Hành trình tìm kiếm 4.000 hài cốt ở “địa ngục trần gian” (tiếp theo)

Sự thật về những vụ thảm sát đẫm máu trong nhà lao Cây Dừa

Trong lịch sử ðen tối của nhà tù Phú Quốc, có quá nhiều vụ thảm sát tàn khốc xảy ra, cýớp ði sinh mạng của hàng ngàn tù nhân cộng sản. Mấy chục nãm sau, khi lần tìm các nhân chứng, thu thập tý liệu cho loạt phóng sự ðặc biệt này, tôi ðã không thể cầm ðýợc nýớc mắt khi thắt lòng dựng lại một vài vụ thảm sát trong hàng trãm cuộc thảm sát ðẫm máu ấy. Tôi chợt hiểu, vì sao, mỗi tấc ðất ở hải ðảo xa xôi ấy ðều thấm ðẫm máu xýõng của các tù nhân cộng sản bất khuất, kiên trung…

Khi khói súng tan, hàng trăm xác tù nhân nằm phơi trắng mặt đất

Liệt sĩ Lê Văn Dương bị địch bắn chết ngay tại cửa trại giam
Ngay từ nãm 1965, khi những ngýời tù cộng sản bị bắt và bị ðày ra Phú Quốc, máu của họ ðã ðổ bởi những vụ thảm sát rất tàn bạo. Vào một buổi sáng ðầu tháng 7/1965, địch cho tập hợp toàn bộ tù binh thành một hàng dài rồi bắt chào cờ ba sọc, bắt hô “Đả đảo Đảng Cộng sản Việt Nam”. Những người lính kiên trung gan vàng dạ sắt đứng lặng như tượng, không ai giơ tay chào cờ, cũng chẳng ai lên tiếng. Điên tiết, địch túa vào như lũ chó dại, dùng dùi cui, báng súng nhằm vào đầu, vào lưng tù binh mà ghè, mà phang. Uất quá, những tù binh vốn là những người lính xông pha biết bao trận mạc, giờ bị đàn áp vô lối, máu lính nổi lên, thế là anh em vùng lên đánh trả. Tiếng hò, tiếng hét, tiếng kêu la… Địch xả súng đồng loạt. Khi khói súng tan, một nửa tù nhân nằm sóng xoài trên đất cát, máu chảy lênh láng. Một tuần sau, mùi tanh nồng vẫn phả vào trại giam. Trưa hôm ấy, thu gom xác ra đồi 100 chôn, đếm cả thảy 78 tù nhân đã hy sinh. Anh em tù khiêng đến tận chiều tối mới hết.

Vào mùa mưa năm đó, do bọn cai ngục đối xử quá tàn tệ, vài chục người trong nhà giam bị chết do mắc bệnh kiết lỵ mà không được cứu chữa. Anh em tù quyết định tuyệt thực để đấu tranh. Tất cả tù nhân nằm lặng trong phòng, không ra sân điểm danh, cũng không cho quân cảnh vào phòng điểm danh. Tất cả những sinh hoạt bình thường đều tạm đình chỉ. Những lần trước, tuyệt thực ba bốn hôm thì địch buộc phải nhân nhượng giải quyết. Nhưng lần này đã kéo dài đến ngày thứ 11 mà địch vẫn trơ trơ. Đã vậy, chúng còn bắc chảo ra giữa cửa trại giam xào nấu thơm lừng. Anh em trong tù nhiều người đã kiệt sức, một số người bắt đầu nao núng. Đúng lúc cuộc đấu tranh đang rất gay go thì có phái đoàn Chữ thập đỏ quốc tế đến kiểm tra. Địch vội vàng xuống nước, năn nỉ tù nhân thay đổi thái độ. Nhưng anh em tù nhân vẫn quyết không chịu ăn, đòi địch phải thực hiện đúng Công ước Geneva về chính sách đối đãi với tù nhân chiến tranh. Địch không nghe. Chúng dùng vũ lực xua anh em ra rừng hòng che mắt công luận quốc tế. Các tù nhân cứ nằm lỳ, quyết không đi. Thế là cứ dùi cui, súng ống chúng nện lên những thân hình tiều tụy, xơ xác. Uất quá, không cần nghe mệnh lệnh chỉ huy của ban lãnh đạo, tù nhân nhào lên cướp vũ khí đánh lại chúng. Hoảng loạn vì bị đánh trả bất ngờ, đám quân cảnh bỏ chạy ra ngoài. Thế là, ngay lập tức, bốn khẩu đại liên ở trên bốn chòi canh xối đạn như mưa vào trong nhà giam. 15 phút sau, tiếng súng ngưng, hơn một trăm xác tù nhân được khiêng ra nghĩa địa. Khiêng suốt đêm không hết. Căn nhà giam cả tuần sau vắng lặng như bãi tha ma. Đám quân cảnh không dám bén mảng tới. Có thằng giám thị vừa lò dò đến, chợt bật lên tiếng ho của một người tù, hắn hoảng hồn hoảng vía chạy như bị ma đuổi.

Một buổi sáng hè năm 1967, chẳng hiểu vì lý do gì, tên giám thị đùng đùng cho lính vào phòng bắt 30 người ra phơi nắng trên giàn thiếc. Đây là kiểu tra tấn rất đơn thô sơ mà tàn độc của bọn cai ngục Phú Quốc. Buổi sáng, Mặt trời vừa lên, nằm sấp úp mặt trên tấm tôn còn chịu được; càng về trưa, tấm tôn càng nóng giãy như bị đốt lửa, da thịt ở bụng, ở ngực phồng rộp lên, chín đỏ như tôm luộc. Nếu cựa quậy, chúng phang thẳng cánh dùi cui; nhiều khi hứng chí, chúng rút súng nã thẳng vào đầu người tù.  Đến chiều thì người tù thân tàn ma dại, da bị cháy xém, có người mê man bất tỉnh. Chưa kịp hoàn hồn, sáng hôm sau chúng lại bắt ra phơi nữa. Cứ thế cả tuần. Có người không chịu được, phát điên, cả đêm la hú.

Đến ngày thứ bảy, một người tù gầy tong teo, chỉ còn da bọc xương, toàn thân cháy xém, nằm trên tấm tôn mếu máo, giọng van vỉ: “Xin tha cho tôi. Suốt đêm qua tôi bị đau bụng, không ngủ được. Tôi không chịu được nữa rồi”. “Mẹ mày! Tha cái gì. Gặp tao ở ngoài kia liệu mày có tha cho tao không. Nằm xuống”. Tên giám thị ác ôn quát. “Không. Tôi kiệt sức rồi. Tôi không thể…”. Người tù vẫn rên rỉ, giọng thều thào, đôi chân gầy trơ xương muốn khuỵu xuống. “Đồng chí sĩ quan! Hãy đứng thẳng dậy. Có chết cũng không được xin xỏ. Chúng nó khinh cho”. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía phát ra tiếng nói uất ức mà đanh thép đó, phía nhà giam hạ sĩ quan bị bao bọc bởi bảy lớp rào thép gai. Đó là một chiến sĩ trẻ, gầy nhẳng, đầu trọc lốc, ánh mắt ngút lửa căm hờn. Bỗng “đòm”. Tiếng đạn khô khốc vang lên. Người tù trẻ ngã ngửa rồi chết, mắt vẫn mở trừng trừng. Thế là tức nước vỡ bỡ. Đồng loạt anh em tù gào lên, lao cả tấm thân gầy guộc, tong teo vào đám giám thị và bọn lính. Cả sân bụi mù cát trắng. Tiếng thét, tiếng tru, tiếng rít vang lên. Bọn giám thị hoảng hốt bỏ chạy. Một vài tên quân cảnh bị đập vỡ sọ. Cả nhà giam tưởng chừng vỡ tung trong cơn phẫn nộ. Nhưng chừng nửa tiếng sau, những khẩu đại liên, những chiếc xe bọc thép đã dẹp xong cuộc bạo loạn. Máu tù nhân chảy thành dòng. Xác phơi đầy sân.

Cuộc tàn sát lớn nhất trên đảo

Sáng ngày 6/5/1972, địch bất ngờ cho tập hợp toàn thể tù nhân phân khu B8 ra ngoài sân trống để lục soát toàn phân khu sau khi nghe tin mật báo:
Liệt sĩ Nguyễn Văn Sắc bị địch bắn chết trong trại giam
trong phân khu đang có cuộc đào hầm vượt ngục. Chúng lùng sục khắp phân khu, săm soi từng tấc đất, bới móc từng xó xỉnh. Anh em tù nhân phải ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ dưới cái nắng nóng như đổ lửa. Vừa đói, vừa khát. Cuộc lùng sục kéo dài đến tận trưa mà không mang lại kết quả gì. Mãi đến 11 giờ địch mới cho anh em tù nhân trở vào phân khu rồi đưa lương thực, thực phẩm đến cho họ nấu nướng. Số lượng tù nhân quá đông, lại nấu bằng chảo gang lớn nên đến tận chiều anh em mới được ăn bữa sáng. Vì thế, sẩm tối, anh em tù đòi nấu ăn bữa nữa nhưng địch không cho với lý do: anh em tù vừa ăn xong vẫn còn no. Nếu nấu bữa nữa thì đến nửa đêm mới xong, khó khăn cho chúng trong việc tuần tra, canh phòng. Hai bên cãi nhau kịch liệt. Địch bắt anh em đem cà mèn ra không cho nấu nhưng tù nhân không chịu. Thế là lính quân cảnh được lệnh kéo đến dàn bên ngoài B8. Tên tiểu đoàn phó tiểu đoàn 8 cùng đám giám thị và quân cảnh kéo vào trong đánh đập tù nhân. Anh em tù đánh trả. Chúng vội vã tháo chạy rồi lệnh bên ngoài nổ súng yểm trợ. Súng trút đạn ầm ầm như một trận đánh lớn, tầm bắn càng ngày càng hạ thấp. Anh em tù tay không nên bị thương và hy sinh rất nhiều song vẫn bắt được tên giám thị trưởng Đinh Trọng Kính và tên trung sĩ Vũ Đình Khoan, giam giữ chúng ở phòng số 6.

Một lát sau, tên trung tá chỉ huy trưởng trại giam Bùi Bằng Dực đến đề nghị đưa người bị chết và bị thương ra nhưng anh em tù không chịu, đòi trừng trị tên chỉ huy đã ra lệnh nổ súng giết hại tù binh, yêu cầu từ nay chấm dứt hành động khủng bố bắn vào trại, phải phát cá tươi và lương thực đầy đủ, đồng thời phải chôn cất tù nhân tử tế, để anh em đưa đi chôn và tổ chức lễ truy điệu. Người bị thương phải được điều trị chu đáo… Tên chỉ huy trưởng buộc phải chấp thuận.

Theo phiếu trình số 5889/TG.TBCSVN/PQ đề ngày 8/5/1972 của tên chỉ huy trưởng trại giam Bùi Bằng Dực thì “cuộc nổ súng này đã giết chết 13 tù binh cộng sản, làm bị thương 56 người. Nhân viên quân cảnh đã áp dụng theo huấn thị số 1130/QP về các tiêu lệnh điều hành trại giam nên cuộc nổ súng này là hợp lý và cần thiết”. Nhưng theo các tù nhân trong phân khu B8 thì có khoảng 248 người chết và bị thương. Đây là cuộc tàn sát lớn nhất trong lịch sử nhà tù Phú Quốc.

Sự thật kinh hoàng  về vụ tàn sát, chôn sống tập thể

Trong quá trình đi kiếm nhân chứng, thu thập tư liệu cho loạt phóng sự đặc biệt này, tôi đã gặp gỡ thiếu tướng Lê Phú Cường, cựu tù nhân Phú Quốc. Qua câu chuyện kể của ông, sự thật kinh hoàng về một vụ giết người hàng loạt bằng cuốc xẻng, cán búa, dùi cui, báng súng R15… rồi chôn tập thể vào mùa mưa năm 1970 đã được hé lộ. Tác giả của vụ thảm sát dã man ấy là tên đồ tể hạng bự khét tiếng - “thiếu tá Mã Sinh Quy”, tiểu đoàn trưởng quân cảnh số 7, sau làm chỉ huy trưởng trại giam Biên Hòa. Chính Mã Sinh Quy đã vỗ ngực tuyên bố về hành động dã thú của hắn trước tù binh trại giam Biên Hòa: “Chúng bay nên nhớ Mã Sinh Quy này là chỉ huy trưởng trại giam Biên Hòa, trước đây là lính dù Liên hợp Pháp tại xứ Nùng Bắc Việt. Chính tao đã giết một loạt hàng trăm thằng tù binh Phú Quốc. Tất cả chúng bay hãy liệu hồn”.

Thiếu tướng Lê Phú Cường kể: đó là một buổi chiều hải đảo đầy giông gió, mây đen bao phủ khắp trời. Đích thân tên Mã Sinh Quy huy động hàng trăm trại viên quân kỷ (lính quân đội Sài Gòn bị kỷ luật) mang xẻng, cuốc, mai ra đào một cái hộ rộng. Hắn ra lệnh: “Tụi bay đào một hố đủ chôn 100 tù binh. Đào xong, bỏ lại toàn bộ cuốc, xẻng, mai, cho tụi bay vô trại nghỉ”. Đám quân kỷ vừa đào vừa sợ, vừa hoang mang. Họ không ngờ đây là hầm chôn người – chôn sống tù binh.

Trên 100 lính quân cảnh từ tiểu đoàn quân cảnh số 7 từ khắp các đại đội kéo xuống khu vực hầm, tay lăm lăm dùi cui, cán búa, củi đòn. Chúng đi hàng năm, chộn rộn. Phía trên các góc sân cỏ, hàng trăm lính gác với súng ống và lưỡi lê tuốt trần. Tất cả đứng nghiêm chờ lệnh.

Hàng trăm tù nhân thân tàn ma dại bị lùa ra miệng hầm. Bỗng Mã Sinh Quy hét to: “Giết”. Như một bầy sói dữ, đám quân cảnh lao đến. Hàng trăm xẻng bổ toác đầu tù binh, hàng chục cán búa, củi đòn nện vào ngực, bụng, lưng người tù. Nửa tiếng sau, không gian chìm trong yên lặng, không còn thấy tiếng kêu la, rên rỉ của những tù nhân. Mã Sinh Quy liền ra lệnh: “Quẳng xác chúng nó xuống hầm. Mồ tập thể của chúng nó đấy. Mau lên”. Tụi lính quân cảnh lại ào đến đống xác tù nằm ngổn ngang, chồng chất, xô, kéo, đẩy tù chết, tù sống, tù hấp hối xuống hầm. Đất ào ào trút xuống như mưa, mặc tiếng kêu cứu thất thanh của những tù nhân còn sống vọng lên từng đợt.

Kể lại vụ thảm sát kinh hoàng đó, vị thiếu tướng già giọng nghẹn lại, mắt đỏ hoe. Cố kìm nén cơn xúc động, ông bảo: “Quá khứ đau thương cần khép lại vì hòa bình, vì quan hệ thương mại Việt – Mỹ. Nhưng suốt 30 năm qua, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu phía Việt Nam truy tìm lính Mỹ bị mất tích và hài cốt lính Mỹ. Còn hài cốt lính Việt Nam? Hài cốt của mấy nghìn tù nhân Phú Quốc bị tàn sát thảm khốc kiểu này, sao Chính phủ Mỹ không hề nhắc nhở? Không nên và không đành lòng để tình trạng mấy nghìn người tù cộng sản kiên trung mấy chục năm vùi sâu xác thân nơi đầu non, lạch suối. Oan hồn của các anh em còn phiêu diêu nơi lùm cây, bụi cỏ. Xin cho 60 hài cốt của vụ thảm sát này được đưa về nghĩa trang liệt sĩ Dương Đông, Phú Quốc. Xin được tiếp tục tìm kiếm 4.000 hài cốt còn bị vùi lấp trên các đồi hoang của hải đảo Phú Quốc”.

Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và hành trình tìm kiếm 4.000 hài cốt đầy nước mắt

Bích Hằng bật khóc những cái chết tức tưởi của hàng ngàn tù nhân Phú Quốc
Trong suốt hành trình dằng dặc 17 năm đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ khắp các rừng sâu núi thẳm, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, bằng khả năng đặc biệt, đã đưa hàng chục ngàn hài cốt liệt sĩ trở về với cố hương. Mỗi chuyến đi là cả một câu chuyện dài đầy xúc động với nhiều tình tiết ly kỳ, huyền hoặc. Mỗi cuộc tìm kiếm là cả một hành trình đầy nước mắt, mồ hôi. Song, cuộc tham gia tìm kiếm hơn 4.000 hài cốt tù nhân cộng sản ở nhà tù Phú Quốc, với chị (và với nhiều người khác) có lẽ là cuộc kiếm tìm ám ảnh và xúc động nhất. Chị đã gửi lại quá nhiều nước mắt và niềm xót thương ở nơi “địa ngục trần gian” kinh hoàng ấy.

Hành trình tìm kiếm hài cốt lớn nhất trong lịch sử Việt Nam bắt đầu bằng cuộc viếng thăm của hơn một trăm cựu tù nhân Phú Quốc. Buổi sáng hôm đó (ngày 30/4/2008), tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện đảo Phú Quốc, giữa nghi ngút khói hương, trong sụt sùi nước mắt, các cựu tù nhân nghẹn ngào kể lại những năm tháng kinh hoàng trong địa ngục trần gian. Những căn phòng biệt giam ngột ngạt, những chuồng cọp rợn người, những ngón đòn tra tấn tàn độc, những cái chết tức tưởi của hàng ngàn bạn tù… Nhiều người bật khóc khi chợt nghe tiếng ai thảng thốt gọi: “Đức ơi! Trung ơi! Hóa ơi! Chúng mày có ở đây không? Anh em trại 10, trại 12 đây…”.
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, một cựu tù Phú Quốc, nghèn nghẹn nói, mắt đỏ hoe: “Chúng ta phải gắng tìm cho được hơn 4.000 hài cốt của các anh em tù, đưa họ về đây, dù chỉ là một dúm xương tàn. 35 năm nằm chìm khuất dưới cỏ hoang, đồi lạnh, không một nén hương tàn, anh em chắc tủi thân lắm”. Trong cơn chấn động của cảm xúc, một số cựu tù nhân đã lăm lăm trong tay que thuốn bằng sắt, sẵn sàng đi kiếm tìm đồng đội. Nhưng hỡi ôi! Đất đảo Phú Quốc rặt đá với sỏi, đâu phải ruộng chiêm trũng đất mềm mà thuốn. Nhà lao Cây Dừa với hàng trăm dãy nhà tôn san sát, trùng trùng lớp lớp hàng rào kẽm gai “đâm nát trời chiều” năm xưa giờ chỉ là vùng đất mênh mông gần 400ha rậm rạp cối cây, cỏ lau ngút ngàn, chẳng để lại một dấu vết gì. Tìm ư? Khác gì mò kim đáy bể.


Ông Nguyễn Trọng Dư, Phó giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở Phú Xuyên (Hà Nội), một cựu tù binh Phú Quốc, thành viên trong đoàn ra thăm viếng chợt nhớ đến nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, người từng giúp gia đình ông tìm được mộ tổ của gia tộc ở Hải Phòng. Đứng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện đảo Phú Quốc, ông liền bấm máy điện thoại liên lạc với Bích Hằng, ngỏ lời cầu giúp. Bích Hằng nhận lời tiếp ông ở Hà Nội.


8h sáng ngày 5/6/2008, cựu tù binh Nguyễn Trọng Dư đã có buổi làm việc với nhà ngoại cảm Bích Hằng tại số nhà 25 Thợ Nhuộm, Hà Nội. Sau khi nghe ông Dư kể về nhà lao Cây Dừa, về cuộc sống của hơn 30 vạn tù nhân cộng sản năm xưa, về chế độ nhà tù hà khắc, tàn độc và cái chết đau đớn của hơn 4.000 chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng vô cùng xúc động và bất ngờ. Bất ngờ vì lẽ, trước đó, chị (và có lẽ còn nhiều người nữa) cứ nghĩ chỉ có Côn Đảo mới có nhà tù còn Phú Quốc là “thiên đường du lịch” với cát trắng, biển xanh, nắng vàng. Nước mắt chan chan, chị nghẹn ngào nói: “Cháu sẽ cố gắng hết sức để giúp các chú sớm tìm lại đồng đội xưa”.


Sáng ngày 18/10/2008, Phan Thị Bích Hằng, ông Nguyễn Trọng Dư và một số người trong Ban Liên lạc cựu tù binh Phú Quốc đã có mặt ở “thiên đường du lịch”. Hôm đó, cũng là ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức đại lễ cầu siêu cho các liệt sĩ ở đảo và Bích Hằng là khách mời. Nhưng tạm gác lại những nghi thức của buổi đại lễ thiêng liêng ấy, Bích Hằng vội vã đến tượng đài Nắm Đấm với mong muốn sớm nhận được thông tin cho cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ mà theo chị dự cảm: sẽ lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Xe ô tô vừa đỗ trước cửa tượng đài, Bích Hằng vừa bước chân xuống thì như có một thế lực nào huyền bí, ngăn không cho chị vào mà kéo tuốt chị đến cánh rừng rậm rạp phía trước. Chị cứ đi như người mê sảng. Đi mãi. Cho đến khi cánh cửa sắt lừng lững với hàng rào kẽm gai hiện ra trước mặt, chị và đoàn tìm kiếm mới dừng lại. Đây là địa phận bí mật,  chứa đựng nhiều kho vũ khí của hải quân vùng 5 nên nghiêm cấm mọi sự đột nhập. Ông Nguyễn Trọng Dư liền rút điện thoại, trao đổi với đại tá Ngô Văn Phát, Bí thư Chính uỷ vùng 5. Đã từng đọc, nghe nhiều về nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, thấu hiểu tâm nguyện thiêng liêng của ông Dư và đồng đội, đại tá Ngô Văn Phát đồng ý cho đoàn vào vùng cấm, thậm chí tự nguyện làm người dẫn đường cho đoàn. Chừng 10 phút sau, đại tá Phát có mặt cùng một chiến sĩ hải quân trẻ, trên tay cầm một chùm chìa khóa và chiếc búa đinh. Đại tá cười xòa: “Các bác thông cảm. Khóa cổng này gần hai mươi năm nay không mở. Tôi sợ khóa bị hỏng nên phải mang sẵn búa đinh theo”. Anh lính hải quân trẻ sau một hồi tìm kiếm trong mớ chìa khóa  bước về phía cổng sắt, nhẹ nhàng tra thìa. Khóa bật mở. Mọi người đồng loạt ồ lên, ánh mắt đầy kinh ngạc. Gần 20 năm dầm mưa dãi nắng trong gió mặn mòi của biển, bình thường, chỉ một vài năm là khóa đã hoen gỉ. Vậy mà…. Một cảm giác linh thiêng chợt ùa đến khiến mọi người trong đoàn lặng đi, rưng rưng.


“Các chú ơi! Hài cốt nhiều quá. Nằm ngang, nằm dọc, tầng tầng lớp lớp. Toàn hầm mộ tập thể các chú ơi!”. Đi bộ vào sâu trong rừng chừng 100m, bất chợt, nhà ngoại cảm Bích Hằng kêu lên thảng thốt. Cả đoàn như bừng tỉnh. Đâu đó bật lên tiếng sụt sùi. Tìm một bãi đất trống, trải tấm nylon, đoàn tìm kiếm bày đặt lễ vật, thắp hương. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, chắp tay thành kính, giọng run run. Chị khấn vong linh các anh hùng liệt sĩ, những tù nhân cộng sản đã hy sinh thân mình vì dân, vì nước. Chợt chị reo lên: “Chú Bảy Ni về. Chú ấy muốn nói chuyện với các chú”.


Bảy Ni (tức Nguyễn Văn Ni) là Bí thư Đảng uỷ phân khu B2 đã lãnh đạo phân khu đấu tranh giành thắng lợi trong việc đánh đuổi tên trung sĩ giám thị trưởng ra khỏi phân khu. Chính vì chiến công này mà ông đã bị tên Bảy Nhu tra tấn, đánh đập bằng những ngón đòn tàn độc, man rợ. Trước khi chết, ông còn hô: “Đả đảo Mỹ - Thiệu. Hồ Chí Minh muôn năm” (xin xem lại kỳ 4: Tên cai ngục tàn bạo nhất và kỹ nghệ giết người).


Bích Hằng bảo: “Chú Bảy Ni xúc động lắm. Chú ấy bảo: “Ngót 40 năm rồi còn gì. Tưởng vĩnh viễn không bao giờ gặp lại. Nay, thấy đồng đội tóc đều đã
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng trao đổi với ông Nguyễn Trọng Dư về cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở Phú Quốc
bạc, da đã mồi mà còn nhớ đến đồng đội, còn thiết tha đi tìm đồng đội, anh em chúng tôi cảm kích lắm. Ở khu vực này có 4 hầm mộ tập thể. Mỗi hầm sâu từ 6 đến 10m. Hài cốt chồng tầng tầng lớp lớp nên sau này các đồng chí khai quật, phải cố lấy cho bằng hết. Hầm mộ thứ nhất là hầm anh em tù tự đào chôn mình. Sao lại tự đào chôn mình? Sáng sáng, bọn địch bịt mắt anh em tù, dồn ra bìa rừng này bắt đào. Chiều, chúng lại bịt mắt anh em dồn về. Chừng nửa tháng thì đào xong. Thế là vào một buổi chiều đầy giông gió, chúng lùa mấy trăm anh em tù ra đứng trước miệng hố rồi bất ngờ xả súng hàng loạt. Một trận mưa đạn xối lên những thân tù còm cõi, xơ xác, bệnh tật. Không ai kịp kêu một tiếng. Máu anh em tù chảy thành suối. Xác chồng lên xác. Chúng hất cả xuống hố. Trước khi lấp đất, chúng còn đổ xuống cả chục thùng thuốc hóa học để xác anh em bị phân huỷ nhanh. Cho nên sau này các đồng chí mà đào bới, phải rất chú ý kẻo nhiễm chất độc. Hầm anh em đào để tự chôn mình ấy, nằm ở bên tay trái các đồng chí, cách vị trí các đồng chí đang đứng chừng 50m. Phía trên có một bụi cây hoa màu trắng, nhỏ li ti như hạt gạo. Hầm mộ thứ hai nằm ở bên tay phải các đồng chí. Trên ụ đất cao cao, có mấy bao tải cát, cạnh ba gốc cây thông cụt. Đó là hầm mộ của những người bị đánh thuốc độc chết. Họ hầu hết là những tù nhân mới, bị bắt ở Quảng Trị đưa ra. Thủ đoạn của bọn địch vô cùng thâm độc. Mấy ngày đầu, chúng bỏ đói anh em. Khi thấy hầu hết tù nhân lả đi vì đói, khát, chiều tối hôm ấy, chúng mời anh một bữa ăn thịnh soạn. Mọi người bốc ăn như ma đói. Chẳng ai biết thức ăn đã bị địch trộn thuốc độc. Chừng 15 phút sau, tất cả mọi người lăn ra chết, máu mồm, máu mũi ộc ra lênh láng khắp phòng. Thế là địch xúc xác tù nhân lên xe, chở thẳng ra bìa rừng hắt xuống hố. Vì trời tối nên chúng lấp đất qua loa. Ai dè, đêm đó trời đổ mưa. Một số tù nhân, có thể vì ăn ít, nên tỉnh lại. Thế là họ lồm cồm bò lên miệng hố. Vừa bò, vừa kên, rên. Tiếng kêu lọt vào phòng đám quân cảnh. Ngay tức khắc, đám quân cảnh túa ra. Tay xẻng, tay báng súng, chúng cứ nhằm đầu tù nhân mà bổ, mà chém như chém sọ dừa. Vẫn chưa yên tâm. Lũ quỷ đội lốt người ấy dùng máy vần những tảng đá nặng đến cả tấn lấp lên người đám tù nhân. Anh em khi khai quật hầm mộ này, cố gắng đưa bằng được những phiến đá ấy lên. Dưới đó, xương anh em tù tầng tầng, lớp lớp.


Tìm được hầm mộ này, các đồng chí mở rộng ra hai bên. Đó là hầm mộ số 3 và số 4. Hai hầm mộ này, địch chôn làm nhiều đợt. Cứ một lớp xác tù nhân, một lớp đất, lại một lớp xác tù nhân. Đó hầu hết là những anh em tù bị địch tra tấn, đày đọa đến chết. Người bị đổ nước xà phòng đun sôi vào miệng, người bị luộc trong chảo nước sôi, người bị đóng cả chục chiếc đinh 10 phân vào đầu, vào xương sống… Có quá nhiều cái chết thương tâm. Đào bới lên, lại một lần nữa thêm đau lòng các đồng chí ạ!”.


Cuộc trò chuyện giữa vong linh của đồng chí Bảy Ni và đoàn tìm kiếm hài cốt kéo dài chừng một tiếng đồng hồ với nhiều chi tiết vô cùng xúc động. Cuộc nói chuyện vừa kết thúc, Bích Hằng đã phăm phăm vạch cây rừng chạy lên trên đồi, nơi vong linh đồng chí Bảy Ni vừa chỉ dẫn có hầm mộ số 2. Thấy vậy, trung tá Nguyễn Văn Ca, đội phó đội K92 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang), hét to: “Bích Hằng. Dừng lại. Ở đây nhiều rắn độc lắm”. Kệ! Bích Hằng cứ phăm phăm chạy. Mọi người ùa theo. Chạy chừng 50m, cả đoàn đứng sững lại. Cạnh ụ đất trên có mấy bao tải cát, có 3 gốc cây thông mục nằm theo thế chân kiềng. Tín hiệu mà vong linh Bảy Ni chỉ cho hoàn toàn chính xác. Vừa đúng lúc đó, bật lên tiếng reo của ông Nguyễn Trọng Dư: “Bích Hằng ơi! Đây rồi. Khóm hoa trắng nhỏ li ti như hạt gạo đây rồi”. Nói đoạn, ông vội bưng mặt khóc. Cả đoàn cứ đứng lặng đi vì xúc động.


Buổi chiều hôm ấy, cả đoàn kéo đến tượng đài (nghĩa trang) Nắm Đấm (hình quả đấm to và cao như tòa nhà ba tầng nện lên nền trời xanh vòi vọi - đây có lẽ là quả đấm lớn nhất thế giới) thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ. Chính tại nơi đây, khi đào móng khởi công tượng đài này, người ta đã vô tình bới được hàng trăm bộ hài cốt. Có bộ xương được “đóng” tới 16 cái đinh mười (đinh to như ngón tay), có bộ được chằng trói bằng dây thừng, dây nhựa dẻo rất tàn độc. Hàng trăm chiếc đinh tra tấn người được nhặt ra khỏi các mớ xương, trung tá Nguyễn Văn Cao, đội phó đội K92 đem giao nộp cho cán bộ văn hóa địa phương để “trưng bày”, ai trông thấy cũng lạnh sống lưng.
Đang thắp hương lầm rầm khấn vái, chợt Bích Hằng ngưng bặt. Mắt chị hướng về phía bãi cây vòi voi, to như cây mía, mọc lúp xúp bên phía tay phải, ngoài hàng rào nghĩa trang. Chị nhìn thấy một đám tù nhân ăn mặc rách rưới, gầy trơ xương đang đứng vẫy gọi chị. Chị bảo trung tá Cao: “Ở kia có nhiều hài cốt liệt sĩ đấy anh ạ. Ngày mai là ngày Phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10. Ngày này năm ngoái, em đã tìm được mộ cụ Nguyễn Đức Cảnh. Em muốn chào mừng ngày phụ nữ năm nay bằng cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở đây. Ngày mai anh cho anh em đội K 92 đào trước ở chỗ bãi cây vòi voi kia nhé”.


Quả đúng như sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, sáng hôm sau, đội K92 đã tìm được 30 hài cốt, trong đó, có hai hài cốt vẫn bị trói trặt với nhau bằng sợi dây dù. Niềm tim về một thế giới thiêng liêng, huyền bí trong anh em đội K92 được củng cố, để rồi bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm hơn 4.000 hài cốt liệt sĩ lớn nhất, xúc động nhất trong lịch sử Việt Nam. 


Chúng tôi có mặt tại Phú Quốc vào đúng giai đoạn cao điểm của cuộc khai quật, tìm kiếm những hầm mộ liệt sĩ lớn nhất trong lịch sử.
Hành trình tìm kiếm 4.000 hài cốt ở... “địa ngục trần gian”
 
Hố chôn tập thể 513 tù binh
Chúng tôi có mặt tại Phú Quốc vào đúng giai đoạn cao điểm của cuộc khai quật, tìm kiếm những hầm mộ liệt sĩ lớn nhất trong lịch sử. Hai chiếc máy xúc khổng lồ ầm ào bạt đồi, đào bới suốt ngày đêm khiến vạt rừng nguyên sinh bao năm thâm u, nay ồn ã như một đại công trường.

Trung tá Nguyễn Văn Cao, đội phó đội K.92, tỉnh Kiên Giang, khuôn mặt gầy guộc lấm lem bụi đất nói với tôi mà như gào to giữa tiếng động cơ ầm ầm: “Chưa bao giờ đội K.92 phải huy động nhiều máy móc như thế này. Vì hài cốt nằm chồng chất tầng tầng lớp lớp dưới lòng đất sâu 6-9m, bên trên lại toàn đất đá sỏi nên cuốc xẻng không thể làm gì được. Trước khi bắt tay vào hành trình khai quật, một ban tìm kiếm được thành lập gồm 40 đồng chí lão luyện, tinh thông nghề nghiệp nhất của đội K92 do đích thân phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang làm trưởng ban. Đội ngũ này từng lập nên kỳ tích: tìm kiếm được 1.202 hài cốt bộ đội tình nguyện Việt Nam tại chiến trường Campuchia một thời khói lửa. Chưa bao giờ Ban Tìm kiếm phải họp bàn kỹ lưỡng như đợt này. Mất cả tháng trời khảo sát hiện trường, dò gỡ bom mìn, phát quang rừng rậm, xẻ bạt đồi núi. Hàng ngàn mét vuông rừng già và cây dại đã được dọn sạch một cách bất đắc dĩ”.

“Dừng lại! Dưới chân máy là 5 bộ hài cốt” - Tiếng nhà ngoại cảm Vũ Thị Minh Nghĩa (Năm Nghĩa) gào to cắt đứt cuộc trò chuyện giữa tôi và trung tá Nguyễn Văn Cao. Các chiến sĩ trẻ đội K92 túc trực trên miệng hầm vội nhảy xuống hầm mộ sâu đến 5m, rộng hơn 100m2. Tay cuốc, tay xẻng, họ nhẹ nhàng đào bới và nước mắt rưng rưng khi đếm đủ 5 bộ xương người. Suốt mấy tháng trời, nhà ngoại cảm Vũ Thị Minh Nghĩa đã lăn lộn cùng anh em đội K92. Kinh nghiệm của mấy mươi năm vượt núi, băng sông, một mình mò mẫm trong những cánh rừng thâm u để tìm kiếm được hàng chục ngàn hài cốt liệt sĩ cộng với linh cảm đặc biệt mà hồn thiêng sông núi, liệt tổ liệt tông đã hun đúc cho chị nên sự có mặt, góp sức của chị trong cuộc khai quật, tìm kiếm này vô cùng giá trị. Ở hầm mộ thứ nhất, chị Năm Nghĩa và anh em đội K.92 đã tìm được 513 hài cốt. Hầm mộ thứ hai: 508 hài cốt. Hầm mộ thứ ba: 118 hài cốt. Hầm mộ thứ tư: 80 hài cốt. Chỉ trong vòng 6 tháng, chị và đội K92 đã tìm và cất bốc được hơn 1.000 hài cốt liệt sĩ - một “kỳ tích” khiến nhiều người không biết nên buồn hay vui, muốn xót xa cùng các liệt sĩ hay chúc mừng “thành công” của đội K92 nữa.

Có điều, để lập nên “kỳ tích” ấy, chị và các chiến sĩ đội K92 đã phải làm việc quần quật từ sáng sớm đến chiều muộn. Khi những chiếc máy xúc “ngoạm” những gàu đất sỏi cuối cùng, chạm đến tầng xương cốt, cũng là lúc công việc của chị và đội K92 bắt đầu. Tất cả mọi động tác phải hết sức nhẹ nhàng bởi lẫn vào từng thớ đất, từng nắm sỏi cát kia là những mẩu xương người. Mắt phải căng lên để nhặt xương cho kỹ, nhặt cả những thớ đất nâu mờ mờ hoa thổ. Kinh nghiệm mấy mươi năm đào bới hài cốt mách bảo chị rằng: đó là thịt xương của các chiến sĩ bị phân hủy sau mấy chục năm đằng đẵng vùi sâu dưới lòng đất lạnh. Cho nên phải nhặt cho hết bởi để sót mẩu xương nào là có tội với tiền nhân, có tội với những anh hùng quên thân mình vì nghĩa lớn.

Mặc cho cái nắng chang chang vùng biển dội lửa xuống hầm nóng hầm hập, mặc cho sỏi đá cào rách tay, thậm chí, cả chất độc hóa học mà địch đổ xuống nhằm hủy thân xác các tù nhân cộng sản ăn nứt bàn tay nhức buốt, da thịt sần sùi, tấy đỏ như miếng cháy của nồi cơm quá lửa, chị và các chiến sĩ đội K92 vẫn miệt mài đào bới, nhặt nhạnh. Đi găng tay chống độc ư? Hàng ngàn đôi đã được nhân dân cả nước đóng thùng gửi ra cho các anh, các chị. Nhưng đi găng vào việc lần tìm từng mẩu xương trong đất đá sẽ rất khó vì không thật tay. Hàng thúng hương trầm nghi ngút khói thắp khắp trên miệng hố mà sao mùi tử khí vẫn nồng nặc khiến một vài chiến sĩ trẻ phải nhao khỏi miệng hố, chạy vào góc rừng nôn thốc nôn tháo. Ai cũng gầy rộc đi. Có người còn bị sốt sình sịch. Nhưng không ai bỏ cuộc. Cứ cắt cơn sốt là lại nhảy xuống hầm đào.

Giơ bàn tay sưng tấy, mưng đỏ vì bị nhiễm chất độc hóa học lên gạt nước mắt, chị Năm Nghĩa vừa khóc, vừa kể: “Đau lòng lắm em ạ. Mười mấy năm đi tìm hài cốt liệt sĩ, bàn tay chị đã cất bốc hàng chục nghìn nấm mộ nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ, hài cốt lại nhiều như ở đây. Tầng tầng lớp lớp. Ở hầm mộ thứ nhất, khi đào đến tầng xương thứ 6, chị bật khóc khi thấy đầu của các anh ấy một bên, xương cốt một bên. Hỏi chuyện các anh, mới biết: sau khi địch tra tấn các anh đến chết, chúng lôi xác ra miếng hố, dùng xẻng chặt đứt đầu rồi lăng xuống. Có hộp sọ còn dính 2 cây đinh mười phân cắm phập. Ở hầm mộ thứ hai, sau khi nhặt hết lớp xương thứ ba thì chạm vào lớp đá tảng. Các em ở đội K92 bảo hết rồi. Nhưng chị bảo: bên dưới vẫn còn hài cốt. Nhưng đá to quá, nặng cả tấn. Sức người không thể kéo được nên phải dùng máy cẩu. Nhìn những tảng đá sừng sững lôi lên khỏi hầm hài cốt, ai cũng lạnh sống lưng. Nó to ngần ấy, nặng ngần ấy, nện lên thi thể gầy guộc, tong teo của các tù nhân thì nát bấy như người ta giã giò còn gì hả em. Tàn độc hơn, chúng còn đổ cả chất độc hóa học xuống hầm nhằm hủy hoại thân xác tù nhân. Cho nên, khi đào bới, nhiều hộp sọ hay đốt xương của các anh còn nguyên. Nhưng khi vừa đụng tay vào là vỡ vụn như cám. Đúng là bọn địch tàn độc hơn cả ác quỷ. Chúng giết các anh đến mấy lần. Chúng định hủy hoại vĩnh viễn thân xác các anh để hậu thế mãi mãi không bao giờ tìm thấy, tội ác tày trời của chúng vĩnh viễn chìm lấp trong bóng tối. Nhưng không, chính linh hồn các anh đã mách bảo, chỉ dẫn cho chúng ta tìm thấy”.

Đội K92 cẩn thận nhặt từng mẩu cốt
Trung tá Nguyễn Văn Cao dẫn tôi đi dọc những triền đất đỏ vừa đào bới hàng ngàn hài cốt, kể về những ám ảnh rùng rợn mà có lẽ suốt đời anh chẳng thể nào quên: “Có bộ xương bị đóng tới 16 cái đinh mười (đinh to như ngón tay), có bộ được chằng trói bằng dây thừng, dây nhựa dẻo rất tàn độc. Gần 300 chiếc đinh được nhặt ra khỏi các xương sống, sương ống chân, ống tay, xương sọ..., khi đem giao nộp cho cán bộ văn hóa địa phương để “trưng bày”, anh em phải đựng trong chiếc thúng to, oằn lưng khiêng, ai trông thấy cũng bật khóc. Có người chửi thề chí mạng vì căm phẫn. Có lẽ, bức ảnh về cái xương sọ người bị cắm đinh trong Nhà trưng bày tội ác ở Nhà tù Phú Quốc lâu nay, cũng sẽ phải... gỡ xuống để thúng đinh từng cắm vào sọ hàng trăm chiến sĩ cách mạng mới được khai quật vào “thế chỗ” thì mới xứng tầm. Nhiều đêm, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, không biết chúng nó đóng thế nào mà đinh cắm ngần ấy chiếc vào một thi thể được? Đinh cắm vào thịt thì nó sẽ tự rụng ra khi cơ thể người tù bị phân hủy, vậy thật ra là bao nhiêu cái đinh tất cả được cắm vào thi thể người tù bị đóng nhiều đinh nhất khi chưa bị đem quẳng xác ngoài bìa rừng?”.

Hơn 2.000 hài cốt được tìm thấy trong tổng số 4.000 người đã bỏ mạng ở địa ngục trần gian này, chỉ duy nhất anh Nguyễn Văn Khai (người Thanh Hóa) là có tên. Theo các cựu tù Phú Quốc, khi tù binh bị giết chết nhiều quá, lại sợ du kích tấn công bất ngờ, bọn cai ngục bèn bắt bạn tù của anh Khai đem đồng đội đi chôn và một người bạn tù đã nhanh tay ghi tên Nguyễn Văn Khai rồi nhét vào túi nylon dán kín lại. Hôm thắp hương cho các liệt sĩ ở tượng đài Nắm Đấm, tôi đã không thể kìm được những tiếng nấc nghẹn khi nhìn bàn tay gầy guộc, chai sần của anh Cao, chị Năm Nghĩa lần giở từng gói hài cốt được bó chặt như bó giò xếp trong những chiếc hòm gỗ lớn, đánh số chi chít. Khi còn sống, các anh đều có tên, có tuổi. Giờ nằm đây, tất cả đều vô danh, ai cũng như ai, ai cũng là người cộng sản chân chính đã sống đến giọt sống cuối cùng vì quê hương. Nhìn ra ngoài trời, mưa giăng trắng xóa. Ngẫm về kiếp người sao cứ thấy nghèn nghẹn, mênh mang. Nhưng dẫu sao, họ vẫn còn may mắn hơn hàng nghìn người còn vùi thân xác đâu đó dưới lòng đất lạnh, dưới những tán rừng sâu, da thịt, xương cốt chỉ còn là một vệt mờ mờ hoa thổ. Quá nhiều nhân chứng (kể cả báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kiên Giang mới đây) đều chính thức nói về việc máy bay của bọn cai ngục đã chở những tù nhân đau ốm đi chữa bệnh rồi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Bởi những người tù xấu số ấy đã bị ném xuống đáy biển vịnh Thái Lan làm mồi cho cá dữ. Việc họ trở về là bất khả.

Trong suốt cuộc hành trình tìm kiếm hài cốt tù nhân cộng sản ở Phú Quốc, 3 đại lễ cầu siêu đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức trọng thể và xúc động. Hàng trăm nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, của các tỉnh, thành phố, hàng ngàn cựu tù binh và nhân dân cả nước đã đổ về Phú Quốc với niềm xúc động và xót thương vô hạn. Các chuyến bay, các chuyến tàu ra đảo đều chạy hết công suất vẫn không chở hết dòng người đang nóng lòng ra đảo. Chuyến nào cũng đông nghẹt. Điều kỳ lạ là cả ba lần làm lễ cầu siêu, cả ba lần trời đang nắng chang chang bỗng đổ mưa sầm sập. Mưa như trút nước, mưa như khóc than. Song không một ai trong số hàng ngàn người thành kính chắp tay nguyện cầu ấy che ô, che mũ. Họ vẫn đứng nghiêm trang trong mưa, trước nỗi đau và niềm xót thương còn lớn hơn giông gió. Ai cũng thấu hiểu đến tận cùng nỗi đau thương, mất mát mà những người tù cộng sản kiên trung phải gánh chịu. Giờ, đội mưa, đội nắng một chút, đâu có thấm tháp gì.

Tôi đã thắt lòng khi chứng kiến những chiếc tàu gỗ hối hả trở hàng ngàn chiếc tiểu sành từ đất liền ra đảo. Cái cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền, hối hả khiêng vác những chiếc tiểu sành kia sao mà xúc động, xót xa đến thế. Lúc đầu, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kiên Giang mua hàng trăm chiếc tiểu chở ra đảo. Cứ nghĩ số lượng ấy là đủ. Nhưng số lượng hài cốt tìm thấy cứ tăng vọt hàng ngày nên sở phải huy động khắp tỉnh, xuống cả tận Đồng Tháp Mười để thu mua rồi thuê tàu chở vượt 200km đường biển ra đảo. Chuyện thu mua tiểu quách với số lượng khổng lồ này cũng là một “kỷ lục” rơi nước mắt ở nơi từng là “địa ngục trần gian” Phú Quốc.

Anh Cao bảo: “Ngót nửa năm giời sống ở rừng thâm u, hoang vắng tột độ này với bạt ngàn bom đạn ém lại từ thời cũ, đôi lúc nhìn rừng mà chính anh em trong đội K92 còn thoáng rùng mình. Nhưng nghĩ đến những người còn vùi xác thân giữa hoang lạnh mịt mù, lại thấy lòng mình nức nở. Vợ tôi nằm viện mấy tháng nay, phải nhờ người trông. Tôi bám trụ ngoài “chiến trường” này, vì cảm thấy trách nhiệm của mình quá lớn. Cả núi xương của những người cộng sản quả cảm đang chờ được bàn tay đồng đội, đồng chí cất bốc. Cái vất vả của chúng tôi có thấm tháp gì so với địa ngục trần gian kinh hoàng mà hơn 40.000 người cộng sản đã bị đày đọa, có thấm gì so với hơn những cái chết đau đớn, tức tưởi của hơn 4.000 người đã ngã xuống kia?”. Giọng anh Cao run run.

Những ngày ở Phú Quốc, tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh ăn ở, sinh hoạt của anh và các chiến sĩ đội K92. Trong căn nhà quản trang bé tẹo nằm gần tượng đài Nắm Đấm, chục anh em mắc võng vào các song cửa, các cột kèo làm giường dã chiến. Những bữa cơm đạm bạc chỉ rau với cá biển mà cái đầu thực dụng của kẻ phố thị như tôi nhẩm tính, giá trị chỉ chừng vài chục nghìn đồng. Chợ búa xa xôi, tiền bồi dưỡng chỉ vỏn vẹn 40.000 đồng/ngày nên ăn uống phải dè xẻn. Thậm chí dè xẻn với cả nước uống. Đi bộ lóc cóc vài cây số, xin được mấy can nước mưa, nên phải dùng tặn tiện. Vợ ốm, con đau trong đất liền, lòng thì thương đứt ruột nhưng cũng chỉ điện dăm ba phút động viên gọi là. Những ngày ở Phú Quốc, tôi cũng đã nhiều lần tận mắt chứng kiến cảnh mấy anh lính trẻ, người sốt sình sịch vẫn cứ nhao ra nắng lửa, với chai nước sôi để nguội giắt ở lưng, kiên nhẫn, tỉ mẩn đào bới, lấn mãi vào các cánh rừng bom đạn cũ, lấn mãi vào lòng đất sâu đỏ rượi, nơi vùi lấp hàng nghìn bộ di cốt tủi hờn câm lặng. Tôi chợt ngộ ra rằng: họ tận tụy, cần mẫn tìm kiếm hài cốt, không chỉ vì nhiệm vụ của một người lính mà cao hơn, họ đang xả thân vì một nghĩa cử, một món nợ ân tình mà lẽ ra chúng ta phải làm, phải trả từ lâu.





Theo thegioimoi.vn

0 nhận xét :

Ghi chú cho mẫu nhận xét:
- [img] ..link..[/img].
- [youtube] ...link...[/youtube].
- [nct]...link...[/nct].

:) :( :)) :(( =))

Recent Posts