KHI LIỆT SĨ TÌM ĐẾN NHÀ NGOẠI CẢM

>> Những chuyện kỳ bí về thế giới tâm linh – Kỳ 8

>> Vài suy nghĩ về các nhà ngoại cảm

CÁC NHÀ NGOẠI CẢM ĐƯỢC LIỆT SĨ GỞI GẮM NHIỆM VỤ
1. Nhà ngoại cảm Nguyễn Nhơn, thị trấn Lagi, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, nguyên trước đây là một doanh nhân thành đạt, có duyên với tâm linh, được thiên phú và kết hợp tu luyện, đến nay có khả năng đặc biệt, có khả năng ngoại cảm, giao tiếp với người âm và khả năng chữa bệnh tâm linh. Trong phim là người đeo kính trắng, áo sơ mi đỏ.

2. Em Nguyễn Đỗ Quỳnh Nga, 19 tuổi, con gái của nhà ngoại cảm Nguyễn Nhơn. Sau một thời gian bị tâm thần, được chữa trị khỏi và Quỳnh Nga xuất hiện khả năng ngoại cảm, có thể nghe, nhìn và nói chuyện được với người âm. Trong phim mặc bộ jeans, đội nón jeans xanh.

3. Cô Xuân, thị trấn Lagi, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, bị bệnh tâm thần 31 năm, sau khi chữa xong, trả được nợ căn, trở thành nhà ngoại cảm, là xác hội cho các vong linh nhập hồn. Trong phim mặc comple xanh, nón vải trắng.

4. Nhà ngoại cảm Lê Thành Phước, Thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, có khả năng ngoại cảm và chữa bệnh tâm linh nhiều năm. Trong phim mặc sơ mi vàng. Do có mối quan hệ thân thiết, anh Phước đến tìm gặp nhà ngoại cảm Nguyễn Nhơn tại Bình Thuận, và cùng phối hợp nhiệm vụ tìm mộ liệt sĩ.

Nhóm bốn nhà ngoại cảm may mắn được các liệt sĩ, nguyên là chỉ huy đơn vị về tìm gặp, và thông báo nhiều tin tức quan trọng, giúp tìm được các ngôi mộ tập thể, được chôn cách đây 40 năm.

LIỆT SĨ BÁO TIN TÌM THÂN NHÂN

Nếu như trước đây, thông thường gia đình liệt sĩ phát tâm đến gặp nhà ngoại cảm nhờ giúp đỡ tìm mộ hoặc hài cốt liệt sĩ thất lạc. Nhưng điều đặc biệt, đây là lần đầu tiên ở phía Nam có hiện tượng các liệt sĩ chủ động gặp nhà ngoại cảm, cung cấp đầy đủ thông tin và hướng dẫn nhà ngoại cảm tìm đúng vị trí của các ngôi mộ tập thể. Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác gọi hiện tượng này là Người Chết Tìm Người Sống (đề tài TK 08 đã giới thiệu trên TGVH).

Người đầu tiên nhận được thông tin là Nguyễn Đỗ Quỳnh Nga, vào lúc 15 giờ chiều một ngày tháng 06/2008, được linh hồn liệt sĩ Bùi Xuân Quyết về báo tin hiện nay đang đựơc chôn trong một ngôi mộ tập thể rất lớn, gồm có tất cả 152 người. Liệt sĩ Bùi Xuân Quyết chỉ dẫn rất chi tiết vị trí ngôi mộ, đồng thời cung cấp một danh sách các liệt sĩ đầy đủ họ và tên, năm sinh, quê quán, địa chỉ, tên cha, tên mẹ, ngày hy sinh. Dựa trên những thông tin chi tiết này, các nhà ngoại cảm đã lập được danh sách rất cụ thể, đã gởi thư liên lạc báo tin cho gia đình các liệt sĩ gồm: 9 liệt sĩ Hà Nội, 17 liệt sĩ Hải Phòng, 4 liệt sĩ Ninh Bình, 3 liệt sĩ Thanh Hóa, và nhiều địa phương khác.

Người thứ hai là cô Xuân, được linh hồn các liệt sĩ nhập hồn và cho biết những thông tin cụ thể như sau:

+ Liệt sĩ Thiếu tá Dương Văn Hùng, chỉ huy đơn vị quân cảm tử, Trung đoàn Quyết Thắng, tham gia trận đánh tại địa điểm thuộc xã Bình Tân, huyện Bắc Bình, Tỉnh Bình Thuận, đã hy sinh vào ngày 17/07/1968 (âm lịch ngày 22 tháng 6 năm Mậu Thân). Mộ tập thể số 01 gồm 26 liệt sĩ, do bộ đội và nhân dân địa phương chôn cất. Kèm theo danh sách đầy đủ 26 liệt sĩ.

+ Liệt sĩ Trung tá Đinh Văn Duy (Bí danh Ngọc Quang), Đại đội 2, Tiểu đoàn 840, tham gia trận đánh tại địa điểm Bàu Ốc, huyện Bắc Bình, Tỉnh Bình Thuận, đã hy sinh vào ngày 15/01/1969 (âm lịch ngày 27 tháng 11 năm Mậu Thân). Mộ tập thể số 02 gồm 25 liệt sĩ, do Quân đội Cộng hòa chôn, đặc điểm là tất cả liệt sĩ đã bị chặt đầu. Kèm theo danh sách đầy đủ 25 liệt sĩ.

HÀNH TRÌNH TÌM MỘ TẬP THỂ TẠI BÌNH THUẬN

Ngày 09/07/2008, công việc tìm mộ đã được tiến hành, do Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận và Sở Lao động - Thương binh Xã hội tổ chức, có sự tham gia của UBND xã Bình Tân, dưới sự hướng dẫn của các nhà ngoại cảm. Đã tìm và xác định được vị trí của ngôi mộ tập thể số 01.

Sau đó, đoàn tìm mộ tiếp tục đi tìm và xác định đựơc vị trí ngội mộ tập thể số 02. Tại ngôi mộ số 02 rất may mắn có đựơc hai nhân chứng sống.

+ Nhân chứng 1: Ông Trương Quốc Thịnh, nguyên Thiếu tá chỉ huy đơn vị Quân đội Cộng hòa, đã thực hiện hố chôn tập thể.

+ Nhân chứng 2: Ông Trần Văn Kiệt, quê quán Bến Tre, nguyên là Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 840 cùng tham gia trận đánh với đơn vị của liệt sĩ Đinh Văn Duy.

Xem video tường thuật hành trình tìm mộ tập thể. Phim do ông Nguyễn Tư, Chủ nhiệm CLB Tiềm năng Con người Phía Nam quay trực tiếp và thuyết minh:

http://www.4shared.com/file/55903925...o_tap_the.html


PHÉP CHỮA BỆNH CHO LINH HỒN

Trong phim có chi tiết linh hồn liệt sĩ không có đầu, khi nhập hồn không nói được. Nhà ngoại cảm phải thực hiện phép chữa lành bệnh, ghép lại đầu vào thân cho linh hồn, khi đó linh hồn mới có thể trò chuyện được với nhà ngoại cảm.

Một chi tiết thứ hai, là theo cách dân gian sử dụng trái trứng đặt trên chiếc đũa để kiểm chứng địa điểm có hài cốt. Trong phim cho thấy nhiều người, đặt trứng trên đũa đều thành công, trong đó có cả cán bộ UBND xã. Tuy nhiên, đến lượt ông Trương Quốc Thịnh, nguyên Thiếu tá đơn vị Quân đội Cộng hòa, thì không thể đặt được, mặc dù ông đã rất thành tâm cầu nguyện và sám hối cho quá khứ nghiệt ngã của lịch sử.

Bình luận về hai chi tiết nói trên, nhà ngoại cảm Nguyễn Tuấn Thanh cho biết:

1. Trong thực hành tâm linh, có thể nhà ngoại cảm sẽ gặp những trường hợp linh hồn bị khiếm khuyết một phần thân thể (như bị mất đầu, mất tay chân), hoặc bị dị tật một số cơ quan chức năng (như câm, ngọng, điếc), hoặc thân thể đang bị kìm hãm hoạt động (như bị nghẹn cổ, bị trói, bị đè nén…).

Trong những trường hợp đó, phải thực hiện việc chữa lành bệnh, hoặc tháo gỡ trở ngại cho linh hồn. Người thực hiện công việc này đòi hỏi phải qua tu luyện, có đức độ cao, dùng tâm thức để thực hiện ước nguyện cứu độ, chữa lành bệnh cho linh hồn.

Đây là phép chữa bệnh “thực thể” cho linh hồn.

2. Khi chết đi, linh hồn vẫn còn mang theo về bên kia thế giới những sân hận của thời gian sống trên cõi ta bà. Những trường hợp đó là:

+ Sân hận giữa các chiến sĩ của hai chiến tuyến, hai địa phương, hai quốc gia.
+ Giữa các lực lượng và các tổ chức đối lập, mâu thuẫn quyền lợi lẫn nhau.
+ Sân hận của những người bình thường, những đau thương, mất mát, những oan trái trước kia còn sống, khiến người đó đã phải tìm đến cái chết.

Lòng sân hận đó làm cho linh hồn không được thanh thản, cản trở ước nguyện siêu thoát cho linh hồn. Trong một số trường hợp, linh hồn đã có những tác động tiêu cực đối với người còn sống, tác động đến môi trường, dưới nhiều hình thức tưởng như vô hình, nhưng thực chất rất hữu hình, mà chỉ có những nhà ngoại cảm mới hiểu và giải thích được.

Trong mọi trường hợp nói trên, khi biết được nguyên nhân, cần phải tiến hành các phép hóa giải phù hợp như: cầu xin Đức Phật Adiđà, niệm Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ, hoặc cầu nguyện Chúa và Đức Mẹ, hồi hướng cho các linh hồn nhằm hóa giải sân hận.

Đây là phép chữa bệnh “tâm lý” cho linh hồn.

0 nhận xét :

Ghi chú cho mẫu nhận xét:
- [img] ..link..[/img].
- [youtube] ...link...[/youtube].
- [nct]...link...[/nct].

:) :( :)) :(( =))

Recent Posts