Ngoại tình trong tư tưởng

Hôn nhân là một cơ thể nhạy cảm, và có vẻ như cuộc sống càng hiện đại, cơ thể ngày càng dễ bị tổn thương. Bên cạnh những cố gắng vun đắp, nuôi dưỡng cho cuộc sống chung, những virus nhỏ bé với cơ chế hoạt động rất tinh vi và có sức tàn phá không ngờ cũng hằng ngày tìm cách xâm nhập vào cơ thể bền vững nhưng cũng rất mỏng manh này.


Đồng sàng dị mộng

Câu chuyện cũ kỹ và cũng mới mẻ như chính sự tồn tại của con người: sống cùng nhau, rất gần nhau nhưng có lúc trong lòng không còn có nhau nữa. Trong thực tiễn, có một người thứ ba xuất hiện là đã gây bao phong ba bão tố. Nhưng trong tâm tưởng, không ai có thể kiểm soát được đã có những bóng hình nào đến rồi đi.
“Thương vụng nhớ thầm”, “đồng sàng dị mộng” hay “ngoại tình tư tưởng” chỉ là cách nói. Bản chất vấn đề vẫn nằm ở chỗ người ta đã không còn bằng lòng, không còn thỏa mãn với cuộc sống hiện tại, hôn nhân hiện tại. Người ta mơ tưởng đến một điều gì xa hơn, một ai đó khác hơn. Dù chưa đến chỗ gặp mặt cầm tay hay chung đụng thể xác, bản thân sự mơ tưởng đó đã là một bước đi, vượt ra khỏi những ranh giới quy ước ban đầu của đời sống hôn nhân. 

Cũng có quan niệm khác cho rằng, ngoại tình tư tưởng là một cuộc đấu tranh mà phần thắng vẫn đang thuộc về lý trí. Sở dĩ người ta mất công giấu diếm, người ta dằn vặt cân nhắc, người ta không dám biến ý tưởng thành hành động là vì ở đâu đó vẫn còn một bờ đê vững chãi, vẫn còn những rào cản hữu hiệu, vẫn còn tình yêu, vẫn còn nỗi lo lắng. Còn nếu đã bất chấp tất cả, họ đã không hề vướng bận, đã đạp lên tất cả mà đi rồi. Sẽ không có khái niệm “ngoại tình tư tưởng” nếu ý thức về ranh giới chung tình/ngoại tình không tồn tại trong mỗi người. Vậy cho nên phải xem việc “ngoại tình tư tưởng” là một cố gắng đáng trân trọng. Đó là những người đang leo dốc với một hòn đá nặng trên lưng, và đừng vì hòn đá kia không có hình thù như mình mong muốn mà co chân đạp  người ta lăn luôn xuống vực thẳm.

Còn nữa, cùng với internet, tình ảo, vợ chồng online, hẹn hò qua mạng… đã chen chân góp mặt, làm nên gương mặt mới trong thế giới muôn hình vạn trạng những hình thức ngoại tình tư tưởng. Không chỉ là mơ tưởng hay nhung nhớ đơn phương, giờ đây người ta còn có thể phân thân làm một nhân cách khác, có thể chuyện trò an ủi nhau mỗi ngày mỗi đêm, có thể nói lời âu yếm dù chưa bao giờ gặp mặt, hoặc cũng có thể hẹn hò nhau sau chỉ vài lần chát chít. 

Khi hai thế giới ảo và thật bắt đầu nhòa dần vào nhau, khả năng chuyển từ “tư tưởng” sang “thể xác” càng lớn. Ranh giới giữa “có lỗi” và “không có lỗi” mỏng manh hơn cả sợi tóc, đến nỗi nhiều khi vượt quá rồi người ta mới ngỡ ngàng nhận ra mình vừa để nó lại sau lưng.

Ngoại tình tư tưởng đối với phụ nữ khác hẳn nam giới. Thật sai lầm khi nghĩ rằng thấy một chiếc xe hơi đắt tiền bóng lộn, chị em liền hình dung mình ngồi vào đó;  thấy một quý ngài phong độ lắm tiền nhiều của, chị em liền hình dung mình trong vai trò người vợ hay người tình của ông ta. Thực ra, phần đông phụ nữ không cảm mến, ham muốn thông qua những kích thích vật chất hay những hình ảnh đẹp chung chung. Những tình cảm của họ xuất phát từ những nhu cầu thực, con người thực. Họ mong muốn sự quan tâm, yêu thương chia sẻ, chứ không mơ những chuyện huyễn hoặc xa vời. Thậm chí tơ tưởng đến ai vì một câu nói có khi cũng xuất phát từ chỗ mong muốn chồng mình nói ra câu ấy mà mãi không thấy đâu. Trong khi nam giới có thể “choáng” vì một cái váy ngắn, một đôi chân dài, rồi bị cả váy cả chân choán hết tâm trí, mang theo về nhà lên giường mà không cần biết váy ấy tên gì chân ấy của ai; thì đa phần những mộng mơ của phụ nữ đều có “địa chỉ”. Điều nguy hiểm chính là đây: phụ nữ khó sa vào những cơn mơ tưởng hơn cánh đàn ông, nhưng nếu đã sa vào thì khó gỡ, “địa chỉ” nhân vật đã có ngay cụ thể trước mắt, chỉ cần tích tắc một bước là ý nghĩ chuyển thành hành động, thành sự thực, việc thực ngay. 

Người bản lĩnh thì coi những phút “ngoài chồng ngoài vợ” ấy là chuyện tào lao, coi như ra đường thì gặp nhiều xe chạy, phải tránh xe lớn nhường xe nhỏ. Người hay lo âu thì hình dung trăm vạn nẻo đường vợ hay chồng mình có thể sẩy bước sa chân. Người ta cố gắng ngăn chặn, cố gắng rào đón, thậm chí cố gắng truy bức. Nhưng ít ai nghĩ rằng nguyên nhân chính là ở mình, thuốc chữa bệnh cũng chính là ở mình, không đâu khác. 

Kiềm chế, tự thú hay im lặng?

Phụ thuộc hoàn toàn vào mỗi người, việc giải quyết ngoại tình tư tưởng là một lựa chọn mang tính cá nhân, không thể áp đặt một mô thức nào chung. 


Cách giải quyết mang màu sắc đạo đức hơn cả là tự thú và cùng bạn đời tìm cách giải quyết. Bản thân việc “tự thú” là đã mang hàm ý rằng mình có lỗi, mình đã phạm lỗi. Thường phụ nữ chọn cách này với mong muốn chia sẻ và được người bạn đời quan tâm hơn. Nhưng đa phần những tự thú này mang kết quả ngược lại: gieo thêm những nghi ngờ, làm sứt mẻ lòng tin trong người nghe thú tội, trong nhiều trường hợp, là nguyên nhân của chuỗi nghi ngờ và ghen tuông, theo dõi tiếp sau đó. 

Tâm lý hơn thua ở đàn ông khó tha thứ cho bà vợ nào, dù chỉ trong ý nghĩ, dám so sánh anh ta và người đàn ông khác, ở cạnh anh ta mà mơ tưởng đến người khác. Thà chịu khổ chứ không thể chịu nhục, hiếm ông nào có thể kiềm chế để thông cảm và tự điều chỉnh mình cho phù hợp với những mong muốn khao khát của vợ. Suy cho cùng, “tự thú” là cách làm khi bản thân đã bất lực, không thể kiểm soát được cảm xúc, suy nghĩ của mình, và cầu viện tới sự giúp đỡ từ bên ngoài. Điều cần cân nhắc ở đây là liệu người ta có đủ sức để giúp mình không, nếu không phải là chồng/vợ, thì ai là người có khả năng đó?  

Cũng có quan điểm “dĩ độc trị độc”, cho rằng không thể chữa được chứng bệnh mơ tưởng chỉ bằng ý chí, bằng sự kiềm chế, mà phải chữa bằng phương pháp thực chứng. Đứng xa nhìn lại thì có vẻ long lanh đẹp đẽ, xa vời cuốn hút lắm, nhưng cứ xộc thẳng tới nơi, cầm lên lột ra xem nó là cái gì thì rõ ngay thôi. Tiếng hát Trương Chi chỉ dệt tơ vàng khi lơ lửng giữa sông, còn khi đã gặp mặt đối diện một lần thì bao ảo ảnh tan thành cát bụi. Đây có thể là lựa chọn cho những ai giàu bản lĩnh, nhưng cũng là một lựa chọn nhiều rủi ro, bất trắc. Có mấy ai đã cầm lên, đã lột ra rồi mà lại bỏ xuống được ngay! Hay chắc gì đã chỉ cầm lên có mỗi một lần!

Giữ mọi việc trong tầm kiểm soát và lặng lẽ tự mình xử lý là cách làm khó khăn hơn cả. Dưới nhiều góc độ khác nhau, có thể sẽ nhiều người phản đối cách này, nhưng nếu thực hiện thành công, cách này hạn chế được tối đa hậu quả gây ra đối với cuộc sống chung. 

Đừng coi sự im lặng về chuyện này là một sự phản bội bí mật. Vấn đề không hẳn nặng nề đến thế. Cần coi như mình đang có bệnh, đừng dung túng con bệnh, phải chữa càng sớm càng tốt. Gặp đúng thầy đúng thuốc là một cách, hoặc tự làm cho cơ thể tăng thêm sức đề kháng để con bệnh không làm gì được cũng là một cách. Có người bị bệnh và công khai kể lể, mô tả bệnh chứng của mình; có người bị bệnh và âm thầm chữa trị, hết bệnh thì tốt, đến lúc nào cố gắng hết sức mình mà bệnh không thể dứt mới cầu viện đến người thân. Trong cả hai cách, chưa chắc ai đã đúng hơn ai. Vấn đề vẫn tùy thuộc vào cá nhân mỗi người, cân nhắc “bệnh trạng” của mình, tự điều chỉnh mình, và chủ động giúp người khác điều chỉnh theo. 

Tuy nhiên, cảm xúc là thứ khó làm chủ nhất, nên đừng quá tự tin rằng mình sẽ kiểm soát được tất cả. Nhất là đối với phụ nữ, một khi trong tim đã có một bóng hình, thường lúc nào cũng nghĩ về người ấy, rồi cũng từ đó mà thấy cái người thực đang sống với mình sao thấp kém, sao đầy rẫy những lỗi lầm. Những lúc lẽ ra nên bình tĩnh nhìn nhau, người ta lại nhớ đến bóng dáng kia với một chữ “giá mà…” tai hại. “Thả mồi bắt bóng” là chuyện cũng có thể gặp. Hạnh phúc thật thì đổ vỡ, bóng hình ảo mộng cũng tan tành theo. 

Vậy nên, nếu xác định để “tư tưởng” chỉ đúng là “tư tưởng”, để mình không bao giờ bị trượt quá ranh giới, hãy xây đắp chiến lũy của mình, đừng để ranh giới càng ngày càng hao mòn, mỏng mảnh…

0 nhận xét :

Ghi chú cho mẫu nhận xét:
- [img] ..link..[/img].
- [youtube] ...link...[/youtube].
- [nct]...link...[/nct].

:) :( :)) :(( =))

Recent Posts