Tu tâm và dưỡng tánh - phần 2
Tùy Phiền Não
Thưa quý vị! Mưới món phiền não tôi vừa kể trên, trong kinh gọi là "Thập thiết". Nghĩa là 10 món xiềng-xích này nó xiềng- xích trói cột chúng-sanh không giải-thoát được sanh-tử luân hồi; cũng kêu là "thập-sử", vì nó sai sử chúng ta làm nô lệ cho thất tình lục dục lăn lộn trong ba cõi (Dục-giới, Sắc giới, Vô-sắc-giới) và quanh quẩn sáu đường (Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh, Thiên, Nhơn, A-tu-la) chịu khổ. Người học Phật phải phá trừ 10 cái xiềng xích này thì mới được tự do giải thoát và mới khỏi làm nô lệ cho thất tình, lục dục. Như thế gọi là "Tu Tâm".
Mười món trên đây, trong Duy-thức gọi là căn bản phiền não; nghĩa là 10 món phiền não gốc. Từ 10 món phiền não gốc này, sanh ra 20 món chi-mạt phiền não sau đây, trong Duy thức gọi là "Tùy phiền não", nghĩa là phiền-não chi-mạt từ nơi gốc mà sanh ra.
11. Phẫn là tức giận. Do đối với nghịch cảnh, trước hết nổi nóng lên (sân), kế đó sanh ra tức giận nghẹn ngào, nói chẳng ra tiếng, hoặc tuôn ra nước mắt lộ ra gương mặt hầm hừ, bộ dạng hung hăng, mất tánh ôn hòa nhã nhặn. Vì tức giận nên mới đánh đập chưởi mắng người, làm những điều tội lỗi. Vì tức giận mà đập bàn, vỗ ghế, la ó rầy rà, mất hết tư cách của người Phật-tử. Vì tức giận mà đánh người một cách tàn nhẫn; chẳng biết đã tay; giết người như chém chuối, không chút đau long!... Cũng có người tức giận bởi tình duyên trắc trở, mà đâm ra liều mình tự tử, uống thuốc độc hay trầm mình, hoặc giết con, đốt chồng v.v… như trên mặt báo thường kể.
Hàng Phật-tử chúng ta ôn hòa nhã nhặn; mỗi khi lòng tức giận nổi lên, phải định tâm niệm Phật, để dằn nó xuống. Như thế gọi là "Tu Tâm".
12.-Hận là hờn. Có 2: 1. –Hờn mát, nghĩa là hờn một chút thôi. 2.-Hờn thiệt, nghĩa là gặp việc gì trái ý, hờn hoài không bỏ. Người có tánh hờn mát, thì hay hờn lắm, dù là việc không đáng, nhưng chỉ hờn trong giây lát thôi. Còn người hờn thật, thì ít hay hờn, nhưng mỗi khi hờn, thì ít có bỏ qua được. Như lời tục nói "Hờn thâm xương"
Vì gặp nghịch cảnh, trước sanh ra nóng giận, sau khi giận không bỏ qua được, nên mới có "Hờn". Vì hờn nên ôm ấp oán thù. Bởi ôm ấp oán thù, cho nên lập mưu này kế nọ, để gặp cơ hội thuận tiện đặng trả thù. Như lời tục nói "Thù xưa chẳng đội trời chung" là vậy.
Cái "Hờn" này tuy nó ngấm ngầm, mà dễ sợ lắm! Cũng như lửa than, mỗi khi gặp bổi hay bùi nhùi, có hơi gió thổi, thì nó cháy phừng lên. Người ôm lòng "hờn oán" cũng thế: Nó chỉ ngấm ngầm trong tâm mà thôi, mỗi khi có người chọc ghẹo đến, hoặc gặp những việc trái ý, mặc dù chẳng xứng đáng chi, nhưng cũng nổi nóng lên làm dữ.
Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa
Người đang lúc ôm ấp cái "hờn", thì gặp cảnh nào cũng chướng mắt, thấy ai cũng muốn gây. Gặp những người như vậy, chúng ta không nên chọc ghẹo đến họ. Phật-tử chúng ta, quán sát cái "Hờn" có hại như thế, và trong lúc ta hờn người, sẽ nặng lòng mình! Sách nói: "Oán gia nghi giải bất nghi kết" (việc oán thù nên cởi mở, không nên trói cột). Suy xét như vậy mà dẹp trừ dần đi. Như thế gọi là "Tu Tâm".
13- Não là buồn rầu, bứt rứt. Vì gặp những việc trái ý trước nóng giận và hờn, bởi không bỏ được, nên mới có buồn. Buồn man mác, bứt rứt nơi lòng không vui được, hiện ra ngoài gương mặt buồn buồn! Cằn cằn, cửi rửi, hoặc chẳng muốn nói cuời. Ai có hỏi đến thì nói xuôi xị, nếu ai động đến thì gây liền.
Cái buồn man mác này tuy không ra gì, chớ khó lòng lắm! Nhứt là khi tụng kinh, niệm Phật nó thường nổi lên. Nếu chúng ta không hỷ xả được, thì nó làm cho ta buồn mãi không vui, có nhiều khi phải thối chí với đạo.
Chúng ta cũng nên phân biệt cho rõ: Nóng (sân), Giận (phấn), Hờn (hận). Buồn (não), bốn món tâm sở này khác nhau, từ hành tướng cho đến công-năng đều khác. Nếu không khác, thì sao có 4 danh từ khác nhau. Tôi xin tạm thí-dụ để quý vị dễ nhận: Sân (nóng) cũng như lửa rơm, nó chỉ cháy bừng lên, một cách cấp tốc. Giận cũng như lửa củi, phừng phừng cháy tới, khó dập tắt liền được. Hờn,cũng như lửa than, không lên ngọn mà vẫn cháy hoài, nóng lắm. Buồn, cũng như ngọn lửa tàn, tuy hết cháy chớ nó còn vùi trong tro nóng, và cũng nóng hầm cả buổi mới nguội.
Hàng Phật-tử chúng ta cố gắng dập tắt lửa lòng, không còn chút gì ham nóng; làm sao cho tâm mình mát mẻ như nước ao A-Nậu (thanh lương thủy). Như thể gọi là "Tu Tâm".
14.- Phú là che giấu tội lỗi của mình. Mình làm điều gì sai quấy, không chịu phát-lồ sám hối; vì sợ người ta biết rồi xấu hổ,mất danh tiếng và quyền lợi của mình, nên che giấu. Đâu biết rằng "ai cho khỏi lỗi"; người có lỗi mà biết phát-lồ sám hối là một điều hay, làm cho ai nấy đều chứng biết tội lỗi của mình; từ đó về sau mình không dám làm nữa. Cũng như cái áo dơ có giặt thì áo mới sạch, nhọt được mổ rửa thì nhọt mới mau lành. Trái lại, che giấu thì tội lỗi càng thêm; trong lòng ăn năn buồn bã không an. Cũng như mụt ghẻ không chịu mổ rửa, thì nó đau nhức nhiều ngày, áo dơ chẳng giặt thì mùi hôi không hết. Bởi thế, người tu Phật có lỗi không được che giấu mà phải phát-lồ sám hối, tội ấy mới được trong sạch. Theo thường lệ, Phật-tử mỗi tháng phải phát-lồ sám hối hai lần, là ngày 14 và 29 ( tháng thiếu 28), thì tội nghiệp mới được tiêu trừ. Như thế mới gọi là "Tu Tâm".
15.- Tật là tật đố, ganh ghét. Thấy người có tài hay, danh tiếng tốt, đức cao, quyền trọng, mình sanh lòng đố kỵ ghen ghét. Thấy người vinh hiển, mình lấy làm xốn mắt, chướng tai, trong lòng xốn xang khó chịu, lộ ra cử chỉ nhún trề, háy nguýt, kiếm chuyện nói xấu, làm cho giảm danh giá của người. Đây là tánh tiểu nhơn, người tu Phật phải cố dẹp trừ tâm tật đố. Như thế gọi là "Tu Tâm".
16.- Xan là bỏn xẻn rít-rắm, người đời kêu là hà tiện. Có tiền của rất nhiều, nhưng không chịu đem bố thí giúp đỡ cho ai; từ vật nhỏ cho đến vật lớn, dù gặp người đói rách hoạn nạn cũng mặc tình. Biết được nghề hay, hay hiều được giáo pháp, không chịu chỉ dạy cho người; dù có dạy cũng sơ sài mà thôi; thà chết đem theo, chớ không muốn dạy người. Làm bộ tịch như người quê mùa nghèo khó, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc. Chứa để của cải, đến đỗi hôi thúi, hư mục rồi đem đổ bỏ; tiền bạc để mối ăn, rồi trách đất kêu trời, chớ chẳng bố thí một xu, hay cho người một lon gạo.
Người tánh tình-rít rắm ấy, hiện đời không ai ưa, sau chết rồi làm loài ngạ quỉ. Hàng Phật-tử chúng ta, phải tự xét lấy tâm mình, nếu có tánh bỏn xẻn về tài sản hay giáo pháp phải mau sửa đổi đi. Như thế gọi là "Tu Tâm".
17.-Cuồng là dối gạt người. Vì cầu danh-lợi, nên dối hiện như người thật thà, hiền hậu, hoặc làm như người tu hành có phước đức lắm. Miệng Phật tâm rắn, lập những hạnh lạ thường, làm nhiều điều khác chúng, bày những việc không thật, gạt gẫm, phỉnh phờ người, để trông cầu danh tiếng tài lợi. Người học Phật phải tự kiểm điểm mình, nếu có tánh dối trá ấy, phải sửa đổi liền đi. Như thế gọi là "Tu Tâm".
18.-Kiêu là kiêu căng. Ỷ mình giàu có, quyền thế, danh vọng, hoặc tài hay rồi kiêu-căng, phách lối coi người không ra gì, khinh người không thèm tiếp, gặp người chào hỏi chẳng trả lời; hiêu hiêu tự đắc, mục hạ vô nhơn. Người có tánh kiêu-căng thì chẳng ai ưa, tự tổn âm- đức của mình. Phật tử chúng ta, tự xét lấy mình nếu có tánh kiêu căng này phải mau sửa đổi. Như thế gọi là "Tu Tâm"
19.-Siểm là bợ đỡ, dua nịnh. Đối với người có quyền thế hoặc giàu có v.v…bợ đỡ, nịnh hót, chìu uốn cho được lòng người. Làm bộ cung kính và khen ngợi người, trau chuốt lời nói không thật, để lợi dụng tiền của quyền thế hoặc công lao của người. Phật tử chúng ta, tự xét lấy mình, nếu có tánh bợ đỡ dua nịnh, phải sửa đổi đi. Như thế gọi là "Tu Tâm" .
20.-Hại là làm tổn hại. Đối với các loài hữu tình đã không có lòng từ bi thương xót, lại làm tổn hại chúng nó. Mặc dù những loài vật ấy không động phạm đến mình, nhưng hễ gặp đến thì vẫn muốn giết hại, như cào cào chấu chấu v.v… nếu không ngắt cánh, thì cũng bẻ giò. Một tỷ-dụ nữa: như trái cây của người, những trái dùng được thì hái ăn đã đành, còn những trái non nớt, ăn không được cũng bẻ phá. Tánh phá hại này làm tổn hại đức "Bi" của mình. Người học Phật cần phải sửa đổi. Như thế gọi là "Tu Tâm" .
21.-Vô Tàm là không biết hổ. Nghĩa là: làm việc sái quấy, đối với lương tâm, mình không biết hổ
22.- Vô Quí là không biết thẹn. Nghĩa là: làm việc sái quấy, đối với người khác mình không biết thẹn. Thấy người Hiền không biết kính trọng, gặp việc phải chẳng màng. Bởi làm việc quấy không sợ người chê cười, nên tội ác mỗi ngày càng thêm lớn.
Người không biết hổ thẹn, thì không đủ tư cách làm người, bị chúng khinh cười, không còn giá trị.
23.-Điệu cử là lao chao. Tâm tánh lao chao không được trầm tĩnh. Nhiều khi thố lộ nơi thân: nhịp vế rung đùi, đứng ngổi lật đật. Phát hiện nơi miệng: nói năng lắp bắp, cười cợt không ngừng. Người tánh nết lao chao, thì không ra người lớn. Nếu người có tư cách Đại nhơn, nhứt là nhà Tu sĩ, phải cố gắng hàng phục tâm điệu-cử này. Nếu thắng được nó, thì mới trở nên người đàng hoàng, đứng đắn. Tu như thế gọi là "Tu Tâm".
24.- Hôn Trầm là mờ mịt. Như trong lúc chúng ta nghe kinh, ngồi nghe một hồi rồi mơ màng, ngủ không phải ngủ, vì tai vẫn nghe nói pháp văng vẳng, nhưng không nghe rõ vị Giảng-sư nói gì. Một tỷ-dụ khác: như trong lúc chúng ta ngồi yên, tưởng Phật hay niệm Phật, tưởng niệm một hồi tâm mơ màng rồi ngủ gục, không còn biết tưởng niệm gì nữa cả, mặc dù tay đương lần chuỗi, miệng vẫn niệm Phật.
25.-Tán Loạn là rối loạn. Tâm nghĩ xằng xiên tản mát, phân biệt lăng xăng, rong ruổi theo cảnh trần. Bởi tán loạn nên tâm không định, vì tâm không định, nên không phát sanh trí huệ, do không trí huệ, nên không đoạn được vô minh phiền não. Phiền não không đoạn thì không bao giờ thành đạo, chứng quả được. Tỉ dụ như cái đèn bị gió xao, không đứng yên, nên không sáng tỏ. Bởi không sáng tỏ, nên không phá trừ tối tăm. Tâm tán loạn làm chướng ngại chánh định và huệ. Người học Phật phải cố gắng dẹp trừ. Như thế gọi là "Tu Tâm"
Thưa qúy vị!
Quý vị cũng nên phân biệt một chút, để cho rõ hành tướng của 3 món tâm sở này:
1.- Điệu cử/trạo cử là tâm lao chao; 2- Tán loạn là tâm vọng tưởng, rối loạn; 3- Phóng dật là tâm buông lung. Tôi xin tỷ dụ để cho rõ 3 món tâm sở này:
1.- Như con ngựa cột ở trong chuồng, tuy đứng một chỗ, nhưng đầu và mình vẫn lắc qua, lắc lại, như thế là dụ cho tâm lao chao. 2- Con ngựa không còn bị cột đứng một chỗ nữa, nó chạy tới chạy lui lăng xăng trong chuồng, như thế dụ cho tâm tán loạn. 3.- Đến lúc ngựa tông chuồng, rong ruổi theo cái, hoặc phá hại khoai bắp của người v.v…như thế dụ cho tâm buông lung. Hành tướng của 3 món tâm này, khác nhau như thế.
Ba món tâm sở: điệu cử/trạo cử (lao chao), hôn trầm (ngủ gục) và tán loạn này, in tuồng không hại chi lắm; nhưng đối với người tu hành, nó rất chướng ngại! Vì trong khi tụng kinh, niệm Phật, tham thiền, quán tưởng, thì phần nhiều bị tâm sở điệu cử và tán loạn nổi lên: Nghĩ nhớ xằng xiêng, hết chuyện này đến chuyện khác. Có khi những chuyện đã qua 5,10 năm về trước, song đến lúc tụng kinh, niệm Phật, thì nó đua nhau khởi lên không sót một việc. Khi biết đó là tán loạn, là vọng tưởng, hành giả liền dẹp trừ không tưởng đến, nhưng vừa bỏ được chuyện này, thì nó khởi lên chuyện khác. Hoặc những việc làm ăn hằng ngày, đến khi tụng kinh, niệm Phật nó lại nổi lên hết. Khi dẹp trừ tâm sở tán loạn (vọng tưởng) vừa êm êm, thì tâm sở hôn trầm (ngủ gục) lại nổi lên. Hành giả phải cố gắng để tâm, cử niệm, dẹp trừ được hôn trầm (ngủ gục) thì tán loạn nổi lên…. Tán loạn, điệu cử và hôn-trầm 3 món tâm sở này, thay nhau khuấy nhiễu người mới tập tu thiền, niệm Phật không ít. Thắng được 3 món tâm sở này không dễ, mà có thắng nó mới được thành công. Hành giả phải trải qua một thời gian hơi lâu và dụng công nhiều mới thắng được.
26- Phóng Dật là buông lung, không biết tự kềm thúc lấy mình. Tánh nghinh ngang không trọng kỷ luật, không giữ giới pháp của mình đã thọ. Nói năng, giỡn cười tự do muốn làm gì thì làm, người khuyên nhắc không nghe, nên ác nghiệp mỗi ngày càng tăng, phước lành tổn giảm. Người đời vì tánh buông lung cờ bạc rượu trà, ăn chơi phá tán, nên nhiều khi của cải tiêu tan, thân thể bịnh hoạn. Người tu Phật, phải dẹp trừ tánh buông lung này, thì tu hành mới được thành công. Tu như thế gọi là "Tu Tâm"
27.- Bất Tín là không tin. Không tin nhơn quả tội phước, không tin giáo pháp chơn chánh của Thánh Hiền, không tin điều hay lẽ phải. Vì không tin cho nên không làm, vì không tin cho nên sanh ra biếng nhác, ưa thích những điều ô nhiễm, làm cho tâm tánh đen tối. Hàng Phật-tử phải trừ tâm bất tín. Như thế gọi là "Tu Tâm"
28. Giải Đãi là biếng nhác, trễ nãi. Bất luận việc nhỏ hay việc lớn, đều biếng nhác không muốn làm. Giả sử có làm thì cũng sơ sài, cẩu thả hoặc nửa chừng rồi bỏ, làm chừng nào rồi cũng được. Trong giới sĩ, nông, công, thương các nghề nghiệp, nếu người có tánh giải đãi thì công việc khó thành, dầu có thành cũng không được tốt đẹp. Người tu hành do giải đãi nên lâu được thành đạo, chứng quả. Vô số kiếp về trước, Phật Thích Ca và Đức Di Lặc, hai ngài đồng thời tu hành. Đức Thích Ca khi tu hành Bát nhã Ba la mật đa nhờ tinh tấn mà thành Phật trước Đức Di Lặc một tiểu kiếp. Ngài Di Lặc do giải đãi,nên hiện nay vẫn còn làm Bồ tát. Chúng ta phải trừ tánh giải đãi của mình, thì sự tu hành mới chóng thành công đắc quả. Tu như thế gọi là "Tu Tâm".
29.-Thất Niệm là không nhớ. Nghĩa là không chăm chú, để ý đến công việc làm của mình. Vì quên mà hư hỏng nhiều việc lớn lao! Người tu thiền hoặc niệm Phật, vì không nhớ chánh niệm nên vọng niệm dễ sanh. Bởi thế, người tu Phật phải định tâm, chú ý và dẹp trừ thất niệm (quên chánh niệm). Như thế gọi là "Tu Tâm"
30.- Bất Chánh Trí là hiểu biết không chánh đáng. Nghĩa là hiểu tà vạy, hiểu mê lầm. Vì hiểu lầm nên mới làm sai; có khi cũng vì hiểu lầm mà phải xích mích với nhau. Thế nên người học Phật, phải hiểu biết rõ ràng và chánh đáng. Khi tiếp xúc một việc gì, phải phán đoán và suy xét cho kỹ, để tránh những sự hiểu lầm hoặc không chánh, có thế mới tránh khỏi được những hành vi không hay. Biết sửa đổi như thế gọi là "Tu Tâm" .
Thiện Tâm Sở
Thưa quý vị! Tôi đã kể rõ 30 tên giặc phiền não, nào tên họ, tài năng và hành tướng của chúng một cách tường tận rồi, bây giờ tôi xin nói qua đạo binh hiền từ ở trong tâm chúng ta. Đạo binh này chẳng khác nào như các vị Trung-thần. Nước nhà được thạnh-trị, dân chúng được hưởng hạnh phúc thái bình an lạc, vua giữ vững được ngai vàng, đều nhờ các vị Trung thần. Chúng ta được làm Quân-tử, hay thành Thánh Hiền, cũng nhờ đạo binh hiền từ ở nơi tâm chúng ta, thắng được giặc phiền não vậy.
Đạo binh này có 11 anh.
1. Tín là tin. Trong kinh nói : " Lòng tin là mẹ sanh ra các công đức". Vì có tin nhơn quả, tội phước, nên mới bỏ dữ làm lành, có tin tu hành sẽ được giải thoát, nên mới quyết tu; tin giữ giới có nhiều công đức, khỏi đoạ trong tam đồ ác đạo, cho nên mới phát nguyện giữ giới. Trong Duy-thức chép: " Đức tin cũng như hột châu thanh thủy, hay làm cho nước được trong . Đức tin này, nó làm cho tâm mình được thanh tịnh". Do có tin nhân quả, tội phước nên mới hăng hái bỏ những việc ác và ưa làm việc lành. Vậy đức tin là điều cần yếu của người tu hành (mê tín thuộc về ác kiến tâm sở)
2. Tinh Tấn là siêng năng, chăm làm. Đối với việc dữ siêng năng dứt trừ, với việc lành siêng năng làm theo. Người học trò nhờ siêng năng nên mau giỏi. Người làm ruộng nhờ siêng năng nên thâu góp lúa thóc được nhiều. Người đi buôn nhờ siêng năng nên của tiền mau phát thạnh. Người làm thợ nhờ siêng năng nên công nghệ mỗi ngày thêm phát đạt. Người tu hành nhờ siêng năng, mà mau được thành đạo, chứng quả. Thuở xưa Đức Thích Ca khi tu hành Bát nhã Ba la mật đa nhờ siêng năng, nên mới thành đạo trước đức Di Lặc. Nói tóm lại, siêng năng là một đức tính tốt, cần thiết cho tất cả mọi người, để dùng trong tất cả trường hợp (siêng năng cờ bạc, rượu trà, coi hát v.v.. là phóng dật tâm sở (buông lung) thuộc về phiền não, chớ không phải thiện tâm sở, xin quý vị chớ lộn ).
3. Tàm là tự mình xấu hổ. Phàm làm việc gì có tội lỗi, đối với lương tâm, mình biết xấu hổ. như chúng ta tham lam, gian lận một vật gì của ai, đối với mình lấy làm xấu hổ: " Ta là phật tử đã thọ giới pháp của Phật dạy, không được tham lam trộm cướp, mà lại còn tham lam, gian trá làm sự tội lỗi như thế ư!".
4. Quí là thẹn với người. Đối với người khác, mình hết sức thẹn thuồng; như trong lúc chúng ta uống rượu, tự xét rằng: " Ta là Phật-tử đã hứa trước Đức Phật và Chư Tăng không uống rượu, mà hôm nay ta lại uống rượu say sưa như vầy, thì ta đâu còn phải là Phật tử nữa, nên hết sức hổ thẹn. Đối với những bạn đồng quy y, thọ giới có ai say sưa như ta không? Rồi thẹn thuồng với người.
5. Vô Tham là không tham lam. Đối với tiền tài không tham, vì biết các pháp là vô thường; sắc đẹp không muốn vì quán thân là bất tịnh; danh vọng chẳng màng, vì biết thọ là khổ, mà chỉ an phận tùy duyên. Do không tham lam nên không giành giựt, bởi không giành giựt nên không đánh đập, chém giết nhau. Nếu tất cả mọi người trên thế giới đều không tham lam; không xâm chiếm thị trường, không xâm chiếm đất đai lẫn nhau, thì chắc chắn thế giới sẽ hòa bình an lạc.
6. Vô Sân là không nóng nảy, giận hờn. Sân hận là một điều hại lớn. Kinh Hoa-Nghiêm nói: "Nhứt niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai". Nghĩa là một niệm sân hận nổi lên thì trăm ngàn tội chướng đều sanh ra. Ngạn ngữ có câu: " Ăn nóng quá mất ngon, giận tức lắm mất khôn". Không sân hận" là một anh kiện tướng dẹp trừ được giặc phiền não sân hận. Muốn cho đức tánh không sân hận có này đủ lực lượng để dẹp trừ lòng sân, thì cần phải tu pháp quán Từ-bi hay Nhẫn nhục là nhịn chịu các điều nhục nhã, không sân hận. Duy có đức từ bi và nhẫn nhục, mới rưới tắt được lửa sân hận. Chúng sanh nhiều kiếp sanh-tử luân hồi, bởi không thắng nổi lòng sân. Chư Phật được tự tại, giải thoát, là do dứt trừ được lòng sân tận gốc. Bởi thế nên Phật tử chúng ta phải tập tánh không sân hận. Như thế gọi là "Tu Tâm".
7. Vô Si là không mờ ám, si mê. Đối với tất cả việc, lúc nào cũng có trí huệ sáng suốt, suy xét, phán đoán việc tà, chánh, hay, dở, phải, trái v.v…Do đó, việc làm mới chánh đáng, tránh khỏi những điều tai hại, vừa lợi ích cho mình và người ở hiện tại cũng như ở tương lai.
8. Khinh An là thân tâm nhẹ nhàng, thơ thới, làm việc vui vẻ, không mờ mịt (hôn trầm) nặng nề, được khoan khoái yên vui. Người mà thân tâm được nhẹ nhàng, thơ thới, thì trí huệ mới sáng suốt, học hành mau nhớ, tu niệm mau thành công, suy nghĩ chuyện gì cũng mau lẹ. an vui.
9. Bất Phóng Dật là không buông lung, biết tự kiềm thúc lấy mình, để tiến trên con đường chơn tánh. Lo làm các việc lành, không buông lung cờ bạc, rượu trà, phá trai, phạm giới, làm những điều ích kỷ tổn nhơn. Người học Phật biết tự kiềm thúc lấy mình, mới gọi là người biết "Tu Tâm”.
10. Hành Xả là làm mà không cố chấp. Có hai: 1. -Nếu gặp những cảnh trái ngược, làm cho ta đau khổ, phải xả bỏ ngay đi, thì ta mới được hết khổ. Tỷ như bị người chọc giận, nếu ta cố chấp mãi, thì trong lòng ta sẽ bực tức, nặng nề khó chịu. Nếu ta liền hỷ xả, thì sẻ thấy lòng ta nhẹ nhàng vui vẻ. 2.- Mỗi khi ta làm được điều lành, không nên cố chấp và ghi nhớ mãi. Nếu cố nghĩ đến việc lành ta đã làm, nhiều khi sanh ra tánh tự cao, rồi sẽ đi dần đến chỗ tự kiêu hay tự đắc, hoặc cho như thế là đủ rồi không làm nũa. Tỷ dụ như ta cho người ăn xin một trăm đồng bạc, nếu ta nhớ mãi thì chút nữa có người khác đến xin, ta quyết không cho, vì ta nhớ vừa mới cho một trăm đồng rồi. Trái lại, nếu cho rồi mà không ghi nhớ, thì một lát sau có người khác đến xin, ta có thể cho nữa, nhờ ta biết xả, không nhớ mình đả có cho vậy.
11. Bất Hại là không làm tổn hại người và vật. Đối với mọi người và mọi vật, nếu chúng ta không làm được lợi cho họ thì thôi, chớ không nên làm tổn hại. Vì người khác làm tổn hại mình, mình đã không chịu, thì chúng ta chớ nên làm tổn hại người. Không làm tổn hại người và vật, là chúng ta tạo cho mình một nhân tốt, sẽ đưa đến đức tánh từ bi của Phật.
Tóm lại, chúng ta biết nuôi dưỡng 11 đức tánh Thiện này, như thế là " Tu Tâm".
Điều Cốt Yếu Nhứt Là Hằng Ngày Chúng Ta Nên Tự Kiểm Thảo Tâm Niệm Của Mình
Thưa quý vị!
Chúng ta đã hiểu rõ trong tâm mỗi người đều có 11 anh tướng lành và 30 tên giặc phiền não. Quý vị đã biết hình dạng, tên tuổi và tài năng, binh tướng của ta và của giặc rồi. Vậy chúng ta thường ngày, nên tự kiểm thảo từng giờ, từng phút: khi một tâm niệm nổi lên, chúng ta xem xét nó là thiện hay ác, Cũng như người cầm binh ra chiến trường, vừa thấy bóng người thấp thoáng, phải quan sát cho kỹ, đây là binh tướng của ta hay của giặc. Có thế mới khỏi cái hại " nhận giặc làm con" và mới mong dẹp trừ được giặc.
Như trong lúc chúng ta thấy tiền của, sắc đẹp danh vọng v.v… sanh lòng "tham muốn", đó là tham tâm sở hiện ra, nó là giặc phiền não. Chúng ta phải mau mau trừ đi, như thế gọi là "Tu Tâm"
Trong lúc chúng ta gặp cảnh trái nghịch, "nổi nóng" (sân), "tức giận" (phẫn) lên, "oán hờn" (hận) và "buồn bã bực tức" (não) thối đạo, nản lòng, đó là phiền não tâm sở hiện ra. Nó là giặc đến hại ta, nó sẽ đốt tiêu rừng công đức và phá hoại thành Niết bàn của ta. Ta nhiều kiếp sinh tử luân hồi cũng vì nó. Vậy người Phật tử phải mau trừ đi; như thế gọi là "Tu Tâm".
Trong lúc chúng ta làm điều tội lỗi, phá trai, phạm giới mà không hổ thẹn với lương tâm, không thẹn với chúng bạn, thế là hai món phiền não "không hổ" và "không thẹn" hiện ra. Nó là giặc phá hại, chúng ta phải lập tức trừ đi.
Đến giờ tụng kinh, niệm Phật hay đến ngày lễ phải đi chùa lễ Phật nghe kinh, mà chúng ta thấy trong người dã dượi chẳng muốn đi; đó là tâm sở "giải đãi" là giặc; hay chỉ muốn đi coi hát, hoặc đánh bài v.v… đó là tâm sở "buông lung", thuộc về giặc phiền não, chúng ta phải trừ đi, như thế gọi là "Tu Tâm".
Trong lúc chúng ta làm điều tội lỗi mà che giấu, không chịu phát lồ sám hối; đó là tâm sở "phú" thuộc về giặc phiền não. Khi chúng ta thấy người có tài năng, danh vọng, hay được lợi lộc, mà sanh lòng ghen ghét không ưa; đó là tâm sở "tật đố", cũng thuộc về giặc phiền não.
Khi chúng ta biết được việc hay, không chịu chỉ dạy cho người, hoặc thấy người thiếu thốn về vật chất, mình có của mà không giúp đỡ; đó là tâm sở "bỏn xẻn" thuộc về phiền não. Nếu giặc phiền não cường thạnh, thì nó sẽ phá hại chúng ta vô cùng vô tận.
Trong lúc tụng kinh, niệm Phật mà thấy tâm mình lao chao không yên tĩnh, hoặc miệng nói lắp bắp, nói chuyện gì cũng không đáng chuyện gì, ngồi đâu thì nhịp đùi, rung vế, hoặc đứng ngồi không tề chỉnh; đó là "điệu cử tâm sở". Còn nghĩ tưởng xằng xiêng là "tán loạn tâm sở".
Trong lúc tụng kinh, niệm Phật mà tâm tánh mơ màng, nặng nhọc (ngủ gục) đó là "hôn trầm tâm sở" thuộc về giặc phiền não; trái lại nhẹ nhàng khoan khoái, tụng niệm sáng suốt là "khinh an tâm sở" thuộc về đạo binh lành.
Xin xăm, bói quẻ, cầu thần, đảo qui, làm những điều mê tín, dị đoan, đốt vàng bạc, giấy tiền, lầu đài kho phướng, chấp chặt theo thành kiến của mình, không tin lời nói phải, hoặc làm theo tục lệ cổ truyền không chánh đáng, giữ gìn theo những giới cấm tà đạo; như thế đều thuộc về "tà kiến" (ác kiến) tâm sở. Đó là giặc phiền não, chúng ta phải mau dẹp trừ. Như thế gọi là "Tu Tâm".
Đối với người, ta dùng những mưu mô để lừa dối, nói năng xảo trá , đó là "cuồng tâm-sở", thuộc về phiền não; hoặc nói những lời nịnh hót, bợ đỡ, người hỏi không đáp, là "siểm" và "kiêu tâm sở"; có ý khinh rẻ, hiếp đáp lấn lướt người, là "ngã mạn tâm sở". Trên đây thuộc về giặc phiền não cả, chúng ta phải diệt trừ. Như thế gọi là "Tu Tâm".
Mỗi khi chúng ta thấy việc đạo, sốt sắng ra làm, là "tinh tấn tâm sở"; đến giờ tụng kinh niệm Phật siêng năng, là "tinh tấn tâm sở", thuộc đạo binh lành. Lỡ làm điều gì tội lỗi đối với mình hết sức hổ, với người hết sức thẹn, đó là "tàm" và "quí" tâm sở, cũng thuộc về lành. Thấy vàng bạc, của cải, danh vọng, sắc đẹp không tham, đó là " vô tham tâm sở", thuộc binh tướng lành. Đối với cảnh nghịch, lòng không nóng nảy, giận hờn, đó là " vô si tâm sở", cũng thuộc về lành. Gặp một việc gì, ta sáng suốt phán đoán hay dở, lợi hại, là "vô si tâm sở". Không cờ bạc rượu trà phá trai phạm giới, buông lung phóng đãng đó là " bất phóng dật tâm sở". Gặp những việc người ta làm cho mình đau khổ mà mình hỷ xả; làm được việc gì hay, tốt, có công đức mà không chấp trước (nghĩ đến) là "hành xả tâm sở". Không giúp ích được người và vật thì thôi, chớ không làm tổn hại, đó là "bất hại tâm sở". Trên đây đều thuộc về đạo binh hiền từ của chúng ta, chúng ta nuôi dưỡng làm cho nó mạnh mẽ thêm lên, mới mong thắng được giặc phiền não trên kia. Như thế gọi là "Tu Tâm"
Nói tóm lại, hàng ngày và từng giờ từng phút, chúng ta phải thường tự kiểm thảo tâm mình như thế. Mỗi khi có một niệm nổi lên, chúng ta phải thường tự kiểm thảo tâm mình như thế. Mỗi khi có một niệm nổi lên, chúng ta phải xét ngay coi là thiện hay ác. Nếu ác, thì chúng ta phải mau mau dẹp trừ; còn thiện, thì chúng ta phải làmsao cho nó thêm tăng trưởng. Nếu giặc phiền não nổi lên, mà chúng ta để cho nó tự do hoành hành, không sớm dẹp trừ, thì nó sẽ phá tan nước Công đức, cướp đoạt thành Niết bàn của chúng ta; làm cho ta thành kẻ đê hèn và nô lệ cho vật dục, hoặc phải đọa trong ba đường dữ là Địa ngục, Ngạ quỉ và Súc sanh.
Trái lại, đạo binh từ thiện trong tâm chúng ta, nếu chúng ta biết nuôi dưỡng nó. Làm cho nó được mạnh mẽ, hùng dũng, thì nó sẽ đánh tan được giặc phiền não, giữ gìn nước Công đức, bảo thủ thành Niết bàn, làm cho ta trở nên hiền, thánh hay Phật.
Đạo binh hiền từ, kháng chiến với giặc phiền não trong nội tâm chúng ta như thế, không những từng ngày, từng giờ mà phải luôn luôn từng phút từng giây; không phải một năm hai năm, mà phải nhiều đời nhiều kiếp, mới thắng được giặc phiền não. Kháng chiến như thế mới thật là " trường kỳ kháng chiến". Như Đức Phật Thích Ca phải trải qua bao vô số kiếp tu hành, mới hoàn toàn thắng được giặc phiền não, thành quả vị Phật. Thành một vị Phật như thế, thật đâu có phải dễ, vì thế nên gọi là "Phật bảo". Bởi thế nên, chúng ta dù suốt đời lạy Ngài đi nữa, cũng chưa xứng.
Có người nghĩ rằng: "Tu hành là việc khó, mà phải trải qua bao vô số kiếp mới thành Phật thì lâu quá, ai làm được!"
Thưa quý vị! Sách nói: "Thế thượng vô nan sự, đô lai tâm bất chuyên". Nghĩa là: Trên đời không có việc chi khó, chỉ tại tâm mình không chuyên cần. Nếu không ai làm được, sao Đức Phật Thích Ca khi tu hành Bát nhã Ba la mật đa và nhiều Đức Phật khác lại thành được. Phật đã dạy rằng: " Kia là trượng phu, thì ta đây cũng vậy, chớ nên tự khinh mình mà lui sụt". Người nghĩ sợ như thế, chẳng khác nào như người học trò lớp năm, mà trông lên địa vị Thạc sĩ hay Bác sĩ, rồi họ thối chí và nói rằng: "Học đến hai mươi mấy năm mới đậu Thạc sĩ ai học được!". Thật ra ông Thạc sĩ lúc đầu tiên cũng học lớp năm như ai vậy. Tuy biết rằng đường dài, nhưng từy theo sức mình, tu được bao nhiêu, sẽ được lợi ích bấy nhiêu. Như người học lớp năm; khi lên nhứt, thì vẫn thấy lợi ích học ở lớp nhứt, cho đến khi lên trung học, đại học, v.v… thì đều có lợi ích ngang các cấp ấy; học được lớp nào cũng đều có lợi ích cả. Dù Bác sĩ hay Thạc sĩ, trong lúc đầu tiên cũng học ở lớp năm (lớp một) như ai. Như quý vị đạo hữu thọ ngũ giới thì chỉ thấy ích lợi ở ngang năm giới; đến khi thọ giới Bồ Tát, thì được lợi ích ở giới Bồ Tát. Dù thành quả Phật cao siêu, song lúc đầu tiên, quí Ngài cũng như chúng ta vậy.
Thưa quý vị! Thắng được giặc phiền não, không phải là một việc dễ, phải trải qua một thời gian lâu xa đến bao vô số kiếp mới hoàn toàn thắng được; có thắng được mới thành Phật. Vậy chúng ta trong lúc thấy những người tu hành còn tham sân v.v… chớ nên trách họ. Vì còn phiền não cho nên họ mới tu. Nếu hết phiền não thì họ đã thành Phật rồi, cần gì phải tu nữa. Cũng như còn kháng chiến tức là còn giặc; đã còn giặc thì có khi thắng trận, mà cũng có lúc bại trận. Người ở trong vòng tu hành cũng thế, có khi thắng được giặc phiền não, mà cũng có lúc giặc phiền não thắng. Vậy chúng ta không nên trách: "người tu sao còn tham, sân v.v…"
Thưa quý vị! Chúng ta từ hồi nào đến giờ , bị giặc phiền não xâm chiếm, cướp mất chủ nhơn ông (chơn tâm). Nó trói cột, xiềng xích, làm cho ta mất tự do; bị nó sai sử, đầy đọa bắt ta làm nô lệ cho thất tình lục dục, mất độc lập. Vậy chúng ta phải nỗ lực dùng đạo binh hiền từ, kháng chiến cho thắng được giặc phiền não ở nội tâm, phá tan xiềng xích nô lệ, lấy lại thành Giải thoát, đem trở về chủ nhơn ông (chơn tâm). Như thế mới thật là độc lập, mà có độc lập, ta mới được tự do.
Nếu như nước nhà được độc lập, dân chúng được tự do, mà tâm ta hãy còn bị phiền não trói buộc, thất tình lục dục sai sử, gây tạo những điều tội ác, thì ta không sao khỏi bị gông cùm tù tội. Dù cho nước nhà có thật độc lập, dân chúng được tự do hoàn toàn, mà ta vẫn bị xiềng xích gông cùm nô lệ cho vật chất như thường, không được tự do và độc lập chút nào cả.
Vậy dám mong, tôi cùng quý vị, cố gắng kháng chiến cho hoàn toàn thắng được giặc phiền não ở nơi tâm mình, để khỏi làm nô lệ cho thất tình, lục dục, để được giải thoát như Phật. Như thế mới hoàn toàn tự do độc lập. Và được như thế, là do chúng ta biết "Tu tâm".
NAM MÔ ĐẤU CHIẾN THẮNG PHẬT
You may also Like
Labels
Có gi hot?
Nhà ngoại cảm HỒ VĂN DŨ
Nhà ngoại cảm HỒ VĂN DŨ
NHÀ NGOẠI CẢM NGUYỄN THỊ HƯỜNG - Chuyên gia đón tiếp Vong linh tại Miền Trung
NHÀ NGOẠI CẢM NGUYỄN THỊ HƯỜNG - Chuyên gia đón tiếp Vong linh tại Miền Trung
Pride and Prejudice (1995) - 6 Mini - Vietsub - Mediafire
Pride and Prejudice (1995) - 6 Mini - Vietsub - Mediafire
(Mediafire) A hazard of hearts (1987) - Sự may rủi của trái tim - NEW LINK
(Mediafire) A hazard of hearts (1987) - Sự may rủi của trái tim - NEW LINK
Nghịch tí cho vui...
Nghịch tí cho vui...
Một số trang web hỗ trợ thiết kế blog
Một số trang web hỗ trợ thiết kế blog
Cho phụ nữ tuổi 30 đẹp mặn mà
Cho phụ nữ tuổi 30 đẹp mặn mà
Cô bé 4 tuổi mồ côi bị cắt cụt 2 chân
Cô bé 4 tuổi mồ côi bị cắt cụt 2 chân
Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài áp vong gọi hồn
Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài áp vong gọi hồn
Linh hồn - Những điều bí ẩn
Linh hồn - Những điều bí ẩn
0 nhận xét :
Ghi chú cho mẫu nhận xét:
- [img] ..link..[/img].
- [youtube] ...link...[/youtube].
- [nct]...link...[/nct].