Chị Năm Nghĩa và hành trình 13 năm tìm hơn 5.000 hài cốt liệt sĩ - Kì 8

>> Chị Năm Nghĩa và hành trình 13 năm tìm hơn 5.000 hài cốt liệt sĩ - Kì 7


Kể từ khi về ở hẳn tại ngôi nhà ấm tình người được xây cất từ tấm lòng thơm thảo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một tháng, chị Năm Nghĩa dành hai ngày để tiếp đón, chỉ dẫn tìm mộ cho các gia đình thân nhân liệt sĩ. 

Chị Năm Nghĩa ngồi làm viêc tại nhà
 Cứ nghĩ đó là những giây phút nhàn nhã để lấy lại sức sau những chuyến đi rừng cực nhọc, không ngờ, đó lại là những ngày làm việc căng thẳng, vất vả nhất của chị. Từ sáng sớm tinh mơ, hàng trăm gia đình đã tụ tập trước thềm nhà chị. Ai cũng canh cánh nỗi niềm chưa tìm thấy hài cốt người thân.

Có bà mẹ già 92 tuổi, tay chống gậy trúc, lưng còng gập, mắt đục lờ như cùi nhãn khô cứ nắm chặt tay chị mà nức nở. Vì hài cốt của chồng mẹ, của hai người con trai mẹ vẫn biền biệt vô âm sau mấy chục năm đỏ mắt ngóng tìm. Có những người vợ tóc đã pha sương vẫn đau đáu nỗi đau tìm chồng, dẫu mới ở với chồng có một đêm, vẫn chưa kịp có với nhau một mụn con. Người đàn bà ấy quỳ trước mặt chị mà giãi bày, van xin đến tội tình: “Cô ơi! Tôi lạy cô. Cô tìm giúp chồng tôi. Cha mẹ anh ấy chết hết. Anh em chẳng có ai. Con không có. Tôi mà chết nốt thì ai là người đi tìm anh ấy về hả cô?”. Chứng kiến những cảnh đời ấy, chị Năm đau lòng lắm, càng tự nhủ phải gắng sức để sớm đưa các anh ấy về với mẹ, với vợ con, với gia đình.

“Khi gọi hồn liệt sĩ, chị không còn là chị nữa”

Ở nhà, ngày làm việc của chị bắt đầu từ 7h sáng, khi đàn chim sẻ khổng lồ cất cánh, khu vườn lặng tiếng chim. Chị ngồi trước bàn, trên tay là chồng giấy báo tử và tổ quốc ghi công, bên cạnh là chiếc đài cát-xét cũ mèm, trong cài sẵn băng ghi âm. Chị lầm rầm khấn tên tuổi, quê quán người đã mất rồi mời về gặp gỡ, trò chuyện với gia đình thân nhân. Khi vong linh liệt sĩ về, chị nhìn thấy rất rõ hình ảnh của các liệt sĩ giống như nhìn trên màn hình tivi đen trắng: cao hay thấp, béo hay gầy, thậm chí nhìn rõ cả vết sẹo bên má trái hay chiếc răng nanh, răng vàng... Chị nhìn thấy cả những vết thương trên ngực, trên đầu hay ở chân. Chị cố gắng miêu tả tỉ mỉ những đặc điểm ấy cho gia đình thân nhân nghe để người cõi âm và người dương thế nhận ra nhau. Tiếng nói của các liệt sĩ, chị Năm cũng nghe rất rõ. Song cũng có liệt sĩ quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi..., giọng nặng quá, nhiều khẩu ngữ địa phương. Chị bảo: “Anh ơi! Anh nói khó nghe quá, em nghe không được”. Tiếng liệt sĩ nói: “Vậy thì tội tựa vào đồng chí nhé”. Thế là chị Năm nói rặt tiếng Nghệ An, Quảng Bình, mặc dù đời thường, chị chẳng thể nói được.

Hễ mỗi khi chuẩn bị bắt tín hiệu từ các liệt sĩ, chị Năm ngồi ngáp mấy cái y như người ngáp ngủ. Ngáp càng lâu, tín hiệu bắt càng nhiều, câu chuyện nói càng dài. Chị Năm bảo, những lúc ấy, chị không còn là chị nữa. Toàn thân lạnh ngắt như ướp đá. Các liệt sĩ bắt nói thế nào thì chị phải nói thế ấy. Liệt sĩ khóc, chị khóc. Liệt sĩ cười, chị cười. Có liệt sĩ lên giận dữ vì vợ ở nhà không giữ được lòng chung thủy, bỏ mặc con cái cho bà nội già héo, à ơi với cánh trai sơn tràng. Có liệt sĩ rầu rầu vì gia đình có người chán nản, không muốn đi tìm. “Ôi giời! Lâu quá rồi. Tìm làm sao được. Khác gì mò kim đáy bể”. Tính cách của liệt sĩ lúc còn sống như thế nào, khi về, nhập vào chị, đúng như thế. Anh chính trị viên lên bao giờ cũng nghiêm nghị, chỉn chu, từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ. Anh làm công tác Đoàn hay nghệ thuật thì bao giờ cũng vui nhộn, nói năng hoạt bát, thỉnh thoảng hứng chí lại ca hát. Còn cánh văn chương thơ phú, hễ mở miệng là thơ. Nhờ thế, chị Năm đã tập hợp được cả mấy tập thơ của các anh hùng liệt sĩ khi hồn về.

Những cuộc gặp gỡ giữa kẻ còn, người mất bao giờ cũng diễn ra vô cùng thiêng liêng, xúc động. Những kỷ niệm riêng tư, những lời thăm hỏi, dặn dò đến cha mẹ, anh em, con cái, đôi khi, cả những uẩn khúc đau lòng mà người còn sống nhiều năm chôn chặt, nay được người âm nhắc lại, khiến người trong cuộc càng xúc động, nước mắt như mưa, khiến người ngoài cuộc phải ngỡ ngàng, âm thầm gạt nước mắt vì thương cảm. Có liệt sĩ về nặng nỗi ưu tư, nói chuyện hàng tiếng đồng hồ, khiến các liệt sĩ khác đứng chờ phải nhắc nhở. “Hôm nay đông quá, mỗi người chỉ nói chuyện 15 - 20 phút thôi nhé”.
Khi người âm thế, kẻ dương gian thực sự nhận ra nhau, các liệt sĩ sẽ hướng dẫn chi tiết, cụ thể: chiến đấu ở chiến trường nào, bị thương ở đâu, hy sinh như thế nào? Các anh còn nói rõ: bên dưới hài cốt còn có những kỷ vật gì, còn bao nhiêu mẩu xương, thậm chí cả cái cúc áo... Nếu hài cốt đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ, các anh sẽ chỉ dẫn tỉ mỉ: mộ nằm ở ô nào, hàng nào, ngôi số mấy, trên bát hương có bao nhiêu chân hương? Vết sứt hay rạn ở bia mộ nằm ở góc nào? Trên mộ có cây hoa màu gì? Có mấy bông? Đến khi đào lên, đúng những tín hiệu mà các vong linh liệt sĩ cho trước, gia đình sẽ nhận.

Chính nhờ khả năng nhìn thấy, nghe thấy rõ nét hình ảnh và tiếng nói của các liệt sĩ nên chị Năm Nghĩa có thể đọc được tên tất cả các nghĩa trang liệt sĩ trong toàn quốc, ngồi tại nhà chỉ dẫn qua điện thoại cho các gia đình thân nhân liệt sĩ tìm mộ mà không cần đi đến nơi. Kết quả tìm được rất cao. Năm 2009, có 18 gia đình tìm được hài cốt 2 anh em ruột. Có gia đình tìm được những 6 người. 11 gia đình đi thử gien ADN đều trúng hết. Chị động viên các gia đình khác đi thử. Họ bảo: “Tôi tin rồi cô ạ. Cái tiền ấy để đi làm công đức”.

Sự linh ứng kỳ lạ của hai cõi âm - dương

Với chị Năm Nghĩa, mỗi cuộc gọi hồn là một câu chuyện dài đầy nước mắt, mỗi cuộc kiếm tìm qua sự chỉ dẫn của vong linh liệt sĩ là cả một hành trình đầy linh ứng đến kỳ lạ của cõi âm - dương. Thật khó có thể chép hết ra đây hàng ngàn câu chuyện huyền hoặc ấy. Ở đây, chúng tôi chỉ xin chép lại hai câu chuyện đã chạm khắc trong tâm khảm chúng tôi những xúc động và cả những bất ngờ về thế giới linh thiêng màu nhiệm mà chị Năm Nghĩa là nhịp cầu kết nối giữa hai ngả âm - dương.

Liệt sĩ Đoàn Văn Cờ, sinh năm 1938, quê ở Bình Minh, Kiến Xương, Thái Bình, hy sinh năm 1969 tại chiến trường phía Nam, trên địa bàn tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Người đi tìm là em gái Đoàn Thị Duyên và em rể Nguyễn Minh Châu, ở 84 Bà Huyện Thanh Quan, TP. Vũng Tàu. Thông tin được liệt sĩ Cờ chỉ dẫn trước qua chị Năm Nghĩa: từ trung tâm huyện Đắc Tô tới khu vực mộ anh ở trong rừng là khá xa, phải qua hàng chục cây cầu và rất nhiều những ngôi nhà rông. Mộ chôn ở phía tây một con suối, cách con suối khoáng 20 bước chân. Đầu gối phía núi, chân quay hướng suối. Sau 35 năm, mộ đã bị nước mưa xói mòn, không còn dấu vết nấm mồ. Trên mộ có những cây cỏ mắc cỡ trổ hoa màu tím. Tấm vải bạt bố lúc chôn, hiện có mảnh nổi trên mặt đất. Mộ anh ở vị trí đầu tiên, kế đó phía bên trái còn có 4 ngôi mộ liệt sĩ khác nữa. Các em hãy nhanh chóng đưa anh về. Mùa mưa này chắc anh không trụ nổi nữa. Nước có thể cuốn trôi hài cốt các anh xuống suối. Khi đi tìm, cứ vào đơn vị bộ đội ở huyện hỏi, sẽ có người dẫn chỉ đường.

Nghe liệt sĩ Cờ dặn dò vậy, ai cũng vui mừng, lập tức lên đường. Ngày đầu tiên, đoàn tìm kiếm vào trung đoàn 24 ở Đắc Tô, đơn vị anh Cờ chiến đấu trước đây. Mặc dầu đã quá trưa nhưng vẫn được trung đoàn đón tiếp rất chu đáo. Sau khi nghe đoàn tìm kiếm trình bày nguyện vọng, ban chỉ huy trung đoàn đã cử đồng chí Đào Quốc Phòng - đại đội trưởng trinh sát cùng đi. Bằng nghiệp vụ chuyên môn, anh Phòng đã xác định khu vực mộ trên bản đồ cách đơn vị hơn 40km ở Ngọc Hồi, khu vực ngã ba Đông Dương. Nghỉ một đêm lấy lại sức, sáng sớm hôm sau, đoàn tiếp tục lên đường. Vượt qua rất nhiều con dốc dựng đứng, qua rất nhiều cây cầu, bản làng, đến lúc bàn chợt bợt bạt vì leo dốc thì đoàn cũng đến được Ngọc Hồi. Phóng mắt nhìn, đồi núi nương rẫy mênh mông, không một mô đất, một nấm mồ. Anh Phòng, chị Năm và cả đoàn vạch từng lùm cây, bụi cỏ. Cuối cùng, nhờ linh cảm đặc biệt của chị Năm, ngôi mộ được tìm thấy, trùng khít với những thông tin liệt sĩ cho biết trước.

Ngày hôm sau, đoàn bốc cất hài cốt. Xương cốt anh tuy đã mục nát, nhưng những kỷ vật vẫn còn. Tấm vải bạt bó anh suốt 35 năm sương gió. Cái bình tông đựng nước uống, quai nhựa vẫn còn... Ngần ấy cũng đủ làm ấm lòng người còn sống qua bao năm đỏ mắt tìm kiếm.

Tìm liệt sĩ Nguyễn Ngụ - khó khăn và kỳ tích bất ngờ
<><><>
Từ sáng sớm, các gia đình thân nhân liệt sĩ đã ngồi đầy nhà chị Năm Nghĩa

Quê liệt sĩ ở xã Đức Hương, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hy sinh năm 1965 tại chiến trường phía Nam. Người đi tìm: con gái Nguyễn Thị Huệ, con rể Hoàng Văn Chí, hiện ở xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Thông tin liệt sĩ Ngụ cho biết (qua chị Năm Nghĩa): ông hy sinh ở chiến trường Gia Lai - KonTum, phần mộ còn ở phía tây thị xã KonTum, cách thị xã khoảng 2km. Mộ nằm trên rẫy nhà bác Hai Tân, ở xã Đoàn Kết. Ủy ban nhân dân xã Đoàn Kết xác nhận: ở địa phương có hai ông Tân, trong đó ông Hai Tân có rẫy, trên rẫy có một ngôi mộ. Cả đoàn mừng rõ, vội tìm đến nhà ông. Ông Hai Tân năm nay chừng 70 tuổi, dáng người quắc thước, xởi lởi nói: “Trên rẫy nhà tôi đúng là có một ngôi mộ. Nhưng ngôi mộ có chủ. Vợ con họ vẫn còn sống, hàng năm vẫn ra đấy cúng viếng, đắp mộ, thắp hương”. Trong đoàn đi có những nhận định khác nhau. Riêng hai anh em Chí và Huệ thì khóc ầm lên, khẳng định đúng là mộ bố rồi, một mực yêu cầu mọi người can thiệp để đưa hài cốt về. Chị Năm trấn an tư tưởng những người trong đoàn và gia đình: “Vấn đề mồ mả phải hết sức thận trọng. Tranh chấp về đất đai còn dễ giải quyết chứ tranh chấp mồ mả là rất phức tạp, phải bình tĩnh, cần có thời gian tìm hiểu kỹ mới đi đến kết luận được. Theo chị, chúng ta nên trực tiếp đến thẳng gia đình chủ ngôi mộ để làm sáng tỏ”. Cả đoàn nhất trí.

Khi tới gia đình có ngôi mộ ở rẫy nhà ông Hai Tân, vợ và con chủ nhà khẳng định, đó là ngôi mộ của gia đình. Ông mất năm 1974. Trong khi mai táng mộ, họ đã thấy một ngôi mộ ở đó, không biết của nhà ai, cũng không thấy người trông nom. Dần dần đất sụt dần. Phía dưới chắc còn hài cốt.

Cả đoàn thở phào nhẹ nhõm. Nhưng để chắc chắn hơn, đoàn tìm kiếm đến gặp gia đình chủ cũ, người bán đất cho ông Hai Tân. Gặp cụ già 83 tuổi, cụ khẳng định: “Không phải mộ của gia đình tôi. Mộ có từ thời chiến tranh cơ”.

Đoàn tìm kiếm đã mời chính quyền địa phương, bà con chòm xóm xung quanh nhà ông Hai Tân đến chứng kiến việc khai quật ngôi mộ bên cạnh. Tất cả mọi người có mặt tại hiện trường đều ồ lên khi bàn tay chị Năm lần giở trong lọ pênicilin mảnh giấy ghi: liệt sĩ Nguyễn Ngụ. Hy sinh ngày 7 tháng 3 năm 1965”. Họ hết lời khen ngợi nhà ngoại cảm tài ba nào đó đã chỉ dẫn tìm ngôi mộ chính xác đến lạ kỳ mà đâu biết, người có khả năng siêu phàm ấy chinh là người đàn bà gầy guộc, nhỏ thó đang cặm cụi nhặt nhạnh, lau chùi từng mảnh xương dưới hố đất đỏ rười rượi kia.

(Còn tiếp)

0 nhận xét :

Ghi chú cho mẫu nhận xét:
- [img] ..link..[/img].
- [youtube] ...link...[/youtube].
- [nct]...link...[/nct].

:) :( :)) :(( =))

Recent Posts