Hành trình lạ kỳ đi tìm mộ cụ Nguyễn Văn Tố
Kỳ I: Câu chuyện từ Hà Nội
- Hành trình đi tìm mộ cũ Nguyễn Văn Tố, một nhân sỹ yêu nước và từng giữ chức Trưởng ban Thường vụ Quốc hội khóa I (nay là Chủ tịch Quốc hội) đầy khó khăn và hết sức lạ kỳ...
Từ đầu năm 2007, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam đã trình lên Quốc hội ý kiến xin được đi tìm cụ ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, một nhân sỹ yêu nước và từng giữ chức Trưởng ban Thường vụ Quốc hội khóa I (nay là Chủ tịch Quốc hội).
Việc đi tìm này có một ý nghĩa rất lớn khi trong năm 2007, Quốc hội Việt Nam kỷ niệm 60 năm Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I. Đồng thời, Hội truyền bá Quốc ngữ cũng dự định tổ chức 60 năm ngày được cho là cụ Nguyễn Văn Tố hy sinh 25-10-1947.
Và theo nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nếu trong năm 2007 tìm được phần mộ cụ Tố có một ý nghĩa lớn vì đúng dịp 60 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ... Trong một lần gặp nhà sử học Dương Trung Quốc, ông cho biết: Rất nhiều năm qua, gia đình, bạn bè cụ ứng Hòe Nguyễn Văn Tố đã gắng sức tìm kiếm, đi thu thập thông tin từ Hà Nội đến Thái Nguyên, Bắc Kạn nhưng không tìm ra manh mối về cụ. Nhiều thông tin cho rằng, cụ Tố bị địch bắt và thủ tiêu tại Bắc Kạn. Thông tin khác cho rằng cụ là một nhân sỹ nổi tiếng, giặc Pháp không lý gì lại giết hại cụ, có thể địch đưa cụ về Hà Nội...
Xuất phát từ việc tìm lại những tư liệu chính xác về vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Quốc hội Việt Nam, Văn phòng Quốc hội, Hội Sử học Viẹt Nam, Ban liên lạc Hội Truyền bá Quốc ngữ đã triển khai tìm kiếm trên nhiều tỉnh miền Bắc xác định là nơi cụ Tố đã hoạt động, chiến đấu. Các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn cũng tham gia giúp đỡ nhưng ý nguyện tìm đón mộ cụ vẫn chưa thành.
Bất ngờ qua thông tin trên một tờ báo lớn của Hà Nội, Hội Sử học đã tiếp cận ông Nguyễn Đức Phụng - người có khả năng và đã tìm được nhiều mộ liệt sỹ. Ông Phụng đã trợ giúp nhóm tìm kiếm xác định được mộ cho là của cụ Nguyễn Văn Tố tại một khu rừng núi bao la thuộc xã Nguyên Phú, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.
Một ngày đầu xuân Đinh Hợi 2007, ông Dương Trung Quốc và một số cán bộ lão thành cách mạng tới gặp ông Nguyễn Đức Phụng. Ông Phụng cho biết, ông cảm thấy có một sự giao cảm mạnh và khẳng định, cụ Nguyễn Văn Tố bị giặc Pháp vây bắt bởi tiểu đoàn lính dù Pháp do có điệp báo đã tiết lộ địa điểm diễn ra cuộc họp quan trọng của các lãnh tụ Việt Minh tại huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.
Trong khi nhiều người khác đã được báo cuộc họp bị hủy, mọi người phải sơ tán khẩn cấp thì cụ Tố vẫn ở lại lo nốt nhiều công việc, hủy tài liệu nên bị bắt. Khi bắt được cụ, do dáng vóc cụ Tố mảnh, dong dỏng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nên quân địch tưởng bắt được cụ Hồ.
Chúng reo hò rất to. Song sau khi biết không phải, quân địch giam giữ có phần lơi lỏng nên đêm cụ đã trốn chạy ra ngoài. Địch phát hiện và truy đuổi. Trên đường chạy trốn, cụ bị chúng bắn trọng thương và bắt lại.
Khi những tên Việt gian bán nước tố cáo cụ là một nhân sỹ nổi tiếng, quân địch đã tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc song không được. Chúng đã tra tấn, đóng đinh vào người cụ, buộc cụ kêu gọi những chiến sỹ Việt Minh ra hàng. Bất lực trước tấm lòng trung kiên và ý chí cách mạng bất khuất, quân địch đã thủ tiêu cụ và các đồng chí tại một cửa hang đá tại Bắc Kạn...
Biết được thông tin này, nhóm khảo sát cả mừng, vội lên Bắc Kạn. Nhưng trước giờ lên đường, một vị giáo sư chúng tôi quen bảo: “Cụ Tố quả là bị Pháp bắt ở Bắc Kạn trong một trận tập kích bất ngờ nhưng sau cụ bị chuyển về giam tại Hà Nội”. Vị giáo sư đoán rằng có khả năng cụ Tố bị giặc thủ tiêu ở Hà Nội nên ít có khả năng mộ nằm ở tỉnh Bắc Kạn...
Tuy hồ nghi nhưng nhóm khảo sát vẫn quyết định lần theo tấm sơ đồ mà nhà ngoại cảm mô tả. Một số vị trong Ban liên lạc Hội Truyền bá Quốc ngữ khá phân vân về những chi tiết mà nhà ngoại cảm đưa ra: Cốt cụ và các đồng chí đều được dân bản (là người dân tộc) an táng không có áo quan; địa điểm nơi mộ cụ Tố và 2 đồng chí nằm là cạnh 1 cửa hang đá tên Tà Lèn...
Tấm sơ đồ ông Phụng vẽ để đi tìm mộ cụ Tố
Cũng theo sơ đồ, muốn tìm đến mộ cụ Tố phải đi qua thị xã Bắc Kạn đến Bạch Thông, vượt qua một con sông lớn với một cây cầu bắc ngang, đi 9 km rẽ phải lần theo một con suối nhỏ, đi khoảng 2,5 km chú ý tìm một hang đá, trước cửa hang có một tấm bia đá còn gọi là tấm bia căm thù. Hang đá đặc biệt này nhìn ra một triền đất bãi.
Mộ cụ Tố được đánh dấu bằng một điểm đỏ nằm ở đất bãi bên tay phải đứng từ cửa hang nhìn ra khoảng 150 bước. Bên cạnh mộ cụ Tố còn đánh dấu 2 ngôi mộ của các đồng chí khác, một nằm sát cạnh, một ngôi lệch xa vài chục bước. 2 ngôi mộ hiện chỉ còn là nấm con nhum nhủm nhô lên như cái nôi nhỏ úp ngược thôi. Ông Phụng còn nhắc, khi đến nơi cố gắng tìm và hỏi các cụ già cao niên, một nam, một nữ tuổi chừng 80-89, họ sẽ cho biết thêm thông tin về cụ Tố...
Bà Nguyễn Quý Lan trao đổi thông tin với đoàn khảo sát
Chuyện thực hư thế nào, những thông tin như thế liệu có đúng không? Bao câu hỏi cứ chộn rộn với chúng tôi suốt hành trình lên Bắc Kạn. Một lão thành cách mạng trong đoàn tâm sự: Tôi có người bạn trước làm ở cơ quan địa chất nói, đúng là có một cái hang tên Tà Lèn.
Nhưng đã 30 năm qua, bà ấy chưa từng trở lại Bắc Kạn nên không còn nhớ rõ nó nằm ở vị trí nào. Ngoài cửa hang, bà nhớ đúng là có một tấm bia đá. Không biết bia có ghi khắc nội dung gì nhưng nó là một tấm bia bằng đá đen. Được chia sẻ thông tin ấy, chúng tôi vững tâm hơn.
UBND tỉnh Bắc Kạn đợi đoàn từ sáng. Sau những cái bắt tay thật chặt, cán bộ phụ trách văn hóa của tỉnh cho biết: Năm 2005, thực hiện chỉ thị của Quốc hội về việc thu thập thông tin mộ phần cụ Nguyễn Văn Tố từ nhân dân, UBND tỉnh đã thực hiện phát thông báo liên tục trên sóng truyền hình và phát thanh.
Kết quả đã có bà Lan (73 tuổi) đến xin cung cấp thông tin về cụ Tố. Điều đặc biệt là vị trí thị xã, cây cầu, con sông lớn, con suối nhỏ như sơ đồ cơ bản trùng khớp với những điều bà Lan nói. Tuy nhiên theo phía tỉnh Bắc Kạn, ở vùng này không ai biết có hang đá tên Tà Lèn...
Bà Nguyễn Quý Lan ở huyện Bạch Thông thấy đoàn cười rất vui. Bà bảo: Tôi định đi đám cỗ cách đây 10 km nhưng cứ thấy nóng lòng nóng ruột thế nào, cứ như có ai giữ phải ở nhà nên từ chối...”. Năm 1947, bà Lan mới hơn 10 tuổi, là giao liên cho cách mạng. Nhiều cán bộ lão thành cách mạng có tên tuổi từng tới họp bàn công việc tại nhà bà.
Bà kể: “Tôi thấy cụ Tố bị giặc Pháp đuổi bắt ngoài rừng. Tôi không biết có Tây nhảy dù vì vừa đi giao liên về làng. Tôi thấy cụ chạy ngược trở ra. Vừa chạy cụ vừa xua tay báo hiệu cho tôi biết có nguy hiểm. Tôi còn bàng hoàng chưa kịp hiểu chuyện gì thì thấy cụ bị chúng bắn gục xuống.
Tôi liền vội chạy về báo với cơ sở. Khi đưa anh em du kích trở lại thì không biết chúng mang cụ Tố đi đâu nữa”. Nơi bà Lan chứng kiến cụ Tố bị giặc bắn là cánh rừng ngoài bản Nà Pèn. Tên bản Nà Pèn có âm phát ra gần giống với tên cái hang đá đoàn khảo sát đang tìm kiếm. Một số người trong đoàn liên tưởng tên bản, tên hang đá và vị trí mộ cụ Tố có thể được an táng ngay tại bìa rừng bản Nà Pèn.
Kỳ II: Cuộc tìm kiếm bất thành
- Bà Nguyễn Quý Lan dẫn chúng tôi vào bản Nà Pèn, rẽ phải đi 2km thì đoàn gặp một con suối nhỏ, dân bản gọi là suối Lạnh. Theo con đường đất, đi bộ khoảng 1km qua những ruộng ngô đã thu bắp trơ gốc, lần tìm tới bìa rừng nơi mà bà Lan chứng kiến cụ Tố bị địch bắn...
Đám đất bìa rừng xưa, nay đã được người dân sở tại khai hoang thành một chân ruộng hẹp bám lấy rừng. Rừng đã khoanh nuôi nhưng vẫn um tùm chằng chịt tre vầu, dây leo, cây lâu niên. Gặp cảnh cũ, bà Lan xúc động khóc nghẹn bên mô đất góc ruộng, gọi tên cụ Tố.
Sau tuần hương, chút lễ vật lòng thành, khấn xin vong linh cụ Tố và các đồng chí về chứng giám, đoàn khảo sát chia nhau ra tìm kiếm xung quanh, mục đích hỏi tìm hang đá Tà Lèn có tấm bia căm thù và 2 nhum đất bằng cái nón con ngoài bãi gần cửa hang bên con suối Lạnh.
Ba bộ hài cốt của 3 liệt sỹ hy sinh ngày 25-10-1947.
Bộ hài cốt cụ Nguyễn Văn Tố ở giữa
Nhiều người dân bản, già có trẻ có đều trả lời, ở đây không có hang đá vì vùng này xưa nay chỉ toàn là núi đất. Quanh vùng này cũng không có cái hang đá nào có cái tên Tà Lèn hay Tà Vèn có tấm bia căm thù dựng ngoài cửa hang. Cả khu vực này chỉ có một hang đá duy nhất nhưng cách đây 3 km nằm chênh vênh giữa lưng chừng núi, rất hiểm trở chứ không gần sông suối nào.
May mắn chúng tôi hỏi được nhà ông Nghi năm nay 77 tuổi, năm 1947 ông là đội trưởng đội xung kích, được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc họp quan trọng tại ủy ban kháng chiến tỉnh Bắc Kạn. Ông Nghi kể: “Trước ngày 7-10-1947, chúng tôi có tin từ Thái Nguyên báo lên Tây sẽ tấn công.
Cuộc họp bị hủy, các cụ Phạm Văn Đồng, Trường Chinh đã qua chợ Đồn từ mấy hôm trước nhưng cụ Tố, không hiểu sao lại ở lại. Đến khi Tây nhảy dù tập kích, bao vây bắt được cụ Tố tại căn hầm ngay cửa ủy ban, chúng tôi vẫn không biết chúng bắt được cụ.
Tôi cùng tiểu đội du kích ẩn ngoài đồi thông, song do có biết ít tiếng Pháp, nghe chúng reo hò tôi biết chúng bắt được cụ. Tôi thấy chúng không trói cụ, không tra tấn, đánh đập. Chúng vây cụ giữa vòng tròn, áp giải đi, vừa đi vừa reo hò.
Anh em du kích cũng vừa hy sinh 9 người, còn 4 quyết định đánh giải vây cứu cụ nhưng thất bại, một đồng chí hy sinh, buộc phải rút lui...”. Ông Nghi cũng cho biết, năm 2005, cháu gái của cụ Tố ở TP.HCM cũng đến Bắc Kạn. Cô ấy lần tìm đến nhà hỏi xem có thông tin gì về mộ phần cụ Nguyễn Văn Tố, nhưng ông không giúp gì hơn được.
Chúng tôi không khỏi hồ nghi về nhận định này của ông Phụng bởi đúng ông có nói sẽ gặp được 2 người nhưng độ tuổi lại chênh lệch khá nhiều?! Một số chi tiết: hang đá, suối nước, đường mòn, tấm bia căm thù so với khảo sát không có...
Trở về Hà Nội, sau khi xem cuốn băng quay lại hành trình, đoàn khảo sát quyết định mời ông Nguyễn Đức Phụng trực tiếp lên đường. Chiều một ngày cuối tháng 3-2007, trong cái giá lạnh của núi rừng Việt Bắc, chúng tôi tiếp tục cuộc tìm kiếm mới.
Ông Phụng càng lên gần huyện Bạch Thông, người lúc thì đỏ phừng phừng, lúc thì tái đen lại. Ông bảo: Do giặc giam lỏng lẻo, không gông trói nên đêm cụ Tố và ông Phùng bấy giờ là Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn bàn nhau trốn.
Nhưng họ bị giặc phát hiện và truy đuổi. Trên đường truy đuổi chúng đã bắn cụ Tố tại bìa rừng bản Nà Pèn. Cụ Tố và nhiều đồng chí khác sau đó bị chuyển lên một điểm bí mật gần với Bạch Thông, cách UBND tỉnh khoảng 15 km.
UBND tỉnh Bắc Kạn cũng cử một đoàn cán bộ phối hợp thực hiện khảo sát với đoàn. Giữa trưa, đoàn đi qua cột mốc báo cách thị xã Bắc Kạn 9 km, đột nhiên ông Phụng khoát tay ra hiệu xe dừng lại. Ông mở cửa xe vội vàng bước xuống.
Cảnh vật nơi này có vẻ giống với những gì sơ đồ vẽ, cũng na ná như lời bà Lan kể. Ông Phụng hỏi chuyện 2 hộ dân cư trú ven đường về cái hang đá ở khu vực này. Tiếc là họ mới chuyển cư từ xa đến nên không biết. Đi suốt dọc quốc lộ, cả đoàn dò hỏi mãi dân địa phương, không ai biết. Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông bảo: Địa bàn huyện chỉ có thôn Ngoàn, xã Nguyên Phúc là có 2 hang đá.
Trong lịch sử Việt Nam, không ai không biết cụ ứng Hòe Nguyễn Văn Tố. Nhưng khi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của vụ, chúng tôi lại không có được nhiều tư liệu. Trong tra cứu của Thư viện Quốc gia, cụ Nguyễn Văn Tố sinh ngày 5-6-1889, quê làng Đông Thành, huyện Thọ Xương cũ, nay là số nhà 78 phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thuở nhỏ cụ học chữ Hán, sau sang Pháp học đỗ đạt thành danh, có quan hệ với nhiều học giả, trí thức nổi tiếng người Pháp và được giới quan lại thuộc địa rất trọng vọng.
Về nước, cụ Tố làm việc tại trường Viễn đông Bác cổ (EFEO) Hà Nội, chuyên về văn học cổ, sử học Việt Nam. Trước năm 1945, cụ từng làm Hội trưởng hội Trí Tri, Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ và là một trong những nhân sỹ yêu nước đầu thế kỷ XX đã cùng lớp trí thức: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Vũ Đình Hòe... phát động công cuộc cách mạng chữ quốc ngữ.
Cũng chính từ ngọn lửa nhiệt huyết ấy, từ nền dân trí còn rất thấp mà sau này dưới sự lãnh đạo sáng suốt tuyệt vời của Đảng và Bác Hồ, nhân dân ta đã lập nên một kỳ tích, với phong trào bình dân học vụ và bổ túc văn hóa, xóa nạn mù chữ, thất học cho toàn dân tộc sau thời kỳ dài nô lệ đen tối... Những công trình nghiên cứu của cụ để lại rất có giá trị, được in trong các tạp chí như “Trí Tri”, “Trí Tân”, “Viễn đông Bác cổ” xuất bản ở Hà Nội thời bấy giờ.
Chúng tôi hỏi đường đi thôn Ngoàn. Kỳ lạ đó chính là nơi đoàn khảo sát dừng lại 2 lần. Vào xã Nguyên Phúc, cán bộ xã cho biết, xã đúng có 2 hang đá, một hang lớn nằm cách ủy ban 3 km, một hang nhỏ hơn cách 2 km gọi là hang Bá chủ.
Tên Bá chủ theo tiếng Tày có nghĩa là “Cây sấu” vì vùng này 60 năm trước vốn là một rừng sấu. Hang Bá chủ cửa hẹp nhưng lòng hang ăn thông trong núi nên cũng khá lớn, còn thông với cả một con suối nữa nhưng bên trong thế nào, chưa ai từng vào đó để biết...
Không đợi xã cử người đi cùng, chúng tôi vội đến hang Bá chủ. Hang đá này nằm cách con đường liên xã đang làm dở chừng 300m. Nhìn khung cảnh nơi đây, có thể xác định, những thông tin ban đầu của ông Phụng tương đối chính xác. Nghĩ thế, chúng tôi thắp hương trên triền ruộng cao trồng ngô.
Tìm kiếm một lượt, nhà ngoại cảm nói địa điểm cụ Tố bị hại là triền ruộng trồng ngô đối diện của hang Sấu này, vì ông có sự giao cảm rất mạnh ở khu đất cạnh gốc bụi tre (góc Tây Bắc thửa ruộng) đã bị chặt khi người dân bản khai hoang vỡ ruộng; và mô đất nhô cao góc Đông Nam thửa rộng, cách cửa hang 100m, bên cạnh có một hố sâu do dòng chảy của con suối mùa nước về tạo thành.
Sau khi xin ý kiến của Văn phòng Quốc hội, Hội Sử học Việt Nam, chúng tôi lên Bắc Kạn lần thứ ba ngày 8-4-2007. 10h30 sáng, đoàn tìm mộ cụ Nguyễn Văn Tố có mặt tại hang Bá chủ. Chúng tôi thắp hương...
Mọi người trong bản thấy chuyện lạ kéo nhau ra xem. Bà con cho biết: Khu vực hang này trước vốn là nơi giặc thủ tiêu những người làm cách mạng, rồi đẩy xác họ xuống dưới hố sâu trong hang. Những hôm nước to đi xúc cá ở dòng suối chảy ra từ hang còn xúc phải rất nhiều móng tay, móng chân người.
Chiếc bút máy được tìm thấy
Nhưng một điều không ai giải thích nổi, khi mới đào hố thám sát đầu tiên gần bụi tre, chị Hạnh cùng đoàn khấn vong linh cụ Tố linh thiêng xin về báo cho con cháu được biết, vài phút sau xuất hiện một con bướm to cỡ lòng bàn tay, cánh pha 2 màu đen trắng. Nó cứ bay vòng quanh mọi người trong đoàn, không đậu vào đâu. Rồi khi thấy người trần mời dùng cơm, con bướm đậu thẳng xuống mâm cơm...
Giở vội camera và máy ảnh ra ghi lại, xong tay chân chúng tôi chợt lạnh toát, lấm tấm đổ mồ hôi lạnh; hình ảnh bắt được trắng xóa. Những hố tiếp sau gần mương thoát nước, dọc theo con đường cụt được thám sát, không có kết quả. Ông Phụng điện thoại từ Hà Nội động viên đoàn tiếp tục quay lại vị trí đầu tiên để mở hố mới.
6h30 sáng hôm sau, khi sương khói còn bảng lảng, đoàn khảo sát mang cuốc xẻng ra hố đào. Đêm qua, hầu như không ai ngủ được. Hố đào mở dài theo triền đất bậc thang của ruộng ngô. Hố đào mỗi lúc một sâu nhưng vẫn chưa có dấu hiệu gì. Bỗng nhiên trời đang hửng, gió nổi lên ầm ầm, đổ mưa to. Đây là hố thứ 5 mở sâu đến tận đất thổ, sâu ngập đầu người nhưng kết quả không khả quan.
Những chiếc đinh đã được tìm thấy trong hài cốt của cụ Tố
Sau cơn mưa, như linh tính mách bảo, chúng tôi theo lời chỉ dẫn của ông Phụng, quyết định đi về khu đất đối diện cửa hang, tìm bằng được một con hào, dọc theo hào tìm đống đá xếp cạnh con đường mòn, mở hố đào ngay chính trên con đường ấy.
Ngạc nhiên, chúng tôi thấy một khung cảnh đúng như vậy. Hố thứ sáu thực hiện, song mọi chuyện bế tắc. Ai nấy bắt đầu nản... Ông Phụng bảo: Cụ Tố chưa cho tìm. Cụ bảo phải tìm ra 2 đồng chí của cụ gần đó nữa thì cụ mới yên tâm... Chúng tôi đang trong tâm trạng mệt mỏi, bán tín bán nghi thông tin này...
Giữa lúc ấy, ông Phụng điện thoại báo, phải đi tìm người trong bản hỏi về 2 ngôi mộ được người dân bản chôn cất năm 1947 mà ở đây dân bản nói là mộ người Mán đi làm dân công hỏa tuyến. Cán bộ xã đưa chúng tôi xuống tận khu đất nhà ông Tiến cách cửa hang Bá chủ chừng 300m trên một ngọn đồi. Dưới chân đồi có một con suối nhỏ chạy quanh.
Theo con đường mòn lên đồi là thấy ngay một ngôi mộ dưới tán lá một cây mơ. Ngôi mộ này giống như chiếc nôi con úp xuống. Đầu mộ và chân mộ được chặn đá đánh dấu mốc. Ngôi mộ thứ hai được đánh dấu bằng đá, nằm ở triền đồi phía trên, cao hơn một chút.
Hài cốt của cụ Tố
Cán bộ UBND xã Nguyên Phúc lúc này mới ớ ra và cho biết: Theo người già kể lại, đó là 2 ngôi mộ vô chủ, vô danh cho là 2 dân công hỏa tuyến người Mán được an táng năm 1947.
Ông Tiến chủ đất có 2 ngôi mộ vắng nhà. Dân bản bảo ông đi trông cá ở ao cách nhà 2 km. Trưa hôm ấy, chẳng biết sao, ông Tiến nóng ruột, cứ nằng nặc đòi về nhà xem có việc gì...
Ông Phụng lúc này điện thoại khẳng định: Ngôi mộ ở triền đồi gần gốc cây mơ là mộ cụ Nguyễn Văn Tố. Còn ngôi thứ hai là mộ của đồng chí thư ký, ngôi thứ ba cách đó không xa là của đồng chí cảnh vệ.
Chúng tôi tiến hành đào ngôi thứ nhất. Đào xuống được 60cm thì nhìn thấy một hòn đá xanh đặt thẳng đứng như có ý đánh dấu của người chôn cất. Đào tiếp thì lộ một lỗ đất tổ mối xông. Tiếp tục đào sâu xuống 20cm nữa thì phát hiện một lóng xương chân dài. Mở rộng phần đất xung quanh, chúng tôi tìm được những vụn xương mủn lấm tấm màu trắng, lộ ra một dáng hài cốt nằm nghiêng dài chừng 1,65-1,67m...
Trong phần mộ nghi là có hài cốt cụ Nguyễn Văn Tố, chúng tôi tìm được một chiếc nhẫn lồng qua xương đốt tay. Cốt của ngôi mộ thứ nhất xương chân tay còn nhiều, xương mặt còn nhưng phần xương sọ đã mủn, phần sau gáy còn một mảng tròn như mảnh gáo dừa, các phần khác vỡ thành nhiều mảnh. Trong mộ phát hiện 3 đinh thép lẫn với các phần xương cốt, 2 chiếc xuyên qua lòng bàn tay, một nằm ở phần xương bả vai phải.
Đây chắc chắn là dấu tích địch dùng đinh đóng vào người để tra tấn. Cũng đêm hôm đó, anh Vượng, một sỹ quan quân đội trong đoàn nằm mơ thấy trong ngôi mộ thứ hai có một vật lạ tròn dài như chiếc bút máy, nên sáng hôm sau, anh dậy rất sớm khai quật ngôi tiếp theo.
Gia đình xúc động nhận lại hài cốt của cụ Tố
Ngôi thứ hai được cho là của người thư ký đi theo cụ Tố khai quật phức tạp hơn do đã bị mối xông hết. Đào sâu thêm 70 cm nữa, cốt lộ ra nhưng xương vỡ mủn... Đặc biệt trong ngôi mộ này phát hiện một chiếc bút hiệu paker ngòi vẫn sáng nguyên ánh thép, một chiếc huy hiệu mờ không còn rõ ghi gì, gáy da làm bìa của một cuốn sổ đã mủn và rất nhiều đinh xác định là đã đóng vào tay, vào đầu.
Ngay khi nhận được thông tin này, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: Theo thông tin thu thập, cụ Tố được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng một chiếc bút máy mạ vàng rất đẹp, có thể đây là chiếc bút này chăng... Còn với chúng tôi, ở nơi vùng núi sâu này, những năm 1947 dân công hỏa tuyến làm gì có những vật dụng cao cấp như bút máy parker?
Cũng một điều lạ nữa khi chúng tôi quyết định bốc cốt ở 2 ngôi mộ vào tiểu sành do UBND tỉnh Bắc Kạn chuẩn bị, một người giúp chúng tôi đào mộ chợt khóc thảm thiết, một mực yêu cầu được đón và đưa quy tập vào nghĩa trang. Ông Phụng lúc đó ở Hà Nội cũng điện thoại yêu cầu chúng tôi phải tìm bằng được mộ một chiến sỹ cảnh vệ ở gần đó. Nếu không tìm được ngôi mộ này, cụ Tố chưa đành đi...
Người bốc mộ kể lể hoàn cảnh mình hy sinh suốt hơn 1 giờ đồng hồ với sự chứng kiến của đông đảo bà con dân bản. Mọi người vô cùng ngạc nhiên khi thấy ông Tiến ở đâu tất tả đến và oang oang nói, mới nhớ ra còn một ngôi mộ nữa bố ông nói chôn ở khóm tre bên đồi đối diện. Người ấy trúng phải mìn nên thân mình không còn nguyên vẹn. Người ta phải gom phần thân thể, lấy vải đùm bọc lại, úp một cái bát lên, chôn xuống bên sườn đồi.
Di vật tìm thấy trong mộ khi khai quật
Ông Tiến kể: Người trong làng nói lại là xác những người này được tìm thấy cạnh cửa hang Bá chủ. Không biết ai đã chôn họ ở đám đất chân đồi này. Công việc đào sau đó khẩn trương trở lại nhưng cốt dưới ngôi mộ thứ ba chẳng còn gì, mủn mục thành đất đen, chỉ còn cái bát xưa người chôn úp lên là còn nguyên vẹn. Chúng tôi đành cho tất cả vào tiểu, phủ cờ đỏ sao vàng lên...
Chiều 10-4-2007, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đã tiếp nhận và đưa các hài cốt các liệt sỹ về quản lý tại Trung tâm y tế thường xuyên của tỉnh và yêu cầu Pháp y công an lập hồ sơ, biên bản tiếp nhận, giám định các hài cốt và những di vật đã tìm được.
Văn phòng Quốc hội sau khi có thông tin tìm được 3 hài cốt trong đó có 1 hài cốt có thể là cụ Nguyễn Văn Tố đã cử một đoàn cán bộ có sự tham gia của một số lão thành cách mạng, cháu gái cụ Nguyễn Văn Tố ở TP.HCM và nhiều nhà khoa học thuộc chuyên ngành nhân chủng học kiểm tra sơ bộ các hài cốt tìm được.
Theo các nhà khoa học, căn cứ vào xương tìm được của ngôi mộ thứ nhất, hài cốt có hình thể và tuổi xương trùng khớp với các đặc điểm nhân dạng cụ Nguyễn Văn Tố. Công việc tiếp theo là xác định ADN. Nếu có kết quả tốt, đây là tin vui. Sau 60 năm nằm lại nơi rừng sâu, cụ Nguyễn Văn Tố – một nhân sỹ yêu nước, một liệt sỹ anh hùng, vị Trưởng ban Thường vụ Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) sẽ trở về trong niềm xúc động của nhân dân. Những hồ nghi xung quanh việc cụ Nguyễn Văn Tố hy sinh đã được giải đáp.
Chúng tôi, những người tham gia hành trình đi tìm cụ Nguyễn Văn Tố và đồng đội mãn nguyện khi hoàn thành trọng trách của mình. Một nén hương thơm mong anh linh cụ Nguyễn Văn Tố và những liệt sỹ đã hy sinh thanh thản nơi suối vàng.
Đó cũng là nghĩa cử cao đẹp các đại biểu Quốc hội thực hiện đúng dịp kỷ niệm 60 năm Quốc hội Việt Nam, đúng 60 năm ngày cụ hy sinh lẫm liệt vì nền độc lập, tự do, dân chủ của nước nhà.
Thạc sỹ Nguyễn Anh Tuấn
Trung tâm Nhân học phát triển - Viện Dân tộc học
You may also Like
Labels
Có gi hot?
Nhà ngoại cảm HỒ VĂN DŨ
Nhà ngoại cảm HỒ VĂN DŨ
NHÀ NGOẠI CẢM NGUYỄN THỊ HƯỜNG - Chuyên gia đón tiếp Vong linh tại Miền Trung
NHÀ NGOẠI CẢM NGUYỄN THỊ HƯỜNG - Chuyên gia đón tiếp Vong linh tại Miền Trung
Pride and Prejudice (1995) - 6 Mini - Vietsub - Mediafire
Pride and Prejudice (1995) - 6 Mini - Vietsub - Mediafire
(Mediafire) A hazard of hearts (1987) - Sự may rủi của trái tim - NEW LINK
(Mediafire) A hazard of hearts (1987) - Sự may rủi của trái tim - NEW LINK
Nghịch tí cho vui...
Nghịch tí cho vui...
Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài áp vong gọi hồn
Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài áp vong gọi hồn
Tin hay không - Tuỳ bạn: ĐÃ TÌM RA MỘ VUA QUANG TRUNG
Tin hay không - Tuỳ bạn: ĐÃ TÌM RA MỘ VUA QUANG TRUNG
Linh hồn - Những điều bí ẩn
Linh hồn - Những điều bí ẩn
Cho phụ nữ tuổi 30 đẹp mặn mà
Cho phụ nữ tuổi 30 đẹp mặn mà
BBC Psychic Vietnam
BBC Psychic Vietnam
0 nhận xét :
Ghi chú cho mẫu nhận xét:
- [img] ..link..[/img].
- [youtube] ...link...[/youtube].
- [nct]...link...[/nct].