Tu tâm và dưỡng tánh - phần 1
Quyển I: Tu Tâm
Tu tâm Là Một vấn đề quan trọng:
Người đời hung dữ, vì chẳng biết tu tâm
Gia đình không hạnh phúc, vì chẳng biết tu tâm;
Xóm, làng hay rầy rà kiện cáo vì dân quê chẳng biết tu tâm;
Thế giới chiến tranh, tương tàn tương sát, vì nhân loại chẳng biết tu tâm;
Phật tử tu hành bị thối chuyển, vì chẳng biết tu tâm.
Con người có Tu Tâm, mới trở nên hiền từ,
Gia đình có Tu Tâm, thân tộc mới được hạnh phúc.
Quốc gia có Tu Tâm, nước nhà mới có thạnh trị.
Nhơn loại có Tu Tâm, thế giới mới được hòa bình
Phật tử có Tu Tâm, mới mau thành đạo chứng quả.
Thích Thiện Hoa
TU TÂM
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Thưa quý vị,
Tôi rất vui mừng, vì thấy mỗi ngày chủ nhật, quý vị bỏ thì giờ quý báu, để đến chùa lạy Phật nghe kinh, Một giờ quý vị lạy Phật nghe kinh, thì ngày ấy hay tháng ấy quý vị tránh được việc dữ, làm được điều lành. Một người tránh dữ làm lành, thì người ấy trở nên hiền từ. Cả gia đình đều tránh dữ làm lành, thì gia đình được hạnh phúc. Cả nước đều tránh giữ làm lành thì toàn dân có đạo đức, trở nên một nước thạnh trị. Cả nhơn loại đều tránh dữ làm lành, thì lo chi thế giới chẳng được đại đồng, nhơn loại không hưởng được hạnh phúc thái bình.
Hơn nữa, trong kinh Pháp Hoa Phật dạy: “ Người nào niệm “Nam mô Phật” thì người ấy (hột giống Phật đã gieo vào trong tâm điền của họ rồi, không sớm thì chầy) sẽ được thành Phật”. Huống chi quý vị thường đến chùa lạy Phật nghe kinh, thì có lý nào sau này chẳng được thành Phật quả.
Sách Đại học nói:”Dục bình thiên hạ, tiên trị kỳ quốc; dục trị kỳ quốc, tiên tề kỳ gia; dục tề kỳ gia tiên tu kỳ thân, dục tề kỳ thân, tiên chánh kỳ tâm”
Nghĩa là: Muốn cho thiên hạ được hòa bình thì trước phải mỗi nước được thạnh trị; muốn cho mỗi nước được thạnh trị, thì mỗi gia đình trước phải chỉnh đốn; muốn cho gia đình được chỉnh đốn, thì mỗi người trước phải tu thân; muốn tu thân, thì mỗi người trước phải sửa Tâm mình cho chơn chánh.
Bởi thế nên hôm nay tôi giảng về vấn đề “ Tu Tâm”
Thưa quý vi,
Người đời có hai điều thiếu thốn:
Thiếu thốn về vật chất- Người thiếu thốn về vật chất: Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhà cửa trống trước rách sau, khổ sở về xác thịt.
Thiếu thốn về tinh thần- Người thiếu thốn về tinh thần thì tham lam, gian xảo, tật đố, kiêu căng v.v.. tạo đủ điều tội ác; không những có hại cho mình hay một đời mình, nhiều khi còn liên lụy đến bà con, hoặc có hại đến nhiều đời sau nữa.
Xưa có vị Hiền triết, không nhà cửa, chỉ dùng cái thùng cây làm nhà ở: nhưng vì tinh thần đầy đủ, nên vị Hiền triết ấy chẳng thấy chút gì khổ sở. Trái lại như ông Thạch Sùng, vua Kiệt, vua Trụ v.v… tuy đầy đủ về vật chất, nhưng thiếu thốn về tinh thần, nên tâm hồn vẫn đau khổ, làm nhiều điều tội lỗi tày trời! Song le, người đời chỉ lo thiếu thốn về vật chất, mà ít ai nghĩ ngợi và lo sợ nghèo thiếu về tinh thần! Hôm nay tôi hiến cho quý vị một món quà về tinh thần.
Thưa quý vị! Trong sách Nho, Thầy Mạnh nói: “ Nhơn, nhơn tâm giả; Nghĩa, nhơn lộ giả; xả kỳ lộ nhi phất do, phóng kỳ tâm nhi bất tri cầu”. Nghĩa là: Nhơn, là cái tâm của con người vậy; Nghĩa, là con đường của người đi vậy ( đi lên, đi xuống, qua lại, tới, lui v.v.. cũng theo đường mà đi). Tại sao người đời lại bỏ con đường của mình không chịu đi ( người đời làm việc gì cũng nhờ tâm: kinh doanh sự nghiệp lớn lao, cũng nhờ tâm suy tính; được tài hay trí giỏi công danh vĩ đại, cũng nhờ tâm lo lường); thế mà người đời lại bỏ cái tâm của mình, chẳng biết tìm cầu!
Nói đến đây, thầy Mạnh lại than rằng: “ Ai tai! Nhơn hữu kê khuyến, xả nhi tắc tri cầu chi, hữu phóng tâm nhi bất tri cầu”: Rất thương thay cho người đời! Mất những vật nhỏ mọn như đồng xu, cắc bạc, con gà, con chó chẳng xứng đáng chi, mà họ còn biết tìm kiếm, huống chi cái Tâm là vật quý giá vô cùng: Làm Hiền nhân Quân tử cũng nhờ tâm; thành Phật làm Tố cũng nhờ tâm, thế mà người đời lại bỏ cái tâm của mình không biết tìm cầu. Thầy Mạnh Tử lại nói tiếp: “ Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hĩ!” đạo học vẫn không có chi lạ, chỉ tìm kiếm cái phóng tâm của mình mà thôi!
Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy: “Nhược bất thức tri tâm mục sở tại, tắc bất năng đắc hàng phục trần lao; thí như Quốc vương vi tặc sở xâm, phát binh thảo trừ, thị binh yếu đương trị tặc sở tại; sử nhữ lưu chuyển, tâm mục vi cựu”. Làm cho ông lưu chuyển sanh tử, là lỗi tại cái tâm và con mắt của ông. Vậy nếu ông không biết cái tâm cùng với con mắt ở chỗ nào, thời ông không thể hàng phục được phiền não trần lao. Cũng như vị quốc vương bị giặc xâm chiếm, đem binh dẹp trừ, nếu không biết được giặc ở chỗ nào, thì không bao giờ dẹp trừ được giặc.
Bởi thế nên người học Phật, muốn thoát ly sanh tử, ra khỏi luân hồi, điều cần yếu là phải biết tâm mình. Khi biết được chơn tâm và vọng tâm rồi, mới có thể lần hồi dẹp trừ vọng tâm, trở về với bản thế chơn tâm của mình được.
Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật lại dạy: “ Tất cả chúng sanh từ hồi nào đến giờ, điên đảo đủ điều, là do hạt giống nghiệp sẵn có, nó dính liền nhau, như chùm trái ác xóa. Người tu hành không thể thành quả vị vô thương Bồ đề, mà chỉ thành Thinh văn Duyên giác và Thiên ma ngoại đạo v.v… là bởi không biết hai món “chơn” và “vọng”. Nếu các ông lầm lộn tu tập theo vọng niệm, mà muốn chứng đạo quả Bồ đề, thì cũng như người nấu cát muốn thành cơm, dầu trải qua nhiều kiếp cũng không kết quả được”.
Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật nhiều lần gạn hỏi ông A Nan, cái “Tâm” ở chỗ nào?
Ông A Nan đáp: Tâm ở trong thân, tâm ở ngoài thân, tâm núp trong con mắt, tâm ở chặng giữa v.v… đều không trúng cả.
Thưa quý vị! Chúng ta với Phật không khác, nhưng vì chúng ta chưa nhận đượ bản tâm của mình, nên làm chúng sanh; Chư Phật đã chứng được cái bản tâm ấy rồi, nên các Ngài thành Phật.
Vì vậy, thế hôm nay tôi giảng về vấn đề “ Tu Tâm”
TU LÀ CỘI PHÚC
Người đời sớm phải tri cơ,
Gương lu vì bụi, trăng mờ vì mây.
Chở che nhờ đức cao dày,
Dẫu tu cho mấy chẳng tài tu tâm.
Tu và Tâm
Chữ "Tu" nghĩa là sửa; Sửa cái xấu trở lại cái tốt, sửa các dở trở lại hay, sửa cái quay trở lại phải, sửa phàm thành Thánh. Như nhà cửa hư hao, đất vườn u trệ, nay sửa lại cho tốt đẹp, như thế gọi là "Tu bố". Thân thể lôi thôi hành vi bẩn thỉu, nay sửa lại cho đàng hoàng, như thế gọi là "Tu thân". Tâm tánh ô trược tham lam, tật đố, tà kiến, si mê v.v… nay sửa lại trở nên tâm tánh tốt đẹp, như thế gọi là "Tu Tâm".
"Tâm" là "cái hiểu biết phân biệt", cũng gọi là "phần tinh thần". Tâm không có hình tướng dài, ngắn, vuông, tròn, hay có màu sắc xanh, đỏ, trắng và vàng gì. Không thể dùng con mắt mà thấy được tâm; cũng không thể dùng tay chơn rờ đụng được tâm; chỉ thấy cái tác dụng của nó, nên biết có tâm. Cũng như "điện", người ta không thể thấy nghe hay rờ mó được điện; chỉ do thấy cái tác dụng của nó mà biết có điện. Như cho điện vào neon, thì thấy đèn sáng, cho vào quạt thì thấy quạt xoay v.v…. Vì thế, nên người ta biết có điện- Tâm chúng ta cũng thế, vì nó có tác dụng thấy, nghe và phân biệt v.v… nên chúng ta biết có Tâm.
Tâm có chia làm hai phần; Chơn và Vọng. Đứng về phần chơn tâm (thế) thì không thể dùng lời nói luận bàn, hay tâm trí suy nghĩ được, mà cần phải tự chứng ngộ, nên trong kinh nói: " Rời tướng nói năng, rời tướng danh tự, rời tướng tâm duyên" Song đứng về phần "vọng tâm", thì có thể nói năng và phân biệt được.
Trong bài này, tôi chỉ bàn về "vọng tâm" (thức). Khi chúng ta hiểu biết và dẹp trừ được cái "vọng" rồi, thì "chơn tâm" hiện ra. Cũng như sóng lặng rồi, thì tánh nước bằng phẳng tự hiện.
Thưa quý vị! Như trên tôi đã nói: "Tâm không có hình tướng: dài, ngắn, vuông, tròn, hay xanh, đỏ, trắng, vàng gì, nên không thể dùng mắt thấy, tai nghe, hay rờ mó được Tâm. Song nhờ thấy cái tác dụng của nó nên chúng ta mới biết có "Tâm".
Mọi người không phải chỉ có năm " giác quan" mà có đều đến tám cái "Biết", tức là tám cái Tâm. Theo Duy thức học gọi là "Tám thức" (tám cái Biết). Tám cái Tâm này đều có chủ quyền thống lãnh mỗi chỗ; cũng như mỗi ông Vua ngự trị mỗi nước, nên trong Duy thức học gọi là "Tám Tâm Vương".
TÂM VƯƠNG
1.- Trong lúc ta mở mắt thấy các cảnh vật, biết được cảnh đây xanh, kia đỏ, đó trắng, nọ vàng v.v… Vì cái biết này thuộc về con mắt, nên trong Duy thức gọi là "Nhãn thức" (cái biết nơi con mắt).
2. – Lỗ tai chúng ta, khi nghe các tiếng, biết được tiếng hay, dở, phải, trái v.v…Bởi cái biết này thuộc về lỗ tai, nên trong Duy thức gọi là "Nhĩ thức" (cái biết nơi lỗ tai).
3.- Lỗ mũi chúng ta, khi ngửi mùi, biết được đây là mùi thơm hay hôi v.v… cái biết đó thuộc về lỗ tai, nên trong Duy thức gọi là "Tỷ thức" (cái biết nơi lỗ tai).
4.- Miệng chúng ta, khi nếm các vị, biết được vị này ngọt, lạt, cay, đắng, béo, bùi v.v…Cái biết này thuộc về lưỡi, nên trong Duy thức gọi là "Thiệt thức" (cái biết nơi lưỡi).
5.- Thân thể chúng ta, đụng lửa biết nóng, xuống nước biết lạnh, mặc đồ mỏng biết mát, mang đồ dày biết nực, đụng đá biết cứng, cầm bông biết mềm v.v… Vì cái biết này thuộc về thân, nên trong Duy thức gọi là " Thân thức" (cái biết nơi thân). Cả năm thức này, khi chứng được quả vô lậu thì nó chuyển thành "Thành sở tác trí".
6.- Trong khi chúng ta, mắt không thấy, tai không nghe, mũi không ngửi, miệng không nếm, thân thể không chạm xúc; nói cho gọn hơn, là trong lúc năm giác quan không tiếp xúc với trần cảnh, mà ý thức vẫn phân biệt tính toán: nhớ những cảnh đã qua, suy xét những điều chưa đến. Cái biết như thế, thuộc về "Ý thức". Như ngày hôm qua, chúng ta đi coi hát, tai không còn nghe tiếng v.v… mà trong ý thức vẫn còn mơ màng điệu bộ người hát, in như còn phưởng phất ở trước mắt, tiếng người ca như văng vẳng bên tai. Mặc dù không có cảnh vật hiện tiền phản ảnh vào 5 giác quan, mà ý thức chúng ta cũng vẫn tính toán phân biệt.
Một tỷ dụ nữa, như chúng ta chưa đi học, mà biết rằng mình học sẽ được, chưa làm ruộng, mà biết mình làm ruộng đây trúng hay thất, chưa buôn bán, mà có thể đoán trước rằng, buôn bán đây lời hay lỗ; nghĩa là, những việc đã qua, chưa đến hay hiện tại, chúng ta đều suy xét biết được. Những cái biết như thế, trong Duy thức học gọi là "Ý thức" (cái biết của Ý), cũng gọi là "Đệ lục thức" (cái biết thứ 6).
Cái Ý thức này, công dụng của nó lợi hại vô cùng. Nếu nó suy nghĩ tính toán những việc hay, tốt, thì thân chúng ta sẽ làm điều lành, miệng nói những lời phải, đều có lợi ích cho mình và người. Như các nhà tu hành khi niệm Phật, quán tưởng, tham thiền, nhập định v.v… cho đến lúc thành đạo,chứng quả, cũng nhờ công dụng của "đệ lục thức" này. Đến khi chứng được quả vô lậu, thì ý thức trở thành " Diệu quan sát trí"
Ở thế gian, kinh doanh được sự nghiệp lớn lao, hay làm những điều núi lở, sóng nghiêng, tội ác tày trời, cũng đều do ý thức này suy nghĩ lợi hại cả; nên trong Duy thức nói: " Công vi thủ, tội vi khôi". Nghĩa là; luận về công thì thức này có công hơn; còn nói về ác thì thức này cũng đứng đầu.
7.-Quý vị đã rõ, mỗi người đều có 6 cái biết, nói bằng cách khác là 6 món cảm giác. Vậy bây giờ đây, chúng ta nên suy xét sâu thêm một từng nữa: cái ý thức kia, tuy ở trong 3 thời quá khứ, hiện tại và vị lai, nó đều có công năng phi thường hơn 5 thức trước, nhưng có khi nó bị gián đoạn. Như khi chúng ta ngủ mê, hoặc chết giấc hay những lúc bị chụp thuốc mê, lúc ấy không phải chết, nhưng không biết chi cả, và những người tu Vô tưởng định v.v… lúc bấy giờ cũng không còn tính toán phân biệt gì nữa. Đây là những bằng chứng trong khi ý thức bị gián đoạn.
Qua các thời gian ấy, thì ý thức (cái biết thứ 6) lại khởi lên phân biệt như thường. Vậy trong lúc nó bị gián đoạn, chắc phải nương về một nơi nào? Chỗ ấy, theo Duy thức học gọi nó là "ý căn" ( nghĩa là cái gốc của ý thức thứ 6). Tôi xin tỷ dụ để quý vị dễ hiểu, như đám cỏ cú kia, bị đá đè hay nắng rụi, đến lúc người ta dời viên đá nơi khác, hoặc gặp mưa xuống thì cỏ nứt mộng mọc chồi. Cho biết trong lúc cỏ rụi, là nó chỉ trở về củ của nó, ẩn ở dưới đất mà thôi. Nếu cỏ kia không có củ, thì không làm sao nứt mộng mọc chồi được. Còn ý thức thứ 6 cũng thế, khi không có phân biệt nó không phải mất hẳn mà chỉ trở về với gốc của nó là thức thứ bảy, nên trong Duy thức cũng gọi là "Ý căn" (gốc của ý thức). Theo tiếng Phạn gọi là "Mạt na thức".
Công năng của thức thứ bảy này là thường thường chấp Ta khác với người. Chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi, không lúc nào quên được mình (ta). Khi đối với người nói chuyện, vừa mở miệng ra là đã nói "Tôi" (ta). Hay những lúc tình cờ cây rơi (rớt), hoặc bị người đánh v.v… thì ta ngẫu nhiên đưa tay đỡ, tránh. Đây là những bằng chứng thức này cũng bảo thủ cái ngã (ta).
Lại nữa, khi sanh về cõi Trời, thì thức này chấp mình là Trời, sanh về cõi người, chấp mình là người, cho đến sanh làm loài vật, thì chấp mình là loài vật. Tóm lại, từ phàm đến Thánh, không một vị nào chẳng chấp có Ta, chỉ trừ những vị đã chứng được "Sanh-không trí"- Thức thư bảy này, lại có công năng đem các pháp hiện hành, huân chứa vào một cái kho vô tận (Tàng thức); rồi từ cái kho ấy, đưa chủng tử các pháp ra, khởi hiện hành. Nếu không nhờ thức thứ bảy này, huân tập những việc thấy, nghe, hay, biết vào kho vô tận (Tàng thức), thì chúng ta không thể ký ức lại được một việc gì cả.
Như người nhiếp ảnh, nếu anh không đem cuốn phim ấy cất một nơi nào, thì đến khi muốn rọi lại, không bao giờ rọi được. Song chiếu lại được, thì biết anh có đem cuốn phim ấy cất. Thức này cũng thế, khi chúng ta đọc một bộ sách, hay nghe một việc gì, nếu không có thức này đem cất chứa vào kho vô tận, thì lúc xem qua khỏi mắt, tai hết nghe; nghĩa là, đến khi cảnh vật hiện tiền không còn thì không nhớ lại một việc gì cả. Bởi có nhớ lại được, nên biết rằng nó có chứa đựng một nơi nào vậy.
Thế nên thức thứ Bảy này, cũng có tên là "Truyền tống thức" (truyền vào và tống ra). Đến khi chúng được quả vô lậu, thì thức này đổi tên là "Bình đẳng tánh trí"
8.- Thưa quý vị! Cứ theo chánh giác và chánh lý mà phán đoán: đã có cái "năng phân biệt chấp ta" tức là thức thứ Bảy, thì cố nhiên phải có "cái ta bị chấp" là thức thứ Tám. Cũng như nói "tôi cầm viết"; đã có cái tay cầm, nhứt định phải có vật bị cầm. Vì thế nên thức thứ Tám cũng có tên là "Ngã ái chấp tàng" (bị thức thứ Bảy chấp làm ta).
Như trên đã nói: "Thức thứ bảy đem các pháp hiện hành huân chứa vào một nơi". Nếu đã có kẻ đem chứa, thì nhứt định phải có chỗ để chứa. Cũng như có người đem cất đồ vào kho, thì phải có cái kho để cất. Chúng ta từ nhỏ đến lớn, hoặc đọc được 100 bộ sách, hay làm không biết bao nhiêu công việc, trải qua trong một thời gian năm mười năm, không nghĩ đến thì thôi, nếu một phen hồi tưởng lại những sách ta đã đọc và những việc ta đã làm, thì nó vẫn hiện rõ ràng, in tuồng như mới đọc và mới làm.
Một bằng chứng nữa: Chúng ta đi từ Nam chí Bắc. Xem không biết bao nhiêu phong cảnh, hay du lịch thế giới, thấy những vật lạ thường, khi trở về nhà, các cảnh vật ấy không còn thấy nữa; nhưng một phen nhớ lại, thì thấy rõ ràng như ở trước mắt, vẫn còn lớp lang tuần tự. Như thế thì biết rằng, phải có cái kho bằng tinh thần vô hình và vô tận ( Tàng thức) để chứa đựng bao nhiêu hình ảnh của những cảnh ta đã xem, những sách vở ta đã đọc và những việc ta đã làm…. Nếu không có cái kho vô tận này, để chứa giữ lại, thì những sách ta đã đọc và những cảnh ta đã xem và thôi đọc thì phải quên liền khi các cảnh vật không còn hiện tiền phản ánh vào bộ óc nữa. Về sau chúng ta muốn nhớ lại cảnh vật đã qua, hay một bộ sách đã đọc, cũng không bao giờ nhớ được.
Vì thế nên biết phải có một cái kho vô hình chứa giữ lại. Cái kho ấy theo Duy thức gọi là "Tàng thức", nghĩa là "cái thức chứa"; vì nó chứa căn thân, khí giới và chủng tử các pháp vậy; cũng tên là "Đệ bát thức" (cái biết thứ tám). Theo tiếng Phạn gọi là "A lại da thức".
Đến khi chứng được quả vô lậu, thì thức này đổi tên là "Bạch tịnh thức", hay gọi là "Đại viên cảnh trí".
Thưa quý vị! Cố nhơn có làm một bài kệ, để cho chúng ta nhớ cái tài năng hay tác dụng của tám thức như sau:
Bát cá đệ huynh, nhứt cá si
Độc hữu nhứt cá tối linh ly
Ngũ cá môn tiền tố mãi mại
Nhứt cá gia trung tác chủ y.
Nghĩa là: Trong tám anh em, thức thứ Bảy là si mê (ngã si), duy có thức thứ Sáu, rất khôn lanh (công vi thủ, tội vi khôi); còn Năm thức trước như người làm công ở ngoài cửa, chỉ lo buôn bán, tiếp rước khách hàng (tiếp xúc với 5 trần cảnh); một mình thức thứ Tám làm ông chủ nhà (chứa đựng).
Xem bài kệ này chúng ta có thể biết qua được khả năng của 8 thức, mà thức thứ 6 và thức thứ 7 là lợi hại hơn hết. Nếu thức thứ Bảy si mê, thức thứ Sáu suy tính làm những việc tội ác, thì chúng ta muôn kiếp trầm luân, không bao giờ thoát ly sanh tử luân hồi được. Vì thế nên người tu Phật, lúc nào cũng phải dùng thức thứ 6 và thức thứ 7, quán nhơn vô ngã, để phá trừ si mê chấp ngã, dứt phiền não chướng; rồi quán pháp vô ngã, để phá trừ pháp chấp, dứt sở tri chướng. Khi ngã chấp và pháp chấp hết rồi, tức là phiền não chướng và sở tri chướng đã dứt, thì chứng được hai quả thù thắng là: Bồ đề và Niết bàn.
Vì thế nên trong Duy thức học nói: "Lục, thất nhơn trung chuyển; ngũ bát quả thượng viên". Nghĩa là: trong lúc tu nhơn, thì chỉ dùng thức thứ 6 và thức thứ 7; đến khi kết quả thì cả 5 thức trước, và thức thứ 8 cũng được viên thành.
Vì 5 thức trước như người làm công, không có quyền, còn thức thứ 8 chỉ có tài chứa đựng; duy có thức thứ 6 và thức thứ 7 này, nếu có công thì nó hạng nhứt, mà có tội nó cũng đứng đầu. Người học Phật đối với hai thức ấy, lúc nào cũng phải cẩn thận và sửa đổi, như thế gọi là "Tu Tâm".
TÂM SỞ
Thưa quý vị! Từ trước đến đây, chúng tôi căn cứ theo tác dụng hiện thật của các giác quan và sách Duy thức mà giải thích, thì mọi người không những có 5 cái biết, mà phải có đến 8 cái Biết: Cái biết xem nơi mắt, cái biết nghe nơi tai, cái biết ngửi nơi mũi, cái biết nếm nơi lưỡi, cái biết cảm xúc nơi thân, cái biết phân biệt, so đo của ý thức , cái biết chấp ngã (ta) của thức thứ 7 và cái biết giữ gìn chứa lại của thức thứ 8.
Tám cái biết này, có sức tự tại và tự chủ, cũng như ông Vua,nên trong Duy thức gọi là "Tâm vương". Nhưng nếu chỉ có một ông Vua, thì dầu tài hay trí giỏi đến đâu, cũng không thể làm gì được, nên ngoài Vua ra, còn phải nhờ Quần thần, binh tướng mới có thể đánh Nam dẹp Bắc, sửa trị nước nhà, hoặc kinh doanh sự nghiệp vĩ đại trong nước.
Tám thức tâm vương cũng thế, nếu chỉ có tâm vương (vua) mà không có tâm sở (quần thần) thì tâm vương này cũng như người làm vua mà không có binh tướng thì không thể tạo tác những điều tội ác hay từ thiện được. Bởi thế nên ngoài 8 thức tâm vương này, còn có 51 món sở hữu của tâm vương, theo Duy thức học gọi tắt là "Tâm Sở"
Trong 51 món tâm sở, chia làm sáu đẳng phái: 1, biến hành, 2. Biệt cảnh, 3. Thiện (lành), 4. Căn bổn phiền não, 5. Tùy phiền não, 6. Bất định. Trong đây có hai đảng quan trọng nhứt là : Lành (thiện) và "Dữ" (phiền não).
Hai đảng này, rất nghịch nhau và thường chiến tranh nhau luôn. Mỗi khi đạo binh hiền lành chiến đấu thắng được giặc phiền não (ác), thì chúng ta trở nên Hiền nhơn Quân tử, hoặc thành Bồ tát hay Phật. Trái lại, nếu bên ác là giặc phiền não, chiến đấu được thắng, thì chúng ta mất tự chủ, nó sai sử chúng ta phải say mê theo tửu, sắc, tài, khí v.v..mất hết tự do làm cho tánh tình ta xấu xa, thấp hèn cử chỉ đê tiện, hành vi tồi tàn, trở thành kẻ tiểu nhơn, hoặc đoạ địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh.
Thế nên người tu hành, điều cần yếu là luôn luôn lúc nào cũng chiến đấu làm sao cho thắng được giặc phiền não ở tâm mình, như thế gọi là "Tu Tâm’.
Vậy chúng ta cũng nên biết rõ, đạo binh hiền từ ở nơi tâm ta, có bao nhiêu binh sĩ, tên họ tánh tình, hình dáng và tài năng thế nào? Rồi chúng ta cũng phải biết giặc trong tâm ta, có bao nhiêu tên, đầu đảng là ai, tên họ tánh tình, hình tướng và tài năng của giặc ra sao? Khi biết được tài năng binh mình, thấy rõ được sức giặc, thì chúng ta mới mong thắng được giặc. Hôm nay tôi xin tuần tự kể bày, để quý vị được rõ. Trong tâm ta, về khối Ác là giặc phiền não có 30 tên.
Căn Bản Phiền Não
1.- THAM là tham lam. Người tham lam, tánh hay để ý dòm rình những cái gì họ ưa thích: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, miếng ăn, chỗ ở v.v… Rồi họ lập mưu này kế nọ, để tìm kiếm cho được, được mấy cũng không vừa, nên tục ngữ có câu: " Bể kia dễ lắp, túi tham khó đầy!". Tham cho mình, rồi tham cho bà con quyến thuộc. Nói rộng ra, tham cho cả quốc gia, xã hội của mình.
Cũng vì lòng tham, mà nhơn loại tranh giành xâu xé cướp bóc giết hại lẫn nhau, chịu không biết bao nhiêu điều thống khổ. Tham không những có hại cho mình về hiện tại., mà còn liên lụy đến người và về tương lai nữa là khác.
Phật-tử tự xét mình, nếu có tâm tham lam, phải tập tánh thiểu dục tri túc, bỏ dần lòng tham đi; như thế gọi là "Tu Tâm".
2.- SÂN là nóng nảy. Người có tánh nóng nảy, gặp những việc trái ý thì nổi nóng lên, trong tâm bực tức, không an, ngoài mặt nhăn nhó, xấu xí vô cùng, mặt đỏ tía hoặc tái xanh. Bộ dạng thô bỉ, thốt ra lời nói thiếu nhã nhặn, có khi đánh đập hoặc chém giết người. Phật tử chúng ta, mỗi khi nổi sân lên, cắc cớ lấy kiếng rọi mặt mình, thật "ngộ" hết sức…không phải là Phật-tử chút nào! Tánh "nóng nảy" rất có hại: làm cho anh em chẳng ưa, trong gia đình không được hòa nhã, ngoài xã hội chẳng được kính yêu. Nhiều người vì nóng nảy mà đánh đập vợ con. lắm khi phải mang bịnh tật suốt đời, hoặc giết hại đồng bào, chủng loại. Cũng có người vì quá nóng nảy mà làm hư danh giá, quyền lợi và cả đời tu của mình. Trong kinh Hoa-Nghiêm, Phật dạy :"Nhứt niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai": Một niệm lòng sân hận nổi lên, thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra. Thuở xưa, ông Uất-Đầu-Lam-Phất, vì sân mà phải đọa làm con phi-ly trùng. Ông Độc Giác Tiên Nhơn cũng vì sân, mà mất cả năm phép thần thông. Trong kinh nói: " Nhứt sân chi hóa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn". Nghĩa là: một đốm lửa sân, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công-đức. Chúng ta thấy, trong hàng Phật tử, có người phát tâm tu được 5,7 năm hoặc đôi ba năm, cũng có thể gọi là người có công với Đạo. Một khi gặp cảnh nghịch, nổi sân lên rồi bỏ hết: Phật pháp không tưởng, việc Đạo cũng chẳng làm, trái lại còn tìm cách phá hoại. Thật "đốn củi ba năm chỉ tiêu trong một giờ", rất uổng cho công trình tu tập bao nhiêu năm của người ấy!
Tổ xưa có quở rằng: "Sân si nghiệp chướng không chừa, bo bo mà giữ tương dưa ích gì!" Sân rất có hại như thế, hàng Phật tử chúng ta phải tu pháp nhẫn nhục để lần lần dẹp lòng sân; như thế gọi là "Tu Tâm".
3. SI là si mê (có chỗ gọi là vô minh). Đối với sự vật hiện tiền, tâm tánh mờ ám, không có trí huệ sáng suốt để phán đoán việc hay, dở, tốt, xấu lợi hại v.v… nên mới làm những điều nhiễm ô tội lỗi, có hại cho mình, và người (theo thế tục gọi là "dại" hay "ngu"). Cái Si này thường ám ảnh trong tất cả việc làm, hại người chẳng phải nhỏ, mà nhứt là khi tham và sân.
Như anh chàng thanh niên kia, biết cô mỹ nhơn nọ bị ho lao và có bịnh truyền độc… Nhưng đến khi si mê ám ảnh, thì anh không còn thấy vi trùng lao và bịnh truyền độc nữa.
Một người tham tiền, đánh bài bạc, mê đề, vì si mê ám ảnh, nên đến lúc thua hết của tiền mà cũng không chán.
Có một người vì lòng tham, si nổi lên, giữa lúc ban ngày đông người, vào tiệm giựt vàng.
Lính bắt được hỏi: "Anh không thấy lính tráng ở chung quanh và không sợ tù tội sao?" Anh trả lời rằng: "Lúc đó tôi chỉ thấy vàng thôi; nếu thấy lính tráng thì tôi đâu dám làm như thế!"
Đây là những bằng chứng, trong lúc tham, vì có si mê ám ảnh, nên anh chàng thanh niên kia phải mang bịnh ho lao và truyền độc; người đánh bạc nọ mới hết cửa hết nhà; anh giựt vàng kia mới mang gông cùm từ tội! Nếu trong lúc ấy, được sáng suốt, phân biệt lợi hại, thì anh thanh niên kia có thể thắng lại được dục vọng của mình, đâu có lâm bệnh hiểm nghèo như thế; người đánh bạc, cậu giựt vàng, có thể thắng được lòng tham, không đến đổi bị hết của và mang tù tội. Cho biết trong lúc tham mà có Si, thì có hại rất lớn! Khi nóng giận cũng vậy, nếu trong lúc nóng giận mà sáng suốt, biết suy xét việc lợi hại, lúc ấy có thể dằn bớt sự nóng giận ít nhiều! Trái lại vì bị si mê ám ảnh, nên nói càn làm bướng, đến khi hết giận rồi thì tội lỗi quá nhiều! Nên lời tục nói: "Ăn nóng mất ngon, giận lắm mất khôn" là vậy.
Có nhiều người trong lúc nóng giận, đánh đập vợ con đến tàn tật, phá hoại nhà cửa cho đến tiêu tan, hoặc uống thuốc độc hay trầm mình, để cho thoát kiếp thân đau khổ! Những tai nạn như thế, đều do si mê ám ảnh cả.
Tổ sư có dạy rằng: "Bất úy tham sân khởi, duy khủng tự giác trì!; nghĩa là không sợ tham và sân nổi lên, mà chỉ sợ mình tự giác ngộ chậm. Nói cho dễ hiểu, là không sợ tham, sân mà chỉ sợ si mê đó thôi. Nếu tham, sân nổi lên, mà ta sáng suốt phán đoán kịp thời, không có si mê, thì tham sân kia cũng chẳng làm gì được. Người học Phật phải dẹp trừ lòng si mê của mình, lúc nào cũng phải sáng suốt đối với tất cả mọi việc. Như thế gọi là "Tu Tâm".
4.- MẠN là ngã mạn cống cao. Nói theo lối thông thường có hơi thô một chút là "phách lối" lấn lướt, hiếp đáp người. Vì ỷ tiền tài, tài năng và quyền thế của mình mà khinh rẻ người, chẳng kính người già cả, không kể người phước đức. Bởi hiêu hiêu tự đắc, coi không có người (mục hạ vô nhơn) nên chẳng ai ưa. Vì lòng ngã mạn, cho mình hơn ai hết, không kính phục người, nên bị tổn đức. Vì thế mà phước lành tổn giả, tội lỗi càng thêm, nên phải sanh tử luân hồi, không bao giờ cùng tột. Người học Phật nên tự kiểm thảo mình, nếu có ngã mạn cống cao thì phải cố gắng dẹp trừ đi. Như thế mới phải là Phật tử, và như thế mới gọi là "Tu Tâm".
5.-NGHI là nghi ngờ. Đối với đạo lý chơn chánh, lại nghi ngờ không tin. Những pháp tu giải thoát và điều phước thiện, lại do dự chẳng làm. Nó chướng ngại lòng tin, cản trở việc từ thiện. Nghi có ba: 1-Nghi mình. Như nghe nó: "Tu hành sẽ được giải thoát", rồi từ nghi ngờ: không biết mình có tu được hay không? Vì lòng nghi ngờ, do dự ấy, nên không chịu tu. 2.- Nghi người; nghĩa là nghi người dạy mình. Như có người dạy ta: "Làm lành được phước, làm ác sẽ bị tội". Chúng ta nghi: không biết người ấy nói có thiệt hay không? Bởi nghi nên không làm 3.- Nghi pháp; như nghe lời Phật dạy: "Người chí tâm niệm Phật, từ một ngày cho đến bảy ngày được nhứt tâm, thì người ấy đến khi lâm chung, sẽ được Phật Di Đà tiếp dẫn, sanh về nước Cực lạc", rồi họ nghi rằng: phương pháp ấy không biết kết quả có đúng như vậy hay không? nên họ chẳng siêng tu.
Nói tóm lại, vì lòng nghi ngờ, nó cản trở nhiều điều tiến triển. Những người có tánh đa nghi, đối với bạn bè, họ thấy không có ai là người tin cậy. Trong gia đình họ thấy không có người nào là thân mật. Phật tử nên cẩn thận đề phòng mọi việc, nhưng phải cương quyết dẹp trừ tánh nghi ngờ. Như thế gọi là "Tu Tâm’.
6.- THÂN KIẾN là chấp nhận thân ngũ ấm, tứ đại giả hợp này là "Ta". Hoặc nghe theo lời tà giáo nói: "Người có 3 hồn, 7 vía, linh hồn, thế phách v.v…" rồi chấp 3 hồn 7 vía v.v… đó là Ta. Vì chấp "Ta thật có", nên kiếm món này vật nọ để cho ta ăn, sắm kiểu kia cách nọ để cho Ta mặc, lo cất nhà cửa, mua ruộng vườn để cho Ta dùng, tranh danh đoạt lợi, mỗi mỗi cũng vì Ta! Không những lo cho Ta, mà lại lo cho cả gia đình, quyến thuộc, quốc gia và xã hội của ta nữa. Vì "chấp Ta" mà tạo ra nhiều tội lỗi: lo tranh danh đoạt lợi cho ta hưởng, xâu xé cướp giựt nhau để cho quốc gia xã hội Ta dùng. Vì thế, nên thế giới đạn bay như mưa, bom nổ như pháo, máu chảy thành sông, xương chất tợ núi!
Hàng Phật tử chúng ta, phải sáng suốt quan sát thân này giả hợp không thật có. Hễ phá trừ thân kiến rồi, (chấp Ta) thì tánh ích kỷ vị ngã không còn, nên không tạo những điều tội lỗi vì bản ngã nữa. Như thế gọi là"Tu Tâm".
7.-BIÊN KIẾN là chấp một bên, hoặc chấp chết rồi còn hoài, hay chấp chết rồi mất hẳn.
Một, vì chấp có Ta, nên có người chấp "Ta" chết rồi còn hoài không mất: Người chết vẫn sanh làm người, thú chết sanh trở lại thú, Thánh nhơn chết trở làm Thánh nhơn. Vì chấp như vậy, cho nên chẳng sợ tội ác, và cũng không cần tu thiện; bởi họ cho tu cũng vậy không tu cũng vậy. Do chấp cái "Ta" thường còn không mất có hại như thế, nên trong kinh Phật gọi là "Thường kiến ngoại đạo".
Hai, có người chấp "chết rồi mất hẳn". Vì họ thấy bầu thế giới mênh mang, không gian vô tận, chết rồi là mất chớ có thấy tội phước gì đâu! Thấy đời sống của mình chết rồi không còn giá trị chi hết, nên mặc tình làm những điều tội lỗi. Họ nói rằng: "Tu nhơn tích đức già đời cũng chết; hung hoang bạo ngược tận số cũng không còn". Biết bao người vì chấp chết rồi là hết, nên mỗi khi gặp cảnh nghịch lòng, nhứt là tình duyên trắc trở, họ không trầm tĩnh sáng suốt tìm phương pháp để xử trí. Cứ cho chết rồi là hết đau khổ, nên họ tự liều mình với chén thuốc độc hay dòng sông sâu! Chớ họ không biết rằng chết rồi đâu có phải là hết khổ! Bởi chấp chết rồi mất hẳn có hại như vậy, nên trong đạo Phật gọi là "Đoạn kiến ngoại đạo".
Thật ra người chết không phải thường còn và cũng không phải mất hẳn, mà theo nghiệp lực lành hay dữ luân hồi.
Người Phật tử phá trừ hai món chấp trên, như thế gọi là "Tu Tâm".
8.-KIẾN THỦ là bảo thủ sự hiểu biết sai lầm của mình. Đây có hai cách: 1.- Hành vi của mình sai lầm, ý kiến lại thấp thỏi, nhưng không tự hiểu biết, lúc nào cũng bảo thủ cho mình là hay giỏi, đúng đắn hơn hết, ai nói cũng chẳng nghe. 2.-Biết mình như thế là sai, nói như vậy là dở, nhưng cứ bảo thủ cái sai và cái dở ấy, không chịu thay đổi.
Như có người, ông bà trước đã lỡ theo tà đạo, nay con cháu vẫn biết đó là tà, nhưng cứ theo như vậy mãi không đổi. Họ bảo rằng: "Xưa sao nay vậy!". Hay như có người, cha mẹ trước đó có làm nghề tội lỗi, qua đến đời con, cứ bảo thủ nghề ấy, không chịu thay đổi.
Nói cho rõ hơn, là những tục lệ trong thế gian, như mỗi năm phải làm trâu bò để tế thần; khi người chết phải làm heo bò cúng kiến, mỗi kỳ tuần tự hay giỗ quảy, phải đốt giấy tiền vàng bạc áo quần kho phướn; mỗi năm phải hội họp để cúng tà thần ác quỉ v.v…
Người học Phật phải dẹp trừ "kiến thủ", như thế gọi là "Tu Tâm’.
9.- GIỚI CẤM THỦ là giữ theo giới cấm của ngoại đạo tà giáo. Cấm một cách vô lý không phải nhân giải thoát mà chấp là nhân giải thoát. Như bên Ấn Độ có những phái ngoại đạo leo lên cây cao nhảy xuống, gieo mình vào lửa v.v… có đạo mỗi năm phải giết một người tế thần; như đạo của anh Vô Não, phải giết cho đủ 1.000 người mới đắc đạo. Người học Phật phải dẹp trừ "giới cấm thủ", như thế gọi là "Tu Tâm’.
10.- TÀ KIẾN là chấp theo lối tà. Phàm chấp những cái gì không chơn chánh đều thuộc về tà kiến. Nói bằng cách khác là "mê tín". Như thờ đầu trâu, đầu cọp, bình vôi, ông táo, xin xâm, bói quẻ, coi ngày, tìm huyệt, buộc tom, đeo niệt, coi sao, cúng hạn v.v… Thật ra người học đạo nên coi chỗ tạo nhơn của mình lành hay dữ, chánh hay tà mà thôi, chớ không nên coi bói làm gì. Nói rộng ra thì gồm cả bốn chấp trên đều về tà kiến.
Hàng Phật tử phải dẹp trừ "Tà kiến", như thế gọi là "Tu Tâm’.
You may also Like
Labels
Có gi hot?
Nhà ngoại cảm HỒ VĂN DŨ
Nhà ngoại cảm HỒ VĂN DŨ
NHÀ NGOẠI CẢM NGUYỄN THỊ HƯỜNG - Chuyên gia đón tiếp Vong linh tại Miền Trung
NHÀ NGOẠI CẢM NGUYỄN THỊ HƯỜNG - Chuyên gia đón tiếp Vong linh tại Miền Trung
Pride and Prejudice (1995) - 6 Mini - Vietsub - Mediafire
Pride and Prejudice (1995) - 6 Mini - Vietsub - Mediafire
(Mediafire) A hazard of hearts (1987) - Sự may rủi của trái tim - NEW LINK
(Mediafire) A hazard of hearts (1987) - Sự may rủi của trái tim - NEW LINK
Nghịch tí cho vui...
Nghịch tí cho vui...
Một số trang web hỗ trợ thiết kế blog
Một số trang web hỗ trợ thiết kế blog
Cho phụ nữ tuổi 30 đẹp mặn mà
Cho phụ nữ tuổi 30 đẹp mặn mà
Cô bé 4 tuổi mồ côi bị cắt cụt 2 chân
Cô bé 4 tuổi mồ côi bị cắt cụt 2 chân
Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài áp vong gọi hồn
Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài áp vong gọi hồn
Linh hồn - Những điều bí ẩn
Linh hồn - Những điều bí ẩn
0 nhận xét :
Ghi chú cho mẫu nhận xét:
- [img] ..link..[/img].
- [youtube] ...link...[/youtube].
- [nct]...link...[/nct].