Chị Năm Nghĩa và hành trình 13 năm tìm hơn 5.000 hài cốt liệt sĩ - Kì 9

>> Linh hồn bác sĩ Đặng Thùy Trâm chữa bệnh cho nhà ngoại cảm Vũ Thị Minh Nghĩa


Kỳ cuối: Cuộc hành trình không ngưng nghỉ

Năm 2002, chị Năm Nghĩa (Vũ Thị Minh Nghĩa) vinh dự được diện kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia của ông. 
Chị Năm Nghĩa với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Sau khi nghe chị kể về hành trình mười mấy năm lặn lội khắp các cánh rừng hoang dại để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, Đại tướng xúc động hỏi: “Cháu đã tổng kết xem tìm được bao nhiêu hài cốt liệt sĩ chưa?”. Chị trả lời: “Thưa bác! Con không tổng kết ạ. Vì đồng chí đồng đội của con đã hy sinh quá nhiều. Con còn được sống đến ngày hôm nay là niềm hạnh phúc quá lớn. Việc con làm có đáng kể gì so với sự hy sinh trời bể của các anh các chị”. Một số người trong đoàn thấy vậy, liền thưa với Đại tướng là số mộ chị Năm Nghĩa tìm đã lên tới con số ngàn. Nhiều gia đình tìm được hài cốt chồng con mình sau mấy chục năm dằng dặc đỏ mắt mỏi mòn ngóng trông, đưa tiền thù lao cho chị, chị đều từ chối. Chị bảo: “Lấy tiền công của các liệt sĩ là nợ máu, nợ xương”. Nghe chuyện, Đại tướng hết lòng ngợi khen rồi nắm tay chị hỏi: “Thế cháu có cần Nhà nước hỗ trợ gì không?”. Chị Năm thưa: “Thưa bác! Con nhờ bác đề nghị Nhà nước cho phép con tiếp tục được đi tìm đồng đội ạ”. 
 
Tìm vợ cho chồng. Thà mất chồng, mất con chứ không phụ niềm tin của các liệt sĩ

Mải miết với những chuyến ngược ngàn đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, thi thoảng, trong những đêm nằm trong hang núi nghe tiếng mưa rừng rả rich, chị giật mình thảng thốt khi chợt nhớ đến mái tranh nghèo phương Bắc, nhớ đến chồng và những đứa con thơ. Thấm thoắt chốc đà 8 năm. Côi cút cảnh gà trống nuôi con, liệu chồng chị có hận chị không? Có còn giữ lòng thủy chung với chị? Những đứa con thơ dại, chắc chúng nhớ mẹ lắm. Xa vòng tay yêu thương của mẹ, chúng có ngoan hiền, hiếu thảo? Từ thẳm sâu trong những tâm hồn thơ dại ấy, chúng có trách chị, hờn chị không? Những câu hỏi ấy, nhiều đêm, như những lưỡi câu, móc vào gan ruột chị, khiến chị vừa xót xa, vừa tủi phận... Cho đến một ngày, khi chị đã quen hơi ngôi nhà mới ở xã Hòa Long, thị xã Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu), công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cũng đi vào nề nếp, chị quyết định đón chồng con vào sống cùng, những mong bù đắp phần nào sự thiếu thốn tình cảm. Nhưng đêm đầu tiên nằm bên chồng sau gần 3.000 đêm thâu cách xa, cô lạnh, chỉ thảng thốt nhận ra rằng: mình đã hết những ham muốn gối chăn. Chị càng hoang mang khi mấy đêm sau, chị “ngộ” ra rằng: sở dĩ chị phải vĩnh viễn rời bỏ những thú vui xác thịt trần tục là để giữ cho thân thể được thanh sạch tuyệt đối, để những tín hiệu, những linh cảm thiêng liêng giữa hai cõi âm - dương được linh nghiệm khi chị đi tìm hài cốt liệt sĩ. 

Vĩnh biệt mái tóc pha sương, xác xơ vì sương núi, gió rừng như một lần đoạn tuyệt với cõi hồng trần nhiều trắc ẩn
Chồng chị, như cái cây đang cơn khát mà không được tưới tắm, ấm ức, bực bội. Từ người đàn ông hiền lành, chân chất, anh sinh ra hay cáu bẩn, mắng chửi vô cớ. Hễ chị đi rừng vài ngày là anh điện thoại quát nạt bắt về. Về là chửi, là đánh. Rồi một ngày, anh đùng đùng viết đơn ly dị, quày quả đòi đi theo người đàn bà khác, đòi phân chia tài sản... Chị chẳng biết nói gì, chỉ ngồi bưng mặt khóc. Nhiều người, thương chị quá, đâm hờn trách ông giời ăn ở bất công: “Cô Năm mang lại hạnh phúc cho biết bao người mà hạnh phúc của mình, cô lại không bảo vệ được. Cô không có hạnh phúc gì hết”. Mọi người hờn tủi thế là vì thương chị, xót chị quá. Chứ mười mấy năm làm vợ, làm mẹ, chị đâu có lo lắng, chăm sóc được gì cho chồng con. Cứ ở biền biệt trong rừng hết năm này, tháng nọ, người đàn ông nào chịu đựng được? Ba đứa con chị, không có mẹ kèm cặp, học hành dở dang. Thằng út, sinh năm 1986, học mấy năm lớp 12 mà mãi chẳng tốt nghiệp. Công ăn việc làm chẳng có mà chị thì chẳng dám nhờ ai. Chị sợ làm phiền. 

Ba đêm ròng chị ngồi khóc trước bàn thờ các vong linh liệt sĩ. Đến ngày thứ tư thì nước mắt cạn, lòng bỗng nhẹ bâng. Chị đã thề nguyền với các linh hồn liệt sĩ: đời này, kiếp này, chị đành chịu tiếng là người vợ, người mẹ tồi để một lòng một dạ trung thành với các anh, để đưa bằng hết các anh về với gia đình, với cố hương, kể cả mất chồng, mất con. Sáng hôm ấy, chị tắm gội sạch sẽ, quần áo tinh tươm, khăn áo quả mướp bắt xe khách ra Thanh Hóa tìm... vợ cho chồng. Chồng chị vốn là dân lái xe khách đường dài. Trước, chị từng nghe phong thanh anh có cô tình nhân ở Thanh Hóa, hai người từng ăn nằm với nhau như vợ chồng. Chẳng biết bằng linh cảm của người đàn bà phận tủi vì bị chồng phụ bạc hay nhờ các liệt sĩ dẫn đường mà chỉ hai ngày sau, chị đã đưa người đàn bà một thời má ấp, tay kề với chồng mình về nhà. Rồi chính chị đứng ra lo liệu, tổ chức đám cưới cho chồng. 

Đêm tân hôn của chồng với người vợ thứ, chị lủi thủi bước thấp bước cao trong đêm tối lên ngôi chùa cổ trên núi cao. Chị quỳ phủ phục trước tượng Phật Bà Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt. Chị muốn nương thân mình trong vòng tay nhân từ của Đức Phật để cõi lòng bình an sau một chặng đường đời đầy gian lao, trắc trở. Chiều hôm sau, chị thong dong trở lại ngôi nhà với khuôn mặt thanh thản và cái đầu nhẵn bóng. Vĩnh biệt mái tóc pha sương, xác xơ vì sương núi, gió rừng như một lần đoạn tuyệt với cõi hồng trần nhiều trắc ẩn, chị lại bắt đầu ngồi vào bàn, lần giở từng tờ giấy báo tử để dốc lòng gọi từng hương hồn liệt sĩ đang bơ vơ nơi ngọn núi, đầu sông về với gia đình, vợ con. Để rồi, sáng sớm hôm sau, chị lại một mình khoác ba lô, trong có 5kg mì tôm, 10kg gạo, lá cờ đỏ sao vàng, thuốc men và chiếc cuốc thần lên những cánh rừng hoang dại không một dấu chân người để tìm nhặt hài cốt đồng đội. Không còn vướng víu chuyện chồng con, chị có ở rừng cả năm cũng không bị ai gào gọi bắt về. 

Phật pháp nhiệm màu. Và nỗi niềm chị Năm Nghĩa

Đêm khuya. Ngồi uống trà với chị Năm Nghĩa dưới mái hiên nhà, tôi băn khoăn hỏi: “Sao ngần ấy năm trời mà giờ chị vẫn cặm cụi một mình đi tìm hài cốt liệt sĩ?”. Chị cười bảo: “Thì em tính, những nơi chị đến toàn là rừng thiêng nước độc, đường đi vô cùng hiểm trở, lại nhiều rắn độc, thú dữ. Nên cũng có người theo chị nhưng mới leo núi được hai hôm, bàn chân trầy da, tứa máu, ăn uống kham khổ, không chịu được, đành cáo lỗi quay về. Năm ngoái, hai nhà làm phim người Anh của kênh truyền hình Discovery là Phua Chang Sun Joe và Tom Watson theo chân chị lên rừng làm phim. Họ đã nhiều lần bật khóc vì xúc động, người quay phim nhiều lần phải dừng quay để lau nước mắt. Họ bảo: họ luôn có cảm giác đang đi tìm mộ liệt sĩ chứ không phải đang đi làm phim. Tâm huyết lắm nhưng đến ngày thứ ba thì họ buộc phải hạ sơn vì bị sốt rét quật ngã. Sức vóc lực lưỡng như thế, lại quen nhiều năm ăn rừng ngủ núi khắp thế giới để làm phim mà họ vẫn không trụ được với chốn rừng thiêng nước độc ở Việt Nam. Vài ngày sau, cắt cơn sốt, họ cứ chắp tay chị mà lạy. Họ phong chị là “bậc sư tổ của nghề đi rừng”. Bà sư tổ gầy guộc, nhỏ bé cao 1,54, nặng 42kg”. Ngừng lời, nhấp một ngụm trà, khuôn mặt chị thoáng chút suy tư. Chị chùng giọng: “Vả lại, chị đi thế này, đâu có lương bổng hay chế độ gì. Mình chị lo cho mình còn chưa đủ. Tiền đâu ra mà lo cho người khác. Cho nên chị vẫn đi rừng một mình là vì thế”. 

“Mười mấy năm vượt thác trèo non, ăn rừng ngủ núi như thế, có khi nào chị thấy mệt không, nản không?”. Tôi hỏi. Chị khẽ thở dài: “Có chứ em. Có lần chị leo núi suốt 16 ngày liền. Đi từ Điện Biên, Mường Tè, Mường Nhé, lên Apachải, rồi Tám Miếu... để tìm hài cốt 8 liệt sĩ chống Pháp. Dốc dựng ngược. Đi từ sáng đến tối. Giày rách bung, chân tứa máu, mệt đứt hơi mà không dám nghỉ vì vắt nhiều như trấu. Mệt cũng không dám kêu. “Mệt lắm các anh ạ” là các liệt sĩ lại buồn. “Đồng chí mệt thì chúng tôi lại không được về nữa rồi”. Đêm nằm ngủ trong sương mù giá buốt, các anh về. Người thì vỡ bụng, máu me đầy mình. Người thì cụt đầu, chỉ còn hai cánh tay gân guốc huơ huơ: “Đồng chí ơi! Đồng chí đâu rồi. Cứu tôi với”. Chị luôn tiếp xúc với những hình ảnh như vậy. Đau xót lắm. Cuối năm vừa rồi, sau 6 tháng ở hẳn ngoài Phú Quốc cùng với anh em Đội K92 truy tìm, cất bốc mấy hầm mộ tập thể, sức khỏe chị giảm sút hẳn. Ngực đau, ho rũ rượi, khạc ra máu. Đi bệnh viện khám, chụp phim, phổi đen sì. Bác sĩ bảo bị ung thư. Chị nghĩ, mười mấy năm dò dẫm vào khắp các chiến trường xưa tìm hài cốt, mỗi lần đào nhặt hài cốt đều đưa lên mũi ngửi thấy thơm như mùi quế. Rồi chất độc da cam, có khi phát hiện cả thùng nguyên. Nhất là ở Phú Quốc, bọn địch trước khi chôn lấp xác tù nhân, chúng đều đổ chất độc hóa học xuống để thịt xương bị hủy hoại nhanh. Sau mấy tuần lễ đào bới, nhặt nhạnh xương cốt, mặt mũi, chân tay chị sưng vù lên, sốt li bì. Hít, nhiễm lắm chất độc thế nên chị nghĩ, mình bị ung thư cũng là lẽ đương nhiên. Chỉ khổ lũ con chị. Chúng nó khóc ầm lên, bắt chị ra Hà Nội chạy chữa. Chị nghĩ: nếu ung thư thật thì chỉ có ông giời mới cứu được. Nhưng chiều con, chị cũng ra Viện 108 điều trị. Một tháng, vừa điều trị, vừa tranh thủ đi Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định... tìm hài cốt, chị tìm được 19 bộ. Toàn liệt sĩ chống Pháp. Có gia đình tìm được 4 người. Có gia đình tìm được 3 người. Gia đình nào cũng vui mừng. Chị cũng vui lây. Hạnh phúc của chị là khi tìm thấy hài cốt và trao tận tay các gia đình”. 

Chị Năm Nghĩa trong một buổi tọa đàm về tìm hài cốt liệt sĩ bằng khả năng đặc biệt
Chị ngừng lời. Chiêu một ngụm nước, chị kể tiếp, giọng rưng rưng: “Nhiều đêm nằm nghĩ, mình sống chắc chẳng được bao lâu nữa vì ung thư phổi “đi” nhanh lắm, thế là nước mắt cứ chan chan. Nghĩ thương cho các liệt sĩ. Còn bao nhiêu người xác thân vùi ngoài bìa rừng, nếu không nhanh chóng đưa về, mưa lũ cuốn trôi hết. Mấy năm nay, hồ sơ thân nhân các gia đình liệt sĩ nhờ chị tìm mộ chồng chất cao ngất rồi mà chị vẫn phải tiếp tục nhận, tiếp tục gắng giúp bà con. Chị không bao giờ nghĩ mình già yếu. Lúc nào cũng tự huyễn hoặc mình khỏe để đi rừng. Có người bảo chị: “Bà Năm khùng ơi! Quá khứ đã chôn vùi sao bà cứ bới lên làm gì?”. Chị nghĩ: đúng là quá khứ đã xa thật sự. Nhưng không có quá khứ thì sao có hiện tại, tương lai. Chị phải đi tìm quá khứ bằng khả năng, công sức mình. Cũng có người ngậm ngùi bảo: “Nhiều hài cốt nằm trong rừng 40 năm, xương cốt đã hòa vào cát bụi. Đừng đi tìm nữa mà làm lễ cầu siêu”. Nhưng chị nghĩ, nỗi bức xúc nhất, khát vọng tha thiết nhất của biết bao gia đình là nhìn thấy hài cốt của chồng con mình, dù chỉ là một dúm xương tàn, để đưa về quê hương. 

Giờ, giời “bắt” chị “đi” thì chị mắc nợ với bà con, mắc nợ với các liệt sĩ. Thế là đêm đêm, chị thầm khấn giời, Phật và các liệt sĩ phù hộ độ trì cho chị. Cho đến một đêm, chị vẫn nhớ rõ là đêm mồng 6 tháng 2 (âm lịch), trăng sáng và lạnh, chị vừa chợp mắt thì thấy Phật Bà hiện về trên bàn tay chị, tỏa ánh hào quang rực rỡ. Chị choàng tỉnh giấc, dậy bật đèn thì không thấy gì. Hóa ra là một giấc mơ. Mấy ngày sau, chị đi chụp lại phổi. Xem phim, bác sĩ ngã ngửa người. Phổi trắng, không còn vết đen nào. Đúng là Phật pháp vô cùng màu nhiệm”.

Hỏi đến lần thứ ba về những khó khăn hiện tại, chị Năm Nghĩa tâm sự: “Có nhiều người hoàn cảnh khó khăn, quê ở rất xa, muốn tìm liệt sĩ mà không có điều kiện, nhờ chị giúp đỡ. Suốt mười mấy năm qua, chị ăn cơm nhà, nương tựa các con, được các con thông cảm để chị làm việc nghĩa vì đồng đội nên chị chỉ có khả năng giúp họ tìm mộ. Tìm được hài cốt, chị sẽ kêu gọi lòng hảo tâm của bạn bè, người quen giúp đỡ tiền để đưa hài cốt liệt sĩ về quê”.

13 năm, khả năng đặc biệt của chị Năm Nghĩa đã được chứng mình bằng hơn 5.000 hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy với rất nhiều mồ hôi và nước mắt nhưng vẫn chưa có một chính sách cụ thể nào cho những người làm công việc như chị, chưa có một tổ chức xã hội nào hỗ trợ phương tiện đi lại và chi phí cho việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Tất cả chỉ nhờ cái tâm “vì đồng đội” đã giúp chị đứng vững trong công việc lặng thầm mà đầy nhân văn cao cả ấy trong suốt hơn chục năm ròng.
 
Năm 2002, trên cơ sở kết quả bước đầu của việc tiến hành khảo nghiệm tìm mộ liệt sĩ thất lạc bằng khả năng đặc biệt của con người, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã cho phép tiếp tục triển khai đề tài “Khảo nghiệm khả năng tìm mộ từ xa bằng khả năng đặc biệt” giai đoạn 2 và mời chị Năm Nghĩa tham gia chương trình. Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Hội Khoa học công nghệ tin học và ứng dụng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tặng chị “Gương huyền thông” và nhiều bằng khen.

>> Về tâm linh: "Nếu chưa biết, xin đừng phủ nhận"

Theo thegioimoi.vn

0 nhận xét :

Ghi chú cho mẫu nhận xét:
- [img] ..link..[/img].
- [youtube] ...link...[/youtube].
- [nct]...link...[/nct].

:) :( :)) :(( =))

Recent Posts