Hành trình tìm kiếm 4.000 hài cốt ở “địa ngục trần gian”
Sở dĩ Mỹ chọn Phú Quốc để lập trại giam tù binh với số lượng lớn nhất (khoảng 40.000 người) là bởi Phú Quốc nằm giữa biển, cách biệt ngàn trùng với đất liền nên dễ đàn áp, bưng bít dư luận, tránh được những cuộc tấn công để giải thoát tù binh và hạn chế được những cuộc vượt ngục.
Tượng đài Nắm Đấm |
Toàn cảnh trại giam tù binh Phú Quốc |
Có mặt ngay từ những ngày đầu của cuộc kiếm tìm hài cốt lớn nhất trong lịch sử ở nơi từng được coi là “địa ngục trần gian” ấy, nhà báo Hoàng Anh Sướng đã tâm huyết gặp gỡ nhiều nhân chứng, dày công thu thập được nhiều tư liệu quý giá để rồi thắt lòng dựng lên những sự thật vừa kinh hoàng, vừa đau đớn, vừa xúc động về hành trình xây dựng “địa ngục trần gian Phú Quốc”, về những đòn đánh đập, tra tấn tàn độc, dã man như thời trung cổ, về những cái chết thảm khốc của 4.000 tù nhân và cả hành trình truy tìm những hầm mộ tập thể có một không hai… Bắt đầu từ số này, Tạp chí Thế Giới Mới khởi đăng loạt phóng sự đặc biệt này.
Kỳ 1: Nước mắt rơi chốn “địa ngục trần gian”
Chúng tôi xuống sân bay Phú Quốc vào một ngày hè đầy giông gió. Mưa sầm sập. Mưa như trút nước. Mưa trắng xóa tứ bề. Người cựu chiến binh đồng hành cùng tôi trên chuyến bay hốt nhiên thảng thốt: “Mưa như khóc, như than cho cái chết thảm thương của hơn 4.000 chiến sĩ cách mạng từng bị tù đày, đánh đập, tra tấn, giết hại dã man ở vùng đất đau thương mà anh hùng nay hay sao ấy, cháu ạ?!”.
Nhà ngoại cảm Vũ Thị Minh Nghĩa đón tôi ở cửa sân bay. Nụ cười chưa kịp tắt, nước mắt chị đã lưng tròng. Chị sụt sùi bảo: “Thương xót lắm em ơi! Cả đời chị đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ khắp rừng xanh núi thẳm, khắp các địa danh khốc liệt của cuộc chiến nhưng chưa thấy bao giờ và ở đâu, hài cốt các anh lại nhiều như ở đây. Tầng tầng, lớp lớp. Hầu hết không còn nguyên vẹn. Ở hầm mộ thứ nhất, sau khi đào bới được 130 bộ hài cốt, chị và anh em trong đội quy tập K92 nhặt nhạnh từ trong các đống xương tàn được cả thúng đinh mười, chiếc nào cũng to, dài như ngón tay út. Đếm đi đếm lại, tròn trịa 300 cái. Có bộ xương bị đóng tới 16 cái đinh. Có bộ được chằng trói bằng dây thừng, dây nhựa dẻo rất tàn độc. Ai trông thấy cũng lạnh sống lưng. Buốt lòng lắm”. Nói đoạn, chị khóc nấc lên. Đôi vai gầy guộc rung lên từng chặp. Mắt tôi bỗng cay xè. Lòng nghẹn đắng. Không kịp về khách sạn cất hành lý, tôi theo chân chị Năm Nghĩa đến thẳng tượng đài Nắm Đấm, nơi đang tạm quàn hài cốt của hơn 100 tù nhân năm xưa.
Một góc trại giam tù binh Phú Quốc |
Hài cốt được xếp trong những chiếc hòm gỗ to, trên phủ cờ đỏ sao vàng. Hòm được kê trên những chiếc ghế vững chãi, dưới chân là 3 con chó tinh khôn nằm canh giữ. Chị Năm Nghĩa nhẹ nhàng mở một nắp hòm, nhấc từng gói xương được bó buộc cẩn thận trong lớp vải như bó giò ra, giọng chị nghèn nghẹn: “Ngần này đồng chí hy sinh, chỉ duy nhất một người có tên tuổi, địa chỉ, còn tất cả, ai cũng là ai, ai cũng là người cộng sản chân chính đã sống đến giọt sống cuối cùng cho quê hương đất nước. Chỉ tiếc rằng, họ đã không được trông thấy ngày Bắc Nam sum họp. Họ đã mất hoặc nửa thế kỷ (nếu là liệt sĩ chống Pháp), hoặc hơn ba chục năm ròng nằm dưới lòng đất sâu (nếu là liệt sĩ thời chống Mỹ), họ mới được chúng tôi mang lên. Người bị đóng 16 cái đinh trên cơ thể, có người, khúc xương xống vẫn sừng sững một cây đinh cắm phập. Nhưng họ vẫn may mắn hơn hàng nghìn người còn nằm vùi đâu đó dưới lòng đất, dưới những tán rừng, dưới những con suối lạnh. Quá nhiều nhân chứng (kể cả báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang mới đây) đều chính thức nói về việc máy bay của bọn cai ngục đã chở những người đau ốm đi chữa bệnh rồi không bao giờ đưa họ trở về nữa. Những người tù xấu số đã bị ném xuống vịnh Thái Lan làm mồi cho cá dữ và đáy biển sâu. Việc họ trở về là không thể. Do thế, nên việc kiếm tìm cho đầy đủ cơ số hàng nghìn người đã chết vì địa ngục trần gian nhà tù Phú Quốc là một nhiệm vụ thiêng, cao quý nhưng… bất khả hoàn thành trọn vẹn”.
Buổi trưa hôm đó, ngồi ngay tại nhà quản trang bé tẹo của Nghĩa trang Nắm Đấm nghi ngút khói hương, tôi lần giở lại những trang tư liệu về nhà tù Phú Quốc để cố hình dung ra chốn “địa ngục trần gian” kinh hoàng ấy ở tại chính cái nơi mà ngót 40 năm trước, nó đã kết thúc sứ mệnh lịch sử đen tối của mình với những chuồng cọp kẽm gai, lộn vỉ sắt, gậy sầu đời, chảo luộc người… khủng khiếp.
Địa ngục giữa chốn trần gian
Sau thất bại của cuộc chiến tranh đặc biệt, người Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam, tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ trên quy mô lớn. Chiến cuộc trên khắp các chiến trường ngày càng trở nên ác liệt. Số người chết, bị thương và bị bắt của cả hai bên ngày càng đông. Trước tình hình đó, Mỹ chủ trương xây dựng ở mỗi vùng chiến thuật một trại giam tù binh cộng sản. Ngoài ra, chúng còn lập thêm một trại giam để giam tù binh nữ ở Quy Nhơn thuộc vùng hai chiến thuật và xây dựng một trại giam tù binh do trung ương quản lý ở Phú Quốc. Kể từ đó, những người bị địch bắt mà chúng cho là thuộc các lực lượng vũ trang của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, chúng sẽ giam giữ ở những trại này, không giam chung với tù chính trị nữa.
Sở dĩ Mỹ chọn Phú Quốc để lập trại giam tù binh với số lượng lớn nhất (khoảng 40.000 người) là bởi Phú Quốc nằm giữa biển, cách biệt ngàn trùng với đất liền nên dễ đàn áp, bưng bít dư luận, tránh được những cuộc tấn công để giải thoát tù binh và hạn chế được những cuộc vượt ngục. Khoảng cuối năm 1966, Mỹ nguỵ tiến hành xây dựng “Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam – Phú Quốc” tại thung lũng An Thới, trên diện tích rộng chừng 400ha, chiều dài chừng 5km chạy suốt từ miếu Cô Sáu đến Cầu Sấu. Chiều rộng khoảng chừng 1,5km. Để biến khu đất 400ha này thành đồng không đồi trọc, lính Mỹ đã rải xuống một khối lượng chất độc hóa học khổng lồ, tạo thành một vành đai trắng rộng hàng cây số. Xung quanh được bủa vây bởi biển, rạch và rừng, tịnh không có một mái nhà dân, một bóng người sinh sống.
Toàn trại giam Phú Quốc có 12 khu. Mỗi khu chia làm 4 phân khu: A, B, C, D. Mỗi phân khu có từ 9 đến 18 nhà giam. Mỗi nhà giam nhốt chừng 120 người. Cao điểm, nhiều khi chúng nhồi nhét đến 150 người. Thử làm một phép nhẩm tính: một phân khu có trung bình 12 nhà. Vậy 4 phân khu sẽ là 48 nhà. Gấp 10 lần con số 48 đó sẽ là 480 nhà lao cỡ nhỏ hay 48 nhà lao cỡ trung hợp thành. Quá khủng khiếp! Cho nên không phải ngẫu nhiên, nhà tù Phú Quốc được xem là nhà tù lớn nhất Đông Nam Á thời đó.
Toàn bộ các phòng giam này là loại nhà tiền chế, lấy khung thép lắp sẵn làm sườn rồi đắp điếm bởi các miếng tôn. Vách dựng bằng tôn, mái lợp tôn, đến cửa ra vào cũng làm bằng tôn nốt. Cả nhà tù khổng lồ ấy không hề có lấy một viên gạch, một mảng tường bê tông nào. Trưa hè nắng cháy, nhìn vào nhà lao thấy rừng rực đến nhức mắt, tưởng chừng toàn bộ những dãy nhà tôn điệp trùng kia đang bị dìm trong chảo lửa.
Phân khu nào cũng có hàng rào kẽm gai bủa vây. Rồi từng khu bên trong lại tiếp tục bị bủa vây bởi những hàng rào dây thép. Chỗ dày có thể lên đến 10–15 lớp. Chỗ mỏng cũng phải 7-8 lớp. Nhìn từ trên cao xuống, sẽ thấy các mái nhà tôn trắng toát nằm san sát và những hàng rào kẽm gai tràn ra, tầng tầng lớp lớp như những con sóng biển. Về lực lượng bảo vệ, ngoài Bộ chỉ huy quân cảnh do một trung tá hay đại tá cầm đầu, còn có bốn tiểu đoàn quân cảnh, có lúc lên năm. Mỗi khu có một tiểu đoàn. Mỗi phân khu có một đại đội quân cảnh canh giữ. Ngoài lực lượng này, nhà lao còn có một trung đội quân khuyển toàn chó béc-giê giống Anh to lừng lững, dữ tợn như sư tử, một trung đội bảo vệ sân bay, một trung đội quân tiếp vụ cộng một tiếu đoàn tiếp vận 3, trực thuộc trung ương, có nhiệm vụ tiếp vũ khí cho cả nhà lao, sân bay, lực lượng hải quân và quân y viện. Riêng lực lượng hải quân là một sư đoàn giăng kín ngoài biển. Với lực lượng bảo vệ dày đặc như vậy, nên gần như hình thành một tỉ lệ: cứ hai tù nhân là có một lính trông coi. Đó là chưa kể đến đội ngũ các giám thị hùng hậu vừa tinh quái, nham hiểm, vừa tàn độc. Bọn chúng là lực lượng riêng, có nghiệp vụ, được xét tuyển kỹ càng, hầu hết là hạ sĩ quan. Số này lầm lỳ, bạo tợn và rất dữ đòn. Chính chúng đã sản sinh ra những trò tra tấn vô cùng dã man và tàn độc hơn cả thời trung cổ, khiến nhà tù Phú Quốc trở thành “địa ngục khiếp đảm chốn trần gian” và gây ra cái chết thảm khốc của hơn 4.000 tù nhân, cái chết kinh hoàng nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng.
Vừa bước chân xuống sân bay An Thới (Phú Quốc), các chiến sĩ của ta đã bị một trận mưa đòn đánh phủ đầu bằng báng súng, dùi cui hay những cú đá lật hàm bằng mũi giày đinh cứng như sắt. Chưa kịp mở mắt, chúng đã áp lên xe vận tải quân sự về Bộ chỉ huy trại giam để khám xét, làm thủ tục nhập trại rồi lại tiếp tục lên xe đến phân khu trại giam. Cứ mỗi lần lên xe, xuống xe như thế là những trận đòn liên hồi kỳ trận vào mặt, vào đầu, vào lưng những tù nhân vốn xác xơ, tiều tụy sau thời gian tra khảo, khai thác hồ sơ…
Kỳ 2: Những ngón đòn đầu tiên phải nếm ở cửa “địa ngục trần gian”
Có lẽ, chưa bao giờ và ở đâu, dưới gầm trời này, những đòn đánh đập, tra tấn, hành hạ tù nhân lại độc ác, rùng rợn, kinh hoàng như những ngón đòn mà bọn cai ngục Phú Quốc đã trút lên mình các tù nhân cộng sản. Trong hồ sơ của Trại giam Phú Quốc, hiện còn lưu trữ 24 ngón đòn tàn khốc mà tương truyền, các viên cai ngục đã đúc kết, lưu truyền và thực hành trong suốt mấy chục năm. Những ngón đòn mà chỉ điểm tên thôi, nhiều người đã rùng mình: dùng chày vồ đập nát vụn mắt cá chân, dùng dùi đục đục từng miếng xương bánh chè, dùng ván gỗ chắc nịch và đinh vít ép vỡ lồng ngực, tẩm dầu đốt cháy dương vật, rồi bẻ răng, luộc người trong chảo nước sôi hay nướng người trên lửa than rực hồng….
Bọn cai ngục đánh đòn phủ đầu trước khi tù nhân nhập trại |
Trong đời làm báo của mình, tôi từng nhiều lần ra nhà tù Côn Đảo, ngược nhà ngục Sơn La, Bắc Mê, Nghĩa Lộ, tôi cũng từng đọc nhiều trang sách viết về chốn lao tù, gặp gỡ, trò chuyện với nhiều bậc lão thành cách mạng vốn là tù nhân của các nhà ngục trên. Tôi rút ra một điều: thời chống Pháp, khi bắt được các chiến sĩ cách mạng, địch thường đánh đập, tra khảo để khai thác tổ chức hoạt động của ta rồi tống vào nhà giam. Chúng không có những những hoạt động khủng bố chính trị tàn bạo mặc dầu chế độ cai trị tù nhân vô cùng hà khắc. Nhưng đến thời Mỹ ngụy, địch đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong việc đánh phá cách mạng nên ở tất cả các nhà tù chính trị và trại giam tù binh, ngoài việc kìm kẹp thật chặt không cho vượt ngục, chúng còn dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn vô cùng thâm độc nhằm huỷ diệt tinh thần và thể xác các chiến sĩ cách mạng kiên trung. Chúng dụ dỗ, đe dọa, khủng bố, đánh đập bằng những nhục hình tàn khốc hơn thời trung cổ, thậm chí nã súng cối, đại bác vào trại giam, gây nên những thảm kịch đẫm máu. Trong đó, tàn khốc nhất, phải kể đến Trại giam tù binh Phú Quốc. Vì là trại tù do trung ương quản lý với số lượng tù binh đông nhất (khoảng 40.000 người), lại xa đất liền, bốn bề mịt mùng biển cả nên bọn Mỹ ngụy khủng bố rất ác liệt.
Vừa bước chân xuống sân bay An Thới (Phú Quốc), các chiến sĩ của ta đã bị một trận mưa đòn đánh phủ đầu bằng báng súng, dùi cui hay những cú đá lật hàm bằng mũi giày đinh cứng như sắt. Chưa kịp mở mắt, chúng đã áp lên xe vận tải quân sự về Bộ chỉ huy trại giam để khám xét, làm thủ tục nhập trại rồi lại tiếp tục lên xe đến phân khu trại giam. Cứ mỗi lần lên xe, xuống xe như thế là những trận đòn liên hồi kỳ trận vào mặt, vào đầu, vào lưng những tù nhân vốn xác xơ, tiều tụy sau thời gian tra khảo, khai thác hồ sơ. Đó là “món đòn đầu tiên phải nếm” cho “thủ tục nhập trại” trước khi vào nhà tù Phú Quốc.
Kể về thủ tục nhập trại khốc liệt ấy, giọng ông Ba Toản, cựu tù nhân Phú Quốc hiện sinh sống ở tại “thiên đường du lịch”, đầy uất hận như câu chuyện vừa mới xảy ra hôm qua: “Tôi quê ở Đan Phượng (Hà Tây cũ), vào Nam chiến đấu năm 1966 trong binh chủng đặc công. Tôi bị bắt vào đợt 3 cuộc Tổng tấn công năm Mậu Thân. Sau 3 tuần bị giam cầm, đánh đập, tra khảo ở Nhà lao Hố Nai (Biên Hòa), tôi cùng 200 người nữa bị đưa ra sân bay, dồn tất cả lên chiếc C130. Chừng nửa tiếng, chúng tôi bị lùa xuống một hòn đảo mà nhìn xung quanh tứ bề là rừng núi xám xịt. Lúc đó, chưa ai biết đó là Phú Quốc. Đang hoang mang không biết mình ở đâu thì bỗng “bốp”. Một cú dùi cui bổ thẳng giữa đỉnh đầu khiến tôi choáng váng, ngã quỵ. Gượng đứng dậy, mở mắt nhìn, tôi thấy mọi người đều bị nện như thế.
Một tên đại uý còn trẻ, râu ria xồm xoàm, ác ôn khét tiếng, dạng chân, giọng rít lên từng chặp: “Đánh chơi một chút để chúng mày hiểu rằng: chúng mày đang sống ở đâu, đang dưới bàn tay cai trị của ai. Đây là đảo Phú Quốc, chúng mày nghe rõ chưa? Cách đất liền hàg trăm cây số, xung quanh toàn cá sấu, rắn rết, bom mìn. Thằng nào muốn trốn, xin mời. Vào đây, chúng mày chỉ có hai con đường: tuyệt đối ngoan ngoãn chấp hành mọi quy định của nhà lao hoặc là chết thê chết thảm, chết đau chết đớn, chết không toàn thây. Nghe rõ chưa, bọn phiến cộng”. Bất ngờ có một tù nhân trẻ bước ra, quắc mắt, quát lớn: “Chúng tôi không phải là phiến cộng. Chúng tôi là tù binh chiến tranh”. Tên đại uý cười gằn: “Hả? Cái gì? Tù binh chiến tranh hả? Giỏi. Thằng này giỏi. Mày tới số rồi con ơi”. Đột nhiên, hắn thét lên: “Lại gần đây. Lại!”. Người tù nhân trẻ chưa kịp phản ứng gì thì hắn đã sải bước đến. “Rắc”. Nhanh như chớp, cây gậy bịt đồng trong tay hắn vung lên. Người tù nhân trẻ ngã gục xuống, giơ hay bàn tay bụm chặt lấy miệng. Máu trong miệng anh túa ra, hai chiếc răng cửa gãy văng xuống đất. Uất quá, chúng tôi định lao vào quyết tử với chúng. Nhưng không kịp. “Đoàng. Đoàng. Đoàng”. Khói súng mù mịt từ trong tay tốp quân cảnh. Ba người tù ngã lăn ra đất, giãy một hồi rồi nằm im. Tên đại uý tàn ác gõ gõ cái đầu gậy bịt đồng vào lòng bàn tay: “Thế nào? Đã ra đây tính mạng của chúng bay không bằng con rệp. Cứ liệu hồn. Điên tiết lên là ông cho chúng mày về chầu ông bà ông vải hết”. Đó là đòn phủ đầu, đánh cho biết mặt. Cú phủ đầu này thâm độc lắm. Ai nhát gan sẽ bị quỵ ngay hoặc tinh thần suy sụp”.
Từ sân bay, địch áp giải đoàn tù binh vào trại. Ông Ba Toản kể tiếp: “Chúng tôi đi bộ chừng 1km thì tới một khu nhà san sát toàn tôn. Hàng rào kẽm gai tầng tầng, lớp lớp. Những báng súng và cả những tiếng chửi tục đẩy nhanh tôi và 20 người vào một căn phòng dài 12m, rộng chừng 5m. Một mùi hôi thối xộc lên khiến tôi nôn ộc ra. Trong căn phòng nhờ nhờ sáng, tôi thấy chật cứng người. Người nằm, người ngồi trên hai bệ dãy xi măng chạy dài sát tường tôn. Ngay lối đi nhỏ ở giữa cũng ninh ních người. Tôi đảo mắt một lượt. Ước chừng hơn 100 người gầy đét. Nóng hầm hập như cái hỏa lò. Ngay bữa ăn đầu tiên, tôi đã thấm thía tận cùng thế nào là cơm tù Phú Quốc. 10 người một xô cơm to bằng cái phích nước một lít. Chia đều, mỗi người được một thìa xới. Những thìa cơm ẩm mốc, hôi xì mùi gián nhai nhống nháo với mấy con cá bé bằng ngón tay út, nát nhũn, thum thủm và nửa cà mèn canh lõng bõng.
Đang ăn, chợt nhìn thấy bàn tay người ngồi cạnh, ghẻ lở sần sùi tróc lở như bàn tay người cùi, miếng cơm đang nhai tắc ứ muốn ói ra. Giật mình nhìn ra xung quanh, cả mấy chục bàn tay đều thế. Thì thân thể cả năm trời không được tắm rửa, ghẻ lở, hắc lào, phù thũng… là đương nhiên. Vậy mà mãi cũng quen. Quen mùi cơm hôi, mùi cá thối, quen cả mùi phân hôi thối ở hai nửa chiếc thùng phuy đặt ở hai đầu nhà. Nhiều đêm nằm, giòi bọ túa ra khắp phòng, chui cả vào mồm, vào mũi. Sáng sáng, xì mãi, khạc nhổ mãi, lũ giòi bọ mới chịu chui ra. Ấy nhưng, do chen chúc ngộp thở quá, người nào ốm yếu mới được… ưu tiên nằm cạnh cái thùng phuy phân lúc nhúc loài động vật kinh khủng đó.
Những người tù gầy guộc, chỉ còn da bọc xương |
Có tháng, nhất là sau Tết Mậu Thân 1968, nhiều chiến sĩ của ta sa vào tay giặc, tù nhân đông quá, địch nhồi nhét mỗi phòng lên đến 150 người, trong khi sức chứa tối đa một phòng giam là 60 người. Thế là, ba người chung nhau một chỗ nằm. Nếu một người nằm thì hai người kia, một phải ngồi hờ trên ngực người nằm, một phải quỳ ở dưới chân, đưa hai chân của người nằm gác lên vai mình. Mỏi quá thì luân chuyển cho nhau. Nếu kiểu ngồi hờ hay quỳ không ổn thì chuyển sang đứng. Một người nằm, hai người đứng dạng chân ở đầu và cuối. Nhìn từ bên ngoài vào trông như những diễn viên xiếc đang diễn trò. Khổ thế mà mãi cũng thành quen.
Lại kể chuyện tắm trong tù. Trước năm 1968, do tù nhân còn ít, mỗi tù nhân còn được một ca inox nước. Thật tằn tiện cũng đủ dùng. Về sau, đông quá, nước cháy, mỗi người chỉ được một đít ca, ăn xong, nhấp nhấp gọi là cho khỏi khát rồi giữ lại, đổ vào túi nylon. Tích cóp cả tháng cũng được chừng 1 lít. Thế là tắm. Trước tiên, nhúng ướt bàn tay rồi kỳ khô một lượt cho bở hết ghét. Xong, ngồi vào cái chậu tôn do anh em trong tù cắt xén những chỗ đầu thừa đuôi thẹo trên mái, trên tường khum lại. Một người dội, một người kỳ tiếp. Người dội, người kỳ phải khéo léo sao cho không vương ra ngoài một giọt nước. Người này tắm xong, người kia ngồi vào, tận dụng thứ nước đã dùng của người trước. Rồi tiếp tục đến người thứ ba. Với những người tù cộng sản, lúc đó, giọt nước quý như giọt máu.
Vì nước khan hiếm như thế nên cực nhất trong tù có lẽ là chuyện đi “ngoài”. Nước không có mà rửa, giấy không có mà lau. Đành xé áo quần ra vậy, xé từng miếng nhỏ để dùng… Giờ nhớ lại vẫn còn rùng mình”.
Thật khó có thể kể hết tội ác tày trời mà bọn cai ngục tàn độc đã trút lên thân hình những tù nhân cộng sản Phú Quốc suốt mấy chục năm trường.
Hành trình tìm kiếm 4.000 hài cốt ở “địa ngục trần gian”
(Xem từ TGM 893)
Kỳ 4: Tên cai ngục tàn bạo nhất và kỹ nghệ giết người
Đục răng tù nhân, ngón đòn tàn độc, man rợ của tên Bảy Nhu |
Thật khó có thể kể hết tội ác tày trời mà bọn cai ngục tàn độc đã trút lên thân hình những tù nhân cộng sản Phú Quốc suốt mấy chục năm trường. Cũng thật khó mà chỉ mặt điểm danh cho hết lũ quỷ đội lốt người ở chốn địa ngục trần gian kinh hoàng ấy. Song có một tên ác quỷ mà tên tuổi và những ngón đòn tra tấn “độc chiêu” man rợ đã gây bao nỗi đớn đau, kinh hoàng và cả những cái chết tức tưởi cho hàng ngàn tù nhân thì 40.000 chiến sĩ cộng sản bị giam cầm một thời ấy mãi mãi không thể nào quên, mãi mãi là nỗi ám ánh hãi hùng. Đó là Bảy Nhu, trưởng giám thị khu 2 khét tiếng…
Vồ sầu đời, gậy biệt ly
Bảy Nhu tên thật là Trần Văn Nhu, sinh năm 1926 ở Đồng Tháp. Ngay từ nhỏ đã thích trò đấm đá, đánh giết nên 18 tuổi, hắn đi lính cho Tây. Cho đến khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, hắn được đưa sang quân cảnh rồi ra Phú Quốc, làm giám thị trưởng phân khu B2 rồi A2. Chỉ trong vòng 1 năm, nhờ những thành tích “bất hảo” trong việc tra khảo, đánh đập tù nhân tàn khốc mà hắn được thăng cấp thượng sĩ nhất và cất lên làm trưởng giám thị khu biệt giam 2. Chính tại nơi đây, hắn đã sáng tạo ra những đòn tra tấn “có một không hãi” kinh hoàng khiến giới cai ngục nhà lao Cây Dừa tôn sùng hắn lên hàng “sư phụ”.
Món “đặc sản” đầu tiên khét tiếng “danh bất hư truyền” mang thương hiệu của tên ác quỷ Bảy Nhu phải kể đến là “vồ sầu đời”, “gậy biệt ly”, “gậy đầu sinh đầu tử”… Người tù nào chỉ cần nếm vài vồ thì coi như “sầu đời”: chết ném xuống biển làm mồi cho cá, sống thì cũng sầu đời mãn kiếp với các thương tật khiếp vía. Còn cây gậy sắt to bằng bắp tay, ai đã bị đánh thì coi như… ly biệt đồng đội, gia đình và cõi.. dương gian. Bảy Nhu hàng ngày xách những “dụng cụ hành nghề” đặc biệt ấy vào tuần tra trong các trại giam. Hắn dùng chày vồ đánh vào các khớp xương như mắt cá, cùi chỏ, đầu gối, bả vai tù nhân. Trước khi tù nhân lãnh cơm ăn, hắn thường nện thẳng cánh 5-10 chày vào mắt cá những người ngồi gần cửa biệt giam. Hắn bảo: “Cho ngon cơm. Ngày nào không đánh tụi bay là tao ăn cơm không ngon”. Thấy người bị đánh oằn oại, vật vã vì đau đớn, hắn cười: “Chày này hơi nặng. Chày sau đánh nhẹ hơn”. Miệng thì nói thế, nhưng hắn phùng môi trợn mắt, giương thẳng tay nện khiến nạn nhân giãy nảy người như điện giật. Hắn rất thích ngắm nhìn người bị đánh lăn lộn, quằn quại trong đau đớn. Nhiều người bị đánh lê lết cả tuần mới gượng dậy nổi. Hắn nhiều lần tâm sự với bọn cai ngục đàn em: “Ngày nào không nhìn thấy máu, không lấy được mấy mạng người là tao không chịu được”. Chỉ với một tay thước bằng gỗ lim, hắn đã lần lượt đánh văng mắt cá chân của hơn 10.000 tù nhân. Lâu lâu, được lên trạm xá khám bệnh thủ tục, nhìn thấy anh em tù nhân bò lê bò lết qua sân, tên Nhu ngửa mặt lên trời cười sằng sặc.
Đục xương bánh chè, nướng sắt đỏ đâm xuyên bắp chuối chân
Anh Nguyễn Văn Ni (tức Bảy Ni) là Bí thư Đảng uỷ phân khu B2 đã lãnh đạo phân khu đấu tranh giành thắng lợi trong việc đánh đuổi tên trung sĩ giám thị trưởng ra khỏi phân khu. Tức tối, Bảy Nhu cho người bắt anh lên ban điều hành tra tấn. Hắn chậm rãi lấy cọng sắt bùng nhùng vùi vào lò than hồng cho đến khi thanh sắt rực đỏ rồi từ từ đâm vào bắp chân teo tóp của anh. “Xèo. Xèo”. Mùi thịt da cháy khét lẹt. Anh Bảy Ni trợn mắt, nghiến răng cố kìm tiếng kêu thét chực bật lên. Một nhát. Hai nhát. Cứ thế, hắn chậm rãi đâm. Đâm nhiều nhát mới xuyên qua một bắp chuối. Xuyên bắp chân trái xong, hắn chuyển sang xuyên chân phải. Mỗi lần sắt đâm là một lần anh Ni ngất xỉu. Đau đớn tột cùng nhưng anh Ni không chịu khuất phục, vẫn mắng Bảy Nhu là thằng bán nước, dắt quân Mỹ về giày xéo đất nước, giết hại nhân dân. Bảy Nhu tím mặt nhưng không nói nửa lời. Lẳng lặng ra góc phòng, hắn cầm chiếc đục rồi rành rẽ như một nghệ nhân điêu khắc, hắn tỉ mẩn ngồi đục từng mảnh xương bánh chè. Máu từ chân anh Ni toé ra. Mặc. Hắn vẫn bình thản ngồi đục. Sau, thấy máu chảy lênh láng khắp phòng, tên Nhu đứng dậy bảo: “Khổ thân mày. Để tao cầm máu cho”. Nói đoạn, hắn lấy cây sắt nướng đỏ lúc đầu, châm vào chỗ đầu gối trắng hếu thịt xương vừa đục, loang lổ máu. Thịt bị đốt chín, máu ngưng chảy. Anh Ni gào to: “Đả đảo Mỹ - Thiệu. Hồ Chí Minh muôn năm”.
Bảy Nhu cười khẩy nhưng hai thái dương hắn giật giật, mắt vằn lên những ánh nhìn dữ tợn. Lập tức, hai thanh gỗ nặng nề kẹp cứng lấy lồng ngực lép kẹp của người tù kiên trung Bảy Ni. Hai cái đinh vít đã được bôi dầu. Hai cái cờ-lê roàn roạt vặn. Hai thanh gỗ kêu rin rít ép lại sát nhau. Tiếng xương vỡ nghe xào xạo. Máu ở miệng, ở mũi anh Ni ào ra đẫm mảng xương ngực đang tiếp tục vỡ nát. Chưa hả, Bảy Nhu vung chiếc búa năm cân lên quá đầu. Thụp! Một chiếc đinh mười phân ngập lút đầu gối anh. Thụp! Chiếc thứ 2. Thứ 3. Thứ 4… 16 chiếc đinh to như ngón tay lút ngập hai đầu gối. Anh Bảy Ni gục xuống. Đôi mắt căm hờn mở trừng trừng.
Đục răng, bẻ răng
Đó là “ngón độc chiêu” tàn độc nhất tạo dựng nên “thương hiệu Bảy Nhu” khét tiếng khắp nhà tù Phú Quốc, gây bao nỗi kinh hoàng cho hàng vạn tù nhân. Muốn đục răng, hắn dùng một khúc cây nhỏ bằng ngón tay, dài chừng 3-4 cm. Gàng miệng tù nhân ra, hắn đặt một đầu cây vào đúng vị trí chiếc răng định đục rồi bất thình lình, dùng chày vồ đóng một cái thật mạnh vào đầu kia, tức thì một, hai chiếc răng rời khỏi hàm. Có khi hứng chí, hắn bắt tù nhân tự cầm đầu cây đặt vào răng mình cho hắn đục. Nếu để chệch, bị đục thêm răng thì đành nghiến răng mà chịu.
Còn món bẻ răng, Bảy Nhu không dùng kìm như các tên cai ngục khác thường làm. Cách bẻ của hắn rất đặc biệt. Hắn lấy một cây nhỏ bắt tù nhân cắn một đầu rồi dùng cây đánh lên hoặc đánh xuống ở đầu kia. Muốn bẻ răng hàm dưới thì đánh ngược lên. Muốn bẻ răng hàm trên thì đánh xuống. Máu tuôn xối xả, hắn bắt anh em tù nhân phải nuốt “cho máu trở về tim”. Thậm chí, hắn hứng máu vào bát rồi trộn vào cơm bắt tù nhân ăn. Bất kỳ một tù nhân nào khi bị đày vào khu biệt giam 2, trước khi chui vào “địa ngục trần gian” ấy đều phải nộp cho hắn vài chiếc răng. Hắn nói: “Mày kích động đấu tranh hả? Trước khi vô biệt giam phải nộp cho bố mày hai cái răng con ạ”.
Kể về những ngón đòn “danh bất hư truyền” của ác quỷ Bảy Nhu, ông Vũ Minh Tằng, cựu tù binh Phú Quốc, người đã bị tên Nhu đập gãy 9 chiếc răng, bảo: “Tôi không tin là tôi có thể sống được đến ngày hôm nay”. Giọng ông thào thào như chuyện vừa mới xảy ra hôm qua, chưa hết nỗi kinh hoàng: “Tôi vẫn nhớ như in. Đó là vào một một đêm tối trời tháng 12 năm 1971. Tên Nhu và đám quân cảnh lôi tôi ra khỏi chuồng cọp. Nó nghi tôi tổ chức đào hầm cho gần một trăm anh em tù vượt ngục. Nó chỉ thẳng vào mắt tôi, cười gằn: “Mày giỏi lắm. Tao sẽ cho mày chết từ từ, vừa chết vừa nhớ vợ con và đồng đội, chứ bắn mày tòm một phát rồi vứt xuống biển thì quá dễ”. Nói xong, nó dùng chày vồ đập vỡ đầu gối tôi. Nó chậm rãi đập từng nhát một. Tôi thấy đầu gối mình vỡ vụn, lạo xạo như vỏ trứng gà vỡ. Nó tiếp tục đóng đinh mười phân vào đầu gối và hai ống chân tôi. Cũng nhẩn nha đóng từng chiếc. Tôi ngất lịm đi. Nó dùng cả thùng nước xối ào vào mặt tôi. Tôi vừa tỉnh dậy, tên Nhu dùng một cái ống tuýp sắt dài, ấn vào miệng tôi, bảo: “Tao xin cái răng. Mày muốn cho tao cái nào?”. Tôi chửi: “Gậy trong tay mày, mày lấy cái nào thì lấy”. Tôi vừa nói hết câu, thằng Nhu đã vung tuýp sắt ghè thẳng vào miệng tôi. Một cái răng văng ra, máu tuôn xối xả. Nó tát vào mặt tôi: “Nuốt. Nuốt hết. Để bắn giọt máu nào ra ngoài, tao giết”. Cái chân răng của tôi dài, lại nhọn, tôi nuốt sao nổi. Thế là nó cho quân cảnh xối nước vào miệng tôi. Lần lượt chín cái răng của tôi bị chúng đập rụng rồi trôi vào bụng như thế. Bụng tôi căng phềnh lên như ai bơm hơi, tức anh ách như có ai cầm dao rạch ngang, rạch dọc. Vì trong bụng tôi toàn máu và cả thùng nước chúng nó cạy miệng dội vào mà. Tỉnh dậy, tôi đã thấy mình nằm trong chuồng cọp rồi. Chuồng cọp thì anh biết đấy, chỉ rộng 24m2, trần cao có 1,8m. Thế mà chúng lèn vào đó những 300 người, thành ra tù nhân phải nằm, ngồi đè lên nhau. Ngột ngạt khủng khiếp. Người sống và người chết nằm đè lẫn lộn. Có ngày, chuồng cọp có tới 70–80 người chết. Chúng cho xác từng người vào quan tài rồi cho lên máy bay ném xuống biển. Cứ thấy người chết đến đâu, nó lại lèn thêm một đợt cho đầy chuồng. Ngày nào tôi cũng phải chứng kiến những cảnh chết chóc rùng rợn ấy. Có lần, hứng chí, thằng Nhu ra lệnh cho đám quân cảnh nã pháo cối 82 ly xuống khu tù nhân. Thế là chỉ trong tích tắc, vài chục tù nhân mất mạng, xác người lại dày thêm ngoài bìa rừng”.
Bảy Nhu ân hận về những tội ác tày trời mình đã gây ra... |
Có một điều đặc biệt ở tên ác quỷ Bảy Nhu như là một nghịch lý: hắn theo đạo Phật, ăn chay trường, trong phòng riêng có hẳn một bàn thờ quanh năm nghi ngút khói hương, đêm đêm vẫn thường tụng kinh lần tràng hạt nhưng ban ngày, hắn đối xử với tù nhân tàn độc hơn cả loài cầm thú. Khi đánh đập, tra khảo anh tù binh, dù tàn bạo, rùng rợn đến đâu, khuôn mặt hắn không hề thay đổi sắc diện. Không giận dữ, không la hét mà bình thản, thậm chí pha chút khôi hài. Hắn coi việc đánh đập, hành hạ tù nhân như một thú vui. Rất nhiều tù nhân thân thể tiều tuỵ khi bị tên Bảy Nhu tra tấn bằng ngón đòn đục răng đã phải từ giã cõi đời vì không sao chịu nổi. Ngót chục năm hành nghề, hắn để dành được cả mấy thúng răng tù nhân rồi kết lại thành chuỗi tràng hạt đeo toòng teng trên cổ, thoạt nhìn giống hệt Sa Tăng đeo xâu đầu lâu trong truyện Tây Du Ký.
(Còn tiếp)
You may also Like
Labels
Có gi hot?
Nhà ngoại cảm HỒ VĂN DŨ
Nhà ngoại cảm HỒ VĂN DŨ
NHÀ NGOẠI CẢM NGUYỄN THỊ HƯỜNG - Chuyên gia đón tiếp Vong linh tại Miền Trung
NHÀ NGOẠI CẢM NGUYỄN THỊ HƯỜNG - Chuyên gia đón tiếp Vong linh tại Miền Trung
Pride and Prejudice (1995) - 6 Mini - Vietsub - Mediafire
Pride and Prejudice (1995) - 6 Mini - Vietsub - Mediafire
(Mediafire) A hazard of hearts (1987) - Sự may rủi của trái tim - NEW LINK
(Mediafire) A hazard of hearts (1987) - Sự may rủi của trái tim - NEW LINK
Nghịch tí cho vui...
Nghịch tí cho vui...
Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài áp vong gọi hồn
Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài áp vong gọi hồn
Tin hay không - Tuỳ bạn: ĐÃ TÌM RA MỘ VUA QUANG TRUNG
Tin hay không - Tuỳ bạn: ĐÃ TÌM RA MỘ VUA QUANG TRUNG
Linh hồn - Những điều bí ẩn
Linh hồn - Những điều bí ẩn
Cho phụ nữ tuổi 30 đẹp mặn mà
Cho phụ nữ tuổi 30 đẹp mặn mà
BBC Psychic Vietnam
BBC Psychic Vietnam
0 nhận xét :
Ghi chú cho mẫu nhận xét:
- [img] ..link..[/img].
- [youtube] ...link...[/youtube].
- [nct]...link...[/nct].