“…Đi tìm nhau để mãi mãi không về…”

Chợt nghe yêu thương rộn ràng. Chiến tranh có khốc liệt đó nhưng chính những linh hồn liệt sĩ đã gắn kết chúng tôi lại. Từ những người xa lạ, có thể là thân nhân liệt sĩ như tôi, như chị Đức Hạnh, chị Khuất Minh Hoa, anh Đặng Ngọc Toản, anh Phạm Văn Hùng, em Nguyễn Trọng Hưng, chị Ninh Thị Minh Nguyệt, chú Nguyễn Hoài Sơn, cô Minh Thi – chú Tiến…có thể không phải làm thân nhân liệt sĩ… nhưng tất cả đều ghi ơn khắc cốt và hiểu hơn ai hết sự hy sinh của các liệt sĩ mà một lòng muốn tri ân họ. Dẫu biết rằng đường đi tìm chú Tứ gian nan vất vả gập ghềnh hiểm trở nhưng vẫn đi với niềm tin vào tình người, tình đồng chí và vong linh liệt sĩ Nguyễn Viết Tứ sẽ dẫn đường cho đoàn.

Giữa núi rừng Trường Sơn trùng điệp, sau một ngày dài trèo đèo lội suối, đoàn chúng tôi – 11 người từ ba miền đất nước đã tìm ra nơi cựu chiến binh Huỳnh Hoàng Phương chôn cất liệt sĩ Nguyễn Viết Tứ vào hồi 12h20 phút ngày 31 tháng 8 năm 2010.
Nơi núi rừng Trường Sơn năm đó
“Đầu năm 1967, tôi có chôn một anh bộ đội trên sườn đồi, quả đồi này nằm dưới chân dốc An Toàn trên Trường Sơn thuộc tỉnh Bình Định (Bà Hiệp) (dốc An Toàn là một dốc cao nổi tiếng ở Trường Sơn, Bình Định).
Câu chuyện như sau: vào khoảng 4 giờ chiều của một ngày đầu năm 1967, tôi đứng ở một khoảng sân nhỏ trước doanh trại của đơn vị tôi, cũng nằm trên đồi rợp bóng cổ thụ. Tôi nhìn sang đồi bên kia, nơi lưng chừng có một chòi giữ lúa của đồng bào dân tộc H’rê. Tôi thấy một anh bộ đội quần cộc, áo ngắn tay, vai ba lô, vác một quả đạn pháo. Anh không đi theo hướng từ Tây xuống Đông cùng đồng đội mà anh tạt ngang leo lên đồi, vào chòi giữ lúa, mắc võng nằm (từ đồi doanh trại tôi đến đồi có chòi lúa độ 80m). Đó là chuyện bình thường trên đường hành quân. Nhưng lạ thay đến sáng hôm sau, tôi cũng đứng ở sân bên này nhìn sang chòi lúa, cũng vẫn chiếc võng và người nằm đó bất động. Linh cảm là có chuyện không lành, đợi một lúc sau, nắng lên, sương tan, tôi lội qua chòi lúa coi thử. Khi đứng bên võng, tôi biết là người nằm trên võng đã chết rồi. Kiến đã bò lên hai cây cột võng và đã bò theo dây dù của võng. Ngậm ngùi đứng đó một lúc, tôi cầm cục đá đập mạnh vào hai cây cột võng cho kiến rớt xuống.
Tôi trở về đơn vị tôi báo cáo với thủ trưởng. Thủ trưởng hỏi rất kỹ rồi phân công tôi lo việc chôn người chết, tôi gọi hai đồng chí nữa cùng tôi vác cuốc, xuổng sang đồi có người chết. Tôi chỉ chỗ cho hai đồng chí đào hố huyệt cách chòi lúa độ 2m, còn tôi thì khám thi thể người chết. Tôi đoán anh này đã chết khoảng đầu hôm và chắc chắn là chết do sốt rét ác tính. Tôi lục tìm trong ba lô, lấy ra một tấm nylông, loại nylông của Trung Quốc, dày, trắng đục, khoảng 4m2. Tôi trải nylông dưới đít võng, gọi hai đồng chí đang đào huyệt vào tiếp tôi hạ võng xuống. Vì nếu chỉ mình tôi rút dây võng thì người sẽ rớt xuống rất đau. Tôi gói xác anh bằng chiếc võng đang nằm, bên ngoài là tấm nylông đã trải sẵn. Tôi rút dây dù hai đầu võng quấn quanh xác anh. Tôi cùng hai đồng chí đào tiếp hố huyệt ở giữa sâu độ 0,8m cong theo độ cong của người đã chết cứng trên võng. Đồi này toàn đá cuội, đất ít rất khó đào, xong rồi ba chúng tôi cùng đưa anh ra hố huyệt chôn theo anh là chiếc ba lô. Đất đá đã đào lên thì lấp lại thành hình như nửa quả trứng úp xuống. Tôi lấy hai cục đá độ như hai quả dừa để trên đầu mộ một và dưới chân một.
Ba chúng tôi trở về doanh trại, vác về quả đạn của anh và đôi dép râu – Đôi dép này của anh tôi xin phép thủ trưởng và tôi đã mang nó nhiều năm sau đó.
Ba ngày sau thì có một đồng chí cùng đơn vị với người chết đến trại tìm tôi. Lúc đó là buổi sáng, tôi đang thay băng, chích thuốc cho thương bệnh binh trong đơn vị tôi thì có người gọi tôi về gấp. Về gặp đồng chí này và anh đã nói với tôi nguyên văn: “Tôi nói với đồng chí và tất cả anh em có mặt tại đây là cuộc chiến này có ngày sẽ kết thúc, nhưng không biết bao giờ – 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa – nếu bây giờ tôi nói nhiều quá thì sau này khó mà nhớ được. Vậy tôi xin nói là người đã chết mà đồng chí đã chôn bên đồi kia tên là Nguyễn Viết Tứ, người tỉnh Vĩnh Phúc, nhớ khi đất nước hết giặc rồi thì thông báo dùm Nguyễn Viết Tứ người Vĩnh Phúc, chào đồng chí và tất cả anh em”. Nói xong anh nhận lại quả đạn pháo đi về hướng đồng bằng. Một câu nói ngắn gọn mà tôi đã nhớ hơn 40 năm.
Trong những năm chiến đâu ở Trường Sơn LK5, tôi đã chôn nhiều đồng đội nữa, nhưng không thể nào nhớ hết vì chôn vội nơi đồi sắn (mì) lưng đèo, vách núi để hành quân cho kịp đơn vị, còn trường hợp chôn anh Tứ thì tôi không bao giờ quên vì nơi đây tôi ở khá lâu, tôi thuộc từng con suối, từng vách đá.
(Trích đăng lá thư của CCB Huỳnh Hoàng Phương gửi cho Trung tâm Thông tin về liệt sĩ ngày 31/8/2009)
Câu chuyện về người chiến sĩ tên Nguyễn Viết Tứ khi đó theo mãi trong ký ức của CCB Huỳnh Hoàng Phương nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc. Chú đã tìm đủ mọi cách báo tin về Sở lao động tỉnh Vĩnh Phúc nhưng hơn 20 năm qua với hơn 20 lá thư gửi đi vẫn không có thông tin trở lại.
Xúc động trước tấm chân tình
Ngày đầu tháng 8 năm 2009, khi tình cờ đọc bài viết Cô gái và hành trình tìm mộ liệt sĩ viết trên báo SGGP của tác giả Đoàn Mai Hương, chú đã kết nối với Trung tâm MARIN.
Tôi khi đó nhiều việc lại đang ở Tp.HCM nên có đề nghị chú viết thư gửi về Trung tâm để tôi hiểu thêm câu chuyện. Nhận được bản scan bút tích và nội dung bức thư của chú Phương kể lại câu chuyện và nỗi buồn vì sự im lặng trong suốt hơn 20 năm qua của Sở lao động tỉnh Vĩnh Phúc cũng như thông tin không mặn mà từ phía gia đình liệt sĩ Nguyễn Viết Tứ do các em tình nguyện viên của Trung tâm gửi qua mail, tôi bần thần suy nghĩ.
Trở về Hà Nội, việc đầu tiên là tôi gọi cho gia đình liệt sĩ Tứ qua số điện thoại chú Phương cung cấp. Người tôi gặp đầu tiên xưng là em dâu của liệt sĩ Tứ. Tôi chưa hề gặp người phụ nữ ấy nhưng tôi không có thiện cảm gì khi người phụ nữ ấy buông thõng một câu: ôi dào, cái ông đó cư xử như thế không được. Tôi đề nghị gặp người thân hơn của liệt sĩ. Người thứ 2 tôi gọi điện, qua giới thiệu tôi biết anh là con rể cả của liệt sĩ Tứ. Anh này cũng nói luôn: tôi nghĩ đồng đội như thế là không được, chả có tâm gì cả. Tôi lặng người rồi to tiếng: thế theo anh thì chú ấy phải bán nhà, bán lúa đi tìm bố anh? Anh cho tôi gặp con gái của liệt sĩ. Anh ta cứ khăng khăng: gặp tôi cũng được vì tôi biết và quyết việc này.
Tôi không muốn mất thời gian nên nói hơi to tiếng: tôi muốn gặp con gái của liệt sĩ, anh chuyển máy ngay lập tức.
Cuộc trò chuyện của tôi với cô con gái lớn của liệt sĩ Tứ diển ra chừng 10 phút, tôi hỏi chị ấy: mẹ chị còn không? còn. Thế 1 tháng nhà chị hưởng bao nhiêu tiền chế độ của chú Tứ? khoảng hơn 600.000 đồng. Giọng trả lời không vui cũng không ra buồn nó cứ thờ ơ, lạnh thế nào đó. Tôi không thể diễn tả nổi. Tôi nói rõ ràng mạch lạc rằng, có 2 phương án. Một là nếu gia đình sợ chú Phương tiêu tốn tiền của gia đình thì vui lòng vào Đồng Tháp đón chú ấy đi, tới đâu trả tiền tới đó. Hai là cung cấp lại giấy báo tử, Trung tâm sẽ hướng dẫn gia đình làm việc với các cơ quan ban ngành của nhà nước, tôi tên là…. Địa chỉ… số điện thoại…. Ngày đó là cuối năm 2009. Tôi không nhớ chính xác.
Đầu tháng 3 năm 2010, có dịp vào Tp.HCM, tôi cùng nhóm bạn của mình đã thuê xe đò về Sa Đéc, Đồng Tháp để gặp chú Phương. Người CCB bằng xương bằng thịt ấy đã bộc bạch cho chúng tôi nhiều câu chuyện nhưng riêng câu chuyện liệt sĩ Nguyễn Viết Tứ lại bùng lên khiến nước mắt chú lặng lẽ rơi. Người CCB già ấy cứ lặng lẽ khóc, nuốt nước mắt. Tôi không dám nhìn lâu. Đầu tôi khi đó quay quay: tiền đâu mà đi nhỉ? Đi làm sao? Mình lại phải đi hay sao? Lần đi Khe sanh gần đây nhất đủ làm hết muốn đi vào rừng rồi. Vắt, muỗi, nguy hiểm…Ai lo cho mình, còn bố mẹ mình nữa chứ. Làm sao, làm sao…
Hà Nội những ngày tháng năm, bận rộn với cuộc Gặp mặt thân nhân liệt sĩ vào ngày 9.5.2010 nên tôi có phần đã quên câu chuyện của chú Phương. Khi nhận được thư chú Phương gửi qua mail thì tôi lại thấy mình có lỗi nếu không giúp chú. Thư chú viết: Hằng ơi, như Chú đã nói với Cháu là đừng quan tâm đến người sống nghĩ gì và làm gì, mà hãy tìm cách lo cho người đã khuất ! Tìm kiếm được người đồng cảm trong lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và gia đình liệt sĩ Tứ cũng gian nan thật. Cháu đã lên tiếng như vậy là đủ rồi, việc này Chú cũng đã kêu gọi nhiều năm rồi mà. Nên mình tự chủ động thôi Hằng à, nếu cần thì Cháu liên hệ với tỉnh Bình Định và huyện An Lão nhờ giúp đỡ và đề nghị quy tập hài cốt liệt sĩ về NT LS tỉnh Bình Định, thế là tốt rồi.
Về kinh phí, như Cháu nói cứ sử dụng cho đoàn đi, còn phần từ Sa Đéc ra Chú sẽ tự sắp xếp, ở trong này cũng có nhiều tấm lòng đáng quý lắm! Chỉ tiếc rằng, nếu có sự hỗ trợ của Nhà nước, rộng kinh phí để mua chút quà tặng đồng bà con dân tộc, những con người giầu tình nhân ái nơi núi rừng trùng điệp ấy...
Khó khăn đấy nhưng hãy cố lên để giúp Chú đưa Anh Tứ về nơi yên nghỉ đàng hoàng, những chuyện đã qua dù dấu ấn có sâu đậm đến đâu thì thời gian cũng xóa nhòa và trở thành ký ức, nhưng đến lúc nào đó ký ức ấy lại ào ạt trở về như mọi chuyện như mới xảy ra ngày hôm qua. Trong chiến tranh, đã có lần Chú bị pháo nổ vùi dập dưới hầm trú ẩn, Tử thần gần như đã lấy được mạng sống của Chú, nhưng các đồng đội còn nhanh hơn đã giành giật được lại được. Và cho đến hôm nay, còn một lời hứa với vong hồn người đồng đội mà Chú chưa thể thực hiện được, cú day dứt mãi.
(Thư chú Phương gửi ngày 07/06/2010)
Chả nghĩ ngợi gì nữa chỉ thấy thương chú Phương vô bờ bến. Thương lắm. Và toan tính tìm cách để có thể giúp chú ấy về lại nơi chôn chú Tứ.
Thư gửi khẩn cấp tới các cơ quan ban ngành của Vĩnh Phúc. Không có hồi âm. Chủ động liên hệ bên UBND tỉnh thì được số điện thoại của chị Trinh – phụ trách vấn đề này. Nhận điện thoại câu đầu tiên chị ấy hỏi: Thế bên chị cần tiền à?
Tôi đã từng làm tại tỉnh Vĩnh Phúc trong vòng 3 năm nên rất biết đây là tỉnh có số lượng KCN lớn nhất miền Bắc, tiền đầu tư về Vĩnh Phúc hàng năm cũng rất nhiều, trong số đó có tập đoàn PRIME – nơi tôi phụ trách truyền thông 3 năm. Nhẫn nại, tôi chỉ nói đơn giản: tiền thì ai cũng cần nhưng chưa phải lúc này, tôi muốn biết ý kiến của Vĩnh Phúc về việc này. À, vậy chị liên hệ với chị Thục Phương bên Sở lao động tỉnh Vĩnh Phúc nhé, bên UB đã có công văn chuyển sang đó và đề nghị Sở có công văn trả lời cho bên chỗ chị Hằng rồi. (Đến bây giờ cái công văn đó cũng không có). Gọi qua Sở lao động, chị Thục Phương có bảo: bên chúng tôi cũng liên hệ nhiều lần rồi mà gia đình họ không có ý kiến nên chúng tôi cũng không biết làm thế nào cả.
Thôi đành, vì có ai giao việc cho họ đâu. Vấn đề ở đây là đạo đức, là đạo lý làm người, là tình con người với con người. Tôi thật không thể hiểu tại sao họ lại cư xử như vậy với một con người đã từng hy sinh để họ có cơm no áo ấm, có nhà cao cửa rộng, có chức, có quyền, có địa vị như ngày hôm nay. Càng thấy thương chú Phương và nhớ hình ảnh khi tới thăm chú tại Sa Đéc, Đồng Tháp. Trong chiến tranh chú ấy là một người anh hùng đã từng chiến đấu và tiêu diệt được nhiều lính Mỹ. Trong chiến tranh chú ấy là một y sĩ đã từng chăm sóc và cứu sống bao người đồng đội, đồng chí. Nay hòa bình lại sống cuộc sống bình dị tại Sa Đéc, Đồng Tháp và luôn hoài niệm, nặng tình với quá khứ.
Yêu thương mọi miền, hội tụ về đây
Thông tin về chuyến đi đăng trên www.nhantimdongdoi.org đã nhận được sự chia sẻ của nhiều thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh. Số tiền ủng hộ tính đến hết ngày 5.9.2010 là 6.700.000VND và số tiền Trung tâm chi phí cho chuyến đi cũng lên tới 10.000.000VND (Chủ yếu là chi phí cho phương tiện di chuyển). Cảm phục nhất là tấm chân tình của bà con Bình Định. Xem thông tin trên web, bà con đã gọi điện và chủ động lo thức ăn, vận dụng cho đoàn chuẩn bị đi quy tập.
Sau sự mệt mỏi và nỗi buồn trước sự vô tình của các cơ quan ban ngành tỉnh Vĩnh Phúc, tôi nhận được sự chia sẻ của bà con trên mọi miền. Chú Tiến Dân tại Đà Nẵng đã giúp Trung tâm nhanh chóng có công văn từ quân khu 5 về đơn vị, nơi hy sinh thực tế của liệt sĩ Nguyễn Viết Tứ.
Photobucket
Chú Lê Công Tâm (số 4 Lê Văn Chân, Tp. Quy Nhơn)
Gia đình chú Lê Công Tâm – cô Bổng lo ăn ngủ cho 3 chúng tôi (tôi, NNC Nguyễn Ngọc Hoài và chú Phương), cô Nga, cô Châu, chị Dung đóng góp tiền lo thức ăn và đi theo đoàn.)
Photobucket
Cô Nga (lên rừng theo mẹ từ khi 3 tuổi - người Bình Định)
Photobucket
Cô Hà Thị Minh Châu - giảng viên ĐH Quy Nhơn - người Hà Nội
Mấy ngày ở Bình Định được tiếp xúc với bà con ở đây. Nghe những câu chuyện các cô chú kể về những năm tháng “nhảy núi”, nghe những câu chuyện về sự hy sinh của thân nhân họ trong chiến tranh, nghe những vất vả gian khổ của họ trong việc tìm lại thông tin về liệt sĩ của gia đình. Lại ngậm ngùi. Chiến tranh khốc liệt quá, hy sinh nhiều quá. Sách lịch sử bao nhiêu cuốn, bút viết bao nhiêu mực cũng không thể tả hết. Có đi mới thấy độc lập hôm nay không thể tính bằng con số hy sinh mà là cả tầng tầng lớp lớp, con con, cháu cháu, ông cha đã ra đi, là tình cảm chất chồng năm này qua năm khác, thế hệ này qua thế hệ kia. Tôi thì không bao giờ có thể nghĩ chiến tranh đã chấm dứt. Chiến tranh với tôi còn hiện diện trong từng căn nhà, từng tấm bằng tổ quốc ghi công, từng tờ giấy báo tử, từng di ảnh với những khuôn mặt thanh xuân vẹn nguyên của người chiến sĩ, mãi mãi ra đi không bao giờ trở về.
Chú Phương có kể chuyện, chị Trần Thị Đức Hạnh – người Bình Định hiện đang sống tại Tp.HCM – cũng là một trong số những người đầu tiên lên tiếng ủng hộ tiền và động viên đoàn trong suốt hành trình cứ đòi ra ga để tiễn chú vào Bình Định. Nhất định phải ôm chú, nhất định phải nhìn thấy một con người nghĩa tình như chú. Chị ấy gầy nhỏ nhưng tới ga thì nhất định đòi chú phải cho xách hành lý của chú chứ không cho chú xách.
Chợt nghe yêu thương rộn ràng. Chiến tranh có khốc liệt đó nhưng chính những linh hồn liệt sĩ đã gắn kết chúng tôi lại. Từ những người xa lạ, có thể là thân nhân liệt sĩ như tôi, như chị Đức Hạnh, chị Khuất Minh Hoa, anh Đặng Ngọc Toản, anh Phạm Văn Hùng, em Nguyễn Trọng Hưng, chị Ninh Thị Minh Nguyệt, chú Nguyễn Hoài Sơn, cô Minh Thi – chú Tiến…có thể không phải làm thân nhân liệt sĩ… nhưng tất cả đều ghi ơn khắc cốt và hiểu hơn ai hết sự hy sinh của các liệt sĩ mà một lòng muốn tri ân họ. Dẫu biết rằng đường đi tìm chú Tứ gian nan vất vả gập ghềnh hiểm trở nhưng vẫn đi với niềm tin vào tình người, tình đồng chí và vong linh liệt sĩ Nguyễn Viết Tứ sẽ dẫn đường cho đoàn.
Bình Định chào đón chúng tôi
Bố mẹ tôi mấy ngày trước khi tôi đi Bình Định lo lắng vô chừng vì tin bão ở miền Trung. Mẹ tôi thương con nhưng cũng không dám cản: đang bão vẫn đi hả con? Không sao đâu, có gia đình thân nhân liệt sĩ ở Bình Định lo rồi, bão không có tới đó, trong đó trời nắng đẹp. Lo gì mà mẹ lo. Đây không phải lần đầu tôi đi quy tập liệt sĩ nên cũng đã biết chuẩn bị vật dụng cá nhân phòng thân cho mình và chuẩn bị cả tinh thần sẽ phải trèo đèo lội suối, sẽ phải đối mặt với những nguy hiểm có thể xảy ra như vực sâu, dốc cao, lạc rừng, mưa lũ…
Tối 28.8, NNC Nguyễn Ngọc Hoài và chú Phương đã lên tàu. Tôi và chị có nói với nhau là không thông báo gì về việc chị tham gia đoàn. Bản thân tôi cũng tin tưởng ở chú Phương và bản thân tôi nghĩ rằng việc tìm ra nơi chôn chú Tứ và tìm ra hài cốt chú Tứ sẽ rất đơn giản vì có chú Phương đi cùng. Tôi nhờ em Khánh Nguyên – em của bạn tôi lấy vé tàu cho chú Phương và chị Hoài cùng toa. Suốt cả chặng đường và cả khi tới Quy Nhơn, chú Phương hoàn toàn không hay biết thông tin gì về chị Hoài ngoài thông tin chị Hoài là chị của tôi đi cùng đoàn.
Thay vì đi tàu như dự tính. Tôi đã mua 02 vé cho tôi và anh Trịnh Phú Sơn bên báo QDND, đến cuối ngày đi, anh Sơn không đi được nên tôi đành trả vé tàu đi máy bay vào thẳng Quy Nhơn. 11h ngày 29.8.2010, cả 3 chúng tôi (chú Phương, chị Hoài, tôi) đã được chú Lê Công Tâm đón về nhà. Tối đó, nhà chú Tâm vui lắm, bà con chòm xóm tới hỏi thăm chia sẻ. Mãi đến gần 11h, chúng tôi mới đi ngủ được.
5h sáng ngày 31 tháng 8 năm 2010, cả đoàn xuất phát từ nhà chú Lê Công Tâm (số 4 Lê Văn Chân, Tp. Quy Nhơn), xe du lịch 12 chỗ nổ máy qua Phù Mỹ, Bồng Sơn qua nhiều con đường địa danh mà tôi không thể nhớ hết. Đến An Lão, đoàn bổ sung thêm em Nguyễn Thị Thúy Hằng là tình nguyện viên của Trung tâm hiện là giáo viên tại Hoài Ân. 8h30 sáng cả đoàn có mặt tại huyện đội An Lão.
Photobucket
Làm việc với huyện đội An Lão sáng 30.8.2010
Tôi vẫn bị nhận nhầm. Anh chủ nhiệm chính trị sau khi nghe giới thiệu là vào việc luôn: gia đình anh bí thư huyện ủy có người là liệt sĩ chưa tìm được, nhờ Hằng giúp. Lại phải đính chính thông tin: tôi là Ngô Thị Thúy Hằng, tôi đã chuyển công văn tới BCH quân sự tỉnh Bình Định và tôi biết họ đã chuyển cả công văn đó cho huyện đội An Lão, tôi có tên có họ đàng hoàng không hiểu sao anh lại nhầm lẫn thế. Mong anh đừng nhầm lẫn thêm nữa.
Sau khoảng 30 phút làm việc với huyện đội An Lão, tôi có trong tay danh sách hơn 200 liệt sĩ sư 2 hy sinh tại An Lão. Bản ghi trên giấy mờ, cũ rich, nham nhở vài chỗ. Nhìn thấy mà xót cả ruột gan. Huyện đội phân công anh Đu người dân tộc H’rê và anh Niêm người dân tộc Bana đi cùng giúp đoàn. Tại huyện đội, có thêm anh Khoa, anh Tín – người dân tộc là học trò của chú Tâm theo phụ giúp.
Tôi vừa ra khỏi hội trường của huyện đội, có một người đàn ông tiến tới chắp tay: nam mô a di đà phật. Trời ạ, tôi phải tránh ngay và nói luôn: xin lỗi anh nhầm rồi, anh tránh ra cho tôi đi với.
Chạy ra tới ô tô, người đàn ông ấy vẫn đi theo. Khổ quá, tôi nói với anh là anh nhầm người rồi. Người đàn ông vẫn chìa giấy báo tử, di ảnh ra. Nhờ cô giúp đâu cũng là đồng đội thôi.
Tôi im lặng không nói gì thêm. Anh ta níu ô cửa kính: tôi nhầm thế nào được, cái mặt cô thế kia tôi nhầm làm sao, cô không giúp thì thôi chứ tôi nhầm làm sao mà nhầm.
Chỉ mong mọi người lên ô tô thật mau để ô tô đi cho nhanh.
Đường đi hiểm trở…
Hơn 9h, đoàn cũng ra khỏi huyện đội An Lão nhằm hướng đường 629 đi. Thị trấn huyện An Lão lèo tèo vài ba cửa hàng bán tạp hóa. Đường nhỏ. Nhà cửa cũ kỹ giống hệt phố huyện quê Nội tôi ở Trực Cát, Nam Định những năm tôi còn bé. Hết thị trấn là bắt đầu đoạn đường đèo dốc.
Hơn 11h thì xe 12 chỗ chú Tâm thuê tại Quy Nhơn không thể đi được, mùi khét lẹt như bị bó phanh. Mọi người xuống đi bộ, riêng cô Châu – cô gái Hà Nội gốc, năm 1978 theo phân công của Nhà nước vào làm giảng viên của đại học Quy Nhơn cứ ngồi trên xe. Mọi người đi trước. Riêng tôi thì cảnh giác hơn. Tôi luôn sợ đói nên nhủ thầm: không đi xa, cứ gần xe mà đi, ngộ nhỡ có làm sao thì còn có cái mà ăn. Trưa trên đỉnh dốc, nắng không gay gắt lắm, nhìn xuống bao la màu xanh của núi rừng trùng điệp, nhìn lên là trời xanh thẳm thẳm. Mây đứng ngay trên đầu. Đứng đó và tôi nhớ lại cái cảnh ô tô leo lên đỉnh đèo Pha – đin (tỉnh Điện Biên) năm ngoái.
Em Hằng đi tụt lại chỗ tôi. 2 chị em ngồi ngay trên đỉnh đèo ven vệ đường mới đổ bê tong. Khoảng 15 phút sau thấy anh lái xe gọi chú Tâm quay lại và từ chối đi tiếp. Chú Tâm phải liên hệ về huyện đội nhờ thuê xe tải Chiến thắng 2 cầu vào. Hơn 1h sau, chiếc xe tải 2 cầu cũng vào tới chỗ chúng tôi.
Photobucket
Xe tải Chiến Thắng vào thay cho chiếc xe du lịch 12 từ Quy Nhơn
Ôi, mẹ ơi, mọi người phải bám vào thành ô tô leo lên xe. Tôi được nhường ngồi ca bin nhưng tôi đã từ chối. Thức ăn, võng, màn, tăng, đồ đặc được chuyển sang xe tải. Ngoài em lái xe, em phụ xe, cô Châu ngồi trên ca bin. 2 anh huyện đội, anh Khoa ngồi trên nóc ca bin, còn lại tất cả đứng trong thùng xe.
Tôi bị mệt, say xe. Phần vì căng thăng, phần vì nắng nên tôi cứ xỉu dần và lịm đi. Nôn khan liên tục. Cô Nga cho ngậm một loại gì đó ngọt ngọt, cay cay. Sau này tôi biết là trợ tim. Nắng chính ngọ như thiêu như đốt, đường thì hun hút, hiểm trở, dốc dựng ngược. Tôi cứ lầm rầm khấn ai đó phù hộ cho tôi với, tay thì liên tục sờ vào hạt bồ đề thầy Huyền Diệu cho, cô Nga thì liên tục đọc kinh cầu nguyện, Hoài thì nói váng lên: đây là tài sản quốc gia đấy nhé. Mặt ai cũng căng thẳng. Tất cả người trong thùng xe đều đứng ở tư thế 2 chân giạng ra, 2 tay bíu chặt vào thành xe. Tôi ngồi lịm ở góc thùng xe, cô Nga phải bấm huyệt, liên tục cho thuốc trợ tim vào mồm tôi. Khi tôi thấy ổn có thể đứng lên được thì ôi mẹ tôi. Đường đèo dựng đứng, cây rừng nham nhở, có chỗ bị cháy rụi. Hết cái dốc này tới các dốc khác cứ liên tiếp trước mắt. Thi thoảng tôi nhìn thấy những cây dương xỉ cao to như cây cau. Rừng nguyên sinh còn nguyên những gốc cây rừng to đến vài người ôm. Vài mái chòi tạm bợ của thợ làm đường ven đường đèo. Tuyệt chưa thấy bóng dáng bản làng đâu cả.
Có lẽ là hơn 3h chiều, xe vào đến thôn. Tôi tưởng đã tới nơi chỉ mong leo xuống. Nhưng mọi người lại lục tục đi tiếp. Thôn nhỏ ấy nằm ngay trên đường dốc, có vài ba nóc nhà của người dân tộc H’rê. Nó không khác mấy nóc nhà dân tộc trong làng Cát, Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị. Lèo tèo, buồn hiu hắt.
Photobucket Photobucket
Hết đường đèo dốc bê tong là tới đường đèo đất. Xe bị lầy không đi được. Bánh lún sâu hơn nửa mét. Em lái xe và cậu phụ phải dùng xẻng, và cuốc đi quy tập đào bới xúc đất lên. Mọi người phải tập trung sức lực để đẩy xe. Chú Phương thì thơ thẩn đi bộ, vào ra mãi một khúc cua. Nhòm, ngó tới ngó lui, rồi lại đi ra. Hơn 30 phút loay hoay, may có một chiến xe tải ngược chiều vào chở đá có xích móc kéo xe ra khỏi chỗ lầy. Đi hết con dốc lầy lội đó là tới bản thôn 2, xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định lúc 16h30 ngày 30 tháng 8 năm 2010.
Photobucket
Thôn hai có khoảng 40 nóc nhà của bà con dân tộc. Qua con suối nhỏ, chúng tôi tập kết là trường tiểu học An Toàn.
Nói là trường nhưng đúng như trên phim về đề tài miền núi. Trường trống hơ trống hoác. Chưa đến ngày khai trường nên không có thầy cũng chả có trò, cửa phòng học khóa trái.
Photobucket
Chúng tôi tập kết đồ đạc ngay hè của phòng học. 6 hòn đá kê thành 2 cái bếp. Củi khô đầy rừng. Cơm no say là lúc chiều chạng vạng. Rừng núi yên bình. Mọi người ra suối tắm. Già làng trưởng bản hẹn mà không vào nên đoàn đi ngủ sớm để lấy sức cho ngày mai. Cô Châu, cô Dung, chị Nga mỗi người một cái võng, chú Phương, chú Tâm chui vào một mùng, mấy anh huyện đội tìm đường xuống bản ngủ nhờ. Tôi là ấm áp nhất nhờ có cái mùng chụp của chú Tâm và tấm tăng của chú Phương cho mượn.
5h sáng ngày 31.8.2010, mọi người lục tục dậy thổi cơm ăn và nắm mang theo. Mỗi người một vắt cơm, chai nước. Bản cử một anh dân tộc dắt đoàn đi. Trước khi đi, đoàn còn tặng quà cho dân bản tại thôn 2. Quà là quần áo mới do vợ chú Phương chuẩn bị từ Sa Đéc mang ra và 4 thùng mỳ tôm chú Tâm mua.
Rừng núi âm u, người xưa chỉ lối
Nắng hưng hửng trên triền núi, sương còn chưa kịp tan, đoàn lên đường. Tôi vớ ngay cây gậy dọc đường để có cái mà dựa khi leo nói. Nhắc em Hằng và mọi người tìm thêm cây rừng làm gậy.
Vì có kinh nghiệm nên tôi đã mang theo ngoài cao, là chai DEP chống vắt và áo mưa phòng khi trời mưa. Rừng rậm rạp hơn rừng ở Khe Sanh. Cả đoàn hành quân từ thôn 2 từ lúc 6h. Cứ nối nhau, lầm lũi đi. Tôi đi cùng nhóm cô Châu, chú Phương, chú Tâm. Cô Châu đi trước sau thì tụt lại. Không phải tôi không muốn đợi cô nhưng dừng lại là vắt rừng có cơ hội nhảy vào người ngay nên tôi cứ phải cố gắng đi đều chân. Đường giao liên xưa của bộ đội nồi từ An Lão sang An Vinh nên cũng ít người qua lại. Rừng đi nhiều thành lối mòn nhưng bao năm bộ đội không đi nữa, dân bản thi thoảng đi nên cây cũng lan ra hết. Tôi phải lấy gậy vạch lối và dò đường mà đi.
Cô Châu không quen đi đường dốc nên thở hổn hển. Đã có lúc, tôi nghĩ khéo không phải đưa cô ấy xuống lại bản vì chẳng biết đường còn bao xa. Sau cô cũng quen và tôi cũng bớt lo hơn. Chú Phương thì cũng thở dốc. Mặt mệt mỏi lắm. Lên hết một con dốc, nhìn ra là đồng cỏ hoa may bạt ngàn. Chú Phương mệt quá tụt lại. Cô Châu cứ í ới: anh Phương ơi, anh cố lên nếu không bọn em lại đi tìm anh như anh tìm anh Tứ thì chết. Tôi cũng mệt nhưng đồng cỏ hoa mặt đẹp quá, nắng mới lên chiếu rọi đẹp tê người. Mọi người cứ động viên nhau, kéo nhau đi. Qua đồng cỏ lau là tới khu đá bằng, có dòng suối róc rách.
Chả hiểu sao chú Tâm cứ nhất định đây là chôn chú Tứ và nhất nhất khẳng định. Chú Phương cứ lắc đầu: không phải không phải.
Đoàn lại tiếp tục đi sâu vào bên trong. Nhìn xuống dưới có đồng lúa của người dân tộc, chú Tâm lại nhất nhất: đây rồi, chú Phương lại lắc đầu. Lại leo tiếp, men theo con suối trèo lên tiếp.
Tôi hụt hơi để đi theo đoàn và bắt đầu thấy hoang mang. Chú Phương đi vào sâu trong rồi ngược ra: không phải khu vực này.
Huyện đội thì lắc đầu ngao ngán vì không biết là nơi nào, anh dân tộc chỉ đường tới khu vực đá bằng thì biến đi đâu mất.
Ai cũng mệt. Đứng mãi một chỗ sợ vắt, đoàn lại đi tiếp. Đang đi thì tôi mệt quá, tôi không đi nữa, tôi hét mọi người đứng lại cùng, đốt lửa lên mà đuổi vắt chứ đói quá rồi, mệt quá rồi không đi nữa đâu.
Chọn chỗ bằng bằng, gom củi lại. Ánh lửa bập bùng. Mỗi người một tâm trạng. Hoài nói ai đó lấy hương ra thắp. Lầm rầm khấn. Kiến bu đen chân chị. Tôi phải lấy lửa hơho đuổi kiến. Kiền rừng to kinh khủng, bu nhanh. Căng thẳng. Hoài vẫn lầm rầm khấn một mình.
Photobucket
Khoảng hơn 15 phút. Hoài vừa vẽ bản đồ vừa gọi chú Phương lại nói: Ls nói với chú là chú ấy không chết ở đây, chú ấy chết cách đây 2km cứ theo hướng Tây Nam mà đi. Cháu có hỏi là cháu không biết hướng chú ấy nói là thế thì men theo con suối. Chú ấy nói chú ấy khi chết rất đau bụng và ê ẩm cả người, chú ấy chết trên người mặc quần cộc, áo dài tay, nằm trên võng, võng mắc vào 2 cột chòi, quả đạn dựng dưới chân cột dưới chân. Chú ấy chết khi 26,27 tuổi, nhà có 7 anh em, có 6 trai và 1 gái. Chú ấy cao khoảng 1,7 hoặc hơn 1 chút khuôn mặt dài
Chú Phương ngạc nhiên: đúng quá, quá đúng rồi.
Cả đoàn hồ hởi định đi luôn nhưng cô Nga đề nghị nên ăn để có sức đi tiếp. Bữa cơm có cơm nắm, dưa leo, tôm rim được ăn trong khoảng 10 phút. Đoàn lại ngược đường lại theo chỉ dẫn. Hoài đi đầu, nhanh lắm. Tôi nhóm giữa, chú Phương và chú Tâm vẫn đi sau cùng.
Photobucket Photobucket
Theo tay trái, tụt xuống nương sắn của bà con dân tộc. Tụt mãi, tụt mãi. Tôi chỉ sợ không có điểm bấu víu vào thì lao xuống vực bất cứ lúc nào. Qua nương sắn là tụt hẳn xuống khu vực khác, rừng rậm rạp. Cứ tụt xuống, chúi hết đầu xuống mà đi. Men theo đường đi là những cái bẫy thú của người dân tộc làm rất công phu, chỉ đụng nhẹ là gãy chân luôn. Có chú sóc nhỏ vướng bẫy bầm xương, chết đứ đừ ngay dưới chân tôi đi. Trơn trượt nhưng không dám bám vào phía bên tay phải vì sợ quàng phải bẫy của dân tộc. Khổ thân tôi, khi ra khỏi khu vực triền suối trên cao trước, đôi giày của tôi bị há mõm, lỏng chỏng, tôi không thể đi nổi. Vớ anh dân tộc bắt bỏ dép ra cho mượn. Đôi tông Lào của anh dân tộc đã báo hại tôi khi ở đoạn trượt dốc. Hết khoảng rừng dốc, suối róc rách trước mặt, tôi bị trượt ngã chúi xuống. Tôi tưởng tôi không còn cơ hội về lại nữa. Tôi hoa hết cả mắt. Chỉ cần chút nữa là đầu tôi đập vào vách đá.
Xuống suối. Ai cũng khát nước. Dừng lại lấy vỏ chai chắt nước suối uống. Lúc đầu tôi còn ngần ngại, mọi người cùng uống, anh bạn huyện đội bảo: cứ uống đi không sao đâu. Mãi sau khi chú Phương tới, thấy chú uống tôi mới dám uống. Men theo con suối, khoảng đất trống trước mắt kia rồi. Oạp, tôi lại bị thụt vào vũng lầy. Anh bạn huyện đội phải bỏ đồ sang bên suối, quay lại kéo tôi khỏi đống lầy đó.
Hoài đứng ngay bên suối: chú Phương đâu? En không biết, có lẽ là sau em đấy.
Hoài đi đến đầu tiên, tiếp là chị Dung, cô Nga, cô Châu, anh Niêm huyện đội, anh Đu huyện đội, anh Tín và tôi. Chú Phương có lẽ là người sau cùng. Hoài kéo chú Phương sang suối: chú ơi chú nhìn xem có phải đơn vị chú ở kia, khu vực này là nơi chôn chú Tứ không?
Photobucket Photobucket
Chú Phương ồ lên, rồi nức nở: ôi đây rồi, đơn vị tôi ở đây này, ôi ôi. Rồi lập cập lấy kính ra đeo. Cả đoàn khóc ồ lên theo. Tôi vội vàng lấy điện thoại gọi cho cô Thi.
Mấy anh huyện đội đã kéo nhau đi chặt cành cây làm lán che tạm nắng cho mọi người ngồi. Chú Phương trèo lên quả đồi bên cạnh để nhìn sang nơi doanh trại cũ. Photobucket
Hiện trạng khu đất khi chưa đào xúc
Trên khu đất bằng được xem là nơi chôn chú Tứ có 1 cái cây to đổ. Có lẽ là lâu lắm rồi nên nó bị lũa ra.
Mọi người nghỉ ngơi vài phút để chuẩn bị đào bới.
Thân xác chú nơi đâu?
Chú Phương đi tới đi lui, mọi người cũng tham gia tìm kiếm cùng. Chỗ nào nghi vấn có hai cục đá đều gọi chú Phương lại. Chú Phương bần thần người nhìn ngó rồi lắc đầu. Hỏi chỗ nào, chú nhớ đi, chỉ nhớ là cả khu này này.
Chú Lê Công Tâm lên hương bày hoa quả, khấn vái. Sau một hồi thì cũng quyết định đào. Đất đào lên đúng như trong thư chú Phương viết: đá sỏi. Đào hai điểm, rồi ba điểm. Tôi nói chú Phương cần lên đúng nơi chú đóng quân và xác định lại điểm. Trước đó, chị Hoài có mời vong chú Tứ nhập vào cô Nga. Cô Nga chỉ khóc, nước mắt trào ra, không nói không rằng. Chú Phương chạy lại, nước mắt cô Nga lại trào ra, tôi buột miệng hỏi: chú có ở đây không, lắc đầu rồi cô Nga tỉnh lại.
Tôi không hiểu, khi tôi hỏi, cô Nga lắc đầu có chú Phương, em Hằng nhìn thấy và nghe rõ. Tôi nói chú Phương về lại nơi đóng quân cũ. Chú lội suối trèo sang và leo lên cao. Khoảng 5 phút sau chú quay ra. Vào thời điểm đó, Hoài nói tôi: có xe xúc kia, em cho xe xúc đi.
Ngay khi tới khu vực bằng này mọi người đã cùng ồ lên: hóa ra là đường hôm qua mình đi qua đây. Chiếc xe ủi làm đường ngay ở đó. Tôi nhờ chú Tâm đi thương lượng giúp. Khi chú Phương sang tôi bảo chú Phương: cháu cho xe ủi vào múc thôi, chứ thế này đào có mà hàng tháng không thể hết. Chú Phương mếu máo: tiền đâu ra hả cháu, tốn tiền lắm, không thể nào. Tôi cương quyết: bao nhiêu cũng phải múc, chỉ có phương án múc hết khu vực này lên thôi. Xe ủi tụt xuống vào khu vực bằng. Địa hình nơi đây là vùng lòng chảo, bốn bề là đồi dốc, chỉ có khu bằng theo trí nhớ của chú Phương là nơi chôn chú Tứ. Photobucket Photobucket
Từ mặt đường bê tông đèo dốc tụt xuống khu vực này cũng chừng 3m – 4m, vắt qua là con suối nhỏ. Khi xe ủi đang vào, Hoài đã nói với tôi: cho xe ủi vào cho an tâm thôi nhưng theo chị thì liệt sĩ không còn ở đây rồi, có thể dòng suối này, dòng suối mới phát sinh nó bên lở bên bồi trồi liệt sĩ lên và khi có lũ nó cuốn mất em ạ.
Photobucket Photobucket
Hơn 1h đồng hồ, xe xúc hoạt động liên tục, hơn 500m2 đất được xúc lên tả tơi. Cả khu vực bị xáo trộn, đất đá ngổn ngang. Tôi bàng hoàng. Chú Phương và chị Hoài bình tĩnh hơn. Chú Phương bảo: thôi, anh Tứ đi ra biển rồi.
Còn bao nhiêu hương, cả đoàn lấy ra hết. Chú Phương, chú Tâm thắp hương, chú Phương khấn: tôi đã trọn vẹn tình nghĩa với anh rồi, anh Tứ ạ. Tôi về lại đây. Mong anh chóng siêu thoát.
Nghe chú Phương nói vậy, thấy chú bớt căng thẳng và rất bình tĩnh nên tôi an lòng.
PhotobucketPhotobucket
Không theo đường cũ mà mọi người leo thẳng lên chỗ xe ủi vừa vào. Ngớ hết người ra vì chỗ này cách chỗ xe lầy chiều qua chừng 50m, và đúng nơi chú Phương cứ ngó ra, nhòm vào mà không nhận ra được từ ngay chiều hôm qua.
Cả đoàn ngồi chờ chú Tâm và cô Nga vào lại thôn 2 thu dọn đồ đạc và theo ô tô tải quay ra đón.
Trò chuyện với mấy em thanh niên – người giúp việc điều khiển máy xúc. Các em ấy tò mò hỏi chuyện. Còn bao nhiêu lương thực mang theo, cả đoàn mang ra hết để làm bữa liên hoan tại chỗ.
Đêm trong nhà khách huyện ủy
Xe ra, mọi người lại lục tục kéo nhau trèo lên thùng xe, nóc cabin và cabin. Tôi vẫn từ chối ngồi trong cabin. Suốt dọc đường ra, mọi người đều trở lại trạng thái căng thẳng của lúc xe vào vì đường trở ra nguy hiểm hơn. Trời chạng vạng rồi tối dần tối dần. Sáng hôm qua là sương mù bò trên đỉnh núi, triền dốc. Chiều tối trổ về là sương giăng khắp nơi, rừng cây chìm trong sương tối. Vài ba ánh đèn le lói của thợ làm đường. Họ thấy xe qua thì ào ra vẫy vẫy tay.
Tôi đã đi qua rất nhiều đường đèo dốc, cũng đã hét lên nhiều lần vì tưởng xe không kiểm soát nổi nhưng nơi con đường dốc này, tôi không còn cảm giác và cũng không thể hét lên mà chỉ biết im lặng và lầm rầm khấn phù hộ cho tôi với. Hết con dốc này tới con dốc khác, hết vách dựng này tới vách dựng khác. Liên tiếp. Khoảng 19h30, đoàn về tới huyện đội An Lão. Chỉ đến khi thấy ánh sáng của thị trấn An Lão tôi mới thở đều ra được.
Lại lục tục chuyển đồ. Chú Tâm, chú Phương tắm tại huyện đội. Còn tôi và mọi người thay nhau về nhà bạn chị Dung đối diện huyện đội tắm. Nước lạnh ngắt mà vẫn cứ phải tắm. Trở lại huyện đội, người đàn ông hôm trước lại: Nam mô a đi đà phật, cô có khỏe không. Mình không kìm chế được, gắt ầm lên: tôi đã nói anh rồi, anh nhầm người rồi, anh làm ơn đừng làm phiền tôi, tôi đang mệt lắm.
Chú Tâm gửi nhà bếp làm thịt 3 con gà để mời huyện đội. Mọi người trong đoàn đói quá nên lấy sắn (khoai mỳ) bà con dân tộc cho ra luộc ăn trước. Trong bếp, mọi người mới bàn tán về người đàn ông cứ xá dài tôi. Nghĩ cũng tội cho anh ta, trên giấy báo tử chỉ ghi chung chung là hy sinh tại An Lão, Bình Định và do BCH quân sự tỉnh Thái Bình báo tử sau 1975. Theo kinh nghiệm của tôi thì thông tin trên tờ giấy báo tử hoàn toàn không chính xác. Vài năm trước anh ta đã ra Hải Dương, thầy Liên đã phán bố anh ta hy sinh ở An Lão và vẽ cho anh ta một cái sơ đồ. Anh ta tìm mãi không ra gọi lại thì thầy Liên mắng xơi xơi: mày ngu thế, có bố mày mà mày mày tìm không ra thì chết đi, thằng ngu, thằng ngu. Thấy tội quá, cũng muốn phân tích giải thích cho anh ta hiểu nhưng người đàn ông ấy cũng ở trạng thái nửa tỉnh nửa mê, người không phân biệt nổi thì có giải thích thế nào, hướng dẫn thế nào cũng u u, mê mê.
Chúng tôi tự mua đồ ăn, tự thuê người nấu, mời huyện đội tham gia để cảm ơn và báo cáo. Có câu nói của chú Tâm mà tôi nhớ mãi: thực ra đây là công việc của các anh nhưng vì thương nhớ đồng đội nên chúng tôi phải làm thay cho các anh. Dù sao cũng cảm ơn sự giúp đỡ của các anh. Chú Phương thì chỉ đề nghị là trong những buổi lễ của huyện đội về sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ tại An Lão mong các anh nói đến tên anh Tứ.
Hơn 10h, tôi, chị Hoài, chị Dung, cô Châu, cô Nga, em Hằng kéo nhau sang nhà khách huyện ủy ngủ. Gọi là nhà khách nhưng thực tế là hội trường. Bộ đội bê giường cá nhân, mắc sẵn mùng cá nhân quân đội cho. 6h sáng 1.9.2010, xe khách 12 chỗ thuê từ huyện đội An Lão chở chúng tôi ngược ra Tp. Quy Nhơn, tới ngã 3 Mỹ Thành, huyện Hoài Ân, đoàn tạm biệt em Hằng.
Hơn 10h, đoàn với tới nhà chú Tâm. Tôi quá mệt nên không ăn không uống, nằm vật ra ngủ. Chiều tối muộn chú Lê Công Tâm tổ chức một bữa tiệc nhỏ để mọi người trong đoàn có cơ hội trò chuyện với nhau. Sau khi ăn xong cả đoàn lại kéo nhau về nhà chú. Lại những câu chuyện về tìm liệt sĩ, tìm chú Tứ, chiến tranh. Hơn 11h đêm, chúng tôi mới chia tay nhau để mai chị Hoài về lại Tp.HCM, tôi về lại Hà Nội, chú Phương ra Quảng Ngãi thăm quê.
Hành trình tìm liệt sĩ Nguyễn Viết Tứ khép lại, tôi đã thực hiện được lời hứa của mình, chú Phương cũng cảm thấy thanh thản hơn.
Vĩ thanh
Hơn 3h đồng hổ ngồi chờ ở sân bay Phù Cát, Bình Định. Tôi suy nghĩ mãi về việc tìm chú Tứ.
Thiên tai đã mang hài cốt chú đi rồi nhưng rõ ràng linh hồn chú vẫn còn nơi đó. Nơi đèo mây hút gió cô quạnh, linh hồn chú một mình với núi rừng Trường Sơn. Nhớ lại lời bài hát Miền xa thẳm của chú Đức Trịnh mà tôi đã lựa chọn làm ca khúc chính cho Đài tưởng niệm LSVN trực tuyến www.lietsivietnam.org: “ …Đi tìm nhau suốt chiều dài đất nước. Đi tìm nhau để mãi mãi không về…” lại thấy ngậm ngùi thương cảm. Thân xác rồi sẽ về với cát bụi, sẽ hóa thân vào bao la của núi rừng trùng điệp, của đất mẹ bao dung nhưng linh hồn thì còn mãi. Tôi nhớ lại tất cả cung đường đã đi qua, những hình ảnh trùng điệp của Trường Sơn hùng vĩ, những hình ảnh của bà con dân tộc nơi con đường chiến lược nối từ huyện An Lão, Bình Định đi sang Kbang của Gia Lai và nhủ thầm: sẽ phải cố gắng hoàn thiện nhanh hơn nữa đài tưởng niệm LSVN trực tuyến để có nơi tôn vinh các anh hùng liệt sĩ. Có thể 1 năm, 2 năm hay nhiều năm nữa thân nhân liệt sĩ mới hiểu giá trị nhân văn của Đài tưởng niệm, mới hiểu rằng việc tìm thân xác liệt sĩ là quan trọng nhưng quan trọng hơn là việc không chăm sóc phần linh hồn cho liệt sĩ.
Sau chuyến đi này, tôi cũng thấm thía hơn và tường tận hơn những điều tôi cần phải làm trong thời gian tới. Con đường mà chúng tôi – những thành viên của Trung tâm đang đi mang thêm một sứ mệnh mới. Sứ mệnh của những người phát lộ con đường khai sáng. Ánh sáng của niềm tin, ánh sáng của tình người, ánh sáng của sự tri ân, ánh sáng nối liền quá khứ và hiện tại. Ánh sáng của hai bờ yêu thương.
Hà Nội, 16h ngày 14/09/2010
Ngô Thị Thúy Hằng


Ý kiến của NNC Nguyễn Ngọc Hoài:
- Tôi rất là cảm phục chú Phương và muốn làm một cái gì đó để có thể giúp chú Phương. Tuy nhiên tôi có hạn chế là phải qua thân nhân, tôi mới có thể tiếp cận được liệt sĩ.
Trường hợp của liệt sĩ Tứ thì rất đặc biệt, tôi nghĩ là xuất phát từ tấm lòng của chú Phương dù khi sống không biết nhau nhưng là người chôn chú Tứ . Mấy chục năm qua đi, chú ấy không bao giờ nguôi ngoai, lúc nào cũng suy nghĩ trăn trở tìm chú Tứ. Chính vì niềm thương nỗi nhớ đó, sự day dứt đó thì linh hồn của chú Tứ ở thế giới bên kia cũng tỏ tường nên khi tôi mời thì chú Tứ xuất hiện.
Vậy thì có nhất thiết phải tìm mộ không, vậy thì ls Tứ bị trôi hài cốt thì linh hồn có ở đó hay không? Cái hiểu của tôi chưa chắc đã đúng, cần phải được nghiên cứu thêm. Nhưng bằng trải nghiệm thực tế, theo tôi thì việc mời linh hồn và linh hồn có xuất hiện hay không giống như việc tôi áp vong, hoặc mời người âm về. Không có hài cốt ở đó linh hồn họ vẫn xuất hiện. Họ chết đi, linh hồn và thân xác tách dời nhau. Khi mình cần tìm hài cốt, linh hồn họ cũng xuất hiện để hỗ trợ.
Cái quan trọng nhất là người ta không quên nhau. Cái tình con người là quan trọng chứ không phải là bằng mọi giá phải tìm hài cốt. Người chết chỉ sợ người sống lãng quên họ.

0 nhận xét :

Ghi chú cho mẫu nhận xét:
- [img] ..link..[/img].
- [youtube] ...link...[/youtube].
- [nct]...link...[/nct].

:) :( :)) :(( =))

Recent Posts