Vô sinh thứ phát

Hiện tượng vô sinh thứ phát dễ xảy ra với những người đã từng có thai, chửa ngoài tử cung, sẩy thai sau đó muốn có thai lại mà không được. Hiện tượng này có thể xảy ra với cả nam giới.

Vô sinh thứ phát có nhiều nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn tới vô sinh thứ phát (VSTP) được nhắc tới đầu tiên và nhiều nhất vẫn là viêm nhiễm tắc dính đường sinh dục ở nữ giới. Phụ nữ có tiền sử về nhiễm trùng sinh dục như viêm cổ tử cung, tử cung, ống dẫn trứng làm chít hẹp hoặc tắc ống dẫn trứng do đó trứng không thể di chuyển vào buồng tử cung.

Phụ nữ trước đây có đặt vòng, nạo thai, sẩy thai hoặc thai ngoài tử cung cũng sẽ làm thay đổi cấu trúc bình thường của tử cung và ống dẫn trứng dính như buồng tử cung hoặc tắc ống dẫn trứng.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như dị dạng tử cung, u xơ tử cung, tiền căn phẫu thuật vùng chậu, viêm vùng chậu... Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ cho biết, chất nhầy ở cổ tử cung và cấu trúc bình thường của cổ tử cung giúp tinh trùng bơi qua dễ dàng. Nếu vì một lý do nào đó gây ảnh hưởng tới chất nhầy hoặc cấu trúc của cổ tử cung làm cho tinh trùng khó sống sót và không thể bơi qua được sẽ làm cho tỷ lệ có thai giảm.

Tiền sử nữ giới có đốt lạnh hay đốt điện cổ tử cung làm phá hủy các tế bào tiết chất nhầy, tiền căn nạo thai, sẩy thai, tổn thương cổ tử cung sau sinh gây chít ép hoặc hở cổ tử cung hoặc viêm nhiễm cổ tử cung đều làm ảnh hưởng tới khả năng sống của tinh trùng.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường – Trưởng khoa Hiếm muộn (BV Phụ sản Từ Dũ – TP Hồ Chí Minh), cho hay nghiên cứu khảo sát nguyên nhân gây vô sinh VSTP vô sinh thứ phát chiếm 40%. Trong đó nguyên nhân do nữ tăng khoảng 10% so với năm 1998. Một đặc điểm cần lưu ý là trong số những phụ nữ VSTP có đến hơn 60% có tiền căn nạo phá thai. Nghiên cứu này được tiến hành nhằm khảo sát vai trò của nạo phá thai đối với VSTP.



Trong nghiên cứu, có 170 bệnh nhân VSTP được chọn vào nhóm bệnh và 170 phụ nữ mang thai được chọn vào nhóm đối chứng. Kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ có tiền căn nạo phá thai trước đó sẽ có nguy cơ VSTP gấp 2,5 lần so với phụ nữ không có tiền căn nạo phá thai. Tiền căn đặt vòng, nghề nghiệp, trình độ học vấn ... không có tương quan với VSTP. Khi khảo sát một vài yếu tố liên quan đến nạo thai với khả năng gây VSTP nhóm nghiên cứu thấy rằng tuổi thai lúc nạo phá thai càng cao thì càng tăng nguy cơ vô sinh và nơi tiến hành thủ thuật như tuyến huyện xã thì khả năng vô sinh cũng cao hơn.

Đối với nam giới, VSTP khiến nhiều người giảm cơ hội làm cha. TS Nguyễn Viết Tiến cho biết lượng bệnh nhân là nam giới tới điều trị VSTP ngày càng nhiều. Nguyên nhân gây VSTP cho nam giới cũng đã đến lúc cần cảnh báo. Nguyên nhân gây VSTP ở nam giới thường là do rối loạn trong quá trình sinh tinh, trưởng thành của tinh trùng. Suy tuyến sinh dục nguyên phát, thứ phát, nhiễm trùng đường sinh dục, quai bị, dãn tĩnh mạch thừng tinh, tiếp xúc với các hoá chất, tia xạ làm tinh trùng yếu, giảm hoặc không có tinh trùng.

Bên cạnh đó, nhiều người bị rối loạn chức năng tính dục như các rối loạn chức năng cương dương vật (bất lực), và rối loạn về phóng tinh (xuất tinh ngược dòng) cũng làm giảm khả năng có thai. Bất thường về cấu trúc của cơ quan sinh dục như không có ống dẫn tinh, tắc ống dẫn tinh, tinh hoàn ẩn, hay dãn tĩnh mạch thừng tinh sẽ gây giảm hoặc không có tinh trùng.

Trong các nguyên nhân gây vô sinh nam, bất thường về tinh trùng chiếm khoảng 90% và nguyên nhân do rối loạn tình dục chiếm khoảng 5%. Tuy nhiên, với cuộc sống ngày càng công nghiệp hóa như hiện nay, tỷ lệ này không chỉ dừng lại ở mức 5% như trước đây. Các rối loạn hoạt động tình dục ở nam giới bao gồm giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương vật, rối loạn phóng tinh và chứng giao hợp đau. Trong số các rối loạn nói trên, rối loạn cương dương vật và rối loạn phóng tinh là hai yếu tố có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới nhiều nhất. Xuất tinh sớm, trong trường hợp nặng cũng ảnh hưởng không ít đến hoạt động sinh sản của người nam.

Điều trị

Theo TS Nguyễn Viết Tiến, điều trị VSTP phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nặng nhẹ của bệnh nên chi phí vì thế cũng khác nhau. Đối với nữ giới bị VSTP do viêm nhiễm có thể được phẫu thuật nội soi, tách dính buồng tử cung. Trong trường hợp người phụ nữ bị tắc nghẽn vòi trứng nếu không thông được phải tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Khi tiến hành TTTON chi phí sẽ phải tăng thêm 20-30 triệu đồng.

Về phía nam giới, rối loạn cương dương vật có thể do nguyên nhân thực thể, nhưng không loại trừ yếu tố tâm lý. Điều trị có thể là tâm lý liệu pháp hay điều trị nội hoặc ngoại khoa. Một điểm cần ghi nhận là mẫu tinh dịch thu được từ những người này thường có chất lượng kém, đòi hỏi phải thực hiện kỹ thuật giúp trứng và tinh trùng thụ tinh ICSI. Trong trường hợp điều trị nội thất bại, lấy tinh trùng bằng phẫu thuật (PESA, TESA, IUI...) cũng được xem xét. Hiện nay, IUI hiện là phương pháp điều trị vô sinh phổ biến, rẻ tiền và có tỷ lệ thành công khá cao.

Tỷ lệ thành công của IUI vào khoảng 10-15% cho mỗi chu kỳ. Nếu thực hiện đúng chỉ định và phương pháp, tỷ lệ có thai sau 6 lần điều trị có thể lên tới 80 - 90%. Giá thành lọc rửa và bơm tinh trùng một lần là 150.000 đồng. Tuỳ sự phát triển của trứng, các BS chỉ định số lượng thuốc để kích thích trứng phát triển với giá dao động trong khoảng 70.000 - 400.000 đồng.

Với những trường hợp người vợ bình thường nhưng người chồng có tinh trùng yếu, chi phí cho một ca thụ tinh theo kỹ thuật IUI vào khoảng 1 triệu đồng. Nếu chất lượng tinh trùng của nam giới quá kém, cách duy nhất có thể giúp nam giới làm cha là áp dụng biện pháp TTTON bằng phương pháp ICSI. Tỷ lệ có thai của ICSI thường tương tự như TTTON thông thường, khoảng 35%.


Theo Tiền Phong

0 nhận xét :

Ghi chú cho mẫu nhận xét:
- [img] ..link..[/img].
- [youtube] ...link...[/youtube].
- [nct]...link...[/nct].

:) :( :)) :(( =))

Recent Posts