu.

Thuyết tương đối rộng Einstein còn cho thấy rằng không gian và thời gian thay hình đổi dạng theo nội dung của vật chất tồn tại trong đó, và khẳng định rằng khái niệm không - thời gian khi bị tách ra khỏi mọi nội dung vật lý thì không tồn tại.

Ta thường cảm nhận về sự trôi chảy của thời gian, nhưng đó chỉ là ảo tưởng của tâm thức. Chính Einstein đã phát biểu rằng “Quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là những ảo tưởng cố hữu”. Khoa học hiện đại cũng đã bắt đầu nghiên cứu vấn đề vì sao ta lại có những cảm nhận về sự chuyển động của thời gian. Đã có nhiều ý kiến cho rằng cảm nhận đó liên quan đến các quá trình lượng tử xảy ra trong não bộ. Chính trong lúc hành thiền sâu nhiều vị thiền sư đã đạt được trạng thái không còn ảo giác đó, lúc này vạn vật dường như đóng băng lại trong thời gian.

Vật lý học hiện đại hình dung thời gian trong tổng thể như một “thời cảnh” trong đó các sự kiện được đính vào thời điểm cố định, cũng tương tự như hình dung, không gian như một phong cảnh trong các vật thể được đặt ở các vị trí xác định.

Đặc biệt, trên cơ sở lý thuyết đại thống nhất hiện đại nhất - lý thuyết Dây, lý thuyết M có thể giải thích hiện tượng linh cảm một cách khoa học. Trong mô hình vũ trụ suy ra từ lý thuyết này tồn tại cùng một lúc vô số những con người khác nhau trong cùng một con người, và cùng một lúc tất cả các thông tin về vũ trụ ở mọi thời đại đều hiện hữu. Cũng cần nói thêm rằng liên quan đến Thông tin - Dự báo, một lãnh vực đang được phát triển mạnh mẽ là Máy tính lượng tử, Viễn tải lượng tử và Thông tin lượng tử, và một phương hướng nghiên cứu phát sinh từ đó là “Viễn tải tâm linh” (psychie tele-portation) đang được đặc biệt quan tâm. Thực chất của “Viễn tải tâm linh” là áp dụng các nguyên lý của máy tính lượng tử để truyền đạt ý tưởng con người, hoặc điều khiển các vật thể di chuyển bằng cách sử dụng một dạng năng lượng tâm linh huyền bí.

Ở đây, về lý luận còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết, rất nhiều câu hỏi phải được lý giải. Chẳng hạn: Các chiều không gian phụ trội thể hiện ở đâu? Bản chất là gì và hình dáng ra sao? Những gì tồn tại trong đó?.v.v. Có giả thiết cho rằng các chiều không gian phụ trội này chính là các chiều liên quan đến thế giới tâm linh. Cũng nảy sinh một câu hỏi rất tự nhiên rằng: ngoài các dạng tương tác đã biết được hiện nay còn tồn tại chăng các dạng tương tác khác chưa được phát hiện? Không loại trừ rằng còn có các dạng siêu tương tác ứng với các dạng siêu năng lượng liên quan đến các hiện tượng siêu nhiên mà các giác quan bình thường của con người chưa thể cảm nhận được, cũng như Khoa học và Kỹ thuật hiện nay chưa đủ trình độ để phát hiện.

Ở đây ta có thể liên tưởng đến một dạng siêu năng lượng bắt nguồn từ lòng vị tha bác ái, được nói đến nhiều trong Kinh Phật, cũng như các vị Thầy tâm linh thường nhắc nhở - Lòng từ bi, tình yêu thương chân thành cũng như môi trường tình thương dẫn đến một dạng tương tác tâm linh tạo ra “năng lượng tình thương” giúp chiến thắng bệnh tật và tạo nên sức mạnh vô biên.

Rõ ràng rằng nghiên cứu các lĩnh vực với mức độ tinh tế khác nhau thì cách tiếp cận phải khác nhau, đặc biệt với các hiện tượng siêu tinh tế thì đòi hỏi phải vận dụng các khái niệm và các hệ tiên đề hoàn toàn mới, có thể rất xa lạ với những điều đã quen thuộc trước đó. Đây là cuộc viễn chinh Khoa học gian nan nhưng đầy hứa hẹn, đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa Khoa học và Tâm linh, sự đóng góp lâu dài công sức và trí tuệ của các nhà khoa học và các nhà ngoại cảm.

Có thể hy vọng rằng cùng với sự phát triển ngày càng sâu rộng của Khoa học và Công nghệ, dần dà chúng ra sẽ tiếp cận được những hiện tượng mà cho tới nay vẫn được xem là huyền bí hoặc hầu như là phí lý.

Tập sách này kể lại một cách trung thực một số nét chủ yếu về những sự kiện đáng ghi nhớ qua những ngày tháng của cuộc hành trình tìm kiếm đó. Với những minh chứng đầy sức thuyết phục qua những lời kể sinh động trong tập sách, có cơ sở để có thể khẳng định sự tồn tại các vong linh và vai trò nổi bật của các yếu tố tâm linh trong cuộc hành trình này.

Xin trân trọng giới thiệu tập sách “Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập” cùng độc giả với hy vọng sẽ đem lại nhiều điều bổ ích và đầy ý nghĩa.


Hà Nội ngày 22 tháng 2 năm 2010





LỜI NÓI ĐẦU


"Chương trình tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập” là một câu chuyện dài, li kì và đầy trắc trở. Nhưng con cháu dòng họ Hà, nhất là những người trực tiếp tham gia chương trình vẫn một lòng, một dạ đi tới cùng, và kết quả: di hài cố TBT Hà Huy Tập đã được Đảng, Nhà nước tổ chức tang lễ theo nghi thức Quốc gia tại Dinh Thống Nhất - TP Hồ Chí Minh ngày 1 tháng 12 năm 2009.

Cuốn sách nhỏ này là công trình tập thể của những người là con cháu họ Hà, trực tiếp tham gia từ đầu chương trình ghi lại, do ông Hà Huy Lợi làm chủ biên, hầu mong dâng lên tiên tổ món quà tinh thần nhỏ bé, và cũng là món quà kỉ niệm cho con cháu trong dòng họ và bạn đọc quan tâm.

Cuốn sách nhỏ này cũng là tri ân của con cháu với cụ Hà Huy Tập - Người chiến sĩ cách mạng kiên trung, tấm gương yêu nước sáng ngời cho muôn đời con cháu noi theo.

Trong quá trình tìm kiếm di hài cố TBT, chúng tôi có một thiếu sót là không ghi chép, ghi âm, quay camera được đầy đủ. Do đó, khi làm cuốn sách này sẽ không thể tránh khỏi thiếu sót. Tuy nhiên, với những tư liệu đã có, về cơ bản cũng phản ánh một cách trung thực được những gì đã diễn ra của những người được “tai nghe, mắt thấy”.

Chúng tôi vô cùng biết ơn Đức Hoàng Mười đã giúp đỡ dòng họ Hà tìm được hài cốt cố TBT Hà Huy Tập. Chúng tôi cũng vô cùng biết ơn tiên tổ, mà trực tiếp là vong linh cụ tổ Hà Mại (1334-1410) - Thuỷ tổ họ Hà -Hà Tĩnh, một danh tướng dưới triều Trần đã về dẫn dắt con cháu hoàn thành tâm nguyện. Xin cảm ơn nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh (ghế của Đức Hoàng Mười) các nhà ngoại cảm Nguyễn Hữu Thuận, Phan Thị Bích Hằng; chị Trần Thu Hà phó phòng trắc nghiệm và các nhà khoa học ở Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người đã cùng chúng tôi lặn lội bao tháng ngày vất vả và một số bạn bè... đã tích cực tham gia chương trình cùng con cháu...

Những mong các chiến sĩ cách mạng tiền bối cũng như các anh hùng liệt sĩ không phải mãi mãi nằm ngoài gió sương. Cho tôi nhắc lại câu nói của một nhà thơ đượm mầu tâm linh dân tộc: “Ai biết sống cho người đã chết thì sẽ được cho người đang sống”.

Cuốn sách này đã được sửa chữa theo Công văn số 97/STTTT ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh “Về việc đính chính sai sót trên xuất bản phẩm Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập”


HÀ HUY THANH



*
* *


Từ năm 2002 Hà Huy Dũng (cháu thúc bá của ông Hà Huy Tập) đã ra tận Hàm Rồng, Thanh Hoá để cầu gặp vong ông Tập. Nhưng từ những thông tin thu được thấy chưa thực sự thuyết phục. Do đó bẵng đi một thời gian, Đến năm 2005 tôi cùng đại tá Hà Văn Sỹ nguyên phó cục trưởng cục xăng dầu quân đội- những người con cháu trong dòng họ Hà (ở Hà Tĩnh) tiếp tục đi theo con đường tâm linh để tìm mộ bác Hà Huy Tập. Cũng giống như mọi gia đình, mọi dòng họ khác, việc tìm mộ các vị bậc trên và tổ tiên trong họ là việc tâm đức, cần làm. Ai chẳng mong quy tập được phần mộ tổ tiên mình.

Đối với bác Hà Huy Tập là Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam nên còn là niềm tự hào của con cháu họ Hà. Bác đã hi sinh tuổi trẻ của mình cho độc lập - tự do, cho giải phóng dân tộc khỏi xích xiềng thực dân. Bác là vị Tổng Bí thư thứ 3 của Đảng Cộng sản Việt Nam (sau TBT Trần Phú và Lê Hồng Phong). Bác Trần Phú đã thấy mộ rồi, còn bác Tập vẫn nằm ngoài sương gió. Điều đó càng day dứt, càng thôi thúc chúng tôi thêm quyết tâm đi tìm mộ bác.

Suốt mấy năm liền chúng tôi tìm đến những người có khả năng đặc biệt, nhưng nhìn chung những thông tin thu được vẫn còn mờ nhạt, không đủ thuyết phục. Do đó, cuộc tìm kiếm cứ kéo dài.


*
* *


Tháng 7 năm 2008, được PGSTS Hà Vĩnh Tân đang làm việc tại viện vật lý đồng thời là Uỷ viên Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người (TTNCTNCN) giới thiệu cho chúng tôi tiếp xúc vơí Giám đốc và các phó giám đốc Trung tâm. Được lãnh đạo Trung tâm đồng ý chúng tôi gặp chị Trần Thu Hà là phó trưởng phòng trắc nghiệm của Trung tâm. Chị Hà giới thiệu ở Trung tâm có nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh, soi và gọi hồn rất được tín nhiệm. Nhà ngoại cảm Ánh còn thỉnh được Thánh, chữa được bệnh âm và tìm mộ. Thế là tôi nhờ cô Hà xếp lịch cho chúng tôi gặp nhà ngoại cảm Ánh.

Đúng 9h ngày 23 - 9 - 2008 tại phòng làm việc của TTNCTNCN ở số 10 phố Đào Tấn, quận Ba Đình, Hà Nội, chúng tôi gồm Hà Văn Sỹ, Hà Vĩnh Tân, Hà Huy Thành và cháu Hà Huy Thanh (con trai tôi). Về phía Trung tâm có giáo sư Viện sĩ Đào Vọng Đức Giám đốc TT; TS Bùi Hoàng Oanh phó giám đốc TT; chị Trần Thu Hà và nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh. Cảm giác đầu tiên khi chúng tôi gặp nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh thấy dễ gần gũi, nhưng... trông hiền lành quá, chân chất như nông dân. Có điều, với gương mặt đầy đặn, phúc hậu và đôi tai như tai Phật, chúng tôi thấy dễ tin.

Phòng làm việc rất đơn sơ. Trên một chiếc bàn sắp sẵn lọ hoa và đĩa quả, nhà nhà ngoại cảm Ánh thắp ba nén hương rồi khấn vái, xin Đức Hoàng Mười về dương làm việc. Lát sau vong Đức Hoàng Mười về nhập vào nhà ngoại cảm Ánh. Chị Hà dâng thuốc lá và chén nước. Chúng tôi cảm thấy gương mặt nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh đổi khác, trông vẫn đôn hậu nhưng uy nghiêm, nước da hồng lên và Đức Hoàng Mười điềm tĩnh hút thuốc. Trong mỗi chúng tôi bỗng dâng trào niềm thành kính và gần gũi. Dường như Đức Hoàng không còn là người âm. Cảm giác này có lẽ do đền thờ Đức Hoàng Mười ngay bên bờ sông Lam quê tôi, nơi chúng tôi vẫn thường ra dâng hương nên tự dưng thấy gần gũi. Tôi trình với Đức Hoàng nguyện vọng của con cháu họ Hà và xin được gặp vong linh tiên tổ. Trước tiên Đức Hoàng soi cho tôi về âm phần mồ mả, đất cát, gia sự. Đức Hoàng còn nói nhà tôi có người chết vì bị hổ vồ... Tất cả đều đúng, nhưng tôi không tiện nói lại. Về việc của dòng họ, Đức Hoàng nói là nhiều năm đã có tâm nhưng không biết cách tổ chức và không kiên nhẫn nên việc đi tìm mộ chưa được. Nếu muốn tìm mộ thì con cháu trong dòng họ phải nhất tâm, lúc ấy Đức Hoàng sẽ giúp tìm được mộ. Có lẽ có sự sắp xếp của tổ tiên, hôm đó chúng tôi gặp được ba vong trong dòng họ.

Vong về đầu tiên là một cậu bé họ Hà. Tôi bàng hoàng xúc động hoá ra đó lại là con trai tôi bị mất năm 1984. Cậu nói: “Con chào cha! Cháu chào các bác, các cô, các chú! Cha ơi! Dòng họ nhà mình có ông Tổng Bí thư (TBT) to lắm, con gọi là ông trẻ. Ông trẻ là con thứ trong gia đình. Ông trẻ học giỏi lắm. Ông vừa học vừa đi dạy học và ông yêu nước lắm. Năm 1924 đã bắt đầu biết đấu tranh với thằng Pháp. Năm 1928 tháng 1 ngày 16 ông lấy vợ tên là bà Giáo. Ngày 21 tháng 4 năm 1931 ông trẻ viết thư gửi cái ông gì ở Tây giải thích thêm về việc gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 4 năm 1931 ngày 25, ông được Đảng Cộng sản Liên Xô kí quyết định cấp thẻ Đảng viên số 10444. Mà ông giỏi lắm. Ông được đi Nga, đi Pháp, đi Trung Quốc, đi Ma Cao; nhưng ông chết thì lại ở Hóc Môn, Sài Gòn Gia Định cơ, chứ không phải chết ở quê đâu”.

Anh Hà Văn Sỹ hỏi: “Thế cháu có biết ông trẻ sinh năm bao nhiêu không?”. Cậu bé trả lời: “Thế cháu và bác đều viết ra tay xem ai đúng”. Mọi người đều cười ồ. Sau đó cậu bé và anh Sỹ đều viết gì vào lòng bàn tay. Khi hai người cùng giơ tay lên thì thấy trong lòng bàn tay anh Sỹ có số 1906, tay cậu bé cũng ghi 1906. Cậu nói luôn: “Ông trẻ nhà mình có 3 năm sinh đấy, và ông còn nhiều bút danh lắm. ông là Hồng Thế Công, là Thanh Hương, và còn cả tên tây nữa, khó đọc lắm. Ông trẻ bảo với cháu: Tháng 7 năm 1936 ông được bầu làm TBT. Tháng 8 thì cơ quan chuyển về Bà Điểm, Hóc Môn. Năm 1937 tại Hóc Môn có nhiều cuộc họp mà ông trẻ chủ trì lắm. Tháng 5 ngày mùng 1 năm 1938 bọn nó bắt ông trẻ và sau 24 ngày nó buộc tội ông dùng căn cước giả”. Mọi người liền hỏi: “Thế ông ở dưới ấy có khổ không?”. Cậu nói: “Tí nữa ông về thì hỏi. Mà ông khổ hay sướng ông cũng không nói đâu. Mà mọi người nhớ nhé, ông về không ai được nhắc tới vợ của ông đâu, vì ông đã li hôn rồi. Bà Giáo (vợ ông) đã lấy người cùng quê với ông nên mọi người không ai được nhắc tới. Ông buồn đấy! Ông trẻ bị bắt giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Giỗ ông trẻ là ngày 28 tháng 8. Ông bảo chuyển sang ngày âm cho dễ nhớ. Năm ông chết mới 35 tuổi. Ông đẹp trai lắm!”.

Hi hi... cậu bé cười rất hồn nhiên, mọi người cứ ngớ ra vì không hiểu thế nào mà cậu nói vanh vách như thế. Chị Thu Hà liền hỏi: “Thế cháu có biết mộ ông trẻ nằm ở đâu không? Và ông trẻ có muốn về không?”. Cậu bảo: “Biết chứ. Còn về hay không thì cháu không biết!”. Bác Sỹ và cha gọi ông trẻ vào mà hỏi”. Rồi cậu bé liền chỉ sang con trai tôi là Hà Huy Thanh mà bảo: “Anh là giám đốc mà chả mua cho em cái kẹo. Đúng là giầu mà keo!”. Rồi cậu cười hi hi, thật hồn nhiên. Tôi giật mình, làm sao mà cậu biết đó là anh trai, mà lại biết cả anh làm giám đốc, vì khi đó cháu Thanh là giám đốc Công ty CIC. Cậu lại chỉ vào em trai tôi là Hà Huy Thành, nói: “Mợ đâu mà không đi, lại có mình chú đi? Nhà chú có thằng em đang bị bệnh âm đấy. Mà nhà mình có cả chú Phú nữa nhé vì có thằng Thắng nó chết ở dưới âm, nhưng nay nó không về đây. Thôi, con đi đây. Cháu chào các bác, chào các chú, các cô!”.

Cậu bé đi rồi mà tôi vẫn còn bàng hoàng, xúc động. Không hiểu sao mà cậu biết hết mọi chuyện như thế, trong khi đây là lần đầu tiên gặp nhà ngoại cảm Ánh.

Còn vong ông Tập về chỉ có một nguyện vọng muốn gặp O Hồng là người con gái duy nhất của ông, đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông bảo: “Lần gặp nó cuối cùng là khi ông đang bị giam ở khám lớn. Khi đó nó mới 11 tuổi”. Bây giờ O Hồng đã 82 tuổi rồi. Ông bảo chúng tôi: “Con cháu đừng đi tìm ông nữa, vì trước lúc chết ông có gửi cho người em rể một lá thư, nói là cứ xem ông như người đi công tác xa. Giờ thì không nói lại được”.

Cả đoàn chúng tôi đều ra sức thuyết phục. Anh Sỹ thưa: “Ông ơi! ngày xưa khác. Lúc ấy ông làm thế là đúng. Còn bây giờ hòa bình, thống nhất rồi, nhân dân no ấm, hạnh phúc rồi. Lí tưởng của ông và các bậc tiền bối là độc lâp dân tộc đã được thực hiện. Vậy xin ông chỉ mộ để con cháu di dời hài cốt ông về quê hương!”. Nhưng ông bảo cái đó phải xem xét, để tính sau, cứ bố trí cho ông gặp con gái đi đã. Thế là tôi hứa với ông, ngày gần nhất chúng tôi sẽ mời nhà ngoại cảm Ánh vào Sài Gòn để ông gặp O Hồng. Trong thâm tâm tôi cũng muốn các nhà ngoại cảm đi thực địa một chuyến, vì ông Tập đã sống, chiến đấu và nằm lại nơi đó.

Sau đó, vong về thứ ba là ông Hà Huy Tường - ông thân sinh ra cố TBT Hà Huy Tập. Ông bảo ông cũng đỗ cử nhân, họ mời ông ra làm quan nhưng ông không ra mà về quê dạy học, làm thuốc. Ông khuyên chúng tôi “động viên cho thằng Tập nó về. Nó nặng nề về cái lá thư nó gửi trước đây lắm...”.

 Có lẽ việc tìm hài cốt cố TBT Hà Huy Tập là việc lớn, khác với việc tìm kiếm hài cốt thông thường, nên sau đó Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người (TTNCTNCN) đã lập một đề tài khoa học “Chương trình tìm kiếm hài cốt cố TBT Hà Huy Tập” do TS Bùi Hoàng Oanh làm chủ nhiệm, chị Thu Hà là thư kí đề tài. Theo đề nghị và sự sắp xếp của Trung tâm, việc tìm kiếm hài cốt bác Tập phải được báo cáo với vong linh Hồ Chủ Tịch, nên ngày 12 tháng 11 năm 2008 Đoàn cán bộ Trung tâm (gồm các vị trong Ban giám đốc và một số uỷ viên Hội đồng khoa học cùng con cháu trong dòng họ Hà chúng tôi lên K9 (ở Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội) để trình với Bác. Được sự liên hệ trước của đại tá Hà Văn Sỹ, nên các đồng chí lãnh đạo lực lượng bảo vệ K9 tiếp đoàn rất thân mật.

Trở lại cách làm của Trung tâm là sử dụng thông tin độc lập của nhiều nhà ngoại cảm xem độ trùng khớp thông tin tới đâu. Sau này, chính thức Trung tâm mời ba người tham gia chương trình tìm kiếm hài cốt cố TBT Hà Huy Tập. Đó là các nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh, Nguyễn Hữu Thuận và Phan Thị Bích Hằng.

Từ trái sang: Chị Ánh - anh Lợi - chị Hà và
anh Thuận ngồi nghỉ cạnh hố khai quật

Cũng sau ngày đó, chúng tôi gồm: Tôi (Hà Huy Lợi), Hà Văn Sỹ, Hà Vĩnh Tân, Hà Huy Thanh, Hà Huy Dũng, Hà Huy Dương cùng với chị Trần Thu Hà và những người thân quen, đặc biệt hâm mộ như BS Nguyễn Xuân Lam, Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh.... nhiều lần đến Điện Đệ Nhất Vương Quan - nơi nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh lập để thờ phụng và làm việc. Tại đây, chúng tôi được Đức Hoàng Mười cho các vong linh gia tiên trong dòng họ về gặp con cháu.

Cái khác biệt nơi điện thờ ở nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh là vong linh nào về cũng thể hiện nguyên trạng như khi họ đang sống. Từ phong cách, nếp nghĩ, sinh hoạt và những gì họ biết, họ đã làm đều rất gần gũi, tự nhiên, chan hòa trong mỗi cuộc tiếp xúc. Thời gian đó các cụ tổ tiên họ Hà thường xuyên về chỉ dẫn cho chúng tôi nhiều điều. Lắm khi phải chỉ dẫn và trao đổi đột xuất qua điện thoại di động, nghĩa là người âm liên lạc với người trần bằng điện thoại. Không phải chỉ riêng tôi hay cháu Thanh mà cả anh Sỹ, chú Tân, cháu Dũng, chị Hà... cũng đã có những cuộc trao đổi bằng điện thoại như vậy.


*
* *

Sau chuyến đi K9, chúng tôi có mời Trung tâm và các nhà ngoại cảm vào nhà thờ tổ dòng họ ở Hà Tĩnh để làm việc. Nhưng do nhà ngoại cảm Ánh không bố trí đi Hà Tĩnh được, nên ngày 8 tháng 12 năm 2008 chúng tôi đến Điện thờ Đức Hoàng Mười tại nhà nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh xin Đức Hoàng chỉ dẫn. Hoàng đã vẽ cho chúng tôi một bản sơ đồ khá tỉ mỉ. Nơi đó có nhà dân ở. Nhà này làm gì mà có cả xe cộ, máy móc và đất cát. Phía sau nhà có cửa mở thông ra là có thể nhìn thấy phần mộ bác Hà Huy Tập. Tôi hỏi Đức Hoàng ở đó có nhiều mộ không? Đức Hoàng bảo nếu nhìn trên mặt đất thì thấy bình địa vì họ đã san lấp, đổ đất lên trên. Nhưng khi bị xử bắn thì có hai người là Tổng Bí thư của Đảng với mấy đồng chí khác nữa, trong đó có một người là Bí thư xứ uỷ Nam Kỳ. Người Bí thư này quê ở đó thì đã được quy tập từ năm trước rồi. Số còn lại vẫn nằm quanh đó. Hôm xử bắn xong, người dân địa phương đã bí mật lấy xác những người bị bắn, đem đi chôn vào lúc xẩm tối. Nếu đoàn vào đó phải gặp được người có tên là Cửu Dốt (nhưng hiểu ngược lại) thì sẽ biết thêm một số thông tin, vì chính người này được sang tai lời người đi chôn cất. Còn phần mộ cố TBT nhà mình có độ sâu khoảng 80 phân đến 1 mét tính từ mặt đất cũ (tức là không tính phần đất mới đổ lên). Nơi hài cốt có một vật giống thanh sắt, nhưng không phải là sắt, mà là tre, chỉ dài khoảng mươi phân cắm ở cổ nối với thân. Hài cốt chôn không có quan ván gì cả, chỉ còn một chút xương ống, một ít xương sườn. Nhưng rõ nhất là cái răng hàm.

Chúng tôi hỏi: Cửu Dốt là người như thế nào? Đức Hoàng chỉ cười và nói: “Các gia chủ có biết cửu là mấy không? Dốt là gì không?”. Suy luận mãi chúng tôi mới biết Cửu là chín, trái với Dốt là giỏi. Hóa ra người đó là Chín Giỏi. Tôi lại hỏi Đức Hoàng khu vực đó cách xa trường bắn bao nhiêu? Đức Hoàng nói khoảng chín trăm đến một nghìn mét. Nhưng nhớ tới khu trường bắn phải tìm được anh Cửu Dốt để họ dẫn đường tới khu vực Tắm Ngựa.

Đặc biệt Đức Hoàng luôn nhấn mạnh về sự đồng tâm nhất trí của con cháu trong dòng họ. Đức Hoàng bảo: “Nếu các gia chủ và dòng họ nhất tâm thì Hoàng sẽ giúp. Vì Hoàng là quan Trấn thủ đất Nghệ An, tức là cả quê hương Hà Tĩnh nữa, mà vong là một con người lịch sử rất đáng trân trọng thì Hoàng sẽ giúp tìm được mộ”.


*
* *


........Theo lịch trình, đoàn chúng tôi vào Hà Tĩnh. Ngày 12 tháng 12 năm 2008 sau khi dâng hương xin phép tại nhà thờ đại tộc ở Tùng Lộc, Can Lộc đoàn công tác đến nhà thờ tổ họ Hà Huy ở xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng có buổi tiếp xúc với người âm. Nhà ngoại cảm Hằng đặt tấm ảnh bác Hà Huy Tập lên án thờ rồi khấn nguyện sau đó mô tả lại:

- Người đầu tiên về là cụ Phẩm, cụ nói: “Việc chuẩn bị sắm lễ ở nhà thờ sơ sài quá”. Cụ phẩy tay một cái rồi đi ngay.

- Các nhà hoạt động cùng thời với bác Hà Huy Tập hôm nay cũng về, trong đó chỉ thiếu bác Nguyễn Văn Cừ.

- Cụ Tường thân sinh ra bác Tập, thường xuyên đứng sát bác Tập để động viên bác Tập nên chỉ mồ mả để cho thế hệ con cháu rước về với tiên tổ.

- Bác Hà Huy Tập nói: “bác nằm ở 18 thôn Vườn Trầu đã bao nhiêu năm cùng đồng đội, nên hiện nay bác đã coi vùng đất đó gần gũi như quê hương Cẩm Hưng - Cẩm Xuyên rồi. Vì vậy các con đừng tìm kiếm làm gì nữa”.

- Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng thuyết phục bác và mong ước được tìm để đưa hài cốt của bác về quê hương thì sau đó bác Hà Huy Tập chỉ nói: Việc này để bác về họp Chi bộ xem đã rồi bác sẽ trả lời sau.

- Bác Thái xuất hiện nói: Tôi cùng nằm với các cụ cách mạng. Tôi không phải là cờ đỏ sao vàng nhưng tôi rất khâm phục các cụ. Các cụ ta là lãnh tụ cần có nơi yên nghỉ yên ấm hơn. Tôi rất muốn chỉ để các cụ được về nơi xứng đáng.

- Nhà ngoại cảm Bích Hằng: Được thế thì tốt quá. Về phần bác Hà Huy Tập thì cháu sẽ cố gắng thuyết phục. Đề nghị bác Thái cứ chỉ dẫn cho chúng cháu.

- Bác Thái: Việc này cháu đừng hỏi cụ Tập, cụ ấy không chỉ đâu. Một vị lãnh tụ mà để nằm ở đấy thì không xứng chút nào. Hiện mộ cụ Hà Huy Tập nằm ở dưới lùm cây có hoa giăng. Nơi đấy trước đây đi theo đường từ ngã tư Giếng Nước, đi qua con mương có lác đác vài ngôi mộ. Phần lớn những người bị hành hình đều đưa ra chôn ở đây, đó có lùm cây, chưa có nhà cửa.

Lối đi ra từ ngã tư Vườn Trầu thời Pháp gọi là Gông Đe. Dân ở đây gọi là hình thoi đi qua mương có mấy cây dừa nước. Có ngôi mộ cổ cách nơi xử bắn độ 70m. Ngôi mộ cổ này nay chỉ còn là đống đổ nát. Nhìn về phía tây có chùa. Hoa bìm bịp tết như đèn lồng nhìn sang bên phải có đường cột điện.

- Bác Thái nhắc lại: Bác Tập nằm ở góc tù giao bởi hai lối đi xưa gọi là Vườn Trầu 1. Bác Thái nói khi nào về đó bác Thái sẽ hướng dẫn. Bác Thái nói cách đây mấy tháng đã có đoàn con cháu đến vùng đó thắp hương và đi qua đó một đoạn, chỗ người đứng cầm hương vái là đúng gần đó rồi đấy.

- Bác Thái nói: Hôm qua đến hầu vị đại thần, tôi có xin cho cái lệnh mà nay không có lời cảm ơn.

- Nhà ngoại cảm Bích Hằng ngước lên hỏi chung quanh: Thế cái lệnh đó ở đâu?

- Anh Sỹ đáp: Lệnh đó đang đặt ở trên án thờ.

- Bác Thái nói: Sinh nhật bác Tập là ngày 24 tháng 6 năm 1906. Ngày mất của bác Tập 28 tháng 8 năm 1941. Bác Thái cũng bị hành hình ở đấy nhưng bác Thái nằm dưới cụ Tập.

- Nhà ngoại cảm Bich Hằng nói còn nhìn thấy về nhà thờ hôm đó có hai bà tổ cô: Một bà đẹp như tiên khoảng 21 - 22 tuổi, một bà độ 10 - 13 tuổi.

- Nhà ngoại cảm Bích Hằng còn hỏi thêm bác Tập: Thưa bác, sáng nay khi cháu đang tìm mộ ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) trong lúc đang làm việc thì nghe vong mà cháu đang hỏi chuyện có nói: Hiện đang có vong họ Hà đến. Rồi vong đó lại nói: Trước đây tôi cũng có làm việc với bác Giáp.

- Thế có phải bác làm việc với bác Võ Nguyên Giáp không? Vong trả lời: Không phải, tôi trước đây có làm việc với bác Hà Huy Giáp. Vậy thì thưa bác Hà Huy Tập, có phải lúc đó bác ra đó không ạ?

- Bác Hà Huy Tập trả lời: Không phải bác đến đâu. Đó là vong nhỏ con nhà Lợi đó, đi đâu nó cũng đi theo. Mà bây giờ nó đang còn ở đây này.

- Nhà ngoại cảm Bích Hằng: Lúc đó tôi quay ra nhìn không thấy rõ hình vong chỉ thấy cái bóng lướt qua nên không tả chính xác được.

Nhà ngoại cảm Nguyễn Hữu Thuận sau khi cùng đoàn vào dâng hương ở nhà thờ tổ thì thường đứng ra một bên để quan sát, không nhận xét, không đánh giá, đôi lúc đi đi lại lại như đang tập trung để tiếp xúc với người âm. Ngày hôm sau, 13 tháng 12 năm 2008 tại nhà Hà Huy Lợi, nhà ngoại cảm Nguyễn Hữu Thuận vẽ sơ đồ khu mộ của cố TBT Hà Huy Tập và cung cấp thông tin. Sau khi xem sơ đồ, tôi hỏi nhà ngoại cảm Thuận: “Vùng đó có nhà dân không?” nhà ngoại cảm trả lời: Có nhiều, gần khu mộ có 3-4 nhà. Nhưng chú ý có một nhà lợp mái nhưng không xây tường, nó như kiểu nhà kho, xưởng gì đó. Nhà đó có cửa sau phía bên phải mở ra có thể đi được đến phần mộ bác Hà Huy Tập, ngay trước nhà có một cột điện cao. Phía bên trái nhà có rãnh nước chảy đến phần mộ. Đất người ta đã đổ đến phần mộ. Có dãy hàng rào từ nhà họ rào ngang đến phần mộ. Chứng tỏ mộ đang nằm trong phần đất đã có chủ. Từ góc nhà đến phần mộ bác Hà Huy Tập khoảng 10 mét. Từ mặt đất nguyên thổ đào sâu xuống đến hài cốt sâu khoảng gần 1 mét.

Mấy tháng trước con cháu đi tìm mộ bác Hà Huy Tập đã đến hỏi thăm nhà này, lúc gia chủ đến hỏi thì nhà đó có đứa bé ra mở cửa.

Một đặc điểm đáng chú ý: Lần đi tìm trước có người đàn ông trạc tuổi 50 hoặc hơn 50 dẫn đường. Người đó mặt to, hơi dài dáng đậm. Mặt có nhiều dấu vết như bị đậu mùa. Hôm đó dẫn con cháu đi tìm xong về ăn trưa tại quán ăn thì người đó ngồi cùng ông Lợi một bàn nhưng không đối diện thẳng mà lệch nhau một chỗ”.

Tôi hỏi: Chú đã biết chi tiết như vậy thì đề nghị chú nói rõ trong bữa ăn trưa hôm đó người dẫn đường tặng tôi cái gì?

Nhà ngoại cảm Thuận đăm chiêu suy nghĩ như thể đang cố hình dung lại sự việc rồi trả lời: “Người đó tặng bác Lợi một bức tranh có màu sắc sống động”, nhưng chỉ một lát sau nhà ngoại cảm lại cải chính, “không phải bức tranh mà là bức ảnh màu to hơn bàn tay một tí”.

Tôi thực sự cảm phục khả năng tái diễn hình ảnh của nhà ngoại cảm Thuận và lấy ra cho chú Thuận xem hai bức ảnh mà ông Chín Giỏi tặng tôi hôm đó.

Nhà ngoại cảm Thuận lại nói tiếp: Khoảng cách từ trường bắn cũ đến phần mộ khoảng 270 mét đường chim bay. Khi bác Lợi đi qua phần mộ có bị vấp ngã đó là do người âm níu chân.

Đặc điểm đáng chú ý: Trên mộ có một cây nhỏ thân bằng ngón tay cái, tán lá bằng chiếc nón, cây có một cành mọc ngang che đúng phần mộ của bác Hà Huy Tập. Trên mộ xuất hiện một lỗ nhỏ như lỗ hang dế.

Những dấu hiệu đáng lưu ý sẽ xuất hiện: Nếu sắp tới đoàn của Trung tâm, cùng nhà ngoại cảm và con cháu đến khu vực đó tìm mộ thì sau khi mọi người đến thắp hương cầu nguyện được khoảng 7 - 10 phút sẽ có một bà má Miền Nam lưng còng khoảng 60 - 70 tuổi xuất hiện và chỉ cho nhiều nội dung cụ thể.

Nếu khai quật từ mặt đất nguyên thổ đào xuống khoảng 90 - 100cm thì gặp hài cốt. Có một vật rắn như thanh tre, thanh gỗ gì đó đè lên từ đầu đến ngực, theo chiều từ trên xuống. Hài cốt vẫn còn một ít xương, còn xương ống chân.

Tôi hỏi: Theo chú khi đi tìm mộ thì thành phần gồm những ai.

Nhà ngoại cảm Thuận ngẩng lên như nghe ngóng ý kiến của ai đó truyền đạt rồi chậm rãi nói: “Đây là ý của cụ Hà Huy Tập, ai cũng được nhưng phải đảm bảo các điều kiện: Tướng, Hiệu, Diệu, Binh mới làm được trận động đình. Các cháu đi tìm mộ được ước một điều ước nhưng phải quy về một mối.

Hà Huy Lợi hỏi: Theo sơ đồ chú Thuận vẽ thì khu vực mộ ở đó địa phương gọi tên là gì?

Nhà ngoại cảm Thuận nhìn xa xăm như đang hình dung lại rồi nói: “Chỗ đấy có nhiều súc vật đi lại lắm, nhiều con ngựa đi lại ở đó. Đúng rồi, đó là Bến Ngựa Tắm”.

Tôi thán phục và nói luôn, vùng đó dân gọi là Bến Tắm Ngựa.

Để các nhà ngoại cảm cung cấp thông tin hoàn toàn độc lập, chúng tôi cũng giữ nguyên tắc không nói cho nhà ngoại cảm biết thông tin của nhau. Đến ngày 19 tháng 12 năm 2008, tức là trước khi cả đoàn ngoại cảm và trung tâm vào thành phố Hồ Chí Minh, chị Hà gọi điện cho tôi báo phải ra ngay nghe Đức Hoàng dặn dò để ngày 20 tháng 12 vào Sài Gòn. Tôi bận không ra được nên bảo cháu Thanh cùng đến với chị Hà. Chị Hà có nói lại với tôi: Đức Hoàng nhắc đoàn ta đi đợt này đã hội đủ: Tướng, Hiệu, Diệu, Binh chưa? Khi đó chị Hà tưởng có anh Hà Văn Thạch là phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cùng đi nên trả lời: “Thưa Hoàng, cơ bản đã đủ rồi ạ!”. Sau đó Đức Hoàng cho hai người chứng kiến sơ đồ vị trí mộ ở vùng Bến Tắm Mã thuộc xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn mà Hoàng đã vẽ cho tôi hôm mùng 8 tháng 12. Hoàng còn ban cho mỗi người một cái Lệnh, nói phải mang theo bên mình để mọi việc vào đó còn xoay chuyển được. Khoảng 3 giờ chiều ngày 21 tháng 12 năm 2008 tôi cùng đoàn đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, gồm chị Oanh, anh Sỹ, chị Hà, nhà ngoại cảm Ánh và nhà ngoại cảm Thuận. Chúng tôi bố trí để nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh nghỉ lại khách sạn và đưa nhà ngoại cảm Nguyễn Hữu Thuận cùng cả đoàn ra hiện trường. Tại khu vực xã Xuân Thới Thượng, sau gần ba tiếng đồng hồ đoàn công tác xác định khu vực Bến Tắm Ngựa mà nhà ngoai cảm đã vẽ trên sơ đồ trước đó. Nhà ngoai cảm Nguyễn Hữu Thuận đã chỉ vào vị trí cây cọ cao khoảng 30 phân nói: đó là phần mộ bác Tập.

Đến 5h chiều chúng tôi cùng nhà ngoại cảm Ánh đến nhà O Hồng, ở 45 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận. Tôi xin ghi lại cuốn băng ghi âm hồi 19h đến 21h30 ngày 21 tháng 12 tại nhà O Hồng, con gái cố TBT Hà Huy Tập. Nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh nói: “Hiện bây giờ tôi nhìn thấy vong ở ngoài kia rất nhiều. Có vong cụ Phi, cụ Trực đang dẫn nhau vào, tiếp theo có bà cô tên là Huê, ngang vai với cụ Phẩm. Cụ Đán đã vào - cho xin 1 ly nước trắng. Cậu bé họ Hà đang sắp xếp cho các vong vào theo...” Bỗng nhiên nhà ngoại cảm Ánh quay ra bảo chị Hà: “Ơ, chị Hà ơi! sao hôm nay Đức Hoàng cho em nhìn rõ người âm, mà người âm họ Hà làm to lắm. Có ông cụ lúc đầu em nói đấy, không hiểu cụ làm gì mà lại ngồi kiệu 4 người khiêng trông oai lắm!”. Xong rồi nhà ngoại cảm nói tiếp: “thanh đồng con xin bắc ghế cho Đức Hoàng ngồi. Họ Hà ta cần những thông tin gì thì lúc đó vào mà hỏi.” Đức Hoàng nhập vong: “chào gia chủ, chào bách gia trăm họ”.

Chị Hà: “hôm nay Trung tâm và họ Hà vào đây rất mong gặp Hoàng, nhờ Hoàng giúp đỡ cho gia đình và Trung tâm để tìm đựơc hài cốt cố TBT Hà Huy Tập và các liệt sỹ trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Xin Hoàng giúp đỡ”.

Đức Hoàng Mười: “Hoàng về sang tai cho gia chủ và họ Hà, Hoàng xin chào bách gia trăm họ. Ngày hôm nay Hoàng về đây làm việc. Nếu nói về Đảng và Nhà nước dưới góc độ tâm linh thì có Hồ Chí Minh chỉ đạo việc này. Hôm nay về đây làm việc có dòng họ Hà, người trần cũng như người âm làm việc rất công khai, minh bạch và sau đó phải theo thứ tự nề nếp, không thể lộn xộn được.

Nay cậu bé họ Hà đã mời được các vong của họ Hà về đây như Hoàng đã sang tai cho ghế và ghế đã sang tai cho bách gia, gia chủ. Còn việc đi tìm mộ, Hoàng đã cho ghế vẽ một cái sơ đồ, nay thì Hoàng biết ghế Hoàng sẽ chưa đi thực địa, đúng ra theo chương trình của Trung tâm thì ghế Hoàng phải làm trước, nhưng Hoàng biết đã có nhà ngoại cảm đến thực địa. Cái đó là Hoàng hoàn toàn nhất trí trên quan điểm. Còn ngày hôm nay về đây, ghế Hoàng làm cái cầu nối giữa cố TBT để gặp được người con gái duy nhất. Người con gái duy nhất có muốn gặp cha và dòng họ Hà có muốn gặp người đó hay không?

Anh Sỹ: “Thưa với Ngài, đây là con gái của cố TBT Hà Huy Tập và dòng họ Hà rất tha thiết muốn gặp...”.

Đức Hoàng Mười: “Bây giờ Hoàng sẽ cho cố TBT về, sau đó người trần và cố TBT sẽ trao đổi với nhau.

Chị Hà: “Con xin hỏi thêm một chút, ngày mai thì chúng con muốn ra thực địa, mời Ngài giúp đỡ chúng con”

Đức Hoàng Mười: “Việc đó Hoàng sẽ trả lời sau...”

Chị Hà: “Chúng con ở Hà Nội vào và cả đoàn đi...”

Đức Hoàng Mười: “Chút nữa TBT về sẽ dặn 1 số việc thì các ghế và gia chủ họ Hà phải có một cái lễ để đến gặp anh Bẩy Già, dòng họ đã biết chưa?

Chị Hà: “Anh Bẩy Già thì gặp ở đâu ạ?”

Đức Hoàng Mười: “Dòng họ chưa biết anh Bẩy Già là ai à?- Võ Văn Tần chính là cụ này đã kêu xin và đã truyền đạt những nguyện vọng của họ Hà và bên Trung tâm thì sau đó cố TBT này mới có chiều hướng nhất trí”.

Lợi: “Xin hỏi Hoàng đến mộ cụ Bẩy Già thì ở đâu ạ?

Đức Hoàng Mười: “Từ đây về quê hương anh Bẩy Già thì rất gần. TBT nói trước kia trong trận sự đó thì có cả anh Bẩy Già này, nhưng sau đó anh Bẩy Già là quê hương ở đây thì đã được người địa phương đưa đi chôn cất ở một nơi khác chứ không phải nơi TBT đang nằm. Gia chủ họ Hà hiểu chưa?

Đó là họ Hà phải tìm về nơi đó. Tìm về quê hương thì sẽ biết được. Nguyện vọng của cố TBT là Trung tâm phải kết hợp với họ Nguyễn và họ Lê tìm được một đồng chí nữ.

Lợi: “Có phải là đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai không ạ?”

Đức Hoàng Mười: “Nếu như họ Hà đã nói tên người nữ họ Nguyễn đó thì tôi cho biết cái tên này tự họ Hà phải dịch ra. Bí danh của người này là Lý Duệ Phương. Người này trước kia không phải tên khai sinh như thế. Mà ngày đó đi Hồng Kông mang bí danh này, sau đó bị bắt. Lý Duệ Phương là ai thì tự Trung tâm kết hợp với họ Nguyễn và họ Lê thì ra được người này, đấy là phần việc của Trung tâm. Nguyện vọng của TBT là rất muốn đưa đồng chí ấy về quy tập tại quê hương. Còn có gì liên quan đến phần mộ thì gia đình và Trung tâm cứ hỏi tôi.

Chị Hà: “Ngày hôm qua chúng con đã được Hoàng cho một cái sơ đồ chỉ chỗ mộ của cố TBT. Ngày hôm nay chúng con đã đi đến thực địa đấy với một nhà ngoại cảm mà Hoàng đã nhắc. Chúng con cũng ra được diện tích to bằng cái phòng này ạ”

Đức Hoàng Mười: “Hoàng biết rằng lẽ ra hôm nay là mời vong của TBT về trước sau đó mới đi thực địa, đấy là ý định của bên Trung tâm. Nhưng Hoàng biết thiên cơ, vào đây tự dưng sẽ thay đổi và đi thực địa trước...”

Chị Hà: “Vậy xin Hoàng chỉ dẫn cho biết thêm một số thông tin xuất hiện trong sáng mai để công việc tiến triển thuận lợi hơn”

Đức Hoàng Mười: “Thế thì đã hội tụ đủ 4 từ chưa?”

Lợi: “Xin với Hoàng...”

Đức Hoàng Mười: “Gia chủ họ Hà phải kêu với TBT, còn Hoàng chỉ là người truyền đạt.”

Chị Hà: “Anh Lợi ra thắp hương kêu với TBT đi”

Đức Hoàng Mười: “Hiện bây giờ có cụ Tường mới về... có thể dòng họ là người trần không thể nhìn thấy được, tôi sẽ truyền lại: ngồi cao nhất bên tôi là cụ Đán, rồi đến cụ Phẩm, rồi đến anh Tâm, anh Tập, hiện ở đó đang có những ý kiến trái ngược nhau. Cụ Tường bảo: như cái giấy này* tôi sẽ viết hàng nghìn cái giấy gửi đi. Các cụ đang nói đấy. Tự họ Hà phải kêu xin nhưng vẫn chưa đồng ý. Cụ Tường bảo: ngày xưa còn mời tôi ra làm quan nhưng tôi không ra...

Hiện bây giờ có một người ở khu mộ đã về và đang xin gia tiên dòng họ Hà, đó là vong hồn Phạm Hồng Thái, mà trong dòng họ Hà vẫn chưa nhất trí bởi chưa hội tụ 4 cái từ đó.

Hiện lại có cả vong đồng chí TBT Nguyễn Văn Cừ đang về để kêu xin trong việc tìm hài cốt”

Chị Hà: “Có TBT Nguyễn Văn Cừ và có cả ai nữa ạ?”

Đức Hoàng Mười: “Tôi mới nhìn thấy Nguyễn Văn Cừ và Phạm Hồng Thái. Còn một người nữa đang đứng ở ngoài.”

Anh sỹ: “Có phải ra thắp hương mời vào không ạ”

Đức Hoàng Mười: “Không. Cứ kệ người âm người ta mời. Kìa, để xê cái cốc nước ra cho đồng chí Phan Đăng Lưu vào ngồi.

Hiện ở đây có bà cô Cẩm nói: ai là con nhà Di mà ta chả vào được. Vậy ai là con nhà Di?.

Hà Huy Dương: “Dạ con là Dương con ông Di đây ạ”

Đức Hoàng Mười: “Cô nói con nhà Di ở đâu mà cô không vào nhà được, chứ không phải cô không vào được ở đây. Bà cô nhờ tôi nói lại: con nhà Di về làm sao phải kêu với bà cô Cẩm về nhà mình chứ không phải là ở đây. Bà cô này còn nói các vong linh họ Hà về rất nhiều, nhưng đến đây thì thuộc nhánh họ khác nên chỉ vào được rất hạn chế. Thế nhưng cậu bé họ Hà còn nói là đang đi rước một cái kiệu to sao mãi vẫn chưa thấy về. Rồi để yên tí xem cụ là ai (một lát sau) - cụ đã về đến đây. Cụ nhờ tôi truyền lại, trước tiên là cụ cảm ơn Trung tâm đã tạo điều kiện nghiên cứu những người, cụ đang cười khi trung tâm gọi những người đó là người có khả năng đặc biệt. Nhưng cụ gọi là những người được Thánh cho ăn lộc, để rồi con cháu biết đến cụ ngày hôm nay. Cụ chính là cụ Hà Tông Mục đấy”

Đức Hoàng Mười: Đây là tôi truyền lại lời cụ thôi nhá. “Con cháu phải nghĩ cụ nói đời vua Lê, Chúa Trịnh ngày xưa họ Hà ta bị lưu lạc, rồi mới thành họ Hà nọ, họ Hà kia. Dòng họ ta có cả Tiến sỹ”. Bây giờ cậu bé lại bảo còn 1 người Tiến sỹ nữa vừa đến. (Đức Hoàng chỉ lên bàn thờ) - để gọn tờ giấy lại để cụ Hà Công Trình ngồi (Tờ giấy của Hà Văn Thạch gửi Hội đồng hương Hà Tĩnh tại thành phố HCM). Cụ Trình đây! cụ hỏi con cháu có biết cụ không (chỉ vào o Hồng) cụ hỏi cháu, cháu có biết cụ không?

O Hồng: “Cháu không biết được ạ!”

Anh Sỹ; “Cháu biết ạ”

Đức Hoàng Mười: “Tôi sẽ nói lại những gì trong họ Hà đang nói, ngoài gia tiên họ Hà và cố TBT còn có một cố TBT và một đồng chí khác nữa, tức là có hai người ngoài dòng họ cùng đến... đấy là mọi việc liên quan đến phần mộ và dòng họ, tôi đã làm xong, tôi sẽ cho người trong gia đình gặp cố TBT. Bây giờ dòng họ còn gì để hỏi?

Hoàng nói thêm, còn rất nhiều các vong linh hiện đến nhưng không vào được vì đây là một dòng họ khác”

Lợi: “Con xin hỏi lúc nãy Ngài nói ngày mai muốn làm việc được thì đến mộ ông Bảy Gìa...”

Đức Hoàng Mười: “Sáng mai đến đó xong, sẽ cho các nhà ngoại cảm vòng lại nơi Bến Ngựa. Hoàng chỉ gọi vắn tắt thế thôi, vì ngày xưa khu đó là khu giải trí của địch. Còn cố TBT nói là muốn về gặp con gái thôi”.
Chị Hà...

Đức Hoàng Mười: “Đi gặp cụ Võ Văn Tần, sau quay về Bến Ngựa và nói gia chủ phải liên lạc với người có tên ngược với Cửu Dốt. Đấy là đã vẽ cho họ Hà một bước đi rồi”

Chị Hà: “Chúng con rất cảm ơn Hoàng, chúng con rất mong Hoàng sẽ tác động thêm cho các cụ họ Hà thông cảm với con cháu. Thực ra bốn chữ Tướng, Hiệu, Diệu, Binh đó, cứ luận mãi cũng chưa hiểu thế nào cho chính xác. Đến hôm qua mới được Hoàng nói thì đã quá muộn, không thể nào kịp”.

Đức Hoàng Mười: “Hiểu cái từ đó như thế nào thì cố TBT đang chỉ sang cháu này, bảo cháu giải thích (chỉ vào anh Hà Văn Tăng).

Hà Văn Tăng: “Tướng hiệu như có lệnh, như đại bản doanh nhưng ghép lại cả bốn từ thì chưa hiểu và chưa nghe bao giờ”.

Đức Hoàng Mười: “Cố TBT đang cười. Cháu ăn nói thông thạo thế mà bốn từ ta tuyên cũng không giải nổi. Bây giờ Hoàng chào bách gia trăm họ, TBT về nói với con gái chuyện gì đó, mọi người ra ngoài”.

Bác Tập: “Trời ơi! Con của cha, hơn 60 năm trời rồi Hồng ơi! Con có nhận ra cha không? (Đoạn tiếp theo hai người nói nhỏ quá, máy không thu được)...

... Con ngồi lên đây... Cha nói thế con nhận ra chưa, con nhận ra chưa, ngày 16-1-1938... Bây giờ con nhận ra cha chưa? Ngày đó cha về nhưng không được chuyện trò thế ni. Hồi xưa trước khi mất, cha đã viết bức thư để lại: “Nếu cha chết thì không phải thờ cúng, không phải làm chi cả. Tự dưng bây giờ... cha thấy sai quá, cha thấy nó sai quá. Tức là cha bị bắt rồi, cha đã viết nếu như tôi bị chết thì mọi người cứ coi như tôi đi công tác lâu ngày, không phải tìm người thờ cúng. Bây giờ...”

Sau đó bác Tập nói những chuyện riêng trong nội bộ gia đình với O Hồng và con gái O Hồng. Xong bác gọi các cháu vào. Tôi nói: “Ngày mai nhờ ông..., chúng con sẽ quay ra chỗ đó nữa...”.

Nội dung đoạn này khá dài. Cố TBT Hà Huy Tập căn dặn nhiều điều. Bác rất áy náy về bức thư đã viết gửi người em rể. Tôi, anh Sỹ và cả chị Hà luôn động viên bác, xin bác chỉ mộ để rước hài cốt về quê.

Bác Tập: “Tất cả những gì ông đã họp, quan đã sang tai cho con cháu, cho bên Trung tâm biết rồi thì ta cứ tiến hành. Phải nhớ là về quê anh Bảy Gìa”

Ông Lợi: “Con sẽ nhớ... lần này vô đây con đã nhờ anh Lam Hội trưởng Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Sài Gòn để biết mộ cụ Võ Văn Tần, chứ con thật sự chưa biết mộ ông Bảy Gìa ở chỗ nào”.

Chị Hà: “Con muốn nhờ ông chỉ mộ ông Bảy Gìa”

Bác Tập: “Tự con phải lần. Cái gì cũng bày sẵn ra cho thì dễ rứa”

Ông Lợi: “Vậy nhờ bác bày cho chúng con cụ thể thì tốt biết mấy”

Bác Tập: “Ông không bày. Dễ quá, đường mà dễ đi không phải đường tu. Ông nói thêm một chi tiết này, ngày mà ông được kết nạp Đảng cộng sản Liên Xô là ngày 25-4-1931, số thẻ Đảng 10444”.

*********************************************

Khoảng 12 giờ đêm, khi tôi vừa chợp mắt, bỗng có chuông điện thoại. Chị Hà báo cho tôi biết là cậu bé họ Hà bảo trước khi trời sáng phải có mặt tại mộ ông Bảy Gìa trước 5 giờ sáng thì sẽ thấy rất nhiều điều về tâm linh. Thế là lúc 3 giờ 30 phút chúng tôi lục tục gọi nhau dậy và ra nghĩa trang thành phố. Hồi 5 giờ 45 phút chúng tôi có mặt tại ngôi mộ cụ Võ Văn Tần (tức ông Bảy Gìa). Ngay khi đến nghĩa trang, đoàn chúng tôi chia thành ba tốp. Một tốp anh Sỹ và tôi vào thắp hương ban thờ Bác Hồ. Tốp nhà ngoại cảm Nguyễn Hữu Thuận vào thắp hương ở đài liệt sĩ chung, còn tốp nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh cùng Trung tâm và cháu Hà Huy Dương tự dưng đi rất nhanh tới mộ ông Bảy Gìa như có ai dẫn đường. Sau đó tất cả chúng tôi đặt lễ dâng hương trước mộ cụ Võ Văn Tần. Chắc hội nghị của các cụ dưới âm đang họp bàn. Nhà ngoại cảm Ánh nói: “Các cụ toàn giới thiệu tên bằng tiếng tây, vậy cho tôi mượn cái bút để tôi viết ra giấy mọi người xem rồi đọc, còn thanh đồng con thì chịu không đọc được, xin sám hối các cụ”.

Chị Hà đưa cho nhà ngoại cảm Ánh một mảnh giấy, ghi vào đó rồi đưa mảnh giấy cho mọi người xem và nói: “Tức là thành lập Đảng cộng sản ấy. Trong ba người này là đi với nhau. Cụ nói, như mình nay gọi là TBT, Phó TBT gì gì đó. Tức là ba người này: 1. Lit Vi Nop - 2. Svan - 3. Xinhitrơkin.

Và sau đó cùng tháng nhưng mà khác..., ngày 29, 30 tức là cuối tháng thì cụ có tên tiếng tây ở cuối cùng là cụ chủ trì cuộc họp. Lại có cả cụ Hoàng Quốc Việt, lại có cụ tên rất khó đọc.

Có lẽ do thấy nhà ngoại cảm Ánh lúng túng khi diễn giải, Đức Hoàng nhập về. Hoàng nói: “Ngày 1-9-1937 và ngày 29-30 tháng 3-1938 tại Bà Điểm, Hóc Môn, Hà Huy Tập chủ trì hội nghị Ban chấp hành Trung Ương (BCHTW) gồm có: Xinhitrơkin tức Hà Huy Tập, Litvinốp tức Lê Hồng Phong. Nguyễn Chí Diểu tức Nguyễn Văn Trọng. Hạ Bá Cang tức Hoàng Quốc Việt. Bảy Già tức Võ Văn Tần. Siêng tức Ngô Văn Tâm và Nguyễn Văn Cừ.

Nhưng ngày hôm nay, tại đây thì ông Bảy Già chủ trì cuộc họp. Ngày xưa ông ấy là Uỷ viên BCH TW, Bí thư Xứ uỷ Nam Kì. Phía gia tiên họ Hà có cụ Trình, cụ Phẩm, cụ Trực, cụ Nhiếp, bà Tổ Hà Thị Thanh Vân và cậu bé. Bây giờ Hoàng sẽ đi để ghế Hoàng sang tai cho các gia chủ”.

Nhà ngoại cảm Ánh: “Bây giờ như thế này nhé, tôi sẽ nghe tiếng nói của người âm, nghe được cái gì của người âm tôi sẽ nói nguyên văn. Đấy, lẽ ra mình đến được sớm thì dự được đầy đủ cuộc họp của các cụ. Bây giờ là cuối cuộc họp đã đi đến biểu quyết rồi. Đợi một chút nữa sẽ làm việc với các vong nhà mình tại đây. Cậu bé nói là phải đợi một chút nữa.

Ông Thánh nói thế này. Trong cuộc tìm mộ cụ họ Hà thì ông Hà Huy Tập đã nhất trí, nhưng có một điều kiện, đó là hiện bây giờ ông muốn đưa một nữ đồng chí về cùng, trong đó người nữ đồng chí này có mối quan hệ dương trần. Mình tạm hiểu ông ấy dịch ra là mối quan hệ với một vị Đại tướng. Dạ, lạy quan sao lại gọi là vị Đại tướng ạ? Đức Hoàng cho biết người này mất nhưng có người em gái kết hôn với vị Đại tướng. Nhà ngoai cảm Ánh: Lạy quan chúng con chưa hiểu lắm... ông Mười nói là thiên cơ bất khả lộ. Tức là vị Đại tướng tạm thời ta gác lại.

Nhưng ta biết người em của nữ đồng chí đó là vợ của vị Đại tướng ấy. Liệu Trung tâm có đồng ý làm tư tưởng với người của dòng họ đấy và chuyển người đó về được hay không? Nếu làm được theo yêu cầu như thế thì khấn nguyện với bác Hà Huy Tập”.

Lợi: “Chị Oanh có lời đi ạ”

Chị Oanh khấn lầm rầm điều gì đó, không ghi được giọng nói.

Nhà ngoại cảm Ánh: "Bác bảo là hứa rồi thì phải làm. Đấy là bác nói thế, làm sao để đưa được đồng chí ấy về. Bác Tập hướng dẫn đoàn xe đi từ Bến Tắm Ngựa về dừng lại ngã tư Giếng Nước. Từ ngã tư Giếng Nước đi ngược về phía tây nam khoảng 100m thì dừng lại nhìn phía tay phải sẽ thấy một cái gì đó gợi về tổ quốc, nhưng chưa phải thời điểm là lúc này. Đấy là bác dặn như thế. Bác gọi tạm thời như ngày hôm nay cứ đến và coi như đi vãn cảnh, nhưng không phải đi vãn cảnh đâu, cứ đến đó rồi sẽ biết. Bây giờ mọi người có nhất trí như ý nguyện của bác không, bác nói nếu nhất trí thì đi đến quyết định”.

Ông Sỹ: Thay mặt Ban liên lạc họ Hà chúng con xin thực hiên lời ông dặn, trong đó việc mời được ông về quê hương bản quán.

Ông Lợi: “Đứng về phía gia đình, dòng họ chúng con hoàn toàn nhất trí. Đề nghị với trung tâm đồng thời cùng giải quyết việc này”.

Chị Oanh: “Trung tâm xin hứa sẽ cùng với dòng họ Hà tìm được hài cốt cố TBT Hà Huy Tập và...”.

Nhà ngoại cảm Ánh: “Đó là ông Hoàng và các bác xứ uỷ Nam kì dặn Trung tâm và gia chủ họ Hà. Tôi chỉ biết nói lại như thế. Sau đây đi lên Bến Tắm Ngựa nhớ phải qua trường bắn thắp hương trước.

Tại hiện trường bến tắm ngựa, khi đang khấn nhà ngoại cảm Ánh bỗng nói: “Tôi nhìn thấy một cậu bé rất xinh xắn cầm cái áo tù, giống như người cầm mảnh vải dử con bò tót ấy, cứ lượn đi lượn lại chỗ cây bàng. Chiếc áo tù mang số 7722. Cậu bé này bảo đấy là áo của ông Tập và thẻ Đảng số 10444. Cậu còn bảo đứng đây mọi người chỉ nhìn thấy cây bàng và đống lốp ô-tô, nhưng không ai thấy trong những đống lốp ô-tô có một cái cây con, cao khoảng 20 phân. Chính chỗ ấy mới là mộ.

Bấy giờ có 3 người là Nguyễn Xuân Lam, Hà Huy Dương và người lái xe của Dương chạy lại xem, mọi người đều thốt lên: đúng là có cái cây con nằm bên trong lốp thật!

Nhà ngoại cảm Ánh nói tiếp: “Từ đất nguyên thổ xuống khoảng từ 80 phân đến 1m tôi nhìn thấy có một vật gì giống như sắt mà không phải là sắt nằm ở cổ nối với thân. Còn cái răng hàm và một chút xương ống, một chút xương sườn và mấy mảnh sọ nhỏ. Tôi khẳng định đó là phần hài cốt mà chúng ta đang tìm”.

Anh Sỹ hỏi: “Cạnh đây có nhiều hài cốt không?”

Nhà ngoại cảm Ánh nhìn quanh rồi bảo: “Có thì vẫn có vài người đấy. Nhưng người âm bảo đây là mình đi tìm mộ ông Tập nhà mình chứ không phải đi tìm mộ tập thể.”

Như vậy, chỗ nhà ngoại cảm Ánh khẳng định có hài cốt ông Tập cách chỗ nhà ngoại cảm Thuận chỉ mộ khoảng 3m.

Làm việc ở bến tắm ngựa 12 giờ mới xong. Đoàn chúng tôi trên đường trở về thành phố, đoàn xe chạy qua ngả ba Giếng Nước mà quên dừng xe như lời dặn của ông Tập. Vậy là cả đoàn quay xe đến ngả ba Giếng Nước dừng lại đi bộ khoảng 100m chếch theo hướng tây nam thì nhìn về bên tay phải cách khoảng 57-70m có một lá cờ đỏ nhỏ cắm trên một ngọn tre giữa ao... Cả đoàn đều khẳng định lời dặn của ông Tập hoàn toàn chính xác.

14h30’ ngày 22-12-2008 anh Sỹ, chị Oanh đón nhà ngoai cảm Phan Thị Bích Hằng ở sân bay Tân Sơn Nhất. 15h30 nhà ngoại cảm Hằng đến trường bắn Ngã Ba Giòng thắp hương.

Tại trường bắn nhà ngoại cảm Hằng chỉ chúng tôi theo đường lộ đi về hướng Long An. Xe đi qua khu vực đó, cứ mỗi chỗ nhà ngoại cảm Hằng dừng lại thắp hương là chúng tôi thắp hương theo sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm. 17h nhà ngoại Hằng quay lại gần khu vực bến tắm ngựa ở vị trí bên phải đường (theo hướng Long An về trường bắn). Nhà ngoại cảm Hằng bảo chúng tôi phát cây cỏ để thắp hương. Trước mâm lễ, chúng tôi đặt ảnh của các bác Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai. Nhà ngoại cảm Hằng khấn nguyện rồi nói:” Đây là mộ bác Tập” (chỗ đặt mâm lễ). Nhà ngoại cảm chỉ vị trí mộ cách mép đường khoảng 10m, cách một cây to bị chặt chỉ còn ba chạc khoảng 30m. Đứng quay mặt về phiá trường bắn là mộ bác Nguyễn Văn Cừ, cách mộ bác Tập khoảng 10m. Cách về phiá bên trái chếch theo hướng trường bắn 10m là mộ bác Minh Khai. Khi chôn cất bác Tập có ván như kiểu hòm gỗ, nhưng ván đã mục. Khi đó chúng tôi rất phân vân vì nơi nhà ngoại Hằng chỉ mộ ông Tập cách xa nơi nhà ngoại cảm Ánh và nhà ngoại cảm Thuận chỉ tới 80m. Không rõ là thế nào.



*
* *


Đến ngày 30-12-2008 con cháu họ Hà chúng tôi lại có buổi làm việc lại Trung tâm. Hôm đó nhà ngoại cảm Ánh vẫn ngồi nhập vong như mọi khi. Tôi tâu với Đức Hoàng Mười: “Thưa ngài, vừa rồi chúng con đi vào thực địa tại thành phố Hồ Chí Minh. Chúng con muốn biết trong quá trình làm có gì sai đúng xin Hoàng chỉ vẽ cho?”.

Đức Hoàng Mười: “Bây giờ gia chủ và bên trung tâm hiểu ra. Về nhận định công việc như thế nào thì Hoàng không nói. Nhưng nay gia chủ đã có lời thì để Hoàng kêu vị lãnh tụ cho gia chủ. Thế còn việc đúng hay sai, việc tổng kết, đó là phần việc của các ghế một nam, một nữ đã cắm cái điểm chốt ấy rồi. Tiến tới gia chủ và bên Trung tâm sẽ khai quật những hài cốt này như thế nào? Hoàng nói thế này: Trước tiên phải chuẩn bị các thủ tục về pháp luật, nhưng vị lãnh tụ không muốn làm linh đình. Như vậy dòng họ định trong năm nay hay là năm tới mới đi đến việc khai quật?

Lợi: “Dạ, con nghĩ trong năm nay chỉ còn một tháng, phần thủ tục pháp lí thì chưa đảm bảo. Con nghĩ như hôm qua họp bàn thì có lẽ phải sang năm sau.”

Đức Hoàng Mười: “Năm sau thì đầu xuân không thể làm được, có làm thì sau tết thanh minh, trước thanh minh thì dòng họ cứ chuẩn bị công việc. Có một điều Hoàng tiên đoán trước là nội bộ trong dòng họ phải họp bàn, nếu không thống nhất được thì việc làm mồ mả sẽ rất khó. Vì vị lãnh tụ có nói là hướng tìm mồ mả thì 70% nhất trí và đi đến thống nhất, nhưng trong đó vẫn còn uẩn khúc về tài chính liên quan đến sau này chứ không phải cái tài chính kinh tế đã bỏ ra”.

Lợi nói...

Đức Hoàng Mười: “Bây giờ ghế có tâm nguyện đi tìm lãnh tụ và lãnh tụ nói: cái tâm của gia chủ là tốt rồi, rất là sáng rồi, nhưng đến khi thấy được mộ tự dưng bản thân gia chủ sẽ bị tổn thương cái gì đó. Hoàng nói trước cho gia chủ chuẩn bị tinh thần”

Lợi: “Nhờ ngài nói rõ cho là việc chuẩn bị tinh thần đó là khoản chi ạ, bằng vật chất hay tổn thương về tinh thần?

Đoạn này Hoàng nói trước cho tôi biết những gì sẽ xảy ra sau khi tìm thấy mộ bác Tập, nhưng đó là chuyện nội bộ trong họ, trong gia đình. Tôi hỏi tiếp: “Con muốn hỏi luôn một ý là bác Tập có dặn thêm và dòng họ phải hứa kết hợp với họ Lê và họ Nguyễn để tìm một nữ chiến sĩ, cái đó thì bước tiếp theo chúng con phải làm thế nào, vì đó là lời hứa với vị lãnh tụ trước khi đến bến Tắm Ngựa”

Đức Hoàng Mười: “Cái đó bên Trung tâm và dòng họ có hứa trước mộ lãnh tụ chứ không phải trước một vị lãnh tụ. Vị lãnh tụ trẻ nhất ở trong đó chỉ còn hàng cháu đứng ra thôi. Nhưng mà nữ đồng chí này còn có máu mủ của mình. Việc can thiệp hoặc nói gì liên quan đến thì gia chủ phải tự đến, bên Trung tâm tự mình đứng ra thì rất khó”.

Lợi: “Ngài có thể nói rõ hơn về cái hướng...”

Chị Oanh: “Có phải làm việc với con chị Minh Khai không ạ?”

Tiếp theo chúng tôi hỏi Đức Hoàng Mười nhiều vấn đề xung quanh việc tìm mộ và sự kiện có thể xảy ra. Đức Hoàng Mười đã giải thích, chỉ dẫn rất nhiều. Tôi hỏi tiếp: “Con muốn hỏi như vừa rồi có ba nhà ngoại cảm cùng đi, có hai kết quả gần như giống nhau, một kết quả xa hơn khoảng 80m. Vậy con xin hỏi cái hướng làm cả hay chỉ làm một khu vực?

Đức Hoàng Mười: “Hoàng nói này, ba nhà ngoại cảm nếu nói chỉ đích danh một chỗ thì đều là ba địa điểm khác nhau. Nhưng nếu hai ghế ở trên để cho Hoàng chỉ đạo thì đều khoanh lại một khu vực phải khai quật. Không phải chỉ đây một cái là cho ghế thấy đây một cái đâu. Lãnh tụ còn tiên đoán là sau này xảy ra cái gì đó liên quan đến...

Trong dòng họ có một người được mời từ khi bắt đầu công việc tìm kiếm lãnh tụ thì hôm nay người đó cũng về đây để xem có theo được ý nguyện của người âm hay không. Cậu bé này tiên phong trong việc đi tìm lãnh tụ từ đầu. Bắt đầu từ việc gia chủ đến Trung tâm và đến khi đi thực địa ở khu Bến Ngựa. Cậu này lúc thác còn nhỏ. Bây giờ Hoàng sẽ cho về.

Cậu bé: “Cháu chào các cô, các chú nhá. Con chào cha, chào bác. Có thuốc lá à, cháu không hút đâu nhưng “sếp” hút cũng được. Sao mà bác đến muộn thế (chỉ vào anh Sỹ) đã bảo thế rồi mà cứ việc nọ đẻ việc kia. Việc này không quan trọng à”. Anh Sỹ đáp: “Việc này quan trọng chứ”. Cậu bé hỏi: “Vậy sao bác đến muộn thế? Bây giờ trong họ nhà mình tướng Thạch bảo làm sao?”

Anh Sỹ: “Chú Thạch đi Lào vừa mới về”

Cậu bé: “Thế bây giờ tướng Thạch có đòi bốc hay tướng Thạch để sang năm hay 3 năm nữa”.

Anh Sỹ: “Trước tết thì không kịp vì còn phải xin ý kiến của lãnh đạo cấp trên”

Cậu bé: “Bây giờ thế này nhé, nói đến ông Phẩm thì bác biết chứ? Ông Phẩm bảo nếu đợi xin từ Trung ương xin xuống thì chưa được đâu. Ngày xưa giống các vị lãnh tụ trước có được đâu mà. Phải đến khi có cái gì đó thì mới công nhận”

Anh Sỹ: “Bác Tập của ta trong vụ ấy liên quan đến nhiều người hy sinh, trong đó có bác Cừ, bác Khai”.

Cậu bé: “Nhiều, cả Phan Đăng Lưu nữa. Hôm nọ bảo rồi. Ý của ông Phẩm với ông Tường bảo là “sếp” ở Trung tâm nối dòng họ nhà mình với khu Tắm Mã ấy, cháu cứ gọi là Tắm Mã cho dễ làm việc với nhau, nhưng tất nhiên phải có giấy tờ, chưa cần phải Trung Ương, đó là cụ Phẩm, là ông nội của lãnh tụ bảo thế. Nhưng mà bọn thằng Dương, thằng Dũng thế nào?”

Anh Sỹ: “Quân nó phải nghe chứ. Ý của bác thì trước hết phải làm theo kế hoạch của Trung tâm. Thứ hai phải đảm bảo sự chắc chắn làm đến đâu tốt đến đó”.

Cậu bé: “Tất nhiên cái gì cũng phải thống nhất hai ba bên, nhưng không phải cái gì cũng phải tuân thủ Trung tâm”.

Anh Sỹ: “Ý của bác thế này, làm thế nào để giữa dòng họ và Trung tâm, như cháu nói đấy, tạo ra một sự nhất quán đảm bảo tinh thần làm đâu chắc đó, làm từng bước một”

Cậu Bé: “Ông bảo mình không nên phô trương và lãnh tụ cũng bảo thế. Riêng cháu bảo 100% là đúng mộ lãnh tụ. Đúng rồi, nhưng bác đến với Đảng, Nhà nước bảo đó là lãnh tụ sao người ta nghe. Không được. Nếu như khi bác đã có bằng chứng rồi thì chẳng cần gì phải lo nữa, muốn thế nào cũng được”.

Anh Sỹ: “Làm thế nào đó là cái bước của ta phải giám định được”

Cậu bé: “Bây giờ đầy nơi người ta giám định. Người nọ người kia con hoang người ta còn giám định đầy ra kia kìa. Cái đấy mà bác không biết thì thôi. Ví dụ cô này có con với bác, đến Trung tâm người ta giám định bảo phải là phải, bảo không phải là không phải, bác phải nghe”

Lợi: “Vấn đề mình làm trước...”

Cậu bé: “Tướng, Hiệu, Diệu, Binh (chỉ vào anh Đào Vọng Đức) đây là tướng rồi. Tướng thì phải có quân hiệu. Ví dụ tướng đây mà không có dấu thì làm sao làm được sếp”

Lợi: “Cơ sở thế này thì chỉ dòng họ và Trung tâm thôi...”

Cậu bé: “Còn bây giờ nhá, tướng Thạch bảo kí có mà....”

Chị Oanh: “Về cái này phải có ý kiến của Ban lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Trung tâm cùng phối hợp với họ Hà để làm việc đó phải không ạ? Còn khi ta khai quật lên, về mặt pháp lí phải có mặt ban lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh”

Cậu bé: “Thế từ trước đến giờ Trung tâm đi đào người khác có cần ra quyết định hay không?’

Chị Oanh: “cháu ạ! phải có địa phương quyết định, như ông Nguyễn Đức Cảnh là địa phương quyết định lúc khai quật lên thử thì mới có giá trị. Còn Trung tâm về mặt pháp lí không có quyền gửi cái đó để...”

Lợi: “Có lẽ như thế này, tỉnh sẽ viết giấy gửi vào địa phương cho đi tìm mộ liệt sĩ, không chỉ đích danh”

Cậu bé: “Đi tìm liệt sĩ ở đây thiếu gì liệt sĩ tỉnh Hà Tĩnh mình. Đã ghi thì sao không ghi rõ họ tên. Hà Văn Thạch có dám kí không? Trần Văn Thạch còn cãi với lãnh tụ được thì sao Hà Văn Thạch không dám kí. Trần Văn Thạch ngày xưa viết báo cãi nhau với lãnh tụ. Đó là Thạch ngày xưa, là phá ngang. Còn Thạch này thì ủng hộ, vì trước ông làm TBT, con cháu bây giờ có đứa nào làm to bằng ông đâu”

Chị Oanh: “Cháu đã nói thế thì Trung tâm nghe”

Cậu bé: “Bây giờ mà yêu cầu Trung ương tổ chức linh đình à, còn lâu. Muốn tổ chức luôn thì Trung ương không quyết định đâu”

Anh Sỹ: “Bác hỏi cháu này, vừa rồi ban lãnh đạo Trung tâm, các nhà ngoại cảm cùng ban liên lạc họ Hà đề nghị với địa phương cho tiến hành khai quật theo hướng dẫn của người âm. Đó là nói như vậy, nhưng giấy gửi vào thì phải như thế nào?”

Cậu bé: “Khai quật liệt sĩ Cách mạng nói chung, vậy thôi. Nhưng mà khai quật lên được thì phải có địa phương chỗ có mộ người ta công nhận thì mới được”

Anh Sỹ: “Vừa rồi bác làm thế này, có đơn của ban liên lạc họ Hà, của Trung tâm gửi cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh rồi”.

Cậu bé: “Thế thì không qua huyện à, nhảy cóc luôn? Sỹ diện có người nhà mình ở trên chứ gì?”.

Anh Sỹ: “Cái việc đó huyện cũng có nhu cầu. Thực ra tỉnh cũng có nhu cầu nhưng tỉnh không biết làm cách nào nên dựa vào họ Hà để làm.”

Cậu bé: “Thế thì cháu nói thế này nhá. Tỉnh dựa vào Trung tâm, thế Trung tâm bảo như thế rồi thì tỉnh kí cho khai quật đi. Bây giờ phải xông pha lên”.



*
* *


Chừng hơn hai tháng sau con cháu họ Hà chúng tôi lại có buổi làm việc tại trung tâm. Hôm đó khá đông đúc. Nhà ngoại cảm Ánh vẫn thỉnh Đức Hoàng về như mọi khi. Đây là cuốn băng ghi âm ngày mùng 3-4-2009 tại Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người.

Đức Hoàng Mười: “Nay mọi người muốn tìm lại phần mộ của cố TBT thì trong dòng họ phải nhất tâm, chứ không phải hôm nay Hoàng nói lần đầu. Chưa thấy thì chưa có gì, nhưng khi thấy rồi không cẩn thận trong dòng họ và Trung tâm sẽ xảy ra cái gì đấy như sự rạn nứt về tình cảm. Cái đó dòng họ phải chuẩn bị tư tưởng, người trong họ Hà phải uốn nắn. Còn hôm nay có cả ông Hà Nho, ông cụ nói là người về khai hoang lập nghiệp ở Tùng Lộc để sau này sinh đẻ ra con cháu trên trần như thế này. Vậy con cháu tự xem trong dòng họ mình có ông Hà Nho không? Ông là người họ Hà ở huyện Can Lộc, hiện ông nói vậy. Ngoài ra có ông Tam Đại của cố TBT, vong hồn bố TBT là ông Hà Huy Tường. Ông Hà Huy Phẩm và trên nữa có ông Hà Huy Đán và một cụ nữa là Hà Văn Minh. Có cụ Hà Huy Phi, Hà Huy Nhiếp. Có một bà cô là Hà Thị Huê. Có cụ Hà Văn Nho trùng tên với ông cụ tổ là Hà Nho. Dòng họ ta có ý kiến gì không. Đó là các vong hiện đã về. Trong số các vong về còn có hai cậu đỏ, một cậu tên là Hà Huy Nguyễn Hoàng và một cậu là Hà Huy Thắng.

Việc nêu danh chính xác, công nhận hay không công nhận thì tự dòng họ Hà xác định với nhau. Người trong họ tấu sao thì Hoàng truyền đạt lại thế cho các bậc tiền nhân của dòng họ nghe”.

Anh Sỹ nói: Tất cả những vị tổ họ Hà mà Đức Hoàng nhắc tên là hoàn toàn chính xác. Tiêp theo anh Sỹ nói mục đích, ý nguyện của dòng họ...

Đức Hoàng Mười: “Hoàng sẽ mời cố TBT về cho dòng họ được gặp. Cố TBT mất khi đó mới 35 tuổi thôi. Người về nói với ta là nơi đây không được khang trang lắm. Lẽ ra hôm nay mà khang trang thì cố TBT sẽ mời thêm các đồng chí của mình cùng về. Lẽ ra hôm nay phải có cả anh Bẩy Già, anh Hạ Bá Cang nữa”.

Anh Hà Vĩnh Tân giải thích và xin Đức Hoàng thông cảm vì điều kiện của Trung tâm hiện tại chỉ có vậy.

Đức Hoàng Mười: “Do địa hình địa thế trước làm việc ở đâu nay cũng phải làm ở chỗ đó, nếu dời sang chỗ khác sẽ lệch đi thì sẽ không đạt được nguyện vọng dòng họ. Nên ở đây Hoàng chỉ nói lại lời của cố TBT như thế. Hiện bây giờ là cố TBT về nên tôi không chỉ vong mà dòng họ tự biết”.

Bác Tập: “Ôi chà, chào các con cháu! (Chỉ vào Sửu, Tộc trưởng họ Hà Huy) ngồi xích lại đây, ông nói này, ông không đồng tình việc con làm đâu. Thôi việc dòng họ để ta bàn sau. Mải mê quá rồi mà quên cả ban lãnh đạo (bắt tay anh Đào Vọng Đức giam đốc và cán bộ Trung tâm). Quay lại nói với Sửu: Việc dòng họ về từ đường để ta bàn sau. Con hứa với ông đây là lần cuối hay chưa cuối?

Sửu lắp bắp: “Dạ dạ...”

Bác Tập: “Thế hôm nay con cháu đến đây để làm chi? Tất cả đã nhất tâm chưa? (chỉ tay vào Dũng) mi có sợ... ?”

Dũng nói không và trình bày sự quyết tâm của dòng họ và con cháu

Bác Tập: “Lẽ ra việc này 7-8 anh em phải xông pha đi trước, dòng họ ta phải bước theo sau. Nay con cháu về đây là ông vui vẻ rồi (chỉ vào Dũng và Thừa) các con nói xông lên thì dòng họ xông lên, các con nói lùi lại thì cả dòng họ lùi lại, không phải phụ thuộc chi mấy o ni cả. Còn lẽ ra việc này trong tháng 3, mùng 10 tiết thanh minh phải thăm mộ tảo mộ. Bây giờ cả dòng họ, cả con cháu tin ông thì cứ làm. Còn cái chi chi đó là điều sỉ nhục đối với ông. Ông chỉ nói thế thôi”.

Dũng nói lên các nguyện vọng của con cháu là tìm bằng được mộ ông và đưa ông về quê hương.

Bác Tập: “Ông phải về, nhưng ông không cần phải qua thử nghiệm, không cần phải qua chi cả. Nay ông về chỉ nói nguyện vọng như thế với con cháu, còn ông ở đâu sẽ có người về nói sau, toàn thể các con cháu có nhất tâm không nào?”

Mọi người đều đồng thanh hô nhất trí.

Bác Tập bay bóng. Đức Hoàng Mười nhập về.

Chị Hà: “Con lạy Hoàng, xin Hoàng dạy cho chúng con những công việc tiếp theo”.

Đức Hoàng Mười: “Bây giờ tôi cho các con cháu gặp ông cụ thân sinh ra cố TBT. Trong dòng họ ta muốn gì thì hỏi”.

Cụ Hà Huy Tường xuất hiện: “Ôi chà, răng bây lại chào cụ, răng bây lại chào cố, tao đẻ ra ông mi... có rượu không, đưa cho ông cái chén (cụ rót một chén rượu mời anh Đào Vọng Đức). Cụ về hôm nay trước tiên là cảm ơn Trung tâm, cảm ơn Đảng và Nhà nước để ông con ta mới có dịp gặp gỡ.

Ông về hôm nay được cố Dư, mi biết không? (chỉ vào anh Sỹ). Trong từ đường dòng họ là mi rõ nhất, rồi là cụ Nho, cụ Nhiếp, cụ Phi, cụ Ảnh, rồi cả trên nữa có cụ Minh, cụ Hà Tông Mục. Các cụ muốn con cháu như thế này, ngày xưa ông cha ta... (cụ chỉ vào Hà Huy Thừa) con này, bây giờ mi nghỉ công tác rồi à. Nghỉ rồi thì làm việc gì cũng phải xông pha lên. (Rồi cụ chỉ sang Dũng) Bây giờ nó đang sợ nhà trường phê bình, phê nọ phê kia đấy, nhưng chẳng làm chi sai mà sợ. Mồ mả ông cha ta thì ta nhận, mồ mả ông cha ta thì ta xây. Nhà nước không nhận thì ta nhận. (Cụ chỉ vào Dũng) Mi còn sợ mất chức, sợ phê bình kiểm điểm không?

Dũng trình bày, giải thích,... cụ Tường bảo: “Thế sao người ta không sợ”

Anh Tân: “Các Viện sĩ khoa học ở đây có ai sợ đâu (ý nói là để quan tâm, củng cố tư tưởng của Dũng)

Cụ Tường chỉ vào Hà Huy Thừa: “Mi thì mi không sợ rồi. Mi nghỉ rồi mi chẳng sợ chi cả. Việc hương khói hương đăng ở nhà là do hắn đấy. Những gì sẽ xảy ra đối với thằng Tập thì chưa biết được. Thế thì các con phải quyết tâm, sau đó mình phải vững; không để một thế lực nào làm gì đó trái đối với lãnh tụ của mình, các con hiểu chưa. Theo ông hiểu, khi cố TBT Trần Phú mất thì cố TBT nhà mình còn viết bài ca ngợi. Bây giờ cố TBT nhà mình mất thì con cháu phải có chi đó để ca ngợi chứ? (Cụ quay sang hỏi Dũng) bây giờ con hiểu rồi thì con định đến khi mô mới đưa về?”

Hà Huy Thừa nói lên tâm nguyện của con cháu và dòng họ.

Cụ Tường: “Mi! dừ mi đang nhầm giữa ông nọ sang ông kia. Ông là người đẻ ra Tâm, Tập đó. Tâm mới đẻ ra Cầm, Kì, Thi, Di đó. Biết thế mà gọi cho đúng. Khi thì gọi bằng ông, khi thì gọi bằng cố chẳng hiểu ra làm sao cả. (Chỉ vào Dũng ông nói). Ngày xưa nói về chữ ông còn nhiều hơn mi, nhưng mà rồi ông không có ra làm quan. Cái chức đó chưa đáng để cho mi phải hy sinh. Bây giờ ở trên trần muốn làm chi thì làm, nhưng con cháu phải bảo nhau, chỉ thế thôi.”

Anh Sỹ: “Cháu xin cụ hai việc ạ. Việc thứ nhất... “

Cụ Tường: “Nói về tuổi tác thì hắn gọi cụ nhưng nói về vai vế thì hắn là bậc trên đó. Con ở chi trên, cụ ở chi dưới”

Anh Sỹ: “Nhờ cụ cho biết chính xác mộ ông Tập để chúng con thắp hương vào dịp thanh minh này. Đó là việc thứ nhất. Việc thứ hai, xin phép các cụ cho các cháu phối hợp với Trung tâm vào dịp tháng 9, tháng 10 âm lịch năm kỷ sửu.”

Cụ Tường: “Cụ về chỉ có ý kiến thế thôi. Trong dòng họ Hà ta thì nói đến cụ Hà Nho, không có tông, có huy gì cả đâu nhá. Cụ Hà Nho muốn dạy bảo con cháu trong từ đường dòng họ: Hôm xưa đón nhận bằng văn hoá danh nhân, nhưng chẳng có văn hoá chi cả. Hôm đón nhận bằng Danh nhân văn hoá Tiến sĩ ấy mà, có mấy đứa mặt cứ sưng cẩy lên... Có thằng cu nó về. Tôi chúc Trung tâm mạnh giỏi đạt được nhiều kết quả cho nhân dân. (Quay sang Dũng cụ nhắc lại) Con cháu trên trần phải bảo ban nhau chứ đừng có tranh chấp công lao người ta lại cười cho. Giờ cụ đi. Cha mi ở dưới đó khoẻ”.

Cậu Đỏ Hà Huy Nguyễn Hoàng xuất hiện: “Cháu chào các bác, các cô. Cháu chào cả dòng họ nhà mình. Hôm nay có cả con nhà chú Phú là Hà Huy Thắng về đây. Trong họ ta có chú Phú còn sống ấy.

Chị Hà hỏi cháu con ai ở đây? cháu không biết. Cháu chỉ biết cháu đi hầu ông Thánh. Chứ mà các bác, các chú đưa cố TBT về a. Từ trong nửa đất nước xa xôi, từ mãi Miền Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội này về đông hề. Đến bao giờ thì chuyển mộ?

Anh Sỹ: “Vừa rồi bác có hỏi cụ cố”

Cậu Đỏ: “Sắp hết tháng đến nơi thì còn làm sao được. Sao bảo có Phó Chủ tịch? Chưa xuất hiện à?”.

Anh Sỹ: “Phó Chủ Tịch hôm nay phụ trách tổng điều tra dân số (ý nói anh Hà Văn Thạch).

Cậu Đỏ: “Vâng, dân số to hơn công việc này à? Vậy trong họ Hà nhà mình có cụ cao cao, cao tổ Hà Nho. Nếu mà cao, cao, cao nữa thì có cụ Hà Dư. Hiện giờ cụ về rồi, cụ chỉ về dự một tý thôi. Và có cụ ba chữ cao nữa là cụ Đán với các cụ Hà Huy Phẩm, Hà Huy Trực, Hà Huy Nhiếp, Hà Huy Phi, Hà Thị Huê. Còn cụ bên trên nữa hôm nay không về được, cụ bảo là hỏi thăm con cháu, cụ chúc con cháu mạnh khoẻ bình an, học hành tử tế, là cụ Hà Công Trình. Cụ còn bảo phải học hành đỗ đạt, phải bằng xịn đấy không được mua đâu. Cụ bảo thế, à các cụ còn bảo trong dòng họ tự nghe cái gì sai thì bỏ luôn, cái gì đã theo thì cứ làm, không cần phải đi thử.... Còn một điều nữa không ai có thể biết được, sẽ nói sau. Thật mà.

Ngày xưa, cụ bảo là năm 1941, ngày 28-8 đến pháp trường bị bắn một phát chết luôn, chôn ở trên ấy, ở gần bến Tắm Ngựa ấy. Thế họ mình đến hôm nào thì đi về đó thắp hương?”

Lợi: “Xin chỉ cho vị trí chính xác để thắp hương”

Cậu Đỏ: “Cứ thắp hương ở chỗ cây bàng ấy. Cây bàng chỗ cái lốp xe ấy. Còn đến lúc khai quật thì phải nhất tâm cơ. Bây giờ lãnh tụ bảo răng ngần này người đi mà cũng chưa nhất tâm đâu. Mai về đóng cửa bảo nhau. Cụ bảo thế nhá. Quan trọng vẫn là mấy người con nhà Cầm, Kì, Thi, Di ấy. Tất nhiên trong dòng họ phải ủng hộ. Nhưng mà mấy anh mấy chị con nhà Cầm, Kì, Thi, Di ấy nhất trí mà trong họ không nhất trí thì vẫn cứ được. Thế trong dòng họ mình hôm nào đi thắp hương?”

Anh Sỹ: “Trước rằm tháng 3 có con nhà ông Di ở trong đó...”

Cậu Đỏ: “Thế sao bảo dòng họ vào trong đấy thắp hương? Nguỵ biện thôi chứ gì?”

Dũng: “Nếu công việc ở đây xong thì bác vào... đến vị trí hôm trước mùng 10-3”.

Cậu Đỏ: “Mùng 10-3 là ngày thanh minh. Mua lễ mua quả, mua thuốc cho đồng đội của lãnh tụ. Bà Khai có ở đấy đâu mà. Ở đấy chỉ có ông Lưu, ông Cừ và ông Thái. Bác đến đó thắp hương cả hai cố TBT đấy. Còn những người ăn theo thì đầy. À cháu còn nghe các cụ nói chuyện về ông trẻ, năm 1928 là vui nhất, năm 1939 là đau khổ nhất trong đời. Thế thì cái này các bác tự nghĩ xem có đúng không?”

Chị Hà: “Cháu có dặn khi đi có cần gì nữa không?

Cậu Đỏ: “Không có tiền còn lâu mới đi được máy bay. Một điều chắc chắn là không có tiền không bao giờ họ cho đi máy bay và cho đi tàu”.

Lợi hỏi: “Khi đi thắp hương cần những ai?”

Cậu Đỏ: “Lúc nào ông chả bảo Tướng, Hiệu, Diệu, Binh. Còn nếu trong họ ai mà không đi được thì ông xá cho. Ai gần thì cứ đến nhà Cầm mà thắp hương...”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải hỏi: “Tình hình đất nước như thế nào?”...

Cậu Đỏ:... Thôi đó là chuyện chính trị làm sao mà biết được. Lẽ ra hôm nay có lãnh tụ mình, có bác Lê Hồng Phong, có bác Hạ Bá Cang, có cả bác Bảy Già nữa,... nhưng tại nơi này sơ sài quá,...”

Dũng: “Xin hỏi mộ chí đằng cụ Cống có tốt không?”

Cậu Đỏ: “Cháu chỉ về làm việc cho lãnh tụ thôi. Nói như chú thì chả là cháu về xem bói cho dòng họ nhà mình à? Họ nhà mình nhiều chi lắm, xem được chi nọ mất chi kia, được lòng cô cả mất lòng cô hai (cậu cười híhí)”

Cô Mỹ: “Cháu nói để cứu người chứ..”

Cậu Đỏ: “Ừ! Cô Mỹ, lãnh tụ đang phê bình cô đấy. Bây giờ cháu đi đây. (Chỉ vào anh Đào Vọng Đức) “sếp” lần này phải đi. Lãnh tụ về gặp dòng họ, vui quá, suýt nữa quên cả bác... Sao “sếp” chẳng thấy nói gì cả, nhưng mà phải tìm bà Minh Khai nữa nhá. Bà còn có người con gái trong Sài Gòn. Ngày xưa Đảng và Nhà nước đã đưa cô ấy ra ngoài này để học. Cái đấy thì chắc các bác biết hơn cháu. Xong cậu nói nhỏ vơí Viện sĩ Đào Vọng Đức: Bây giờ cháu muốn nói với một người trong trung tâm và hai người trong họ Hà (cậu chỉ vào anh Sỹ, anh Tân, anh Đức) với điều kiện tắt hết máy quay...

Lát sau chúng tôi quay trở lại. Đức Hoàng nhập về.

Đức Hoàng Mười: “Bây giờ Hoàng nói thế này, việc của dòng họ có nhất tâm ra đây thì Hoàng chứng nhận. Hiện bây giờ các cụ trong dòng họ Hà về đây nói là nay ta tổ chức đi tìm mộ nhưng chưa đến được cái đích đã có nhiều ý kiến sai lệch nhau của người trần. Vậy những ai đứng đầu trong dòng họ thì phải quán triệt cái đó. Mọi công việc có thế thôi. Khi nào trong dòng họ cần đến Hoàng, ghế Hoàng thì Hoàng sẽ giúp. Dù sao thì Hoàng cũng là người trấn thủ đất Nghệ An, có đền nằm bên Hà Tĩnh cạnh bờ sông Lam. Nói vui là dân ta phải giúp ta. Hoàng sẽ giúp khi nào trong dòng họ và Trung tâm thật sự cần thiết và nhất tâm. Chỉ có thế thôi.”


*
* *


Sau ngày đó tình hình trên trần xảy ra nhiều biến động phức tạp (chúng tôi xin không nhắc chuyện này). Cho đến tận 16-9-2009, PGS-TS Hà Vĩnh Tân mới chính thức nhận quyết định làm chủ nhiệm đề tài thay TS Bùi Hoàng Oanh. Tôi tạm khép lại giai đoạn đầu, và mở ra giai đoạn hai quyết liệt hơn từ khi Hà Vĩnh Tân làm chủ nhiệm đề tài.

Ngày 19-9-2009, tại điện ở nhà ngoại cảm Ánh chúng tôi được Đức Hoàng Mười cho biết: “Việc tìm mộ lãnh tụ không khó đâu. Cái khó nhất là quan hệ dương trần phức tạp nên dòng họ, con cháu phải vững tâm. Thời gian này cần có sự quyết đoán”. Nói rồi Đức Hoàng Mười cho chúng tôi biết có một cụ là thuỷ tổ dòng họ Hà muốn gặp con cháu và cụ nói là cụ sẽ chỉ đạo giai đoạn này. Vậy con cháu có đồng ý không?”. Mọi người đồng thanh: “Xin Hoàng cho chúng con gặp ạ!” Hoàng gật đầu. Tự dưng chúng tôi nhìn thấy gương mặt nhà ngoại cảm Ánh cau lại, trông già đi rất nhiều. Nhà ngoại cảm nhìn khắp lượt chúng tôi rồi nói: “Chúng bay đi tìm mộ mấy năm nay rồi mà chả ăn thua. Nay Đức Hoàng cho biết rồi mà sao còn như gà vướng tóc? Thế lúc nào chúng bay cũng đợi Nhà nước à? Bây giờ Nhà nước còn trăm công ngàn việc. Bọn bay là con cháu mà còn chưa hết tâm đâu”.

Chú Hà Vĩnh Tân vội tâu: “Chúng con chào ông ạ! Nay chúng con muốn gặp gia tiên để...” Chú Tân chưa nói hết câu thì cụ chỉ tay vào mặt bảo: “Mày có phải là Tiến sĩ Hà Vĩnh Tân không? Mày con thằng Hà Xuân Trường phải không?”.

Chú Tân: “Dạ, lạy cụ. Đúng rồi ạ. Thế cụ cũng biết con ạ!”.

Cụ nói tiếp: “Mẹ cha chúng mày. Tao là Hà Mại, tự Tông Hiểu, sinh năm 1334, chết năm 1410. Tao là Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng Vị hầu, Bắc sứ trấn thủ Nghệ An. Tao còn đẻ ra các tổ chúng bay. Chi nhà mày ở Nam Kim, Nam Đàn, tổ là Hà Quang Huy, thứ là Hà Quang Tốt, tao còn lạ gì”.

Nói xong cụ nhìn mọi người và hỏi: “Thế thằng Sỹ đâu mà không đến?”. Tôi vội thưa: “Dạ, xin cụ, anh Sỹ bận không đến được ạ. Có gì cụ cứ dạy, chúng con sẽ nói lại cho anh Sỹ”. Cụ quát: “Hôm nào bảo thằng Sỹ đến gặp cụ. Chỉ có nó mới biết về lịch sử dòng họ, còn bọn bay chẳng biết gì đâu”.

Nói rồi cụ chỉ vào Hà Huy Dương: “Anh mày đâu? Mà mày ra bao giờ?”. Cháu Dương vội đáp: “Dạ, con ra đêm hôm qua, còn anh con thì đang bận không về được ạ”.

Cụ lại nói: “Nó dạy học cử nhân hả? Họ nhà mình trước là danh giá lắm đấy. Tao đẻ ra Hà Dư, tự Tông Chính, làm Đại tướng Hoàng bảng đấy. Còn chắt của tao là Hà Công Trình, Tiến sĩ Thượng thư Bộ binh, Bộ hình, Tế tửu Quốc Tử Giám, Nhập thị kinh diên. Nó là con Hà Nho, định cư ở Tùng Lộc, Can Lộc. Mà thôi, có nói chúng bay cũng không hiểu đâu. Phải thằng Sỹ nó mới biết”

Tôi hỏi: “Dạ, thưa cụ, xin cụ chỉ cho chúng con để tìm được hài cốt bác Hà Huy Tập”. Cụ bảo: “Được rồi, tao về hôm nay cũng chính là việc đó. Bây giờ tao hỏi bọn bay, thế đưa hài cốt về thì để vào đâu? Mà bây giờ ở nơi thằng Tập nằm nó lại đang làm cái nhà lên đấy”.

Chú Tân nói: “Thưa cụ, chúng con cũng nghe nói vậy ạ”. Cụ quát: “Nói gì nữa. Nó làm thật rồi còn nói gì nữa”. Một thoáng đăm chiêu cụ bảo: “Tao là tướng của triều Trần. Mà đã là tướng thì phải biết dùng binh, phải biết cách tổ chức... Mà thôi, lần sau đi nhớ mang cho cụ cái điếu bát. Hồi còn sống cụ vẫn hút điếu bát đấy. Nay cụ đi đây, bọn bay về, lần sau cụ sẽ nói cho biết tiếp.”

Chuyện này chúng tôi có nói lại với anh Sỹ. Anh Sỹ giật mình: “Chết thật! Cụ là thuỷ tổ họ nhà mình đấy, cách đây hơn 600 năm rồi. Cụ là một danh tướng dưới triều Trần. Tiếc thật! Sao hôm đó tôi lại không đến được nhỉ?.”


*
* *


Sau đây tôi xin giới thiệu bài viết về Phụ quốc, Thượng Vị hầu, Thượng tướng quân kiêm Bắc sứ, Trấn thủ Nghệ An của anh Hà Văn Sỹ:

Hà Mại(1334 - 1410), tự Tông Hiểu là con út của một nhà hào trưởng ở miền Bắc Việt Nam. Ngài sinh ngày mùng 8 tháng 4 năm Giáp Tuất (1334), triều Trần Hiến Tông, niên hiệu Khai Hựu năm thứ VI. Từ nhỏ đã được cha luyện tập cung kiếm, võ nghệ nên có thân thể cường tráng, tinh thông quyền kiếm, chí khí dũng mãnh, trí tuệ thông minh.

Năm 1351 Ngài vừa đến tuổi 18, triều Trần Dụ Tông, niên hiệu Thiệu Phong năm thứ XI mở khoa thi quan võ. Ngài ghi tên dự thi và trúng vào hàng ưu, sau đó được bổ nhiệm huấn luyện và chỉ huy đội quân cơ động bảo vệ triều đình.

Mùa xuân năm Bính Thân (1356) Ngài được lệnh chỉ huy đơn vị bảo vệ Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông và vua Trần Dụ Tông đi tuần tra biên giới phiá nam, đến trấn Nghệ An (là vùng đất hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) trú lại lị sở (lị sở trấn Nghệ An thời nhà Trần ở vùng thị trấn huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) để xem xét tình hình và quyết định xây dựng phòng tuyến bảo vệ chủ quyền đất nước nhằm chống quân Chiêm Thành thường đến cướp phá vùng đất từ đèo Ngang đến tận sông Bến Thuỷ. Trong chuyến đi này Ngài được giao ở lại thực hiện nhiệm vụ nặng nề đó. Một thời gian sau Ngài bén duyên với con gái thứ của cụ Lê Quý Thọ là xã trưởng vùng này và được cụ đồng ý cho nên duyên vợ chồng và từ đó Ngài coi trấn Nghệ An là quê hương thứ 2 của mình.

Tháng 12 năm Bính Thìn (1376) Trần Duệ Tông, niên hiệu Long Khánh năm thứ IV nhà Trần đánh Chiêm Thành. Trận này do nhà vua đích thân cầm quân, nhưng do chủ quan không nghe lời can ngăn của quân thần nên đã bị thất bại nặng nề. Nhà vua và hai đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hoà, cùng một hành khiển là Phạm Huyền Linh bị tử trận.

Khi thực hiện cuộc tấn công Chiêm Thành, đơn vị của tướng Hà Mại vẫn được giao chốt giữ bảo vệ phòng tuyến hậu phương trực tiếp của mặt trận. Nhiệm vụ này rất nặng nề nhưng Ngài đã hoàn thành xuất sắc. Đặc biệt, sau sự kiện vua Trần Duệ Tông mất, giặc Chiêm Thành điên cuồng tấn công đánh phá vào đất ta, nhưng Ngài đã dũng cảm mưu trí chỉ huy các lực lượng quân dân Đại Việt đánh trả quyết liệt và lần lượt đập tan các đợt tấn công của địch, bảo về được biên giới phía nam của đất nước. Sau chiến dịch bảo vệ biên giới thắng lợi, Ngài được triều đình phong Phụ quốc, Thượng tướng quân, Thượng Vị hầu và bổ làm Trấn thủ xứ Nghệ An.

Cụ là một võ quan đầy tài năng và đức độ, trọn đời tận trung với nước với dân; mấy chục năm đứng đầu trấn Nghệ An, chỗ phên dậu của triều đình, chốn biên ải phía nam, nơi đầu sóng ngọn gió của nước Đại Việt. Ngài đã đoàn kết, tổ chức, động viên quân dân cả vùng làm tròn sứ mệnh vẻ vang triều đình giao, bảo vệ vững chắc một vùng đất rộng lớn suốt từ nam Thanh Hoá đến tận Đèo Ngang. Tướng quân Hà Mại luôn được quân sĩ và người dân địa phương ngưỡng mộ, kính trọng. Những năm cuối thế kỉ XIV, triều Trần bước vào giai đoạn suy yếu, nhà Hồ đang dần hướng tới giành ngôi, tướng quân Hà Mại lúc này đã gần 70 tuổi, với lòng trung quân, không thờ 2 vua, Ngài xin về hưu và chuyển cả gia đình từ lị sở về ở ẩn tại chân núi Hồng Lĩnh thuộc huyện Phỉ Lộc (năm 1469 đổi là huyện Thiên Lộc), nay thuộc xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Chính nơi đây đã trở thành căn cứ địa của tướng quân Hà Mại và con trai là Đại tướng Hà Dư (Hà Tông Chính) cùng nhà hậu Trần chiến đấu anh dũng chống giặc Minh xâm lược (1407-1413). Lịch sử ghi nhận rằng, cuối cùng toàn bộ vua tôi nhà Trần đều tử tiết oanh liệt chứ qưyết không đầu hàng giặc Minh.

Ngày 20 tháng 8 năm Canh Dần (1410) Ngài lâm bệnh rồi mất hưởng thọ 77 tuổi. Với những công lao to lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước thời nhà Trần, Ngài đã được vua Trần phong tặng “Đoan túc dực bảo trung hưng thần”. Đến triều Nguyễn năm Duy Tân thứ III Ngài lại được phong tặng “Đồng Giang linh ứng dực bảo trung hưng thần”. Ngài là đức thuỷ tổ họ Hà (Hà Tĩnh). Tại đền thờ Ngài ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, trong văn tế ngài viết “Tiền trần Phụ quốc, Vi Thượng Vị hầu, Thượng tướng quân kiêm Bắc sứ, trấn thủ xứ Nghệ An”...


*
* *


Ngày 24-9-2009 chúng tôi lại có mặt tại điện thờ Đức Hoàng ở nhà nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh. Đức Hoàng cho chúng tôi gặp cụ Thuỷ tổ Hà Mại. Lần này về cụ có vẻ bình tĩnh hơn lần trước. Anh Tân đã mua cho cụ chiếc điếu cày và một túi thuốc lào. Cụ “bắn” liên tiếp dăm điếu, người ngả ra với làn khói thật sảng khoái. Cụ hút thuốc lào kinh thật, chỉ một lúc đã vài chục điếu. Người trần không ai có thể hút được như thế.

Vong cụ Hà Mại nhập nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh, bắn lên tục hàng chục bi,
người thường khó địch nổi

Cụ hỏi: “Thế chúng bay đã có kế hoạch gì chưa? Cách tổ chức thế nào? Đưa hài cốt về thì để vào đâu?”. Cụ chỉ vào Hà Huy Dũng.

Dũng thưa: “Dạ, con xin cụ, nêú tìm được hài cốt của ông Tập thì đưa về bên cha mẹ ông Tập, chúng con đã xây rồi ạ”.

Cụ nói: “Việc của thằng Tập là TBT Đảng, để cụ phái người về đó xem thế nào, cụ nói cho”.

Chú Tân bảo: “Thế bao giờ cụ nói cho chúng con biết ạ”.

Cụ bảo: “Không lâu đâu”. Rồi cụ bảo chú Tân rót cho cụ chén rượu để cụ uống trong lúc chờ đợi. Cụ nhâm nhi một lát, bỗng vỗ hai tay vào nhau rồi nói: “Lính của cụ bảo chúng bay để mộ ở một quả đồi xung quanh có cái mương. Được! Khu đó thì được. Nhưng nằm cạnh bố mẹ nó là không được, mà phải nằm bên trên đỉnh đồi, đi qua cái chỗ lấy đất sâu sâu đó”.

Hà Huy Dũng vội nói: “Thưa cụ! Ông bà thân sinh ra ông Tập nằm ở dưới mà chuyển ông Tập lên đó thì có ảnh hưởng gì không ạ?”

Cụ bảo: “Thằng Tập đường đường là một TBT thì phải đặt vào vị trí thích hợp để còn có lợi cho dân, cho nước chứ. Mộ của cha mẹ nó để không được hướng, mà bọn bay còn xây mộ cha chúng bay ở đó. Nhưng sau này phải xây cái cầu qua mương để dân đến thắp hương phải đi vào bố mẹ nó trước rồi mới đến nó. Chúng bay cứ yên trí, cụ nhìn thấy rồi. Đúng là “Địa linh nhân kiệt”. Phía đông nam là trục đường thiên lý. Phía tây là dãy Hoành Sơn. Phía nam là núi Rác và dãy đồi. Phía đông là Cửa Nhượng. Cửa Nhượng là nơi hợp lưu của sông Họ và sông Rác chảy ra, còn phía bắc giáp với Thạch Hà. Được! đúng thật là địa linh rồi”.

Cụ chỉ vào chú Tân: “Mày phải tổ chức ngay một chuyến đi Hà Tĩnh để cụ về chỉ vị trí mộ và cây cầu”. Quay sang chị Hà, cụ bảo: “Cả cô cũng phải đi nhé, và bảo cả “sếp” lớn đi tôi mới nói chuyện, chứ bằng không là không được đâu”. Xong cụ chỉ vào tôi: “Còn mày về tổ chức với các anh lãnh đạo tỉnh, huyện để tiếp đoàn nhé. Công việc cụ bảo cứ thế mà làm”.

Thật đúng là tác phong của một vị tướng. Rành mạch và dứt khoát. Tôi bàn với anh Sỹ và chú Tân cố gắng tổ chức cuộc họp tại Hà Tĩnh vào ngày 7 tháng 10 năm 2009, tức là ngày 19-8 âm lịch.

Trước ngày đó chú Tân và chị Hà có gặp nhà ngoại cảm Ánh xin Đức Hoàng Mười cho gặp cụ Hà Mại để báo cáo. Cụ dặn sắm cho cụ một trăm nén nhang và ngày hôm đó chỉ được 15 người đi theo với điều kiện phải có giám đốc Đào Vọng Đức và anh Hà Văn Sỹ thì cụ mới làm việc. Cụ vẽ cho chú Tân và chị Hà một cái sơ đồ về khu đất để lăng mộ bác Hà Huy Tập. Cụ dặn chúng tôi chỉ được dẫn nhà ngoại cảm qua cái đập nước và chỉ được năm người đi theo sát nhà ngoại cảm. Lúc đó cụ ở núi Phượng Hoàng sẽ xuống dẫn đường đến khu đất. Làm xong ở đó thì về nhà thờ tổ họ thắp hương rồi ra khu tưởng niệm làm việc chứ cụ không làm việc ở nhà thờ tổ họ, vì hôm đó có một việc rất quan trọng”.

16h30 ngày mùng 7 tháng 10 năm 2009 xe chúng tôi khởi hành từ khách sạn Bình Minh (tp Hà Tĩnh) về Cẩm Xuyên. Theo lời cụ dặn, chúng tôi đi đúng 15 người và đến đập nước thì dừng lại. Có 5 người được theo sát nhà ngoại cảm Ánh là tôi, anh Sỹ, chú Tân, chị Hà và anh Đào Vọng Đức. Còn lại 10 người là anh Danh phó Ban tổ chức Tỉnh uỷ, anh Tuần Chủ tịch huyện, anh Huyên Bí thư Huyện uỷ Cẩm Xuyên, anh Sơn, anh Mai là phó Chủ tịch huyện, anh Thắng, anh Minh, anh Sửu, anh Khang, cháu Hạnh,... đi cách khoảng 20m. Đoàn chúng tôi đi qua đập nước thì dừng lại.

Bất chợt nhà ngoại cảm Ánh nói: “Mọi người cứ đi thẳng theo tôi. Tôi vừa nhìn thấy một ông cụ đứng ở đầu dốc gọi Tân ơi, Sỹ ơi mau lên cụ đợi”. Chúng tôi cứ thế đi theo nhà ngoại cảm tới ngã ba đầu dốc. Khi dừng lại nhà ngoại cảm Ánh bảo chúng tôi: “Không nhìn thấy cụ đi đường nào nữa”.

Cả đoàn đang băn khoăn thì chú Tân nói: “Thôi, ta cứ thẳng đường mà đi. Chắc cụ đi đường thẳng rồi”. Cứ thế chú Tân bước lên đầu dốc, còn chúng tôi vẫn đứng im theo nhà ngoại cảm. Một lát sau nhà ngoại cảm Ánh bảo: “Cụ kia rồi. Cụ bảo cứ kệ thằng Tân nó đi đường ấy, còn cụ dẫn đi đường này”. Và nhà ngoại cảm Ánh rẽ vào con đường ngã ba. Chú Tân thấy thế vội chạy quay lại theo đoàn.

Đến gần cuối đường nghĩa trang Đồng Lem thì cụ tổ Hà Mại nhập vào nhà ngoại cảm Ánh. Cụ dơ tay lên nói: “Bà con ơi! Tôi mang điện về cho bà con đây”. Nói xong, một tay cụ chống vào mông, một tay chống vào đầu gối đi như gió, cả đoàn không ai theo kịp. Lúc đó nhà ngoại cảm Ánh đi dép lê, đường thì toàn sỏi mắt cua (sỏi không có góc cạnh rõ ràng) thật khó bước. Đến chân đồi cụ dừng lại chờ đoàn đi tới. Cụ nói với anh Sỹ: “Mày đốt bó nhang một trăm nén cho cụ”. Anh Sỹ đốt bó nhang bén lửa thì cụ đã đi một đoạn khá xa.

Anh Sỹ cầm bó nhang chạy như bay theo kịp cụ lên đỉnh đồi. Mọi người còn đang thở hổn hển, thấy cụ dậm chân ba nhát rồi nói: “Bọn bay xây mộ chỗ này”. Cụ cầm bó nhang từ tay anh Sỹ dơ lên, nói rất to: “Thằng Sửu trưởng tộc đâu, lên cụ bảo. Này, đóng cho cụ cái cọc, mà nhớ hướng núi kia nhé, cụ bảo cứ thế mà làm (tay cụ chỉ vào hướng khe núi...). Anh Tuần, anh Huyên đâu, cả anh Sơn nữa, các anh là người của huyện, dòng họ tôi rất cảm ơn các anh”. Lúc đó mấy người thi nhau chụp ảnh.

Sau khi dắt anh Sỹ đi xuống mộ cha mẹ bác Tập, cụ nói với anh Sỹ: “Cái anh cán bộ Tuần ấy, ngày xưa cấp đất nơi này cho cha mẹ thằng Tập, bây giờ lại đưa thằng Tập về đây, mày thấy có kì diệu không?”

Lúc bấy giờ trời đã nhá nhem tối, đồi thì nhiều muỗi, gốc cây lô nhô, cả đoàn không ai dám đi mà chỉ có tôi lần theo tới bờ mương. Tôi thấy cụ bảo anh Sỹ: “Mày có dám nhảy không?”. Anh Sỹ bảo: “để con dắt cụ ạ”. Cụ nói: “Mày bỏ tay ra, cụ nhảy trước rồi mày nhảy theo”. Nói chưa dứt đoạn thì cụ phắt sang bờ kia, anh Sỹ cũng nhảy theo cụ. Còn tôi phải tụt xuống mương rồi trèo lên. Cụ chỉ chỗ xây cầu cho anh em tôi, xong cụ chào mọi người, cụ đi.


Đoàn chúng tôi lên xe về nhà thờ thắp hương rồi đi ra khu tưởng niệm. Thắp hương khu tưởng niệm xong, vào làm việc. Tôi nói thêm, chuyến đi đó chú Tân gặt hái được nhiều nhất, vì sau đó cậu bé hỏi chú Tân ảnh chụp có đẹp không? Chú Tân bảo cũng chưa xem. Cậu nói chú xem lại ngay đi, khắc biết điều kì diệu. Hôm sau chú Tân khoe ngay bức ảnh khi nhà ngoại cảm Ánh cầm bó hương trăm nén (thực ra lúc đó là cụ Hà Mại cầm bó hương chỉ vào khe núi). Bức ảnh kì lạ đến không tưởng. Hình ngọn lửa hoá thành hình một người phụ nữ rực đỏ đang chắp tay nguyện cầu điều gì đó. Ai trông cũng phát sợ. Anh Tân liền in ra, phóng to và đi đăng kí bản quyền bức ảnh “hiển linh”. Lúc đầu mọi người cứ đoán gìa đoán non,... sau mới được người âm cho biết, đó là Thánh tổ hiển linh. Bà là Hà Thị Thanh Vân đang cầu Bồ Tát cho sự bình yên và cho ông Tập về đúng nơi cần về.

Ảnh chụp bó hương trầm bỗng bốc lửa (trước lúc hiển linh) lúc 18h 07'
ngày 7/10/2009 ngay tại nơi sẽ cải táng hài cốt Tổng bí thư Hà Huy Tập
Bà Hà Thị Thanh Vân đang hiển linh chỉ dẫn đánh dấu nơi đặt mộ phần cố
TBT Hà Huy Tập tại quê nhà -
Tại bó hương trăm nén bốc lửa trong tay nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh
Nơi chụp: Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh
Thời gian: 18h 07' ngày 07/10/2009
Người chụp: PGS. TS. Hà Vĩnh Tân

Mộ cụ Hà Thị Thanh Vân tại Chùa Phổ Linh, Tây Hồ, Hà Nội
Quay trở lại buổi làm việc tại khu tưởng niệm. Trước khi lên phòng khách nhà ngoại cảm Ánh nói: “Tôi nghe các cụ nói là dòng họ Hà và ban ngành tỉnh Hà Tĩnh rất vinh dự đón 3 hoặc có thể là 4 đồng chí hoạt động cùng thời với cụ Hà Huy Tập về đây, trong đó các cụ hầu như là... tôi không biết đọc và tôi chỉ viết theo những gì tôi nhìn thấy cái tên của các cụ. Tôi mượn cái bút viết lại”. Nhà ngoại cảm Ánh viết vào mảnh giấy anh Sỹ đưa, 3 cái tên:
- XINHITRƠKIN
- LITVINOP
- SVAN
Còn một cụ nữa sẽ không tiết lộ và không cho biết tên

Tại hội trường làm việc có nhiều đồng chí lãnh đạo của tỉnh, huyện và các ban ngành. Bà con đến rất đông. Anh Hà Văn Sỹ thay mặt đoàn công tác nói lời mở đâu và giới thiệu đại biểu có măt... Nhà ngoại cảm Ánh lẩm nhẩm xin thỉnh Đức Hoàng Mười về dương. Đây là một đoạn ghi âm tại phòng khách

Đức Hoàng Mười: “Hôm nay ngày lành tháng tốt, dòng họ Hà có tổ chức mời Hoàng về để tìm mộ của vong linh như dòng họ và ban ngành nói là cố TBT. Hoàng nói thế này: Cái thứ nhất Hoàng chỉ yêu cầu dòng họ, tất cả những người có mặt đến đây là thành tâm. Vì tâm linh các gia chủ không nhìn thấy thì cần phải thử, thử thì người âm không cho phép, càng không cho phép thì việc đó càng vướng vào vòng luẩn quẩn, mà càng luẩn quẩn thì càng khó tìm.

Thật lòng Hoàng nói là: “Rất vinh dự cho các cấp lãnh đạo, ban ngành ở tỉnh này, huyện, xã, thôn và dòng họ, vì tí nữa sẽ được gặp một người mà hầu như tất cả mọi người nằm mơ cũng không thấy được. Vừa qua Hoàng có nhìn xa trông rộng, Hoàng nhìn thấy hầu hết như các mục tiêu mà các gia chủ nhìn ngắm theo cái hướng của phần mộ hồn chỉ, nhưng hầu như nhìn lệch, không nhìn thẳng theo hướng của hồn. Như sơ đồ vẽ thì ngược về bên tay phải có một quả đồi cao, đi xuống có một khe nhưng qua cái này đến đây thì mới đúng cái hỏm của hồn chỉ. Mọi người chỉ nhìn về cái hỏm có cây cột điện này, chứ không ai để ý đến cái khe này đâu (Chú Tân đưa hình ảnh trong máy cho Hoàng chỉ).

Hoàng nói rồi, Hoàng nói từ đầu qua một cái đường như bằng rồi đến hỏm này, không phải hỏm thứ hai. Hỏm thứ nhất nhìn từ cái mộ đi ra từ bên tay phải. Ngày mai ra thực địa phải nhớ.

Sau này tôi sẽ hướng dẫn một việc nữa để bố trí về phần mộ, nhưng cái này tôi không tiện nói giữa đám đông. Có thể một hai người trong ban lãnh đạo và dòng họ biết sau. Bây giờ để cậu bé họ Hà về giới thiệu.”

Cậu bé: “Cháu chào các cô, các chú, chào các bác, chào bà con, đông quá (cười). Nhưng mà ngồi gọn một tý cho các cụ vào, vong vào không có chỗ ngồi. Hôm nay cháu sẽ nói qua một số công việc cho các cô, các chú cùng dòng họ biết.

Việc thứ nhất, cháu mời các cụ tổ của họ vào trong này. Cháu mời người trần đứng tránh cửa để các cụ vào. Cháu báo cáo với ông bà, với các cô, các chú là hôm nay trong dòng họ nhà cháu về có cụ Hà Mại, cụ Hà Nho, cụ Hà Tông Mục, cụ Hà Công Trình, cụ Hà Dư, cụ Hà Văn Dư, Hà Văn Nho, cụ Hà Đức, Hà Oanh, cụ Hà Huy Phúc, Hà Huy Phẩm, Hà Huy Nhiếp, Hà Huy Đán, Hà Huy Sào (cụ ở trên nhưng vào sau nên cháu đọc sau). Cụ Hà Huy Đờn (Đờn Lự ấy), Hà Huy Nhân, Hà Huy Sỹ, Hà Ngao, bà Hà Thị Chuột, Hà Thị Gái, Hà Thị Huê, ông Hà Huy Luyện, Hà Quang Huy, Hà Văn Đồng, Hà Văn Thuận, Hà Huy Long, Hà Huy Thuỳnh, Hà Huy Tố, Hà Hồng và rất nhiều vong nữa còn ngồi ngoài sân không có chỗ để vào. Cụ Hà Quang Tốt, cụ Hà Xuân Trường tổng cộng có mười cô, mười cậu trong họ Hà.

Trong ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thì có những đồng chí mà lúc nãy thanh đồng Ánh đã thuyết minh rồi ạ. Có một người nữa hôm nay về dự với ban ngành của tỉnh, của huyện và dòng họ ta. Chúng ta xin chào đón bằng tràng pháo tay (mọi người vỗ tay phấn khởi).

******************************************

Chứ mà, cụ... các ban ngành lãnh đạo của tỉnh, của huyện, của xã của Trung ương cho đến Trung tâm, cho đến dòng họ sẽ làm sao để với tấm lòng tìm được cố TBT, đó là một niềm vinh dự cho tỉnh cho quê hương, cho dòng họ. Vâng, cháu xin hết (mọi người vỗ tay).

Chú Tân đứng dậy xin giới thiệu cháu với mọi người, đây là...

Cậu bé ngắt lời: “Không giới thiệu. Cháu làm việc âm, cháu không làm việc trần nên không giới thiệu, chú giới thiệu thì cháu không cần biết...

Trong lúc chờ ban lãnh đạo Nam Kỳ khởi nghĩa có ý kiến thì cháu có ý kiến nói vui một tý. Bác Khang đừng quay cháu lên ti vi nhé...

Hôm nay thiếu chú Cự không về à? Chú Cự chê dòng họ à? Thôi cháu chào ông bà, các cô, các chú. Cháu về chỉ giới thiệu thế thôi. Bây giờ thì đến một người lãnh tụ sẽ về nói chuyện với các cô các chú và dòng họ ta.

Một người không giới thiệu tên, giơ tay nói: “Bác chào các cô, các chú (Bác hút thuốc lá).

Tìm mộ các chiến sĩ Cách mạng là đạo lí uống nước nhớ nguồn của đồng bào ta. Về phía tâm linh thì Bác thay mặt cho Đảng ủng hộ các cô các chú để hoàn thành được tâm nguyện. Tâm nguyện đó là gì? Tâm nguyện là đưa đồng chí Hà Huy Tập về với quê hương về nơi đã sinh ra. Thế thì Bác nói với các cô các chú: Đồng chí Hà Huy Tập sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học. Năm 17 tuổi đồng chí đã có lòng yêu nước... Cho đến năm 19 tuổi thì đồng chí đã gia nhập Hội phục Việt... đến 25 tuổi thì đồng chí đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Liên Xô, nay là Đảng cộng sản Nga. Năm 1936, lúc bấy giờ đồng chí Lê Hồng Phong triệu tập Ban chấp hành Trung ương để họp và bổ sung nghị quyết VII của Quốc tế Cộng sản. Sau đó Ban chấp hành Trung ương quyết định để cho đồng chí Lê Hồng Phong ở lại Thượng Hải. Và đồng chí Hà Huy Tập về hoạt động trong nước, làm việc với một số ban ngành khác. Cuộc đời hoạt động của đồng chí cho dân tộc ta đến năm 1938, lúc đó đã có địch ở bên cạnh rồi. Bác và đồng chí Hà Huy Tập khi sống chưa hề được gặp nhau một lần. Cho đến 28-8-1941 thì đồng chí Hà Huy Tập và một số đồng chí khác đã bị thực dân Pháp xử bắn ở tại trường bắn Hóc Môn, các cô các chú đã biết rồi. Đồng chí Hà Huy Tập hy sinh lúc đó mới 35 tuổi thôi, và đồng chí đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho dân tộc, cho đồng bào. Ngày hôm nay, Bác về, Bác nói với các cô, các chú để làm tất cả bằng tấm lòng của mình đối với Đảng với dân tộc, đối với nước Việt Nam dân chủ cộng hoà của ta và các bậc tiền bối. Bác về Bác ủng hộ các cô, chú. Bác về chỉ có mấy lời nhắc nhở các cô, các chú. Bác chúc các cô, các chú và đồng bào cả nước mạnh giỏi để đưa đất nước ngày một đi lên. Thôi, Bác đi...”

Người vừa phát biểu đi rồi cụ Hà Mại nhập về. Cụ hỏi: “Thằng Sửu, thằng Khang đâu nhỉ? Mượn cho cha mày một cái ghế ra kia, cha mày già rồi. (Cụ quay sang bảo anh Huyên) lãnh tụ đi hết rồi thì dân ta ngồi với nhau. Lãnh tụ về, đi hết rồi. Người vừa phát biểu xong cũng đi rồi.

Trong này có người thắc mắc làm sao ngày xưa có lúc Đảng không công nhận lãnh tụ mình. Thế thì hôm nay có người về phát biểu thì hoà đồng thế, bay có hiểu không? Phát biểu tao nghe”.

Chú Tân phát biểu...

Cụ Mại: “Ngày xưa Quốc tế Cộng sản dạy phải giải phóng giai cấp vô sản. Đến khi Hồ Chủ tịch về nước thì không chỉ giải phóng giai cấp vô sản mà giải phóng dân tộc trước, nhưng mà sau này lại hiểu nhau.

Hôm nay, cái công việc của họ, con cháu về đông lắm, cụ mừng rồi. Nhìn thấy ban ngành lãnh đạo quan tâm đến dòng họ thì cụ mừng rồi. Cụ mong anh Danh, anh Sơn, anh Minh, anh Thắng về nói với anh Bình, anh Cự và các anh khác nữa, làm việc này không phải chỉ cho dòng họ đâu, mà còn là cho cả tỉnh, cả dân- cái việc tìm mộ ấy. Tôi phê bình cái việc tưởng niệm đây này. Bây giờ Đảng giao cho dân, cho người có trách nhiệm rồi tuần tiết phải hương khói cho tử tế, chứ không phải cứ đợi khi nào có ban ngành đến thì mới mở cửa. Phải mở cửa liên tục. Người âm họ về không phải báo cáo như người trần đâu. Dân mà không đến thì người âm đến. Trần cũng thế, âm cũng thế, không phải lúc nào cũng hương khói, nhưng cũng đừng để lâu quá nó lạnh, nó tàn. Tôi lo cái này chỉ được cho Đảng, cho quê hương, xong rồi mới đến dòng họ, chứ không phải đặt vấn đề dòng họ lên đầu đâu.

Về phần mộ, hôm nay tôi hỏi có con thằng Quế không? Hôm nào vào Sài Gòn bắt buộc phải có thằng Hoàng con thằng Quế đấy, nhớ nhá, không thì thằng Quế nó giận đấy. Lẽ ra ở trên trần nó phải đứng ra nó lo chứ không phải thằng Thừa, thằng thiếu đâu. Bây giờ âm dương cách biệt, trên trần còn thằng Hoàng con nó đấy. Hôm nào đi đón cụ thì nhất thiết phải có nó. Đón là đón TBT nhà mình chứ không phải đón cụ này đâu. Nhất nhất là phải có nó, không có nó là không được.”

Cụ chỉ vào anh Đào Vọng Đức: “Cố mời nhiệt tình lắm mới được Giám đốc đi vào dự với dòng họ, với huyện, với tỉnh đấy. Thế bây giờ có tý cay cay không các anh nhỉ, để cụ chúc Giám đốc. Xong cụ chỉ vào anh Khang nói: Nó mặc áo đen là con nhà Nhân Triển, cháu đích tôn của ông Nhiếp đấy. Nó không biết hay sao mà cụ về nó chẳng hỏi cụ (cụ rót rượu chúc các anh lãnh đạo...).


*
* *


Sáng 8-10-2009 (tức 20-8 âm lịch) theo lời dạy của cụ Hà Mại, tôi, anh Tuần, anh Huyên, cô Thảo, chị Hà lên khu đồi để cụ dặn dò thêm một số công việc. Sau đó cậu bé Hoàng về dẫn chúng tôi đi quanh quả đồi rộng chừng 3ha. Ngày thường nhà ngoại cảm Ánh có vẻ chậm chạp, thế mà khi cậu nhập vào, nhà ngoại cảm đi nhanh như sóc, không ai theo kịp. Nhiều lúc cậu bám cành cây nhỏ đu đưa như chú vượn, trông phát khiếp. Nếu là người thường cũng ít người làm được như thế chứ đừng nói đến nhà ngoại cảm Ánh.

Cậu bảo: “Cha và hai chú theo đường cũ mà ra. Còn hai cô đi theo cháu”. Cứ thế chị Hà và Thảo theo cậu tới chân đồi thì không còn đường ra nữa. Cậu bảo: “Qủa đồi này duy nhất chỉ có một đường chứ không có đường thứ hai. Bây giờ phải theo cháu mới ra được.” Về sau cô Thảo xác nhận đúng như vậy. Bao bọc xung quanh quả đồi là một cái mương nước khá rộng. Đến khi nhìn thấy một cái cây nhỏ, đổ nằm vắt qua hai bờ mương, cậu nói: “Có cầu kia rồi, mọi người có đi không?”. Thế là cậu nhún nhảy trên cái cây bé tẹo, đám chúng tôi ở bên này mương cũng phải nín thở. Tôi cũng đã từng đọc chuyện kiếm hiệp, chỉ có những cao nhân dùng khinh công hay phép thuật trong chuyện mới đi dễ dàng như thế. Người trần đâu có làm được vậy. Chúng tôi loay hoay mãi mới đưa được chị Hà và cô Thảo sang bờ.

Trở về khu tưởng niệm cố TBT Hà Huy Tập, tôi thấy anh Nguyễn Xuân Lam, anh Sỹ, chú Tân và cháu Hạnh đang ngồi chờ sẵn ở đó. Cụ Mại nhập về, cụ chỉ vào cô Thảo nói: “Thằng Thạch nó đi công tác hay trốn không đến? Mà bay là vợ hắn nên đi thay à?”. Thảo đỏ mặt lắp bắp. Cụ bảo: “Thôi, mọi công việc tạm ổn. Bây giờ còn một việc cụ nói cho bay nghe rõ. Hôm nay có một cụ gửi lời tao đến nói lại cho bọn bay biết, chứ việc này không liên quan gì đến tìm mộ đâu. Cụ này là Nguyễn Biên đấy”. Cả đoàn chúng tôi hỏi nhau, không ai biết gì về cụ Nguyễn Biên. Cụ Mại chỉ vào anh Nguyễn Xuân Lam hỏi: “Thế mày là con cháu họ Nguyễn mà không biết tổ tiên nhà mình à?...

Năm 1407 có cuộc khởi nghĩa của tướng Nguyễn Biên. Ông vốn là người huyện Can Lộc và khai hoang dưới chân núi Choác ở làng Khả Luật. Dựa vào địa hình hiểm trở, ông đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống giặc Minh, rồi từ động Choác ông tiến ra giải phóng Kì La và Hà Hoa thuộc Châu Nam Tĩnh. Sau đó dời tới thôn Cát Tiên đánh lui nhiều cuộc tấn công của quân Minh rồi làm chủ từ Cẩm Xuyên đến Đèo Ngang. Khi nghĩa quân Lam Sơn vào Hà Tĩnh thì ông đem quân theo Lê Lợi, Nguyễn Trãi... Bọn bay phải tìm lên đó mà thắp hương”. Mọi người đều nói không biết đường và xin cụ chỉ dẫn.

Cụ bảo: “Cứ ra ngã ba rẽ trái mà đi, khắc có người dẫn đường”. Quay sang anh Lam, cụ hỏi: Mày có biết làng Cát Tiên ở đâu không?”.

Anh Lam thưa: “cháu không biết ạ”.

Cụ lắc đầu cười và nói: Các con phải đi Thiên Cầm, ở đó có liên quan đến một vị vua. Đó là Hồ Quý Ly. Các con cứ đi đi rồi sẽ thấy nhiều điều bất ngờ. Thôi, cụ đi kẻo muộn”.

Hôm đó, theo sự chỉ dẫn của cụ Hà Mại, đoàn chúng tôi tiếp tục đi tìm động Choác. Khi tới ngã ba như cụ chỉ dẫn, tự dưng có một người thanh niên xuất hiện. Chúng tôi hỏi thăm động Choác, người thanh niên này dẫn chúng tôi đến nơi mà người dân ở đó gọi là thờ tướng Nguyễn Biên. Cả đoàn vào dâng hương xong, định ra về thì thâý một người đàn ông trạc 50 tuổi mặc áo màu xanh bộ đội đi tới. Chú Tân liền chào hỏi... Người đàn ông đó nói nơi này thờ tướng Nguyễn Biên. Anh ta chỉ nghe kể lại ngày xưa ông đi đánh trận bị thương đưa về đây. Chính chỗ này có giọt máu của ông rơi xuống nên nhân dân lập nên miếu thờ. Còn trước mặt kia là nơi ông Tướng luyện binh. Cạnh đấy có một cái giếng nước trong, không bao giờ cạn. Còn phần mộ của ông thì không thấy ở đây. Chỉ biết nhân dân gọi ông là Thượng tướng quân Nguyễn Biên. Ngay lúc đó, nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh bảo: “Tôi vừa nghe thấy ai đó nói anh đọc chưa đủ mà phải gọi là Bình Ngô Thượng tướng quân Nguyễn Biên”. Người đàn ông đó bảo: “Tôi chỉ nghe nói vậy thôi”.

Rời Động Choác, đoàn chúng tôi tiếp tục đi Thiên Cầm, xuống tới nơi gần 3h chiều. Trong đoàn gồm anh Sỹ, anh Lam, chú Tân, chị Hà, cô Thảo và nhà ngoại cảm Ánh. Mọi người đều xách dép trèo qua những tảng đá lớn ở phía bờ biển tới cửa hang Vũ Khí. Đường trèo lên đá dựng đứng mà không hiểu sao lúc ấy chúng tôi vẫn trèo được. Nghĩ lại bây giờ còn thấy sợ. Chúng tôi đến một số địa điểm ở nơi đó. Lúc nhà ngoại cảm Ánh đang ngồi nghỉ, bỗng nghe thấy có tiếng gọi “vào đây”.

Nhà ngoại cảm Ánh đứng dậy đi vào sau lùm cây thì cậu bé nhập về. Cậu gọi tôi vào. Lập tức tôi đi theo nhà ngoại cảm Ánh và tiếp sau tôi là chị Hà. Giữa một khoảng đất trống, tự dưng xuất hiện một thanh niên ra chặn đầu chúng tôi. Phía trái lại có một người lảo đảo như say rượu ôm lấy tảng đá. Rõ ràng là hai thanh niên chứ không phải tôi bị hoa mắt. Tôi hỏi: “Mọi người đi đâu vậy?”. Hai thanh niên đồng thanh trả lời: “Theo các bác đi tìm cha con Hồ Quý Ly”. Tự dưng tôi thấy gai người. Có gì đó rất lạnh nơi hoang vắng. Tôi liền nói: “Ở đằng kia có cái hang, các anh lại đấy mà xem”. Hai người đều nói say lắm rồi, không đi nổi nữa. Chưa dứt lời thì cậu bé đưa mắt nhìn tôi, ánh mắt cậu long lên vẻ hốt hoảng, ra hiệu cho tôi đi ngay. Tôi và chị Hà vội quay theo cậu bé. Được ba bước, cậu nói nhỏ: “Quân của nhà vua Hồ Quý Ly đấy”. Tôi bảo làm gì có chuyện đó. Hai người thật đấy chứ. Cậu nói: “Cha quay lại nhìn xem có thấy họ không?”. Tôi quay lại thì không thấy hai thanh niên đâu nữa, chỉ còn tiếng gió vi vu như tiếng đàn trời. Việc đó đến tận bây giờ vẫn còn ám ảnh chúng tôi. Tôi chẳng hiểu tại sao lại vậy.

Sau này tại điện thờ Đức hoàng ở nhà ngoại cảm Ánh, tôi hỏi lại, cậu bé bảo: “Đó là hai thị vệ của Hồ Quý Ly đấy. Cha con Hồ Quý Ly đứng ở mỏm đá phía trên. Xung quanh còn 8 thị vệ nữa. Nếu hôm đó mà cha dấn thêm mấy bước là họ tấn công liền. Lúc đó con cũng hoảng, chỉ sợ cho cha và cô Ánh thôi”. Sau này, tôi hỏi anh Lam, anh Lam bảo đã hỏi lại các cụ trong làng, ngày xa xưa đó là làng Cát Tiên mà anh không biết. Tôi có hỏi lại cụ Hà Mại về tướng Nguyễn Biên, cụ chỉ cười và bảo: “Mày lo cho họ Hà chưa xong còn lo họ Nguyễn làm gì”. Xong, cụ kể: “Khi Lê Hoàn chiếm thành giải phóng từ núi Nam Giới đến Đèo Ngang, lập ra Châu Thạch Hà. Nhà Lí lập Định Khiêm, Nhà Trần đổi thành châu Nhật Nam. Đến năm 1469, Lê Thánh Tông lập lại bản đồ cả nước lập châu huyện vào Thừa Tuyên. Vùng Cẩm Xuyên bấy giờ thuộc Kì Hoa, phủ Hà Hoa, Thừa Tuyên Nghệ An. Năm Minh Mạng thứ 12 cắt hai phủ Đức Quang và Hà Hoa của Nghệ An lập ra tỉnh mới là Hà Tĩnh. Như vậy tỉnh Hà Tĩnh được lập năm 1831. Ngày xưa, trên 4000 năm, cái thủa Vua Hùng dựng nước ấy, Cẩm Xuyên thuộc bộ Cửu Đức, một trong 15 bộ của Văn Lang. Đời vua Hùng thứ 13 đi tuần qua đây, đến một ngọn núi sát biển, nghe gió thổi vi vu như tiếng đàn nên đặt ngọn núi đó là Thiên Cầm”.


*
* *


Ngày 25-8 Kỉ Sửu, đoàn chúng tôi gồm GS - VS Đào Vọng Đức, tôi, anh Sỹ, chú Tân, chị Hà và nhà ngoại cảm Ánh vào thành phố Hồ Chí Minh. Chuyến đi này cũng gặt hái được rất nhiều. Nhà ngoại cảm Ánh (nói đúng hơn là Đức Hoàng Mười) vẫn khẳng định hài cốt bác Hà Huy Tập nằm cạnh cây bàng.

Buổi chiều, cháu Hà Huy Dương đón chúng tôi về nhà riêng để nhờ nhà ngoại cảm Ánh xem gia sự cho nhà Dương. Tại đây cụ Hà Mại cũng nhập về. Có lẽ cụ thèm thuốc mà không có điếu. Cụ nắm tay trái lại làm điếu, viên ít sợi thuốc lá cho vào chỗ cuộn ngón tay út rồi châm lửa hút. Mọi người tròn mắt, chỉ sợ nhà ngoại cảm Ánh bị bỏng tay, ngọn lửa ga rất mạnh mà tay nhà ngoại cảm Ánh lại không việc gì, thế mới lạ chứ. Sau đó cháu Dương phải lấy chiếc vỏ lọ trà xanh không độ, khoét một lỗ như chiếc điếu cày cho cụ hút. Riêng tôi, không đến mức phải quá lạ lùng, vì tôi đã từng xem Bà Chúa nhập vào nhà ngoại cảm Ánh sao lá thuốc. Bó hương cháy đùng đùng dưới tờ báo làm chảo mà tờ báo không cháy trong khi những lá cây làm thuốc phía trên mặt báo thì bị khô quắt, khô queo.

Ngày 29-10-2009 (tức là 12-9 âm lịch) tôi đến điện thờ ở nhà ngoại cảm Ánh xin Đức Hoàng Mười cho gặp cụ cố Hà Mại để hỏi một số công việc riêng của con trai tôi là Hà Huy Tâm ở Sài Gòn. Hôm đó Đức Hoàng cũng nói sẽ điều chỉnh ghế nam (tức là nhà ngoại cảm Nguyễn Hữu Thuận) và cụ cố cho tôi những lời dự báo về công việc sắp tới sẽ diễn ra như thế nào. Sau đây tôi xin ghi lại cuốn băng ghi âm cuộc nói chuyện đó:

Lợi: “Hôm nay ngày 12-9 kỷ sửu, con là Hà Huy Lợi nhờ cụ chỉ và giúp bốc bát hương cho nhà con trai con là Hà Huy Tâm ở Sài Gòn”

Cụ Mại: “Ừ, nó làm cái nhà to nhỉ. Con định bốc bát hương vào ngày 16 thì chẳng làm được đâu. Phải đến 20 thôi. Nhưng mà mày cũng bảo các nhà ngoại cảm người ta đi luôn để xin xem cái việc tìm mộ thằng Tập như thế nào nhá. Cô đồng thì 19 đi, rồi 20 làm. Để tao xin với ông Thánh xem có kết hợp việc đi Sài Gòn này để làm cái việc thằng Tập cho dứt điểm đi. Ngày xưa định tháng 3 làm rồi cũng chẳng làm được. Mà đợt này làm sẽ có nhiều cái diễn biến lắm, nhưng mà thiên cơ bất khả lộ. Tao nói đây là mày không được nói lại, cứ để bao giờ mà cái chuyện làm xong thành công thì hãy nói, chứ bây giờ cho quân lính biết thì tinh thần nó nao núng, rồi nó hoang mang. Kể cả cái thằng cu con nhà mày ấy cũng không được biết đâu, cái thằng người sống ấy, cái thằng gì đấy”.

Lợi: “Thằng cháu Thanh”

************************************************

Cụ Mại: “Thằng ấy cũng không được biết. Bây giờ tao xin cho ngày tới đây vào Sài Gòn làm cái việc liên quan đến mộ thằng Tập. Hôm ấy đi phải kết hợp cả hai người đấy. Có khi phải 2, 3 người ngoại cảm vào đấy. Vào nhưng mà rồi về, con này, mày thì mai đi rồi, nhưng thu xếp 19 cho cô đồng đi, 20 làm việc thì 19 tao đi rồi tao xin ông Thánh làm việc vào ngày 20 hay 21 gì đó. Thế cho xong xuôi đi. Về tầm độ khoảng 25-26 quyết định luôn việc bốc.

Mày cứ ngẫm cái lời tao nói. Đi đợt này phải nghe ngóng cho đàng hoàng, không được nông nổi. Ngày giờ thì phải về nhà mới quyết định. Quyết định nông nổi ở ngay nghĩa địa là không được. Đó là vấn đề thứ nhất. Cái vấn đề thứ hai: Việc quan không phải định một ngày, nó ra một ngày. Thiên cơ mà. Ngày xưa vua chúa mà chôn xong khi quân lính về thì cắt lưỡi; không cắt lưỡi chặt đầu thì nó lại phun ra. Con này, thôi bây giờ tao cứ quyết định đi. Mày cứ ngẫm cái lời tao nói. Mày ngẫm thôi, nhưng sau là thành công đấy. Tao với lại cái thằng cu Hoàng, thằng con nhà mày bỏ đi ấy, đi kêu cầu rồi. Nếu đúng ngày 20 chúng bay vào được Sài Gòn thì cứ mời các nhà ngoại cảm đi hết đi. Cho xuất hiện hết đi. 19-20 là cô đồng xuất hiện. Đúng 20 tao xuất hiện trong đấy, xong tao sẽ xin cho làm việc tại nghĩa trang ông Bẩy Già. Cái này thiên cơ, mày phải cất kỹ đi không được nói đâu nhé. Bao giờ xong mới được nói, hiểu chưa? Rồi tao sẽ xin cho ông ấy triệu tập được ông Phú, ông Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang. Có khi còn có cả bà Lý Duệ Phương. Nhưng cái người ấy thì tao chưa chắc đâu nhá. Thế rồi còn cái người học cùng với nó bên Nga ngày xưa mà mang cái số thẻ, thằng Tập là 4716, thằng kia là 4717 cùng phòng luôn đấy. Tao sẽ kêu thằng ấy, thằng Danh, Trần Ngọc Danh. Gặp được sẽ rất tốt. Hôm ấy, nếu đi ra nghĩa trang mà gặp trời mưa, ngẫm thôi nhá, nếu trời mưa thì cuộc họp hôm ấy nhất định thành công. Mà thành công thì đúng mùng 6 khai quật. Mùng 6 tháng 10 hay mày bảo mùng 6 tháng 9? Hôm nay đã 12-9 rồi còn gì. Đúng mùng 6 tháng 10 khai quật. Mà khai quật thì mày ngẫm thôi, đừng nói cho ai biết. Cô đồng cũng không được biết đâu. Cái này mà tâm tâm, niệm niệm thì nhanh thành công. Cái tâm địa chúng mày chưa tín thì phải đào vài ngày, mày hiểu chưa? Thế nhưng mà đào lên xong, không phải ngày một ngày hai mà người ta chấp nhận ngay đâu. Mà chúng mày cứ khai quật đi thì tỉnh, huyện họ sẽ theo chúng mày. Đến khi thấy rồi thì cũng không phải Trung ương chấp nhận ngay đâu nhá. Trung ương họ phải lo nhiều việc chứ đâu phải chỉ mỗi việc nhà mình. Phải cần có thời gian họ mới làm được”

Lợi: “Vâng, vâng ạ”

Cụ Mại: “Trong đó thằng Tập nó nói cái nguyện vọng là nó về ngày mùng 10. Nhưng quan chức âý mà, nói ngày nay về ngày mai thay đổi là chuyện bình thường. Vì thế nếu về được ngày mùng 10 là cái tốt, mà không thì từ nay đến rằm. Đó là nói, ta cứ mùng 6 khai quật, chục ngày sau hạ xuống là bao nhiêu?”

Tôi: “Là ngày 16 ạ”

Cụ Mại: “Ví thử tao cho ngày nay là khai lên, tao cho 10 ngày thì hạ huyệt’

Tôi: “Sao lâu thế ạ?”

Cụ Mại: “Mày không được nói với ai về thời gian chờ đợi. Cứ nói đúng ngày mùng 10 tháng 10 là về an táng. Nhưng còn một việc nữa, tao nói thế này này cái điều này xảy ra mà đúng, mày ngẫm mà đã theo về tâm linh thì phải theo tâm linh, nghe cụ thì phải nghe cụ. Phải đúng như thế. Chúng mày chỉ nhờ các nhà ngoại cảm khai quật thôi, thấy thằng Tập rồi thì tao làm, chúng bay hiểu chưa. Mày thống nhất chưa nào?”

Lợi: “Thống nhất ạ. Cụ làm cho được như thế thì tốt quá rồi ạ!”

Cụ Mại: “Vấn đề tâm linh nhá, đưa lên thì phải phần sài tẩy uế, tắm rửa sạch sẽ bằng nước ngũ vị hương, mày hiểu chưa? Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai: Khi về theo tâm linh qua cầu Bến Thuỷ thì dừng bên này 10 phút, dừng bên kia cầu 10 phút. Tất nhiên cái này sau khi làm họ sẽ hướng dẫn sau. Thế nhưng trong việc làm này phải cẩn thận không thì trong khối ngoại cảm với nhau nó lại coi thường, nó sẽ bảo là đàn bà, đàn ông gì đấy. Cái đó đừng coi thường đàn bà nhá. Cái xác là đàn bà thôi, nhưng mà đàn bà được trên người ta cho làm quan rồi thì không có sợ gì đàn bà, mà trong đó đã có tao tồi, mày hiểu chưa?”

Lợi: “Con hiểu rồi ạ”

Cụ Mại: “Thế từ nay không có sợ gì nữa. Nhà ngoại cảm có nam, có nữ bao giờ người ta cũng lấy thế nam để trị thế đàn bà. Mày hiểu chưa? Trị cái thế đàn bà thì không cẩn thận sẽ mất đoàn kết. Chuyện ai thắng ai thua tao không thèm bàn. Nhưng ngược lại nếu chúng bay tin tao thì cứ việc khai quật. Còn bao nhiêu việc tâm linh xảy ra như thế cứ để tao làm. Việc có như thế thôi, nhưng mày không được nói với ai đâu. Sau này thành công rồi thì phải cho thằng Thạch nó nghe nhé. Tiên mẹ cái thằng ấy là ngang lắm. Cái tâm thì có, cái thằng Thạch, Hà Văn Thạch ấy, cái tâm thì có nhưng nó ngang lắm. Thế nhá. Trong lúc làm việc khai quật đến khi xảy ra mọi thứ mà chờ đợi thì xảy ra anh em lộn xộn, con cháu hơi mất đoàn kết một tý. Nhưng mà thôi, cố nhịn. Hy sinh cái việc bé để lo cái việc lớn. Nhưng mà trong dòng họ phải cẩn thận. Bất cứ việc gì cũng không bị động từ một phía ai, kể cả ngoại cảm hay một người nào, dòng họ phải đoàn kết, mày hiểu chưa? Cái ngoại cảm này chỉ có vấn đề tâm linh thôi, khiển đưa lên được thôi. Còn cái việc trần gian phải do chúng bay. Chúng bay phải luôn luôn nhớ một điều như thế này này: Ai khiến cái gì kể cả đàn cầu siêu hay là phải rước hồn, hay chúng bay phải làm gì thì chúng bay phải nhớ thế này: Một người làm quan thì cả họ được nhờ. Họ nhà mình danh giá từ trước đến giờ rồi, mày hiểu chưa? Tao làm quan đấy, mà không phải một mình tao. Mày tính trong họ Hà ta có bao nhiêu Tiến sĩ. Cái đó hỏi thằng Sỹ xem, có bao nhiêu cử nhân. Thế thì làm sao phải để cho vong hồn nó không được siêu thoát, sao phải để cho vong hồn nó phải khổ? Nhớ, cái điều đó chúng bay không phải lăn tăn, cũng giống như mày ấy, bây giờ mày có ăn thì bao giờ lại để cho con mày phải khổ. Còn ai bàn cái gì cứ để đấy tính sau, không làm bất cứ cái gì cả, không phải cầu ai, không phải cúng ai, khi nào xong xuôi mọi việc cụ sẽ tính. Đấy, nhớ lời cụ dạy. Đến khi thành công thì mày cho mọi người nghe lại toàn bộ cái này và hướng dẫn theo đúng cái này. Còn cứ nói, kể cả dòng họ cứ điện về nhà nói là mùng 10 tháng 10 âm lịch chôn; không thế thì làm sao nó chuẩn bị, không thế thì làm sao có lễ mà cúng các cụ từ khi thấy thằng Tập. Mày cứ nhớ một điều, nếu cái tâm chúng mày tốt tao khẳng định là tao về kêu với ông Mười chỉ huy thì ngày hôm trước đào, ngày hôm sau thấy. Ngược lại, cái tâm mà nguểnh ngoảng thì 5 ngày trời. 5 ngày quần trên ấy cho chúng mày biết thân”.

Lợi: “Nếu cụ cho như thế thì chúng con mệt lắm, chúng con tâm tốt rồi đấy ạ”

Cụ Mại: “Đấy, tao cứ nói thế. Nhưng mà khi chúng mày làm thì tỉnh, huyện sẽ tham gia đấy. Tao sẽ cho cả tỉnh, cả huyện nằm ở đấy 5 ngày trời khi khai quật ấy. Còn khai quật xong thì tao cho nằm 10 ngày nữa là 15 ngày. Đấy là cái tâm không tốt. Nếu cái tâm mà tốt thì chỉ 10 ngày thôi sẽ về quê. Còn bây giờ đứa nào nói ngày giờ thì mày cứ ừ hết, nhớ chưa. Thiên cơ mà. Còn đến khi thực hiện phương án hai, tức là tỉnh vào cuộc, Trung ương vào cuộc thì mở cái băng này ra nghe lời cụ dạy. Còn nếu phương án Nhà nước không công nhận thì chúng bay đào xong cứ thế mà đưa về. Còn Nhà nước đã công nhận rồi thì phải xin là đưa về, nhưng cứ sau 10 ngày hạ huyệt. Nhưng lúc nẫy mày bảo sau10 ngày là ngày bao nhiêu nhỉ?”

Lợi: “là ngày 16 tháng 10 ạ”

Cụ Mại: “Là ngày 16 thì 15 đón về đúng không. Ngày 16 về thì tý, sửu, dần, mão... nếu làm thì làm vào giờ thìn, không thì giờ mùi. Thế còn cái ngày mà hôm làm mộ đấy, ngày đặt mộ, cái hôm mà tao đã về Cẩm Xuyên làm việc với tỉnh, với huyện, với xã ấy, sau này cũng sẽ có đứa phá ngang đấy. Nhưng mà tuỳ chúng mày nghe ai thì nghe. Còn tao ngời ngời là quan, những cái vụ thiên cơ khác tao không nói. Tao không nói vào đây kẻo đến lúc cho nghe lại băng thì bỏ mẹ. Nhưng riêng cái mộ tao đã hướng dẫn như thế rồi nhá. Tao làm quan, tao phải nghĩ có lợi cho dân, cho nước, mày nhớ chưa?”

Lợi: “Ai phát ngôn chi thì kệ họ, con chỉ nghe cụ thôi”

Cụ Mại: “Tao cứ nói thế. Mày cứ ngẫm lời tao nói sẽ có đứa phát ngôn linh tinh cái vấn đề thứ nhất chung quy là đàn bà và chung quy lăn tăn là chưa được tín nhiệm. Thôi cái việc đó sau này chúng mày tự giải quyết với nhau. Thế giờ mày có ý kiến gì?”

Lợi: “Con rất mong cụ chỉ bảo cho con làm thế nào để thành công sớm. Nếu việc này không thành công thì con tìm chỗ nẻ nào đó mà chui xuống, có lẽ lúc đó con phải đi theo cụ thôi”

Cụ Mại: “Cha mẹ mày, lại không tin tưởng à”

Lợi: “Con tin tưởng chứ. Nhưng con mong sớm thành công”

Cụ Mại: “Bây giờ thế này, tao đang dự định nếu 20-21 chúng mày vào Sài Gòn thì tao mới xin được cái cuộc nói chuyện ở nghĩa trang, sau đó về tao quyết định đúng mùng 6 tháng 10 làm. Mà tao đã xin ông Thánh, ông Thánh vẽ dẫn cho tao như thế rồi. Hôm nay tao nói cho chúng mày chuẩn bị trước thôi. Chuẩn bị mình mày thôi chứ mọi điều không đứa nào được biết, mày hiểu chưa?”

Lợi: “Chúng con sẽ làm đến nơi đến chốn”

Cụ Mại: “Cụ bảo rồi cứ làm đi sẽ được sự nhất trí của Trung ương. Cứ làm đi rồi đường đường chính chính người ta làm”

Lợi: “Con rất mong muốn như rứa. Cụ của ta phải được vinh danh xứng đáng chứ”

Cụ Mại: “Vinh danh là cái chắc. Mà trong cái việc vinh danh này hơi thay đổi một tý. Thay đổi cái người lãnh đạo, lãnh đạo là bù nhìn thôi, tất nhiên không phải bù nhìn. Nhưng mà bầu nó lên một tý cho nó khí thế. Việc nó phải thế. Chúng bay phải bầu lên người để chỉ huy việc khai quật, di dời, an táng. Việc thứ hai, đây là hai trong một, một trong hai, đố mày biết đứa nào?”

Lợi: “Hai trong một ở đây thấy rõ là anh Tân rồi. Sau này...”

Cụ Mại: “Thằng Tân thì nói làm gì”

Tôi: “Con nghĩ ra rồi, chú Hà Thạch ạ”

Cụ Mại: “Cái thằng ấy mới là thằng phải lo. Cái thằng ấy lặng yên mà xem, tao nói: nó sẽ cãi, cãi như gì ấy. Đấy, cãi nhưng mà vẫn được việc”

Lợi: Chú Thạch cãi nhưng mà vẫn phải nghe cụ”

Cụ Mại: “Đấy, mày nhớ nhá sau này mày cho nó nghe cái băng này một tý, nó cãi như gì. Nhưng bảo nó phải tỉnh táo, biết phân biệt đâu là âm, đâu là dương. Biết đâu là cụ nhà mày. Nếu không biết thì cụ nhà mày không nhận rồi lại đi nhận cụ nhà khác. Còn thằng Thạch mày cứ ngẫm mà xem, cái lúc đào thì có nó, nhưng khi thấy thằng Tập thì thằng Thạch đã về rồi, đến khi thằng Tập phải khóc cho mà xem. Khóc là cái lúc thằng Thạch không có ở đấy. Dù ngày hay đêm thì không biết, nhưng lúc tìm được hài cốt thì dứt khoát thằng Thạch sẽ ngủ, nó không có mặt ở đấy đâu. Tao lạ gì nó nữa, nó là quan chức, nó phải lẩn đi một tý. Nhưng mà thôi, kệ nó, cái việc đó không bàn”

Lợi: “Con đồng ý, có những việc phải cho chú Thạch lẩn đi một tý”

Cụ Mại: “Cũng có thể tỉnh cử nó đi. Cũng có thể nó nấp để nó đi, nhưng mà tao đảm bảo tỉnh vào cuộc, huyện vào cuộc, sau đó cũng đến Trung ương vào cuộc, nhưng mà hơi vất vả một tý. Đến Trung ương vào cuộc nên phải đợi đến 10 ngày đấy, không thì làm sao mà phải đợi. Nhưng nhất nhất phải nói đến mùng 10 tháng 10 nhá. Mùng 10 tháng 10 là giả vờ thôi, nhưng phải làm như thật ấy. Cho mày quyết định ngày mùng 10, nhưng đến giờ khắc cuối cùng nó sẽ thay đổi, mày hiểu chưa? Lúc đó mọi người sẽ thay đổi, thế vậy thôi nhá”

Qua sự chỉ đạo của Đức Hoàng Mười, sự hướng dẫn của cố tổ Hà Mại, ngày10-11-2009, chúng tôi thống nhất trước khi đi khai quật phải thành lập một chiến lược hành động xuyên suốt và có một người chỉ huy tập trung. Ban liên lạc họ Hà Việt Nam và đại diên gia tộc do O Hồng làm trưởng ban đã ra văn bản quyết định cử cháu Hà Huy Thanh làm chủ nhiệm chương trình giai đoạn “Khai quật, di dời và an táng cố TBT Hà Huy Tập”.

Trước ngày xuất quân, Đức Hoàng Mười vẽ sơ đồ vị trí cần đào, diện tích đào và nêu các sự kiện dự kiến sẽ xảy ra. Sơ đồ này đã được anh Hà Văn Sỹ, chị Trần Thu Hà, cháu Hà Huy Thanh và nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh cùng ký vào để coi như là bằng chứng đã được tâm linh chỉ dẫn trước một cách tỉ mỉ. Điều đó càng củng cố niềm tin của chúng tôi.

Xin nói thêm về bản sơ đồ có mọi người kí để làm bằng chứng. Sau này anh Sỹ, tôi, chú Tân, có bàn nhau: “Đúng là Thánh, quá giỏi!”. Thực tế lúc ấy nhà ngoại cảm Bích Hằng chỉ mộ cách xa nơi nhà ngoại cảm Ánh và nhà ngoại cảm Thuận chỉ tới 80 m. Ba nhà ngoại cảm chỉ thành hai nơi khác nhau, thật là khó xử lí.

Sau ngày khai quật, anh Sỹ cười bảo: Đúng là một trận giả tuyệt vời, không thế mọi sự làm sao mà êm ái được.


(Còn nữa)

0 nhận xét :

Ghi chú cho mẫu nhận xét:
- [img] ..link..[/img].
- [youtube] ...link...[/youtube].
- [nct]...link...[/nct].

:) :( :)) :(( =))

Recent Posts