HÀNH TRÌNH TÌM MỘ CHỊ GÁI CỦA GIA ĐÌNH TƯỚNG TRẦN ĐỘ
“Bác Câu tôi hy sinh được 13 năm, tôi mới cất tiếng khóc chào đời. Nhưng hình ảnh của bác, cuộc đời hoạt động cách mạng đầy chông gai và cả cái chết đầy thương cảm của bác vẫn mãi sống trong tâm trí tôi qua lời kể của bà, của cha. Tôi vẫn nhớ như in hồi còn nhỏ ở với bà, vào những đêm trăng sáng, bà thường kể cho tôi nghe về bác Câu. Có những chuyện, bà kể đi kể lại nhiều lần như một niềm thôi thúc. Và lần nào cũng thế, câu chuyện đều bị bỏ giữa chừng vì tiếng khóc tắc nghẹn của bà. Bà vừa nghẹn ngào khóc, vừa xót xa kể lể: Bác Câu tôi từ lúc sống cho đến lúc chết, chưa một ngày được an nhàn, sung sướng. Mới tẹo tuổi đầu đã phải lam làm suốt ngày để giúp mẹ nuôi các em. Lớn lên đi theo cách mạng rồi biền biệt không về. Rồi tù đày, bị đánh đập, tra tấn dã man. Đến lúc chết cũng cô độc một mình trong tù. Mồ mả mất tích nơi nào chẳng ai rõ. Khổ thân bác, không chồng con, chẳng ai hương khói. Tiếng khóc tắc nghẹn của bà khiến tôi cũng sụt sùi khóc theo. Nghĩ mà thương bà, xót thương cho bác Câu quá. Tôi an ủi bà: “Bà ơi! Bà đừng khóc nữa. Sau này lớn lên, cháu sẽ đi tìm mộ bác Câu về cho bà”. Thế mà, cũng phải ngót 50 năm sau, lời hứa ấy, tôi mới thực hiện được”.
Câu chuyện về hành trình đi tìm mộ nữ liệt sĩ Tạ Thị Câu được bắt đầu bằng những dòng hồi ức buồn, đầy tâm trạng của ông Trần Toàn Thắng, con trai cả của tướng Trần Độ.
Bà nội tôi sinh hạ được 4 người con. Cha tôi, tướng Trần Độ (tên thật là Tạ Ngọc Phách - PV), thứ 3. Chị thứ hai giáp cha tôi là bác Tạ Thị Câu. Cô Tạ Thị Xuyến là út. Ông nội mất sớm, bà ở vậy, một nách nuôi 4 con. Bác Câu hơn cha tôi 4 tuổi, thường đi buôn bán các chợ xa phụ giúp bà. Bác Câu yêu quý cha tôi lắm, thường mua quà và kèm cặp cha học hành. Bác hay khoe với bạn bè về cha với một niềm tự hào rất lớn. Ngay từ năm 17 tuổi, khi phong trào dân chủ vừa nổ ra, bác đã tham gia hoạt động cách mạng. Cho đến năm 1939, bác đã là Tỉnh uỷ viên tỉnh Thái Bình. Chính bác là người đã dìu dắt cha tôi đến với cách mạng, trực tiếp thử thách, khuyến khích rồi giới thiệu cha tôi vào Đảng. Năm 1940, ở làng tôi (thôn Thư Điền, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, Thái Bình) nổ ra cuộc mít tinh ở cánh đồng Đông Lang. Bị lính phủ và tuần phiên khủng bố đẫm máu, Bác Câu và cha tôi nửa đêm vượt cánh đồng đi làm cách mạng chuyên nghiệp. Nghe đâu, bác làm việc cho xứ uỷ Bắc Kỳ nhưng cụ thể làm gì thì tôi không được rõ.
Năm 1941, cha tôi bị giặc bắt, chịu án 15 năm tù rồi bị đày lên Sơn La. Cũng thời gian đó, bác Câu bị bắt. Giặc giam bác ở nhà tù Hoả Lò cùng với nhiều chiến sĩ kiên trung, trong đó có bác Nguyễn Thị Minh Thái (Vợ trước của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), bác Trương Thị Mỹ (sau là chủ tịch liên đoàn lao động Việt Nam) và bà Nguyễn Thị Hằng (sau này lấy cha tôi). Trong suốt mấy năm trời, hai chị em vẫn thường xuyên liên lạc thư từ. Và bác Câu, vẫn là người chị thảo hiền, yêu em hết mực, thỉnh thoảng vẫn gửi quà và xé áo của mình khâu những chiếc khăn gửi lên cho cha để chống trọi với cái giá lạnh miền sơn cước. Thế rồi, năm 1944, trên đường bị giặc giải từ Sơn La về Hoả Lò (Hà Nội) để đầy đi Côn Đảo, cha tôi được Chi bộ nhà tù tổ chức cho trốn thoát. Từ đấy, hai chị em bặt tin nhau. Sau này, cha tôi nghe mọi người kể lại, bác Câu bị ốm chết trong nhà tù Hoả Lò. Giấy báo tử của chính quyền Pháp gửi cho bà nội tôi ghi: bác mất ngày 29 tháng 9 năm 1944. Cái chết của bác khiến cả nhà khóc thương, nhất là cha tôi. Ông xót xa bảo: Nếu bác Câu sống thêm mấy tháng nữa, bác sẽ được chứng kiến ngày cách mạng thành công. Bác chết trẻ quá, 25 tuổi đầu, hình như trong đời chưa một lần được yêu. Càng xót xa hơn khi không biết hài cốt bác giặc chôn ở nơi nào?
Chưa kịp đi tìm mộ bác thì cả nước lại bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, bụi trường chinh cuốn cha đi. Thỉnh thoảng, cha về, cả nhà lại sụt sùi khóc nhớ thương bác. Cha bảo: “Bác Câu bị ốm đau chết trong tù, chắc là Pháp chôn qua quýt ở đâu đó. Rất có thể là ở khu vực trường bắn của Pháp ở Hoàng Mai, nơi bác Hoàng Văn Thụ bị bắn”. Sau này, vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20, khi những thông tin về việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của các nhà ngoại cảm Việt Nam đăng rầm rộ trên các báo, đài, nhất là khi được nghe Giáo sư Trần Phương kể tường tận hành trình đi tìm mộ người em gái vốn là đội trưởng đội nữ du kích Hoàng Ngân, cha tôi và cả gia đình mới loé lên hy vọng tìm thấy mộ bác Câu. Tôi nhớ, khoảng năm 1997, qua một người quen giới thiệu, cha tôi đã liên lạc được với nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên, người đang nổi tiếng với việc chỉ dẫn tìm kiếm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ. Qua điện thoại, cha tôi nói: “Tôi có một người chị gái bị tù ở Hoả Lò rồi ốm chết trước cách mạng tháng Tám. Không biết bây giờ mộ ở đâu?”. Anh Liên bảo: “Còn mộ đấy, có thể tìm được. Ông đứng trước cửa Hoả Lò, chiếu thẳng về hướng Nam, cách khoảng 2 km, mộ sẽ nằm ở đó. Nhưng tôi sợ bây giờ nhà cửa của dân xây san sát như thế, mộ nằm phía dưới sẽ rất khó tìm đấy”. Cha tôi đối chiếu bản đồ, thấy rõ khu vực ông Liên chỉ là vùng Bạch Mai, Hoàng Mai bây giờ. Cha tôi sực nhớ đến thiếu tướng Chu Phác, người đồng đội cũ, hiện là Chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý (Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người).
Ông quen biết khá nhiều nhà ngoại cảm nổi tiếng như Nguyễn Văn Liên, Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Khắc Bảy, Thẩm Thuý Hoàn, Dương Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Thị Phương. Cha tôi liền tìm đến thiếu tướng nhờ giúp đỡ. Ông vui vẻ nhận lời và lên kế hoạch tìm mộ gồm 2 bước:
Bước một, nhờ một số nhà ngoại cảm, hoạt động độc lập, bằng khả năng đặc biệt, rất riêng của mình, thu nhận thông tin về bác Câu. Sau đó, sẽ đối chiếu các thông tin ấy với nhau, tìm ra một đáp số chung nhất.
Bước hai, từ đáp số chung ấy sẽ tiến hành làm các thủ tục khai quật. Khi khai quật vẫn phải có sự tham gia của các nhà ngoại cảm trực tiếp hoặc gián tiếp (qua điện thoại), theo dõi, hướng dẫn và điều chỉnh cho đến khi tìm được hài cốt.
Ngày 4 tháng 8 năm 2000, thiếu tướng Chu Phác cùng nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy đến nhà tôi ở Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Anh Bảy ngồi đối diện với cha tôi, chăm chú nhìn vào trán ông, miệng hỏi, tay vẽ sơ đồ. Anh Bảy cho biết: Mộ bác Câu tôi hiện vẫn còn, nằm gần mộ ông Hoàng Văn Thụ, trong vùng bãi bắn Hoàng Mai. Mộ bác ở cạnh một vũng nước, trong khu vực có nhiều mộ. Có những bộ hài cốt đã chuyển đi. Khu vực này có những công trình kiến trúc lớn như đình, chùa, trường học, xưởng máy. Đường xá vào đó khá ngoằn ngoèo.
Ngày 25 tháng 11 năm 2000, thiếu tướng Chu Phác lại dẫn một nhà ngoại cảm khác là Nguyễn Mạnh Hùng đến gặp cha tôi.
Anh Hùng sinh ngày 15 tháng 6 năm 1959 trong một gia đình làm nghề đông y lâu đời ở 35 phố Lãn Ông, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Anh đã từng tốt nghiệp trường trung cấp y học Tuệ Tĩnh, có tay nghề bốc thuốc. Được ông cha truyền thủ thuật bắt mạch bệnh nhân, đặc biệt là bắt mạch thái tố, Dương Mạnh Hùng thấy dần hình thành trong mình khả năng ngoại cảm. Qua việc đặt 3 ngón tay lên mạch ở cổ tay đối tượng, Hùng có thể thấy một phần quá khứ, hiện tại và tương lai của họ, thấy một số điều về tổ tiên, cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cái, thấy địa hình, địa vật nơi mồ mả cần tìm… Với cha tôi, anh cũng làm vậy. Bắt mạch thái tố cho cha tôi, anh hỏi: “Trong nhà bác có người phụ nữ nào chết từ lúc còn rất trẻ không?”. Cha tôi trả lời: “Có anh ạ! Đó là bà chị tôi. Hiện tôi đang muốn tìm mộ chị ấy”. Cha tôi vừa nói dứt lời, anh Hùng đã nhìn xoáy vào góc phòng, miệng lẩm bẩm: “Đã xuất hiện rồi”. Cha tôi sốt sắng hỏi: “Anh nói cái gì. Ai xuất hiện cơ ạ?”. Anh Hùng vẫn khẽ khàng: “Chị gái bác ấy”. Nói đoạn, anh bảo cha tôi đưa cho tờ giấy trắng và cái bút rồi phác thảo ngay một khuôn mặt phụ nữ. Cha tôi nhìn, giật mình thấy khuôn mặt trong giấy giống chị Câu như đúc. Từ đấy, anh Hùng cứ nắm chặt lấy cổ tay cha tôi, mắt nhìn chăm chú vào góc phòng và bắt đầu trò chuyện. Cha tôi muốn rút tay ra nhưng anh Hùng bảo: “Cháu rời tay bác ra là bà ấy biến mất ngay”. Anh Hùng cứ thủ thỉ trò chuyện như thể bác Câu tôi đang đứng ngay trước mặt anh. Cuộc nói chuyện khá dài, tôi không nhớ hết. Tóm tắt những thông tin thu được là: Bà Câu là một người con gái trẻ đẹp, to cao, bị ốm phù nề rồi chết. Mộ bây giờ ở một nơi giống bãi tha ma. Muốn đi tới đó, phải qua những con đường ngoằn ngoèo có tên là Bạch Mai, Trương Định, Hoàng Mai. Mộ ở gần một ngôi chùa và đình, gần một hàng nước mà ông chủ hàng là một ông già độ 60 tuổi tên Trúc có bà vợ tên Thu. Vong bà Câu hay về nhà ông Trúc. Dân quanh vùng làm nghề đậu phụ, gần một cái chợ. Gần mộ bà Câu có một cây hoa râm bụt đỏ, một cây hoa trinh nữ trắng, cạnh một bãi phẳng như sân bóng. Bà Câu chết vào năm Giáp Thân (1944), vào mùa thu, tháng 8, đêm 26 rạng ngày 27 âm lịch. Cứ như trí nhớ của mẹ tôi (bà Nguyễn Thị Hằng - PV), người đã ở tù cùng bác Câu thì một buổi sáng, mẹ đến làm vệ sinh cho bác đã thấy bác nằm chết cứng. Có thể, bác chết lúc gần sáng. Bác chết năm trước thì năm sau Nhật đảo chính Pháp. Vì thế, mẹ cứ tiếc bác Câu tôi không sống thêm mấy tháng để trốn khỏi nhà tù. Năm sau là năm 1945, vậy năm trước đúng là năm 1944 (Giáp Thân).
Anh Hùng cho biết thêm: Hài cốt của bác Câu còn có một chứng tích, đó là hàm răng đen của bác bị gãy mất một cái. Bác đồng ý cho gia đình tôi bốc hài cốt bác đưa về quê. Anh Hùng hai lần hỏi bác câu này và cả hai lần, bác Câu gật đầu.
Trong suốt hai ngày, 26 và 27 tháng 11 năm 2000, thiếu tướng Chu Phác đã đưa 3 nhà ngoại cảm là Nguyễn Khắc Bảy, Dương Mạnh Hùng và Thẩm Thuý Hoàn đi thực địa. Họ đến làng Hoàng Mai, tìm đến chùa Nga My và ngôi đình làng, nơi thờ tướng quân Trần Khát Chân, ra khu vực nghi ngờ có mộ bác Câu tôi. Điều kỳ lạ là tất cả những gì hiện hữu trước mặt lúc ấy đều trùng khớp với những thông tin mà các nhà ngoại cảm cung cấp từ trước. Đình, chùa, bãi đất phẳng như sân bóng, một khu đất trống rộng chừng mấy chục m2 có rất nhiều mộ. Mộ bác Câu tôi nằm bên cạnh một vũng nước, cách cây hoa đại trắng chừng 3-4m. Cây đại cao hơn bức tường bao quanh, cạnh một bụi cỏ khô mọc trên một chiếc thùng phuy đã hoen rỉ. Mộ chỉ là một mô đất cao độ 10 -20 cm, bên cạnh con đường xi măng nhỏ, phía sau đình và gần chùa. Nhà ngoại cảm Thẩm Thuý Hoàn còn cung cấp thêm thông tin: mộ bác Câu nằm chếch, đầu gối vào cột trụ, bị cột trụ đè lên một ít, chân hướng về phía đường đi.
Cũng trong ngày 26 tháng 11, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã có cuộc gọi hồn bác Câu tôi tại văn phòng của Bộ môn cận tâm lý ở 46 Nguyễn Văn Ngọc (Hà Nội). Thông tin Bích Hằng nhận được là: Đến làng Hoàng Mai hỏi chùa Nga My, cách một khu vườn vài chục mét. Mộ nằm ở nơi đất bằng phẳng, cạnh gốc cây chuối gần chùa Nga My và đền thờ Trần Khát Chân. Có cây hoa đại, mộ nhìn lên hàng rào dây thép gai ở đầu nhà dân. Bác Câu mặt bị sưng to và nằm nghiêng, sâu độ 70 -90cm. Mộ không có tiểu, khi đào phải cẩn thận.
Như vậy, các thông tin mà các nhà ngoại cảm thu nhận được về phần mộ bác Câu tôi khá đầy đủ, chi tiết. Điều đặc biệt là tuy các nhà ngoại cảm làm việc độc lập với nhau song các tín hiệu đưa ra có nhiều điểm trùng hợp. Điều đó khiến cả nhà tôi vui mừng và tràn đầy hy vọng, nhất là cha tôi. Ngày 13 tháng 12 năm 2000, cha tôi điện thoại vào thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu tôi thu xếp công việc ra Hà Nội để thay cha tìm mộ bác. Cha tôi lúc này đã 78 tuổi, lại đang vào giai đoạn cuối của bệnh tiểu đường nên sức khoẻ sa sút trầm trọng. Tôi là con trưởng, lại sẵn tình cảm xót thương bác Câu nên nhanh chóng sắp xếp hành lý ra Hà Nội ngay. Trước khi lên máy bay, thiếu tướng Chu Phác có điện thoại cho tôi, yêu cầu tôi liên lạc với nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã ở thành phố Hồ Chí Minh.
Qua điện thoại, anh Nhã cung cấp thông tin:
- Vị trí mộ đúng như các nhà ngoại cảm ở Hà Nội đã xác định.
- Cách mộ hơn 3m về phía tây có một cây hoa đại trắng cao hơn 3m.
- Cách mộ chừng 1,5m có bụi cỏ khô cao hơn 1m.
- Trên mộ có 3 mảnh thuỷ tinh hoặc sành lấp lánh.
- Mộ gần vũng nước.
- Năm ngày nữa anh đến, cách mộ mấy mét có con gà trống kiếm ăn ở đó.
TRỞ VỀ QUÊ MẸ
Đặt chân đến Hà Nội hôm trước, ngày hôm sau, tôi xuống thẳng Hoàng Mai để khảo sát địa hình, đồng thời, để kiểm chứng tính xác thực của những thông tin mà các nhà ngoại cảm Bích Hằng, Dương Mạnh Hùng, Nguyễn Khắc Bảy, Thẩm Thúy Hoàn, Nguyễn Văn Nhã… cung cấp. Tôi thấy mộ bác Câu tôi là một mô đất đen, nằm cạnh con đường xi măng nhỏ, gần một vũng nước dài đến 2m, rộng chừng 1m. Mộ nằm trong khoảnh đất trống rộng độ 30m2, xung quanh là nhà dân với tường bao quanh che kín hết. Muốn ra mộ, tôi phải đi qua nhà chị Ngà. Gia đình chị ở đây đã lâu nên quá quen thuộc với các cuộc tìm kiếm, bốc mộ. Chị đã cho tôi nhiều lời khuyên bổ ích. Quan sát kỹ, tôi thấy cái khoảnh đất mấy chục mét vuông này còn rất nhiều ngôi mộ khác, trong đó, có chừng 10 ngôi đã dựng bia. Bất chợt, mắt tôi bị hút vào ngọn cây đại nhô lên từ bức tường hướng tây, cách mộ bác Câu hơn 3m. Tôi thấy cả lùm cỏ khô ở trên cao hơn 1m vì lùm cỏ này mọc trên một cái ống xi măng dựng đứng. Điều đặc biệt là ngày 18 tháng 12 năm 2000, tức là đúng 5 ngày sau cuộc điện đàm với nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã, tôi cùng thiếu tướng Chu Phác xuống thực địa lần nữa thì bất ngờ gặp một con gà trống mào đỏ au đang tha thẩn đào bới kiếm mồi ở gần mộ bác Câu. Kỳ lạ hơn nữa khi chị Ngà cho biết, con gà này là của chị, vốn thường ngày chị nhốt ở trong chuồng. Nhưng không hiểu sao, sáng nay đã bảnh mắt rồi mà nó cứ đập cánh gáy ran rồi lồng lộn trong chuồng. Bực mình, chị mở cửa chuồng cho nó ra đúng lúc tôi và thiếu tướng Chu Phác đến. Tôi vô cùng ngạc nhiên về chuyện này. Điều đó càng khẳng định thêm độ chính xác cho thông tin của anh Nhã.
Đến lúc này, gia đình tôi xác định với thiếu tướng Chu Phác: vị trí mộ bác Câu chính xác đến hơn 90% rồi. Tất cả những thông tin của các nhà ngoại cảm về địa hình, địa vật, đường dẫn đến ngôi mộ… hầu hết trùng khớp, tuy cách diễn đạt có khác nhau và có đôi chút sai lệch. Cần phải tổ chức bốc mộ sớm vì đã năm cùng tháng tận, vả lại, tôi cũng không thể ở Hà Nội lâu được. Sau khi cân nhắc kỹ, gia đình tôi quyết định chọn ngày 27 tháng 12 (tức mồng 2 tháng chạp) sẽ tiến hành khai quật mộ bác Câu.
Chờ đợi 9 ngày trời mà sao tôi thấy dài đằng đẵng như 9 năm. Để khỏi sốt ruột, gia đình tôi về quê làm việc với huyện Tiền Hải, đào và xây sẵn mộ trong nghĩa trang liệt sĩ của huyện, chuẩn bị cho lễ truy điệu bác Câu. Cuối cùng, ngày 27 cũng đến. Tôi vẫn nhớ, trời hôm đó tuy cuối đông nhưng rất ấm áp, nắng vàng như mật. Cả gia đình tôi kéo xuống làng Hoàng Mai. Cha tôi tuy đau yếu cũng cố đi. Cha muốn tận tay thắp hương và khấn người chị yêu quý của mình. Những thủ tục tâm linh cần thiết đều làm trọn vẹn. Đúng 9 giờ sáng, những nhát cuốc đầu tiên bập vào ụ đất thấp lè xè bên đường. Bỗng dưng tôi thấy hoang mang lạ. Vì lúc này, không có một nhà ngoại cảm nào bên cạnh chúng tôi. Bích Hằng thì đang ở tít tận Tây Nguyên. Các nhà ngoại cảm khác, người thì bận đi học, người thì đi công tác. Tìm hiểu về các vụ tìm mộ trước đó, tôi biết, không phải trường hợp nào cũng tìm thấy hài cốt. Bởi khi đào thực địa, có thể có những sai lệch. Biết đâu, trường hợp bác Câu tôi cũng thế thì sao?
Đào bới chừng hơn một tiếng đồng hồ thì tốp thợ buộc phải dừng lại vì mặt trời đã lên gần đến đỉnh đầu, ánh nắng quá rực rỡ sợ làm tổn thương hài cốt. Chờ đến tận 4 giờ chiều, công việc khai quật mới lại tiếp tục. Hố đào sâu chừng 70 cm rồi mà vẫn chưa thấy dấu tích gì. Nước mạch tràn vào ào ạt khiến tốp thợ phải hì hục vừa đào vừa tát. Thiếu tướng Chu Phác vội điện thoại cho nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã. Từ thành phố Hồ Chí Minh, anh Nhã chỉ dẫn:
- Đào sâu thêm 60 - 70 cm nữa.
- Đào chếch về phía người thợ mặc áo xanh nhạt.
- Đào về phía rãnh nước.
Anh Nhã còn nhắc nhở cần phải khấn các vong linh xung quanh đó phù hộ cho bớt nước ở các mạch tràn vào huyệt. Tôi vội vàng thắp hương khấn vái. Và kỳ lạ thay, chừng 10 phút sau, lượng nước chảy giảm hẳn, công việc đào bới trở nên thuận lợi rất nhiều.
Cũng qua điện thoại, nhà ngoại cảm Thẩm Thuý Hoàn chỉ dẫn thêm:
- Đào về phía rãnh nước.
- Đào sâu đến 2m.
- Đào vuông thành sắc cạnh, đừng đào lòng chảo.
Thực hiện đúng như chỉ dẫn, tốp thợ đào miết đến 21h 30, độ sâu chừng 2m thì lưỡi xẻng chạm vào một cái tiểu sành. Tôi càng hoang mang. Vì trước đó, không một nhà ngoại cảm nào nói bác tôi nằm trong tiểu. Bích Hằng chỉ nói bác tôi chết trong tình trạng người bị phù, chôn trong tư thế nằm nghiêng. Các nhà ngoại cảm khác, người thì nói bác tôi được chôn trong hòm gỗ, người thì bảo không có hòm. Cha tôi còn hoang mang hơn. Ông suy luận: khoảng những năm 1940, thân phận một người tù, hơn thế, một người tù cộng sản như bác tôi, không thể được chôn cất chu đáo, tử tế như thế. Cùng lắm thì được chôn trong chiếc quan tài bằng gỗ tạp, còn thường thì bó chiếu. Bởi vậy, cha tôi nghĩ, hài cốt bác Câu chỉ là những mẩu xương nằm lẫn trong bùn đất đen. Khi tìm thấy, phải nhặt kỹ càng cho bằng hết.
Bỗng dưng tôi sực nhớ đến lời anh Nhã nói qua điện thoại hôm tôi ở sân bay chuẩn bị ra Hà Nội: “Tôi linh cảm thấy hài cốt của bác Câu còn nguyên vẹn vì tín hiệu phát ra mạnh lắm. Chính vì tín hiệu mạnh này mà nhiều nhà ngoại cảm đều có thể tìm thấy mộ”. Tôi vội vàng điện thoại ngay cho anh Nhã, thông báo đã chạm tiểu. Anh bảo: “Đúng là hài cốt của bác Câu rồi. Trước đây, có một gia đình đã đào để tìm mộ nhưng thấy nhầm lẫn nên họ đã đưa hài cốt bác Câu vào tiểu và chôn cất lại cẩn thận. Đó là nghĩa cử thường thấy ở nhiều địa phương”. Những người dân xung quanh đứng xem từ chiều cũng khẳng định: ở khu đất trống này do có nhiều mộ nên chuyện đào nhầm thường xảy ra. Và để tạ lỗi với người đã khuất, bao giờ khổ chủ cũng đưa hài cốt vào tiểu sành chôn lại tử tế. Trường hợp bác Câu không phải là cá biệt.
Chiếc tiểu đựng hài cốt bác Câu tôi có tuổi thọ khá tốt. Vùi sâu dưới lòng đất mấy chục năm rồi mà thành tiểu vẫn rắn như đanh. Khi mở nắp tiểu, tôi đã bật khóc vì xúc động và sung sướng khi thấy hài cốt của bác gần như còn nguyên vẹn. Xương sọ còn nguyên. Những người thợ đào nhận xét: xương chân tay to thế này chứng tỏ người mất rất cao lớn. Cha tôi gật đầu xác nhận. Và khi đưa ảnh của bác Câu cho họ xem để đối chiếu với xương sọ, họ bảo rất khớp. Đây đúng là mộ bác Câu. Riêng tôi, có một bằng chứng khiến tôi hoàn toàn tin tưởng đây chính là hài cốt của người bác ruột mình. Đó là hai hàm răng đen gần như còn nguyên vẹn, chỉ thiếu duy nhất một chiếc, đúng như tín hiệu mà nhà ngoại cảm Dương Mạnh Hùng đã cung cấp.
22h30, việc chuyển hài cốt bác tôi sang tiểu mới, có rửa nước thơm, ướp trà thơm, bọc trong vải đỏ đã xong. Tôi và Quang, người em ruột vội về nhà lấy ảnh, bia khắc sẵn và bát hương rồi ngay đêm hôm ấy, đưa bác tôi về Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, về chính mảnh đất mà bác tôi đã sinh ra và lớn lên. Ngày 28 tháng 12 năm 2000, lễ truy điệu bác tôi được cử hành trọng thể và hài cốt được đưa vào yên nghỉ tại nghĩa trang của huyện, chấm dứt 56 năm bơ vơ nơi đất khách quê người.
H.A.S
Ông Trần Toàn Thắng: Qua hành trình tìm mộ liệt sĩ Tạ Thị Câu, tôi thấy khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm là có thật. Tuy nhiên, các thông tin họ đưa ra, không thể lúc nào cũng chính xác 100%. Vì sự thu nhận của họ (trông thấy và nghe thấy) có nhiều yếu tố thời gian và không gian tác động. Bởi vậy, Bộ môn cận tâm lý đã có một cách làm rất khoa học, đó là lựa chọn các thông tin trùng khớp nhau của nhiều nhà ngoại cảm để tìm ra những thông tin gần với sự thật nhất. Việc làm của họ có ý nghĩa rất lớn, giúp bao gia đình xoa dịu nỗi đau vì mất người thân. Tôi thấy đó là những năng lực lớn. Tôi ủng hộ họ và ủng hộ cách làm có tính khoa học dựa vào các tiềm năng con người vì con người.
You may also Like
Labels
Có gi hot?
Nhà ngoại cảm HỒ VĂN DŨ
Nhà ngoại cảm HỒ VĂN DŨ
NHÀ NGOẠI CẢM NGUYỄN THỊ HƯỜNG - Chuyên gia đón tiếp Vong linh tại Miền Trung
NHÀ NGOẠI CẢM NGUYỄN THỊ HƯỜNG - Chuyên gia đón tiếp Vong linh tại Miền Trung
Pride and Prejudice (1995) - 6 Mini - Vietsub - Mediafire
Pride and Prejudice (1995) - 6 Mini - Vietsub - Mediafire
(Mediafire) A hazard of hearts (1987) - Sự may rủi của trái tim - NEW LINK
(Mediafire) A hazard of hearts (1987) - Sự may rủi của trái tim - NEW LINK
Nghịch tí cho vui...
Nghịch tí cho vui...
Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài áp vong gọi hồn
Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài áp vong gọi hồn
Tin hay không - Tuỳ bạn: ĐÃ TÌM RA MỘ VUA QUANG TRUNG
Tin hay không - Tuỳ bạn: ĐÃ TÌM RA MỘ VUA QUANG TRUNG
Linh hồn - Những điều bí ẩn
Linh hồn - Những điều bí ẩn
Cho phụ nữ tuổi 30 đẹp mặn mà
Cho phụ nữ tuổi 30 đẹp mặn mà
BBC Psychic Vietnam
BBC Psychic Vietnam
0 nhận xét :
Ghi chú cho mẫu nhận xét:
- [img] ..link..[/img].
- [youtube] ...link...[/youtube].
- [nct]...link...[/nct].