Chlamydia trachomatis - Bệnh nhiễm trùng lây truyền hàng đầu qua đường tình dục

Đại cương

Tác nhân lây nhiễm hàng đầu

Chlamydia trachomatis (Ct) là bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục xếp hàng đầu trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế thế giới ước tính hàng năm có khoảng 90 triệu ca nhiễm Ct được phát hiện mới. Nhiễm Ct thường gây viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung. Tuy nhiên những hậu quả về sau của nhiễm Ct như viêm phần phụ, đau vùng chậu mãn tính, thai ngoài tử cung, vô sinh do tổn thương ống dẫn trứng, viêm mào tinh, viêm trực tràng và viêm khớp phản ứng đòi hỏi phải chăm sóc y tế với phí tổn cao. 

Sinh học một vi trùng khiếm khuyết

Chalmydia trachomatis là vi trùng sống ký sinh bắt buộc bên trong tế bào. Không như những vi trùng khác có khả năng tổng hợp năng lượng từ môi trường ngoài, Ct phải phụ thuộc vào năng lượng tổng hợp sẵn của tế bào để tồn tại và nhân lên. Để vào được bên trong tế bào, Ct ngụy trang thành một “vị khách hiền lành” để tế bào mời vào. Khi đã vào bên trong, Ct lập tức trở mặt, sinh sản thật nhanh khiến tế bào không thể tống khứ vị khách bất lương này. Đến lúc tế bào đã trở nên “chật chội” Ct phá vỡ tế bào để đi tìm nơi định cư mới.
Chu trình lây nhiễm của Ct có thể tóm tắt như trong hình 1, bao gồm 6 bước: xâm nhiễm, xâm nhập, EB -> RB; nhân đôi RB, RB -> EB, và phóng thích EB. Toàn bộ chu trình kéo dài 48 – 72 giờ. Trong thực tế, Ct phải thực hiện những biến đổi phức tạp, điều chỉnh hoạt động của tế bào chủ để phát triển. Cơ chế hoạt động của Ct vẫn còn chưa được biết rõ.

Trong thời gian gần đây, những tiến bộ về sinh học phân tử đã giúp giải mã bộ gen của Ct, khẳng định quá trình tiến hóa phức tạp của Ct để từ một vi khuẩn khiếm khuyết, lệ thuộc trở thành tác nhân lây nhiễm hàng đầu trên thế giới! 



Chlamydia và sinh sản

Ở phụ nữ
Nhiễm Ct được xem là nguyên nhân chính gây viêm cổ tử cung xuất tiết. Từ địa điểm ban đầu này, Ct có thể đi vào niệu đạo gây viêm niệu đạo, đi ngược lên vào đường sinh dục gây bệnh lý vùng chậu mà hậu quả có thể là thai ngoài tử cung hoặc vô sinh. Trong thai kỳ, Ct có thể gây vỡ ối non, nhiễm trùng ối, sinh non, nhiễm trùng hậu sản và nhiễm Ct cho trẻ sơ sinh. Về lâu dài, Ct có thể cùng với HPV – một loại siêu vi khuẩn – gây tân sinh tại cổ tử cung, có khả năng đưa đến ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, mặc dù đa số bệnh nhân viêm cổ tử cung xuất tiết là do nhiễm Ct, phần lớn trường hợp nhiễm Ct lại không biểu hiện triệu chứng rõ rệt để có thể phát hiện và điều trị sớm cho bệnh nhân.

Chính vì không phát hiện và điều trị sớm đã tạo điều kiện cho Ct gây biến chứng bệnh lý vùng chậu. Đây là một bệnh lý gây hậu quả trầm trọng lên chức năng sinh sản và là một nguyên nhân gây vô sinh mà đáng ra có thể phòng ngừa được dễ dàng nhất. Ước tính sau đợt bệnh lý vùng chậu đầu tiên, nguy cơ vô sinh vào khoảng 10%, và nguy cơ này cứ tăng gấp hai lần sau mỗi lần tái diễn bệnh lý vùng chậu. Cần lưu ý rằng bệnh lý vùng chậu do nhiễm Ct cũng diễn tiến âm thầm, tiềm ẩn khiến cho việc phát hiện nguy cơ lây nhiễm Ct dựa vào triệu chứng lâm sàng càng khó khăn và kém hiệu quả.

Ở nam giới
Ở nam giới triệu chứng lâm sàng của nhiễm Ct càng mờ nhạt hơn, chỉ một số bệnh nhân bị viêm niệu đạo. Một số bệnh nhân có biểu hiện viêm mào tinh, viêm trực tràng … ảnh hưởng của Ct lên chất lượng tinh trùng còn là vấn đề bàn cãi.

Tuy nhiên, vì Ct lây qua đường tình dục nên nam giới nhiễm bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sẽ là nguồn tái nhiễm cho bạn tình. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy Ct ở nam giới có khả năng bám vào tinh trùng và theo tinh trùng đi vào cơ thể phụ nữ, đi qua cổ tử cung, vào tử cung và đi lên ống dẫn trứng, giúp phát tán nhanh Ct trong đường sinh dục của phụ nữ.


Chẩn đoán
Do phần lớn trường hợp nhiễm Ct không có triệu chứng, và triệu chứng nếu có cũng không điển hình, nên việc chẩn đoán và tầm soát nhiễm Ct đơn thuần dựa vào triệu chứng lâm sàng hoàn toàn không khả thi. Cho đến khi có biểu hiện viêm vùng chậu hoặc khi bệnh nhân khám vô sinh phát hiện có tổn thương ống dẫn trứng thì Ct đã gây biến chứng khó phục hồi. Cần thiết phải có những phương tiện chẩn đoán chính xác và phù hợp để giúp phát hiện Ct và những hậu quả mà nó gây ra.

Để phát hiện Ct, người ta có thể dùng nhiều biện pháp như cấy để chờ vi khuẩn gia tăng số lượng; dựa vào kháng nguyên trên bề mặt để nhận diện vi khuẩn thông qua các kháng thể có gắn chất đánh dấu; hoặc dựa vào chất liệu di truyền (gen) của vi khuẩn. Ngoài ra, nhiễm Ct trong quá khứ cũng có thể ghi nhận thông đo lường nỗng độ kháng thể kháng Ct trong máu, cho phép đánh giá phần nào mức độ tổn thương của đường dẫn trứng. Mỗi xét nghiệm có những ưu khuyết điểm khác nhau, tùy mục tiêu mà chọn lựa loại xét nghiệm tương ứng.



Bảng 1. So sánh các xét nghiệm chẩn đoán nhiễm Chlamydia trachomatis

Loại XN  Bệnh phẩm  Yêu cầu; thời gian thực hiện
Chất liệu di truyền  Dịch âm đạo-CTC-niệu đạo, nước tiểu  Trang thiết bị chuyên dùng, nhân sự được đào tạo; 4-24 giờ
Miễn dịch men  Dịch âm đạo-CTC-niệu đạo Dễ thực hiện (so với cấy), dễ đọc kết quả; 3 giờ
Miễn dịch huỳnh quang  Dịch CTC-niệu đạo  Kỹ thuật đơn giản, kết quả chủ quan phụ thuộc kinh nghiệm kỹ thuật viên; 30 phút
Cấy Dịch CTC-niệu đạo  Môi trường và điều kiện cấy chuyên biệt; nhân viên có kinh nghiệm; 72 giờ





 




 
Điều trị và Dự phòng
Chlamydia có thể điều trị dứt điểm dễ dàng bằng nhiều loại kháng sinh như azithromycin, doxycyclin, erythromycin hay ofloxacin (bảng 2). Thế nhưng một khi nhiễm Ct đã để lại hậu quả thì việc giải quyết trở nên vô cùng khó khăn và tốn kém, đặc biệt với tổn thương ống dẫn trứng do Ct trong điều trị vô sinh. Do vậy, cần đẩy mạnh chương trình dự phòng cấp 1 (tránh mắc bệnh – giáo dục cộng đồng về tình dục an toàn) và cấp 2 (phát hiện và điều trị sớm – chương trình tầm soát). Theo một số nghiên cứu, chương trình tầm soát có hiệu quả khi tỷ lệ bệnh lưu hành trong cộng đồng trên 6%. Theo một số nghiên cứu, con số này ở Việt nam trong khoảng 20 – 50%.

 Bảng 2. Phác đồ sử dụng kháng sinh trong nhiễm Chalamydia
Loại kháng sinh  Liều dùng
Azithromicin 1 g liều duy nhất (uống)
Doxycyclin 100 mg x 2 lần / ngày x 7 ngày  (uống)
Erythromycin 500 mg x 4 lần / ngày x 7 ngày (uống)
Ofloxacin 300 mg x 2 lần / ngày x 7 ngày (uống)







Kết luận

Tổn thương ống dẫn trứng do Chlamydia là nguyên nhân vô sinh có thể phòng tránh được. Ta biết cách dự phòng, ta biết cách tầm soát, còn điều trị thì quá đơn giản! Vậy thì hãy đừng để nó tiếp tục lan rộng.

0 nhận xét :

Ghi chú cho mẫu nhận xét:
- [img] ..link..[/img].
- [youtube] ...link...[/youtube].
- [nct]...link...[/nct].

:) :( :)) :(( =))

Recent Posts