Tu tâm và dưỡng tánh - phần 4
Lợi tha
I. Định nghĩa
Lợi là ích lợi; tha là người khác. Lợi tha là làm tất cả những gì có lợi cho người khác và vật khác. Lợi tha là phản nghĩa của ích kỷ, của lợi kỷ. Trong đạo Phật, lợi tha là một vấn đề tối quan trọng, nó hàm chứa hầu hết công việc của một người Phật tử. Một công việc gì chỉ có tánh cách lợi kỷ, thì công việc ấy không phải là một công việc có giá trị có thể giúp người Phật tử tiến bước trên đường đạo. Người Phật tử không bao giờ chỉ thấy có mình mà không thấy có người, có vật khác, chỉ làm lợi cho mình mà không làm lợi cho người hay vật khác.
II. Tánh chất lợi tha của Phật
Trong đạo hay ngoài đời đều có lợi tha. Trong lịch sử nhân loại, không biết bao nhiêu là gương hy sinh cao cả của những bậc anh hùng, chí sĩ, bác học, triết gia, đã giúp ích đắc lực cho nhân loại. Nhưng dù sao, những hành vi lợi tha này cũng còn thiếu sót một vài khía cạnh; hoặc nó thiên về phần vật chất nhiều hơn tinh thần, hoặc nó hạn cuộc trong phạm vi một đời sống, hoặc nó còn thấy có nhơn, có ngã, có kẻ làm ơn và kẻ mang ơn.
Lợi tha trong đạo Phật gồm đủ cả hai phương diện vật chất và tinh thần- nhất là tinh thần- thế gian và xuất thế gian, hiện tại và vị lai; nó không thấy có nhơn và có ngã, không phân biệt kẻ làm ơn và người mang ơn. Lợi tha trong đạo Phật có nhiều thứ:
1. Lợi tha về vật chất: Có hai thứ là ngoại tài thí và nội tài thí.
• Ngoại tài thí là đem những vật thực, đồ đạc, tiền của, của mình cho người hay vật
• Nội tài thí là lấy sức lực, tài năng, thời giờ, thân mạng của mình làm lợi ích cho người hay vật.
2. Lợi tha về tinh thần: Cũng có hai thứ:
• Vô úy thí là làm cho người hay vật hết lo lắng, sợ hãi, khi họ đang gặp một tai nạn hay đang sống trong cảnh lo lắng phập phồng. Nói một cách khác là trấn tĩnh người và vật, đem lại cái yên ổn cho tâm hồn họ.
• Pháp thí là đem giáo pháp của Phật ra giảng dạy cho người xung quanh làm cho họ rõ biết đường lối tu hành để thoát ra khỏi cảnh sanh tử luân hồi. Trong hạnh bố thí, muốn cho được rốt ráo, đầy đủ mọi phương diện, thì phải bố thí Ba la mật, là một trong sáu phép tu của những vị theo hạnh Bồ tát.
• Bố thí Ba la mật là bố thí mà không vì danh, vì lợi riêng, không phân biệt kẻ quen, người lạ, kẻ thân, người thù, kẻ sang, người hèn, không so đo số lượng bố thí là ít hay nhiều là quý hay không; không chấp ta là người bố thí, kẻ kia là người thọ thí. Phép bố thí này dựa lên trí tuệ, từ bi và bình-đẳng của Phật. Nhưng tánh trên nầy đã không hạn cuộc trong không gian và thời gian, đã san bằng nhân và ngã, thì phép bố thí nầy cũng phải có tánh cách rộng rãi tuyệt đối như thế.
• Nhưng lợi tha không phải chỉ hạn cuộc sống trong sự bố thí, dù hình thức bố thí ấy rốt ráo, đầy đủ bao nhiêu.
Lợi tha còn nằm trong những thể thức, phương tiện khác như:
• Ái ngữ nghĩa là dùng lời nói nhẹ nhàng, êm ái đầy yêu thương trong khi tiếp xúc với người chung quanh. Nhờ lời nói ôn tồn dịu ngọt ấy mà người đối thoại với ta thêm lòng tin, càng hăng hái làm việc, cảm thấy được sống trong một làn không khí hòa thuận tin yêu.
• Lợi hành là làm tất cả những điều có lợi ích cho mọi người, (làm chứ không phải bố thí) như dạy người học, giúp công ăn việc làm, tìm cách nâng cao đời sống của đồng loại v.v…
• Đồng sự là cùng làm công việc với người, cùng sống trong hoàn cảnh của họ để hiểu họ, nâng đỡ, cảm hóa họ, dần dần hướng họ về con đường đạo đức, tươi sáng.
Bốn cách làm lợi ích cho người như thế, gọi là tứ nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự).
I. Công năng của lợi tha
Như trên đã nói, nhờ lợi tha mà, về vật chất, người chung quanh ta được no ấm, có nơi ăn chốn ở, về tinh thần, đỡ lo sợ, sống an vui, có đạo đức, tin tưởng ở đời sau và có thể giải thoát được cảnh giới tối tăm nầy để sống ở một cảnh giới tốt đẹp hơn.
Tánh lợi tha càng rộng lớn thì lợi ích càng lan xa, từ một vùng đến một tỉnh, từ một tỉnh đến một nước, từ một nước đến nhiều nước; từ người đến vật, từ vật đến cỏ cây.
Tánh lợi tha không những chỉ ích lợi cho người khác mà cũng lợi ích rất nhiều cho chính người làm lợi tha nữa. Nhờ lợi tha mà người ta mở rộng lòng từ bi, trau giồi trí tuệ, áp dụng tánh bình-đẳng của Phật.
II. Gương lợi tha của Đức Bổn Sư Thích Ca
Không phải nói nhiều, ai cũng đã biết Đức Thích Ca Mâu Ni thị hiện xuống cảnh Ta-Bà này là vì lòng lợi tha rộng lớn muốn cứu độ chúng sanh. Ngài đã lìa bỏ gia đình, ngôi báu, danh vọng cũng vì muốn làm lợi ích cho chúng sanh. Ngài thuyết pháp trong suốt 49 năm cũng chỉ vì muốn cho tất cả mọi người đều được thành Phật như mình. Suốt đời, Ngài chỉ đeo đuổi một mục đích cao cả là tự giác, giác tha, tự độ, độ tha, tự lợi, lợi tha. Từ ý nghĩ, lời nói, đến việc làm, Ngài đều hướng về mục đích ấy. Ngài không từ bỏ một việc làm, một cử chỉ nhỏ nhặt nào, nếu nó có thể đem lại lợi ích cho chung quanh. Ngài đã xâu kim cho một người già, giả giận dữ để đuổi một con nai xa nơi nguy hiểm; dạy cách cày bừa có hiệu quả cho một người làm ruộng. Khi Ngài đã già yếu mà vẫn không ngừng đi thuyết pháp độ sanh. Các đệ tử khuyên Ngài hãy tịnh dưỡng, nhưng Ngài gạt đi và nói một câu đầy ý nghĩa:
* Các người đừng khuyên ta như thế, ngày nào ta còn tại thế thì ngày ấy phải không vô ích.
III. Người Phật tử phải dưỡng tánh lợi tha như thế nào trong đời sống hàng ngày
Mỗi chúng sanh đã có Phật tánh, thì tất nhiên cũng đã có tánh lợi tha, là một khía cạnh của tánh Phật.
Chúng ta hãy noi gương lợi tha của Phật Thích Ca để nuôi dưỡng tánh lợi tha của ta. Đừng bao giờ từ chối một việc lợi tha nào, dù nhỏ bao nhiêu. Lượm một hòn đá giữa đường, quăng một cành gai vào bụi, đều là những công việc đáng làm cả. Nói một lời dịu dàng hòa hảo, an ủi vỗ về người lo sợ, buồn phiền, với một vài câu phấn khởi đó là những việc lợi tha không nên bỏ. Chỉ bày cho người chung quanh những điều hay lẽ phải; hướng dẫn họ đi dần dần vào trong Đạo; làm cho họ hiểu rõ giá trị của giáo lý Phật Đà mà dốc lòng tu tập: đó là những việc làm lợi ích mà người Phật tử không thể lơ là được.
Từ những việc làm lợi ích tầm thường ấy, chúng ta tập tiến dần trên con đường lợi tha, làm những việc ích lợi quan trọng hơn. Nếu chúng ta giàu tiền của, chúng ta hãy bỏ ra để giúp việc mở trường học, nhà thương, dưỡng đường, ký nhi viện, ấu trĩ viện, dưỡng lão viện, làm đướng xá, cầu cống, đào sông ngòi… Nếu không có tiền của, chúng ta hãy làm những nội thí như đi dạy lớp bình dân, góp một số giờ vào các dưỡng đường, ký nhi, ấu trĩ hay dưỡng lão viện. Nếu chúng ta trí thông minh hơn người, có ý chí mạnh mẽ, thì quyết tâm học tập để trở thành những nhà trí thức lành mạnh, có tâm hồn xây dựng, những nhà bác học, triết gia nhất tâm phụng sự cho đời.
Với một chí nguyện lớn hơn nữa, chúng ta quyết tâm tự giác tha, tự độ để độ tha. Làm được như thế, nuôi dưỡng tánh lợi tha đến trình độ viên mãn, ấy là chúng ta thành Phật.
Nhẫn nhục
Định nghĩa
Nhẫn nhục do chữ "Ksãnti" (sần đề) trong Phạn ngữ mà ra. Nhẫn là nhịn, là nín, là chịu đựng; nhục là sỉ nhục, là nhơ nhuốc, xấu hổ. Nhẫn nhục là nhịn nhục, chịu đựng những điều nhục nhã xấu hổ, lao khổ, cho đến độ cùng tột rốt ráo. Nhẫn nhục là đức tánh trái lại với tánh nóng giận, oán thù.
Ơ đây, chúng ta không nên ngộ nhận chữ nhẫn nhục như người ta thường hiểu ở đời. Nhẫn nhục ở đời là thứ nhẫn nhục không rốt ráo, chỉ có hình thức bên ngoài, chứ không đi sâu vào bên trong, nghĩa là trước một sự bất công, một điều sỉ nhục, người nhẫn nhục không tỏ ra phản đối trong lời nói, trong cử chỉ, nhưng trong lòng họ vẫn không dằn được cơn tức giận phẫn uất; thứ nhẫn nhục ấy không phải là nhẫn nhục của đạo Phật.
Vậy tánh chất của nhẫn nhục trong đạo Phật như thế nào, chúng ta xin trình bày ở đoạn dưới đây.
I. Tánh chất nhẫn nhục trong đạo Phật
Nhẫn nhục theo giáo lý Phật Đà phải gồm đủ ba phần là: thân nhẫn, khẩu nhẫn, ý nhẫn. Nghĩa là ở nơi thân thì cam chịu đau khổ mà không đối phó lại bằng cử chỉ, hành động trả thù; ở nơi miệng không thốt ra những lời hung ác, nguyền rủa, và nhất là ở trong lòng thì cũng phải dẹp xuống, đánh tan cơn tức giận, nỗi oán thù, không cho nó vươn lên, vùng dậy. Nếu không dẹp được sự giận dữ, phẩn uất ở trong lòng thì chưa gọi được là nhẫn nhục theo nghĩa trong đạo Phật.
Hơn nữa, người theo pháp nhẫn nhục phải luyện cho đến trình độ không thấy có người làm mình khổ nhục, có nỗi khổ nhục, và người chịu khổ nhục. Nhẫn nhục ở đây có tánh cách bao la rộng lớn, không phân chia biên giới, vì nó bắt nguồn từ lòng từ bi, từ trí tuệ và bình đẳng tuyệt đối của Phật tánh. Cho nên người dưỡng tánh nhẫn nhục, muốn thành tựu phải dựa lên ba đức tính trên làm căn bản.
II. Công năng của nhẫn nhục
Một trong những đại họa của cõi đời là tánh giận dữ, oán thù. Có thể nói một cách không quá đáng rằng lửa giận đã đốt thiêu một nửa cõi đời, một nửa công lao của loài người, từ ngày có nhân loại đến nay. Cho nên tánh nhẫn nhục là một phương thuốc thần diệu để dập tắt lửa sân hận.
Về phương diện cá nhân, người nhẫn nhục làm cho người chung quanh cảm mến, vì nét mặt hiền dịu, vì lời nói hòa nhã, vì cử chỉ khoan hòa. Người nhẫn nhục tâm trí được sáng suốt, xét đoán phải lẽ, không mắc những sai lầm, lỗi đáng tiếc vì thiếu bình tĩnh. Thân tâm người nhẫn nhục luôn luôn được an lạc, nhẹ nhàng, và do những điều trên, người nhẫn nhục dễ thành tựu trong mọi công việc, trong đời mình.
Về phương diện gia đình, nếu mọi người trong nhà đều nhẫn nhục thì cảnh gia đình luôn luôn được hòa thuận, tin yêu, ấm cúng. Người ta thường nói:"Thuận vợ thuận chồng thì tát biển đông cũng cạn". Thiếu đức tính nhẫn nhục, sự hòa thuận trong gia đình không bao giờ có thể thực hiện được. Và không hòa thuận, thì gia đình trở thành một cảnh địa ngục nho nhỏ, mà mọi người đều muốn đạp đổ để thoát ra.
Về phương diện xã hội, nhẫn nhục làm cho mọi đoàn kết có thể thực hiện được, sự chung sống được êm đẹp, chiến tranh không xảy ra, hòa bình được củng cố, cõi đời sẽ trở thành một lạc địa.
Về phương diện tu hành, nhẫn nhục như là một hòn đá thử vàng, như là một lò luyện kim khí, nó làm cho người tu hành luôn luôn phải cảnh giác, đề phòng trước những nghịch cảnh. Nó bắt buộc kẻ tu hành luôn luôn phải vận dụng lòng từ bi, ánh sáng trí tuệ, tinh thần bình đẳng để phá tan giận dữ, oán thù. Nó dẹp dần ngã mạn, ngã ái và công phá luôn thành trì cuối cùng của chúng sanh là cái ngã. Do đó, người tu hành chứng được vô ngã vô sanh.
III. Gương nhẫn nhục của Đức Bổn Sư Thích Ca
Sức chịu đựng của Đức Thích Ca trong bước đi tìm đạo của Ngài thật là một gương sáng cho chúng ta. Từ một vị Thái tử sống trong nhung lụa, Ngài trở thành một kẻ không nhà, lặn lội hết khu rừng nầy đến ngọn núi khác, chịu lạnh chịu nóng, nhịn đói nhịn khát, tìm học tất cả mọi người, không sợ nhục nhã, xấu hổ khi phải hỏi những điều mình chưa biết. Khi tu khổ hạnh với bọn ông Kiều Trần Như, thấy không có kết quả, Ngài rời họ, trở lại ăn uống như thường và đã bị họ chế diễu, khinh bỉ; nhưng Ngài vẫn điềm nhiên như không, chỉ một dạ quyết tâm tu học.
Khi đắc đạo, trở thành một Đấng Chí-tôn, Ngài bị Đề Bà Đạt Đa nhiều lần quấy phá, nào thả voi dữ, nào lăn đá từ sườn núi cao xuống mình Ngài, nhưng không một lần nào Ngài tỏ ra vẻ phẫn nộ, bực tức. Khi bị thương nhẹ nơi chân vì hòn đá của Đề Bà Đạt Đa lăn xuống, Đức Phật đã điềm nhiên bảo các đệ tử rằng: Đề Bà Đạt Đa là thiện hữu tri thức của Ngài, nhờ Đề Bà Đạt Đa mà Ngài mau thành Phật. Khi bị ngoại đạo âm mưu sai người đến nhục mạ Ngài giữa đại chúng, Phật lặng thinh để cho người ấy nhiếc mắng. Cuối cùng, Ngài chỉ hỏi lại một câu nhưng hàm bao nhiêu ý nghĩa thâm thúy, mà chúng ta cần phải nhớ lấy nằm lòng trong khi tập tánh nhẫn nhục. Ngài hỏi người nọ:
- Khi người đem cho ai một món gì mà họ không nhận, thì người làm thế nào?
- Thì tôi đem về!
- Ở đây cũng vậy, ta không nhận những lời nhục mạ của người. Người hãy mang về đi!
Hơn ai hết, Ngài hiểu rõ công dụng lớn lao của nhẫn nhục nên trước khi nhập Niết Bàn, Đức Phật đã dặn các đệ tử:
- "Nếu có người đến chặt tay chân các ông, hoặc xẻo mũi cắt tai v.v… các ông cũng phải nhiếp trì tự tâm, chớ nên móng niệm sân hận mà làm trở ngại đạo Bồ đề của các ông, và chớ thốt ra lời nói hung ác, mà bị lửa sân hận đốt thiêu rừng công đức của các ông…"
Phật còn tán thán những người nhẫn nhục với một câu nói đẹp đẽ như sau:
"Người nào ngăn được phẩn nộ sắp phát ra, như dừng được chiếc xe đang chạy nhanh, như thế mới được gọi là thiện ngự, ngoài ra chỉ là kẻ cầm cương mà thôi".
I. Người Phật tử phải nuôi dưỡng tánh nhẫn nhục như thế nào trong đời sống hàng ngày?
Trước tiên, người dưỡng tánh nhẫn nhục phải nên luôn nhớ điều này: không phải vì để được người đời tán thán, khen ngợi mà ta nhẫn, không phải vì sợ sệt trước oai lực của kẻ khác mà ta nhẫn, không phải vì mong được chức tước quyền lợi mà ta nhẫn, không phải vì lười nhác, muốn buông xuôi tay cho khỏe trước cuộc đời bất công mà ta nhẫn, không phải vì không biết nhục nhã, thiếu nhân cách mà ta nhẫn. Nếu vì lý do trên mà ta nhẫn, thì cái nhẫn ấy còn nguy hại hơn sự phẫn nộ, vì nó là tay sai đắc lực của dục vọng: tham lam, kiêu mạn, hèn nhát, ích kỷ… Ta nuôi dưỡng tánh nhẫn nhục là vì một đại nguyện, một mục đích cao quý, một tình thương lớn lao, một trí tuệ sáng suốt. Ta nhẫn nhục là vì muốn trau giồi đức tánh, muốn đối trị cái bệnh nóng giận do tham lam, ích kỷ, ngạo mạn, si mê gây ra.
Cái nhẫn trên là cái nhẫn đê hèn, cái nhẫn dưới mới là nhẫn cao quý, đúng theo ý nghĩa của giáo lý. Cái nhẫn dưới mới là nhẫn mà chúng ta cần nuôi dưỡng hằng ngày. Mặc dù đứng trước một hoàn cảnh như thế nào, cử chỉ chúng ta luôn luôn dịu dàng, nhã nhặn, lời nói chúng ta luôn luôn ôn tồn, điềm đạm, ý nghĩ chúng ta luôn luôn sáng suốt để phân tách vì đâu có cảnh ấy, vì sao chúng ta không nên nóng giận. Ta phải luôn luôn vận dụng đến tình thương, là một thứ nước cam lồ có thể dập tắt bao nhiêu lửa dữ.
Ở đời có hai nguyên nhân làm cho người ta dễ giận hơn ai hết, đó là tánh tham lam và kiêu mạn. Mất của, mất danh, mất ngủ… nên sanh ra giận; thấy người ta phạm đến lòng tự cao, tự đại, tự mãn, tự ái của mình, nên sanh ra giận. Cho nên, muốn nuôi dưỡng tánh nhẫn nhục thì trước tiên phải cảnh giác, đề phòng luôn luôn hai tánh xấu ấy. Phải tỉnh táo, đừng để mắc mưu chúng nó. Chúng rất quỷ quyệt, rất nhiều mưu mô. Có khi chúng mượn tiếng nói của bổn phận, danh dự, quyền lợi chung để bắt ta phải hờn giận oán thù, có khi chúng tỉ tê bên tai ta trong đêm vắng, có khi chúng to tiếng buộc tội hành động nhẫn nhục của ta là nhu nhược, hèn nhát, cho nên, chúng ta phải biết rõ hành tướng của những tánh xấu ấy, phải điều phục được chúng, mới có thể thực hiện tánh nhẫn nhục một cách có hiệu quả.
Mỗi khi một nỗi bực bội, chán chường, oán tức sắp nổi dậy, chúng ta hãy bình tĩnh đọc đi đọc lại mấy câu thơ dưới đây:
"Nhẫn, nhẫn, nhẫn, trái chủ oan gia tùng thử tận!
Nhiêu, nhiêu, nhiêu thiên tai vạn họa nhứt tề tiêu;
Mặc, mặc, mặc, vô hạn thần tiên từng thử đắc;
Hưu, hưu, hưu, cái thế công danh bất tự do".
(Nhẫn, nhẫn, nhẫn- thân nhẫn, miệng nhẫn, tâm nhẫn-thì những điều trái chủ oan gia từ đây đứt dây hết. Nhịn, nhịn, nhịn, thì ngàn tai muôn họa đều tiêu tan, Nín, nín, nín, thì cảnh giới thần tiên vô hạn cũng do đấy mà được, Thôi, thôi, thôi, thì những công danh lớn lao nhất trên thế giới cũng không làm gì được ta).
Làm được như thế, trong mọi địa hạt, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi thời gian thì tánh nhẫn nhục của Phật đã sẵn có ở trạng thái tiềm phục trong ta sẽ được hoàn toàn biểu lộ.
Hỷ xả
Định nghĩa
Hỷ là vui hay muốn nói cho đủ là tùy hỷ: vui theo, cùng vui với người khác. Phản nghĩa của hỷ là ưu (buồn phiền).
Xả là bỏ, không chấp, không ghi giữ trong lòng. Phản nghĩa của xả là cố chấp.
Hỷ xả là hai hạnh lành, có hai nghĩa, hai phạm vi, nhưng thường người ta hay nói chung với nhau, vì chúng nó có tương quan mật thiết, làm nhân làm quả cho nhau.
Trong một tầng bậc thấp thì xả làm nhân cho hỷ, nghĩa là muốn vui theo với người, muốn làm cho người vui, thì trước tiên mình phải đừng chấp, phải xả bỏ những điều ngang trái, những điều thiệt thòi sỉ nhục mà người khác đã làm cho ta. Nếu ta chưa có thể bỏ qua những điều ấy được thì không thể nào ta vui được và làm cho người khác vui được.
Nhưng trong một từng bực cao hơn, hỷ cũng cần phải xả. Nếu chấp chặt cái hỷ ấy, cho nó là nấc thang cuối cùng mà không rời nó để tiến lên nữa, thì cái hỷ ấy rất dễ trở thành ưu.
I. Tánh chất của hỷ xả trong đạo Phật
Hỷ của đạo Phật không có nghĩa là vui đùa một cách vô tư, không phải là không cho cái gì là quan trọng, không phải là "phớt qua" tất cả, để được vui cười một cách ào ạt, sôi nổi "rồi ngày mai ra sao thì ra". Hỷ đây không phải là buông thả cõi lòng để vui theo những cảnh dục lạc ở đời, cũng không phải là tán thành, tùy hỷ để cho người ta làm quấy, làm ác.
Hỷ của đạo Phật là vui theo những điều chân thiện, mỹ; là vui vì thấy người khác tạo nhân lành, được quả tốt; là vui vì mình làm cho người và chúng sanh được vui. Cái vui ở đây phát sanh từ lòng từ bi, bình-đẳng, chứ không phải là vì một lý do ích kỷ nào khác, cái vui bao la rộng lớn toàn thiện, có tánh cách giải thoát, thanh tịnh, chứ không phải hẹp hòi, thiển cận. Cái xả ở đây cũng không phải chỉ là sự tha thứ, khoan dung đối với những ai đã làm ta đau khổ; không phải chỉ là sự vứt bỏ ra khỏi lòng ta những bực bội, xót đau mà người khác đã gieo vào lòng ta; không phải chỉ là bỏ qua những gì trái tai gai mắt đối với ta. Xả ở đây có tánh cách tuyệt đối, nghĩa là bỏ ra ngoài tất cả, không chấp trước một cái gì, dù là vật chất hay tinh thần, dù là xấu xa hay tốt đẹp, dù là ở địa vị phàm phu hay đã chứng được quả thánh. Nếu còn chấp trước nắm giữ một cái gì là còn cái ngã, mà còn cái ngã là còn tất cả, nghĩa là còn chưa giải thoát.
Nói như thế không có nghĩa là người tu hành phải nhắm mắt bịt tai để không thấy, không nghe gì cả; không phải là dửng dưng trước mọi sự mọi vật như đá, như gỗ, không phải là không làm gì cả, đứng khoanh tay như tượng đá. Không! Người theo hạnh Xả vẫn thấy, vẫn nghe, nhưng không đắm sắc, mê thanh, không để cho mình vương vấn vào cái thấy cái nghe ấy; người theo hạnh Xả vẫn làm việc, làm việc nhiều hơn ai cả, nhưng vẫn không thấy mình có làm gì cả, nhất là khi làm được những việc có kết quả tốt đẹp.
II. Công năng của Hỷ xả
Nếu đem so sánh với tánh nhẫn nhục thì Hỷ xả còn cao hơn một bậc. Tánh nhẫn nhục làm cho ta không phát ra nóng giận, bực tức, làm cho ta có sức chịu đựng những khổ nhục, đau xót ở đời; nó cản ngăn cái xấu không cho phát ra. Còn tánh Hỷ xả làm cho lòng ta nhẹ nhàng thư thái phát ra cái vui hồn nhiên trong sáng. Nhẫn nhục như người đang gánh một gánh nặng, phải luôn luôn cố gắng đi cho đến đích. Hỷ xả như người đã trút được gánh nặng, thân xác nhẹ nhàng, tâm hồn khoan khoái, vui vẻ, không bận tâm về một điều gì nữa. Nhẫn nhục như người điều phục voi dữ, luôn luôn phải đề phòng, lao tâm khổ trí, để cho nó khỏi phá phách. Hỷ xả như người cỡi ngựa hay đã thuần, có thể thảnh thơi ngao du đây đó, mà không cần chú ý đến con vật mình đang cỡi.
Do đó, người có tánh Hỷ xả, bao giờ nét mặt cũng vui tươi, nụ cười luôn luôn nở rộng trên môi, tâm hồn sáng sủa, phóng khoáng như một gian phòng rộng, mà tất cả các cửa đều mở toang cho ánh sáng không khí tràn vào. Người Hỷ xả luôn luôn được cảm mến và được tiếp đón nồng hậu khắp nơi, vì đã gây được tín nhiệm và đem không khí hòa vui lại cho mọi người.
Riêng đối với mình, người có tánh Hỷ xả không bao giờ bị phiền não quấy nhiễu, không có thù địch ngăn lại, được nhiều trợ duyên cho nên dễ tiến bước trên đường đạo và mau chứng quả Bồ đề.
III. Gương Hỷ xả của Đức Bổn Sư Thích Ca
Hình ảnh Đức Bổn-sư đã được người đời sau tạc lại trong các pho tượng với nụ cười hiền hòa, thanh thoát ở trên môi. Nụ cười ấy tượng trưng cho lòng từ bi, hỷ xả của Ngài. Một pho tượng không có được nụ cười ấy cũng như không có được đôi mắt tượng trưng cho trí tuệ, pho tượng ấy chưa phải là tượng Đức Bổn Sư Thích Ca, vì nó thiếu mất những đức tánh căn bản cần thiết đã đưa Ngài lên địa vị Phật, và đã làm cho người đời sau phân biệt được Ngài với các vị Giáo chủ khác.
Về vật chất, Đức Phật trước khi xuất gia đã hoan hỷ xả bỏ những gì quí báu nhất mà người phàm phu ít có thể có được: ngai vàng, điện các, ăn ngon, mặc ấm, ngọc ngà, châu báu, vợ đẹp, con ngoan…
Về tinh thần, Ngài xả bỏ tất cả những gì xấu xa mà con người có thể có, do vô minh, di truyền, tập quán, nghiệp báo gây nên. Ngài bỏ qua tất cả những ác ý và hành động nhiễu hại Ngài, của bọn Đề bà đạt đa, A xà thế, chàng Vô não, cô gái ngoại đạo độn bụng vu oan cho Ngài… Ngài đã không chấp nhất, buồn phiền, mà còn thương xót tế độ cho họ.
Ngài xả bỏ luôn tất cả những kết quả tốt đẹp mà Ngài đã thành tựu, làm tất cả mọi việc quý báu trên đời mà vẫn tự thấy không làm gì cả. Ngài hoan hỷ bỏ dần, bỏ dần cho đến khi không còn gì để bỏ nữa. Ngài bỏ ra, bỏ ra tất cả, với một nụ cười trên môi, một nỗi thanh thoát trong lòng. Ngài vui cái vui của người khác, vui như cái vui của người mẹ khi thấy con nhỏ bập bẹ nói những tiếng đầu tiên, hay bước những bước chập chững. Cái vui của Ngài không phân biệt thân sơ, không có từng bậc cao thấp, thoát ra ngoài vòng bỉ, thử, bao giờ cũng hồn nhiên trong sáng. Nỗi vui ấy đã được thể hiện trong nụ cười bất tận ở trên đôi môi những pho tượng về Ngài, và đã làm cho tất cả Phật-giáo-đồ trên thế giới cảm mến, kính yêu.
IV. Người Phật tử phải dưỡng tánh Hỷ xả như thế nào trong đời sống hằng ngày?
Trước tiên trong phạm vi thấp nhất, người Phật tử phải tập tánh khoan hòa độ lượng, biết tha thứ những lỗi lầm của người chung quanh. Đừng ghi vào lòng, đừng chấp nệ những lời nói, cử chỉ, hành động không đẹp đẽ của người khác đối với ta. Hãy nghĩ rằng đó là những điều sơ xuất vì vô tình hay vụng về mà ra. Nếu ta có bằng chứng về lòng xấu xa, độc ác của người muốn hại ta đi nữa thì cũng nên tự nhủ rằng những người ấy đáng thương hơn đáng trách, vì họ thiếu sáng suốt, thiếu căn lành; và sự thiếu thốn ấy sẽ đem lại cho đời họ nhiều đau khổ lắm rồi ta không nên làm cho họ đau khổ hơn nữa. Nếu ta ôm ấp những nỗi bực tức oán thù thì ta chỉ tạo cho ta thêm nhiều đau khổ, như ta bị bắn trúng mũi tên độc mà không chịu rút ra.Ta sẽ mất ăn mất ngủ, mất thì giờ, mất bình tĩnh trong công việc làm ăn, tu học. Ta sẽ ung độc đời ta một cách khờ dại, vô ích; và ung độc luôn cả gia đình, xã hội trong ấy ta đang sống nữa.
Tiến lên một tầng cao hơn, ta phải tập biến dần tánh thù ghét ra thành tánh hoan hỷ. Thấy người khác thành công, ta không ganh ghét, dù đó là kẻ đã làm cho ta đau khổ! Trái lại, ta còn vui mừng với họ, hoan hỷ tán thán sự thành công của họ, nhất là khi sự thành công ấy tiến về nẻo thiện, hướng đến mục đích giải thoát.
Tiến lên một tầng cao hơn nữa, ta phải tập xả bỏ những gì ta quý báu dù vật chất hay tinh thần. Có bỏ bớt hành lý nặng nề, ta mới đi xa được, mới lên cao được. Nếu ta ôm giữ một cái gì, thì cái ấy chỉ làm vướng chân ta, níu ta lại. Trong đời, ta thường thấy những người giàu có bao nhiêu, chức phận bao nhiêu, lại bận bịu, vương vấn bấy nhiêu, như chim vướng phải lưới, càng gỡ càng mắc thêm.
Về phương diện tu hành cũng thế, những người chứng được quả nầy quả nấy khác mà chấp chặt quả ấy, thỏa mãn với sự thành công của mình, những người cố chấp như thế, không bao giờ tiến được xa. Cho nên người Phật tử phải tập xả dần, xả tất cả. Con tằm sở dĩ thành bướm bay lượn đó đây, vì nó đã rời bỏ cái kén, dù đó là một cái kén bằng tơ vàng óng ánh, ấm áp, đẹp đẽ mịn màng vô cùng. Cùng một nghĩa ấy, Đức Phật có dạy:"Niệm mà không chấp có niệm mới là niệm, hành mà không chấp có hành mới là hành, nói mà không chấp có nói mới là nói, tu mà không chấp có tu mới là tu" (Kinh 42 chương).
Nhưng xả mà buồn rầu thì tốt hơn là đừng xả. Xả không phải là một sự hy sinh thường làm cho người hy sinh phải đau khổ. Xả mà còn tiếc nuối, còn than thở cho cái mà mình đã bỏ đi, xả với bộ mặt buồn rầu, than khóc như kẻ đi đưa đám ma, xả như thế nào có ích gì?
Xả phải đi đôi với hỷ. Phải xả với vẻ mặt hân hoan, vui mừng như người tù khi tháo gỡ xiềng xích. Ta sung sướng, vui mừng vì thấy mình nhẹ nhàng, khoan khoái hơn trước. Xả là một cử chỉ tháo gỡ để được giải thoát, cho nên ta vui mừng; chứ không phải là một sự trói buộc mà phải khóc than.
Phát triển được tánh hỷ xả như thế, tức là dưỡng tánh hỷ xả của Phật mà ta đã sẵn có, ở trạng thái tiềm tàng trong ta.
Thanh tịnh
• Định nghĩa
Thanh là trong, Tịnh là sạch. Thanh-tịnh là tánh trong sạch, không vướng cáu bẩn, nhơ nhớp, là tánh trầm lặng, không náo động ồn ào. Thanh-tịnh là tánh đã được gạn lọc khỏi những gì xấu xa ô uế tạp nhạp, lăng xăng trong cõi đời ô trọc nầy.
Không phải ở được nơi yên tĩnh, mát mẻ, mà đã cho đó là thanh-tịnh. Không phải chỉ ăn mặc sạch sẽ, tắm gội luôn luôn mà đã vội tưởng đó là thanh-tịnh. Thanh-tịnh của đạo Phật là trong sạch từ bên ngoài đến bên trong, từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói tới việc làm.
• Tánh chất thanh-tịnh trong đạo Phật
Như trên đã nói, thanh-tịnh theo nghĩa đạo Phật là sự trong sạch, vắng lặng hoàn toàn về mọi phương diện.
• Thân thanh-tịnh: thân thể phải luôn luôn tắm rửa sạch sẽ, không chải chuốt vuốt ve, cũng không tô son trét phấn. Áo quần phải luôn luôn thay giặt, không rách rưới, nhưng cũng không xa hoa, lòe loẹt, kiểu cách. Thức ăn uống phải giản dị, không rượu chè, trộm cướp, sát hại, dâm ô, hút sách, không cao lương mỹ vị. Chỗ nghỉ ngơi phải hợp vệ sinh, không giường cao nệm ấm, không trướng rũ, màn che.
• Khẩu thanh-tịnh: Lời nói luôn luôn chân thật, không thêm không bớt, không ngọt như mật, không cay như tiêu, chua như dấm; không suồng sã, bỡn cợt như bướm hoa; không sừng sộ, gầm thét như hùm như hổ; không hỗn hào như hổ như beo; không độc dữ như rắn, như rít; không nhọn hai đầu như đòn xóc; không sắc bén như gươm đao; không nặng nề như búa tạ. Trái lại, lời nói trong trường hợp nào cũng phải trong sạch, ôn tồn, đúng đắn, lợi ích cho mọi người, mọi vật ở chung quanh.
• Ý thanh-tịnh: Ý là phần quan trọng, chi phối tất cả những lời nói, cử chỉ, hành động, đời sống của con người. Ý trong sạch, thì đời sống dễ trong sạch, ý nhiễm ô thì đời sống bị xấu xa, hoen ố. Ý trong sạch là thế nào? Là không vẩn đục bởi nhũng tánh tham lam giận dữ kiêu căng, si mê, nghi ngờ. Mỗi khi ta suy nghĩ, tưởng nhớ một điều gì, mà tư tưởng ta không bị trộn lẫn bởi những tánh xấu nói trên, như thế là ý nghĩ ta được thanh tịnh. Ý ta không nhiễm mùi hôi tanh của những tánh ấy, không nghe tiếng gào thét, kêu gào, xúi giục, của dục vọng; ý ta trong sáng như thủy tinh, vắng lặng như mặt nước hồ im; ý ta chói sáng mặt trời Trí tuệ, thơm ngát hương Từ bi, như thế là ý thanh-tịnh.
• Hành động thanh-tịnh: Việc làm không vì danh lợi riêng cho mình, không vì thù oán, không vì khoe khoang, không vì dâm ô; nói tóm lại là không vì dục vọng mà làm, như thế là hành động thanh-tịnh.Người có hành động thanh-tịnh không mưu mô lừa đảo, không ỷ mạnh hiếp yếu, không ỷ giàu hiếp nghèo, không ỷ thế hiếp cô. Người có hành động thanh-tịnh không xu nịnh ai, không bợ đỡ ai, không sợ hãi ai để phải làm theo ý muốn bất chính của họ. Người có hành động thanh-tịnh bao giờ cũng thẳng thắn, đường đường, chính chính, không bao giờ có một hậu ý đen tối nào trong lúc làm việc.
• Công năng của thanh-tịnh
Như chúng ta đã thấy: mặc dù con người có Phật tánh nhưng vẫn mê mờ và trôi lăn trong cảnh giới tối tăm đau khổ, là vì con người đầy cả dục vọng, con người bị nhiễm ô, tánh Phật bị che lấp dưới bao nhiêu lớp bụi bặm của tánh xấu. Nên chúng ta cần phải có một đời sống thanh-tịnh. Ta phải mượn thanh-tịnh làm một cái chổi để quét bao nhiêu rác rến đang bao phủ lấy ta từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Tánh Phật như nước trong, dục vọng như cáu bẩn làm đục nước trong. Muốn làm cho tánh Phật không bị nhiễm ô, phải cần đến thanh-tịnh.
Thanh-tịnh rất cần thiết cho người tu hành. Thiếu đức tánh ấy, thì dù cố công trì chí bao nhiêu trong việc tu hành cũng vô ích, như nấu cát mà mong thành cơm. Dù ta có bao nhiêu việc bố thí lợi tha mà tâm ta thiếu thanh-tịnh, thì những việc làm ấy cũng mất hết ý nghĩa cao quý và hiệu quả của chúng.
Người thanh-tịnh sẽ có một đời sống nhẹ nhàng, thanh thoát, tâm không bận bịu một ý nghĩ đen tối nào; thân khoan khoái, dễ chịu. Người thanh-tịnh đi đến đâu như mang theo một vừng ánh sáng, một làn khí trong, như tỏa ra một mùi hương mát dịu. Người thanh-tịnh chẳng khác gì một đóa hoa sen, "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Với cánh trắng, nhị vàng, hương dịu, nó được người đời quý chuộng mến yêu, đặt lên bàn thờ tôn kính như thế nào, thì người thanh-tịnh cũng được như thế ấy.
• Gương thanh-tịnh của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
Khi còn tại gia, Đức Thích Ca sống giữa cảnh xa hoa, trong cung đàn tiếng nhạc, trong nệm gấm, mền nhung, giữa hương sắc dục lạc, thế mà Ngài vẫn không bị nhiễm ô, chìm đắm trong biển xa hoa, sa lầy trong vũng bùn nhục dục ấy. Ngài là hòn ngọc quý, rơi trong bùn mà không nhiễm bùn. Như đóa hoa sen quyết trồi đầu lên khỏi đám bùn thối tha. Ngài quyết thoát ra khỏi cảnh dục lạc ô uế trong cung vui để sống cuộc đời phóng khoáng, thanh thoát. Trong khi đi tìm đạo, mặc dù sống trong cảnh tối tăm nguy hiểm, Ngài vẫn luôn luôn giữ tâm ý trong trắng bình thản. Trước khi thành đạo, Ngài còn bị Ma Vương đem cung đàn tiếng nhạc, đem hương sắc mỹ nhân đến khuấy phá Ngài dưới gốc Bồ đề, nhưng bao nhiêu cố gắng phá hoại của ma vương đều vô ích, tâm hồn Ngài vẫn trong sáng như gương, bình thản như mặt nước hồ thu, mà gió dục vọng không còn đủ sức để thổi lên nữa.
Mặc dù Đức Phật đã nhập diệt trên hai ngàn rưỡi năm mà đức tánh thanh-tịnh của Ngài còn phảng phất trong cõi trời Á Đông trong các đền chùa, điện tháp. Mỗi khi chúng ta đến viếng một cảnh chùa theo đúng chánh pháp, chúng ta thấy trong người nhẹ nhàng, khoan khoái; chúng ta nghe như bao nhiêu tiếng kêu gào của dục vọng lắng xuống, im đi, để nhường chỗ cho một nỗi thanh thoát êm đềm lan dần trong tâm hồn ta.
• Người Phật tử phải dưỡng tánh thanh-tịnh như thế nào trong đời sống hằng ngày?
Như chúng ta đã thấy, tánh chất của thanh-tịnh bao gồm tất cả mọi phương diện của đời sống. Cho nên, muốn dưỡng tánh thanh-tịnh, chúng ta không thể chú trọng đến phần vật chất mà bỏ phần tinh thần, hay ngược lại, chú trọng phần tinh thần mà bỏ vật chất. Đừng bắt chước những người ngụy biện, hay bừa bãi, thường nói rằng:"tu là cốt ở tâm, hình thức không đáng kể. Ta thanh-tịnh ở trong lòng là đủ rồi". Nói như thế là không nhận rõ ảnh hưởng mạnh mẽ của hoàn cảnh. Nếu chúng ta muốn có thanh-tịnh mà sống giữa cảnh xa hoa trụy lạc, thường ngày bày ra trước mắt ta bao nhiêu trò ô uế, rót vào tai ta bao nhiêu nhạc điệu, lời lẽ dâm ô, xông vào mũi ta bao nhiêu mùi vị béo bùi, đắp vào mình ta bao nhiêu tơ lụa mơn trớn, nếu sống trong cảnh ấy mà ta không bị nhiễm ô, thì ta là một vị thánh. Những thánh nhân ở đời nầy thật quá hiếm hoi; cho nên ta rất dễ thành quỷ sứ.
Hoàn cảnh thanh-tịnh bên ngoài giúp ta dễ thanh-tịnh bên trong. Tất nhiên trong cõi đời đã gọi là ô trọc nầy, khó có cảnh hoàn toàn thanh-tịnh. Nhưng trong phạm vi tương đối, ta có thể tạo ra, hay tìm kiếm một hoàn cảnh tạm gọi là thanh-tịnh được. Ta tập sống có vệ sinh, điều độ, thứ tự. Ta tập xua đuổi những ý nghĩ xấu xa, đen tối. Ta tập hành động theo lẽ phải, theo bác ái, vị tha. Ta tìm những kinh sách có những tư tưởng trong sáng, tiến bộ để đọc, tìm thầy bạn có đạo đức để học hỏi kết giao, ta tìm những cảnh chùa theo đúng chánh pháp để tới lui tu dưỡng.
Trong khi chúng ta tìm được một hoành cảnh tạm gọi là thanh-tịnh, hành động những việc có tánh cách thanh-tịnh rồi, chúng ta đừng vội thỏa mãn, yên trí là chúng ta đã tiến bước trên con đường thanh-tịnh. Chúng ta cần phải đề phòng những ý nghĩ nhỏ nhiệm sâu kín, đen tối, xấu xa lén chen vào trong những công việc tốt đẹp của chúng ta, làm cho chúng trở thành hữu lậu, nhiễm ô. Sau đây là vài ba thí dụ thường thấy hằng ngày: Chẳng hạn khi ta cho kẻ hành khất một vài đồng bạc, vì lòng thành thật thương xót họ. Đó là một việc thiện quý báu; nhưng bên cạnh động lực chính ấy, ta còn có ý mong cho người xung quanh biết mình là kẻ nhân từ. Như thế là bố thí mà còn bị phiền não tham danh chen vào.
Khi một người hành khất đeo riết ta xin cho được, ta bực tức vất vào nón người ấy vài đồng để khỏi bị quấy rầy, như thế là bố thí mà không phải vì từ thiện, mà là vì sân hận. Khi ta giúp đỡ ai một điều gì, mà ta mong ước một ngày kia người ấy sẽ giúp đỡ lại ta, như thế là làm việc lợi tha với mục đích ích kỷ.
Khi ta mang ơn của ai mà vội vàng tìm cách để trả ơn, vì sợ để lâu ơn sẽ nặng, hay người làm ơn sẽ có dịp nhờ vả ta nhiều hơn, như thế là trả ơn mà động lực chính là bội bạc.
Khi ta là một kẻ giàu có, hay có địa vị cao mà ta ăn mặc xoàng xĩnh, rách rưới với dụng ý để cho người ta trầm trồ, khen ngợi, như thế là ta làm vẻ nhu mì với dụng ý khoe khoang.
Khi ta làm điều gì hay đẹp, do sự háo thắng hay cốt cho mọi người khen ngợi, như thế là ta ngạo mạn, muốn được hơn người.
Khi ta đến chùa, thành thật vì mục đích muốn hiểu đạo và cầu giải thoát, nhưng vì đến chậm hay thiếu chổ, ta phải đứng lạy sau người, hay ngồi nghe giảng vào hàng ghế cuối, hay ăn uống không được trọng đãi v.v… ta đâm ra buồn phiền trách móc:"Tôi như thế này mà nhà chùa để tôi đứng sau, ngồi dưới, xem thường, xem khinh v.v…" Như thế là đến chùa để tìm thanh-tịnh mà lại hóa ra đi ôm ấp thêm phiền não, ô trược.
Những thí dụ trên cho chúng ta thấy hoàn cảnh thì thanh-tịnh, việc làm thì đẹp đẽ, mà động cơ thì bất tịnh, nhiễm ô.
Vậy trong đời sống hằng ngày, mỗi lúc nghĩ, mỗi lúc nói, mỗi lúc làm, mỗi lúc nằm, ngồi, đi, đứng, chúng ta phải luôn luôn tự xét xem đã thanh-tịnh chưa. Trong trường hợp những nhiễm ô thô thiển dễ trừ, ta hãy mạnh dạn trừ ngay; trong trường hợp những nhiễm ô sâu xa, vi tế khó trừ, ta hãy tập phép quán "nhị không" để phá trừ ngã chấp và pháp chấp. Làm được như thế là ta đã dưỡng tánh thanh-tịnh của Phật mà mỗi chúng ta đều sẵn có, ở trạng thái tiềm tàng trong ta.
You may also Like
Labels
Có gi hot?
Nhà ngoại cảm HỒ VĂN DŨ
Nhà ngoại cảm HỒ VĂN DŨ
NHÀ NGOẠI CẢM NGUYỄN THỊ HƯỜNG - Chuyên gia đón tiếp Vong linh tại Miền Trung
NHÀ NGOẠI CẢM NGUYỄN THỊ HƯỜNG - Chuyên gia đón tiếp Vong linh tại Miền Trung
Pride and Prejudice (1995) - 6 Mini - Vietsub - Mediafire
Pride and Prejudice (1995) - 6 Mini - Vietsub - Mediafire
(Mediafire) A hazard of hearts (1987) - Sự may rủi của trái tim - NEW LINK
(Mediafire) A hazard of hearts (1987) - Sự may rủi của trái tim - NEW LINK
Nghịch tí cho vui...
Nghịch tí cho vui...
Một số trang web hỗ trợ thiết kế blog
Một số trang web hỗ trợ thiết kế blog
Cho phụ nữ tuổi 30 đẹp mặn mà
Cho phụ nữ tuổi 30 đẹp mặn mà
Cô bé 4 tuổi mồ côi bị cắt cụt 2 chân
Cô bé 4 tuổi mồ côi bị cắt cụt 2 chân
Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài áp vong gọi hồn
Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài áp vong gọi hồn
Linh hồn - Những điều bí ẩn
Linh hồn - Những điều bí ẩn
0 nhận xét :
Ghi chú cho mẫu nhận xét:
- [img] ..link..[/img].
- [youtube] ...link...[/youtube].
- [nct]...link...[/nct].