Hành trình tìm liệt sĩ Nguyễn Văn Sáu (phần 3)

Ngay chiều hôm ấy, chúng tôi thu xếp hành lí, lên xe về thành phố, mua vé xe khách để trở ra miền Bắc. Nhưng do muộn quá, nên phải nghỉ một đêm tại nhà trọ . 7 giờ sáng hôm sau, chúng tôi lên xe Hoàng Long. Ngồi trong xe, ai cũng đều tỏ ra mệt mỏi, chán chường. Còn tôi cảm thấy vô cùng tủi thân. Tôi cảm thấy mình có lỗi với bố, có lỗi với gia đình. Cả gia đình đã đặt niềm hy vọng quá lớn vào tôi sẽ đón được bố trở về. Vậy mà sau gần hai chục ngày lăn lộn, tôi trở ra với con số không. Đau đớn quá là cùng. Trên đường đi, vì mệt mỏi lại cộng thêm tâm lí bị ức chế nên đến bữa ăn, chú cháu tôi hầu như đều cố nuốt để giữ sức khoẻ. Sau 2 ngày một đêm, đoàn đã ra đến Hà Nội. Tại bến xe Lương Yên, em Tuấn tôi đã có mặt chờ đón đoàn. 11 giờ đêm, chúng tôi lầm lũi lên xe trở về nhà.

Không thể bỏ cuộc

Sau chuyến đi trở về, cả gia đình đều trăn trở, buồn phiền. Không hiểu sao, cả gia đình toàn tâm toàn ý mà vẫn chưa đón được bố tôi trở về. Được sự động viên kịp thời của gia đình nhất là vợ tôi, phần nào tôi đã vơi đi nỗi buồn để tiếp tục cuộc sống.
Sau hôm chúng tôi lên xe ra Bắc, bác Mười Côi ( một Cựu chiến binh quê ở Gia Lâm - hiện nay sống tại ấp Lộc Hoà, Lộc Giang , Đức Hoà, Long An - người đã giúp đỡ chú cháu tôi rất nhiều khi chúng tôi tìm kiếm bố tôi trong đó ) có điện ra cho chú tôi báo rằng: Em trai bác chủ vườn ( nhà bên cạnh - người mà trong khoảng thời gian chúng tôi ở trong đó, anh ấy không có mặt ở nhà, thường đi làm ăn trên sông Vàm Cỏ Đông dài ngày, chúng tôi vừa lên đường ra Bắc được một ngày thì anh ấy mới về nên chúng tôi không gặp mặt ) có bảo với bác ấy rằng: Năm 1976, khi giải phóng xong, anh ấy là người đầu tiên về ở trên mảnh đất này. Khi đó, anh ấy mới 9 tuổi. Ngày nào cũng chăn trâu trên mảnh vườn đó, anh ấy đều thấy một phần đất nhô cao hơn ( giống như hình ngôi mộ ) , dưới một gốc dừa mà nay đã chặt đi để trồng cây khác. Anh ấy vẫn nhớ khoảng đất có ngôi mộ đó. Và bác Mười bảo chú tôi vào ngay, bác ấy sẽ giúp.
Một hôm tôi đi làm về, vợ tôi nói : ở số 1 Đông Tác đang có chương trình thử nghiệm phương pháp áp vong. Nhà mình có đi đăng kí để xem bố bảo sao. Nghe vậy, tôi liền nhất trí ngay. Tôi đưa ý kiến này ra trước toàn thể gia đình và được mọi người cùng đồng tình hưởng ứng. Ngày 25 / 7 / 2008, vợ chồng tôi ra đăng kí . Trung tâm nhận lời ngay và hẹn chúng tôi đến chiều ngày 31 / 7 / 2008 sẽ đến lượt ( vì gia đình chúng tôi là gia đình Liệt sĩ nên được ưu tiên, còn những gia đình khác phải chờ khoảng 3 đến 4 tháng mới đến lượt ). Sau khi đăng kí xong, chúng tôi trở lại văn phòng cô Nguyện, đưa cô xem mấy tấm ảnh của khu vườn mà chúng tôi đã chụp trong chuyến đi vừa qua. Cô cầm xem và bảo : Chính xác là khu vườn này rồi. Khi nào đi lại ra đây , lúc đó cô sẽ đánh dấu đúng chỗ phần mộ bố. Tôi đã mừng thầm trong bụng. Như vậy là tôi đã tìm đúng đến nơi bố tôi nằm rồi. Tôi hăm hở ra về báo tin vui này cho cả nhà.
Cậu Nguyện tại nhà riêng
Theo như kế hoạch của trung tâm, trước khi đến chỗ áp vong một ngày,các gia đình phải thắp hương thỉnh cầu các vong linh nhà mình mời ngày mai đến số 1 Đông Tác - Kim Liên - Đống Đa - Hà Nội để giao lưu cùng con cháu. Chắc vong linh tổ tiên, ông bà, cha mẹ tôi cũng cảm kích trước tấm lòng của con cháu nên đúng 2 giờ chiều ngày 31 / 7 / 2008 ( tức ngày 29 tháng 6 âm lịch ), khi đại gia đình tôi, theo lời hướng dẫn của các nhà ngoại cảm, ngồi tĩnh tâm, hoàn toàn vô thức để bố tôi mượn nơi trở về thì bố tôi trở về thật, nhập vào chị Ưng tôi. Bố đã khóc nức nở, cực cội như chưa bao giờ được khóc. Chắc phần vì tủi thân đã 39 năm nằm một mình nơi chiến trường mà không hề ai biết đến, phần vì thương chúng tôi quá trẻ mà đã phải mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chúng tôi cũng khóc rất to. Lần đầu tiên từ khi chào đời , chưa bao giờ tôi được thấy bố. Vậy mà nay, vong linh bố đã trở về, đang đứng trước mặt tôi, khóc thương chúng tôi như vậy. Thử hỏi ai mà cầm được nước mắt ? Chị Bích, vợ tôi là những người vững tâm nhất, sau giây phút xúc động, xúm vào hỏi chuyện bố tôi. Bởi họ biết rằng, những thời khắc này là vô cùng quý báu, không thể để nó trôi đi lãng phí được. Rồi cả các chú tôi, em Tuấn cũng xúm vào hỏi, động viên bố. Tôi không nói được câu gì. Có lẽ do tình cảm quá thương nên tôi không cất nổi nên lời. Mọi người hỏi bố có nằm ở khu vườn mà lần trước chúng con đã tìm đến nơi và đào bới, tìm kiếm bố không ? ở độ sâu bao nhiêu ?Trên người có quân tư trang gì không? Xung quanh nơi bố nằm có đồng đội nào không ? Vì đây là những câu hỏi rất quan trọng nên mọi người hỏi đi hỏi lại. Lần nào bố tôi cũng gật đầu đồng ý nếu câu hỏi ấy là đúng, còn lắc đầu nếu câu hỏi ấy là sai. Theo chúng tôi hiểu thì bố bảo rằng: Khu vườn đó là đúng chỗ bố đang nằm. Chỗ quả trứng đứng là chỗ bố bị giặc bắn. Còn đồng đội chôn cất bố chỗ khác, dưới gốc dừa chứ không phải gốc mít hay góc nhà. Trên mảnh vườn đó chỉ có một mình bố, không có đồng đội nào cả. Trên người bố không có quần áo, quân tư trang của bộ đội. Bố được họ chôn ở độ sâu chính xác là 80cm. Rồi nhiều câu hỏi được đặt ra như: Bố hy sinh tháng nào ? Ngày chúng con cúng giỗ bố có phải là ngày bố hy sinh không ? Bố có hay về nhà không ? Hôm nay ra đây với bố có ông bà con không , có mẹ con không ? Đi cùng với bố hồi đó, ở cơ quan có mấy người ? v.v… ý đúng, sai được bố xác nhận hay phủ định rất dứt khoát. Trong suy nghĩ của mọi người, bố đang hiện hữu trước mặt gần như bằng xương, bằng thịt. Ai cũng hiểu phải đi đón bố về ngay nên ai cũng hỏi xin phép được đón bố về. Chắc bố đang rất muốn về với con cháu, người thân, quê hương, làng xóm nên bố chỉ cho phép đi ngày 2 tháng 7 ( âm lịch) và người đi đón bố. Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ, bố tôi giơ tay chào từ biệt mọi người rồi thăng. Chúng tôi ra về, ai cũng phấn khởi lắm. Tôi cùng vợ tôi, chị Bích, chị Ưng qua nhà cô Nguyện , định xin phép cô trở vào Nam và nhờ cô chỉ giúp nơi bố tôi nằm. Nhưng cô không có nhà ( vì ngày 30 và mồng 1 âm lịch cô nghỉ không làm việc)
Lần thứ tư
Cả gia đình trăn trở : Đã hẹn với bố ngày mồng 2 sẽ vào đón bố. Nhưng ngày mồng 2 mới hỏi được cô Nguyện xem cô chỉ bố nằm chỗ nào để khớp mọi thông tin xác định chính xác, đảm bảo lần này phải chắc chắn tìm thấy bố. Cuối cùng đi đến quyết định : Ngày mồng 2, em Tuấn sẽ bay vào trước đúng như đã hẹn. Còn hai vợ chồng tôi , sáng mồng 2 ra chỗ cô Nguyện để lấy thông tin. 8 giờ sáng ngày 2 tháng 7 ( âm lịch ) , tại phòng cô Nguyện, chúng tôi vui mừng khôn xiết khi cô Nguyện cầm cây kim xuyên thủng vào bức ảnh đánh dấu vị trí mộ bố tôi nằm. Cô đưa cho tôi một hộp bánh đậu xanh , giọng phấn khởi : Tôi cho cậu hộp bánh này. Lần này vào trong đó mang bố về, vuông vức như hộp bánh này giúp tôi nhé !  Tôi cảm động quá, xin phép cô ra về. Trước khi về, cô còn gọi lại, giới thiệu tôi gọi điện cho chú Trần Huy Tìm - người rất có tâm và rất giỏi trong việc xác định và bốc cất hài cốt Liệt sĩ.
Về đến nhà, tôi gửi qua email bức ảnh có đánh dấu của cô Nguyện cho em Tuấn để Tuấn xác định vị trí có khớp với ngôi mộ mà người em của bác chủ vườn chỉ dẫn không. Chiều tối hôm đó, sau khi đã hỏi han, xác định chính xác, em Tuấn tôi gọi điện về bảo chú Tám và tôi ngày mai bay ngay vào. Vậy là mỗi ngày một thêm chắc chắn. Ngày bố được về nhà đang đến rất gần rồi. Tôi sung sướng quá. Vậy là đã gần một tháng trời, đêm nay, giấc ngủ mới đến với tôi phần nào nhanh chóng hơn.
Tôi làm mâm cơm cúng tổ tiên trước khi lên đường. Vào Tp.HCM. xuống Lộc Giang, chúng tôi đã có mặt tại nhà bác Mười Côi. Mọi người chờ đón chúng tôi như người thân đi xa trở về. Bữa tối hôm đó, có mặt đầy đủ các bác Cựu chiến binh trong xã, ấp, anh Tửu - người biết thông tin về ngôi mộ - cùng với gia đình bác Mười Côi. Đêm đó, nghỉ tại nhà bác Mười Côi, tôi không tài nào ngủ được. Phần vì mưa to gõ trên mái tôn , phần vì lo ngày mai công việc sẽ diễn biến ra sao. Tôi mong từng phút, từng giờ cho trời mau sáng.
Rồi bình minh cũng đã đến. 6 giờ sáng , tôi cùng em Tuấn ra chợ sắm lễ để chuẩn bị lên vườn. Đúng 7 giờ 30 phút, chúng tôi có mặt tại khu vườn mà gần một tháng trước đây chúng tôi đã tới. Thủ tục lễ lạt được khẩn trương tiến hành. Chú Tìm với bản đồ mà cô Nguyện vẽ trên tay, chú tìm kiếm, xác định và liên lạc với cô Nguyện. Chú nói : Đây là bản đồ âm bản. Rồi chú vẽ trên mặt đất một hình chữ nhật kích thước khoảng 2m x 3m rồi bảo mọi người đào. Dưới từng nhát xẻng của tốp thanh niên trong ấp, từng lớp đất được lật lên. Một lớp, hai lớp, rồi ba lớp. Thần kinh tôi căng ra như sợi dây đàn. Đến lớp đất thứ tư, chú Tìm nói với anh em đào chậm lại. Từng nhát xẻng thận trọng đưa đất lên. Bỗng chú thốt lên: Đây rồi! Đào lựa thôi!  Tôi cảm thấy toàn thân lạnh toát, không khóc được lên lời . Cảm giác ấy giống như cái đêm định mệnh 28 tháng 3 năm 1994 ( âm lịch ) khi tôi thấy mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng lìa bỏ chúng tôi mà ra đi mãi mãi. Lúc này đây cũng vậy. Tôi muốn gào thật to lên : Bố ơi ! Sao không phải bố bằng xương bằng thịt để con được sà vào lòng để bố bồng, bố bế và được bố âu yếm con như bao đứa trẻ khác trên đời ? Xót xa quá bố ơi ! Lần đầu tiên gặp bố chỉ là hình hài bằng những mảnh xương tàn. Với bàn tay nhẹ nhàng của người đã từng trải trong việc bốc cất hài cốt Liệt sĩ, chú Tìm dùng chiếc bay nhỏ, nhẹ nhàng gạt từng lớp đất. Và hình hài bố đã hiện ra trước mắt tôi rõ mồn một : Bố nằm đó, thanh thản, thảnh thơi, đầu ngẩng cao, chân phải duỗi, chân trái hơi co. Chắc bố đang muốn dõi theo đồng đội chiến đấu ra sao ; hay bố đang muốn ngẩng lên để ngắm nhìn sự trưởng thành của chị em chúng con từ nhọc nhằn, lam lũ, một nắng, hai sương của người mẹ. Chân bố hình như vẫn muốn bước tiếp để xông lên tiêu diệt quân thù cho đất nước khải hoàn ca , để bố sẽ được trở về với gia đình, quê hương, làng xóm. Thế là đã 39 năm bố nằm lại trên mảnh đất này không một người nào biết để thăm nom, hương khói. Bố ơi! Con sẽ đưa bố trở về gia đình mình bố nhé ! Tôi trải tấm vải trắng trên nền ni lông . Chú Tìm nâng niu gom lại từng phần cốt của bố tôi , xếp theo thứ tự lên trên nền vải trắng. Làm thủ tục khâm liệm xong, chú Tám tôi gào lên thật to như chưa bao giờ được khóc như thế. Tôi biết, chú khóc phần vì thương anh, phần vì sung sướng đã tìm thấy người anh thân yêu của mình mà đã có lúc tưởng như không thể nào gặp lại. Xót xa lắm chứ ! Em Tuấn cũng nước mắt lưng tròng. Xung quanh tôi, bà con cô bác trong ấp đứng xem ai cũng ngậm ngùi, xót xa. Mấy má lầm rầm cầu nguyện : Thế là từ nay anh được trở về với gia đình, không phải lạnh lẽo cô đơn nơi đất khách quê người rồi anh ơi !  
 Mọi thủ tục nhận lại hài cốt nhanh chóng được chính quyền địa phương tiến hành ngay trên mảnh vườn nhà bác Kỉnh. Chú Tám tôi đại diện gia đình cảm ơn chính quyền địa phương, bà con trong ấp Lộc Hoà đã tận tình giúp đỡ đoàn, giành cho đoàn những tình cảm sâu sắc nhất. Rồi chúng tôi lên đường trong sự tiễn đưa lưu luyến của bà con ấp Lộc Hoà. Mọi người đều chúc chúng tôi lên đường thượng lộ bình an và cầu mong cho vong linh của bố tôi được siêu thoát, trở về với gia đình.
Vậy là đó 41 năm xa quê hương, nay bố tôi đó được về với gia đình, với quê hương, chòm xóm. Người thân đón bố bằng những giọt nước mắt sung sướng đến nghẹn ngào. Bà con làng trên, xóm dưới đến thăm viếng bố trong sự trân trọng, trang nghiêm. Các cơ quan, đoàn thể, bạn bè của bố, mẹ tôi, của con trai, con gái, con dâu, con rể của bố từ các nơi nghe tin về viếng bố. Hết đoàn nọ đến đoàn kia kéo dài từ 2 giờ chiều đến mói đêm khuya.
Sáng ngày 7 tháng 7 ( âm lịch ) - đúng ngày lập thu năm 2008 - tại Nghĩa trang Liệt sĩ quê nhà, chính quyền địa phương đó tổ chức Lễ đón nhận hài cốt cha tôi thật long trọng và đầy ý nghĩa. Trong tiếng Quốc ca hào hựng, chắc bố tụi sẽ rất vui và ấm ỏp trong lũng đất mẹ. Bởi từ nay, trên mảnh đất quê cha đất tổ, bố nằm đây cùng đồng đội. Chúng con và gia đỡnh sẽ thường xuyên thăm viếng bố. Con hy vọng bố sẽ cảm thấy ấm lũng nơi tiên cảnh.

Thay cho phần kết
Mỗi chúng ta sinh ra đều có cha, có mẹ. Từ dòng sữa ngọt ngào và lời ru ầu ơ của mẹ, chúng ta đã lớn lên cùng năm tháng. Có được sự trưởng thành là nhờ vào sự tần tảo và một nắng hai sương của mẹ. Từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến lúc lớn lên, người cha là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cũng như vật chất. Cao hơn cả, dưới bóng người cha, mỗi chúng ta đều hoàn toàn yên tâm khi gặp bão tố mưa sa của cuộc đời. Vậy nên khi chúng ta còn cha còn mẹ, đừng bao giờ để cha mẹ phải buồn lòng. Lại càng không thể để cha mẹ phải rơi nước mắt.
                                                                  
Nguyễn Văn Thụ

Theo nhantimdongdoi.org

0 nhận xét :

Ghi chú cho mẫu nhận xét:
- [img] ..link..[/img].
- [youtube] ...link...[/youtube].
- [nct]...link...[/nct].

:) :( :)) :(( =))

Recent Posts