Hành trình tìm liệt sĩ Nguyễn Văn Sáu (phần 1)


Lần nào bố tôi cũng gật đầu đồng ý nếu câu hỏi ấy là đúng, còn lắc đầu nếu câu hỏi ấy là sai. Theo chúng tôi hiểu thì bố bảo rằng: Khu vườn đó là đúng chỗ bố đang nằm. Chỗ quả trứng đứng là chỗ bố bị giặc bắn.

Lục tìm từ kí ức

Cuốn nhật kí bố gửi lại , tôi đã đọc không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần đọc là một lần tôi không cầm được nước mắt. Ngày bố lên đường với khí thế hào hùng lắm. Cả nước sục sôi, thanh niên xung phong tòng quân giết giặc. Những dòng “ Hồi kí quê hương ” viết ngày 9 tháng 11 năm 1967, chỉ trước khi lên đường đi B có mấy ngày, bố tôi viết Ba mươi năm về trước, Vân Điềm vốn là một làng có nhiều tập tục phong kiến. Địa chủ bóc lột người nông dân. Nạn cưới xin, ma chay, đình đám thường xảy ra ở nơi đây. Cái đó đã đưa cuộc sống của người nông dân trở nên cùng kiệt. Người nông dân trong làng vẫn sống bằng nghề làm thuê, làm mướn. Họ tuy nghèo về vật chất nhưng rất giàu về tình cảm gia đình, làng xóm, giai cấp. Khi gặp hoạn nạn thì cùng nhau biết cưu mang. Dù có phải đi làm xa đi chăng nữa, cứ tết đến, họ lại về quây quần sum họp gia đình, vui chơi. Những cây đa, cành lá xum xuê rủ bóng mát trên sân đình hình như cũng vui cười cùng lòng người mở hội. Những bến ao, đường làng mát sạch đã là những hình ảnh nhớ nhung của những người đi xa.
Vì bị bóc lột nhiều quá, có những gia đình đã tan nát cửa nhà, con cái phải tha phương cầu thực. Những cảnh chết đói năm 1945, những người chết không có gì chôn cất đã làm cho con người phải suy nghĩ. Chẳng lẽ họ sống mãi trong đêm tối mịt mù này chăng ? Nhưng vừng Đông đã hé sáng soi đường cho những con người ở đây đứng lên làm cách mạng. Và thực tế người nông dân họ đã ngẩng cao đầu đứng lên dưới sự lãnh đạo của Đảng làm cách mạng thắng lợi năm 1945.
Bộ mặt nông thôn đã đổi mới. Lòng người vui như mở hội khi họ là một người dân của một nước độc lập. Không được bao lâu, giặc Pháp lại xâm chiếm nước ta. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, con em họ đã hăng hái nô nức lên đường tòng quân giết giặc. Họ không sợ hy sinh gian khổ, chỉ tâm niệm với nhau rằng sẽ chiến đấu và chiến thắng. Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, Vân Điềm vẫn bình tĩnh đứng hiên ngang trong lòng địch. Những năm giặc khủng bố ác liệt nhất thì lại là năm mà Phong trào ở đây lên cao. Trong chín năm kháng chiến và thắng lợi, những liệt sĩ Kha, Cừ, ý , những người dân lương thiện đã hy sinh, đã tô thắm thêm cho lịch sử dân tộc, tô thắm thêm cho truyền thống của quê hương. Khí phách anh hùng và lòng yêu nước của họ lại được phát huy cao hơn nữa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày nay.
Biết bao nhiêu những gia đình đã phấn khởi động viên con em mình tòng quân diệt Mỹ. Biết bao nhiêu những thanh niên giàu lòng yêu nước và dũng cảm đã xa quê hương, nhưng lòng họ không có gì buồn tủi. Và đâu đây xung quanh họ, những con người, những cây đa, sân đình cũng như động viên họ phấn khởi làm nhiệm vụ. Có những gia đình đã có hai người vào Nam diệt Mỹ. Nhưng họ vẫn tin tưởng vào thắng lợi, vào ngày mai trở về. Sự đổi mới của gia đình và làng xóm ngày nay lại là nguồn cổ vũ mạnh mẽ các chiến sĩ lên đường diệt Mỹ. Ngày mai thắng lợi họ lại trở về ca khúc khải hoàn.
Quê hương trong lòng bố sao nó lớn lao quá ! Có lẽ đó là lẽ sống của bố và của hầu hết thanh niên thời đó. Chiến thắng mà chúng ta có được ngày nay chắc chắn là từ tấm lòng yêu mến quê hương từ trong máu thịt như vậy đấy. Có lẽ đó cũng là điều thôi thúc bố xung phong lên đường vào Nam chiến đấu, gạt tình riêng mà đặt tình yêu đất nước quê hương lên hàng đầu. Được đứng trong hàng ngũ quân đội, được góp sức mình vào công cuộc giải phóng đất nước, giành độc lập thống nhất cho nước nhà, đối với bố, là niềm vinh dự, tự hào lắm. Trong cuốn nhật kí ghi lại ngày chia tay gia đình hồi đó, bố viết :
Sáng sớm hôm ấy, tôi thấy vui hẳn lên. Vui vì được lên đường nhập quân đội. Và cũng buồn vì phải xa quê hương làng xóm. Bữa cơm ấy, tôi không ăn được mà vẫn thấy no. Tôi bế đứa con đầu vào lòng. Lòng bồi hồi sung sướng. Hôn con và dắt xe đi. Tôi không nói được lên lời. Vợ tôi còn đang rửa bát, chỉ nói được mỗi câu : “ Em ở nhà”.Vợ tôi cũng chỉ có thể gục đầu chào tạm biệt bằng một câu“ Vâng”. Tôi chào các anh , chị , các em và những người quê hương Vân Điềm hiền lành và dũng cảm. Trên đường về cơ quan, anh Thích và em Tám đưa tôi đi. Ra đi :
Ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng niềm thương nhớ vô cùng
Câu kết mà bố viết trong dòng hồi kí đó được coi như định mệnh. Bố đã ra đi không bao giờ trở lại. Để lại người vợ trẻ mặc dù lấy chồng đã hơn hai năm nhưng thời gian được sống bên chồng chỉ tính được vài tháng. Để lại hai đứa con thơ: đứa lớn còn được bố ôm ấp bế bồng trong những ngày được nghỉ cơ quan, còn đứa bé đang hình hài trong bụng mẹ. Chúng đều chưa nhớ nổi mặt cha và chưa được thấy mặt cha lần nào.
41 năm vắng bóng bố, chị em chúng tôi lớn khôn bằng sự tảo tần của người mẹ đầy nghị lực. Vừa tham gia công tác xã hội, mẹ tôi vừa quần quật làm lụng để chị em tôi được bằng người. Thiếu cha, nhưng bù lại, mẹ đã dành cho chúng tôi tất cả. Những lúc trái nắng trở giời, mẹ con chăm sóc nhau. Đã nhiều lần, mẹ ôm hai chị em tôi vào lòng mà khóc hết nước mắt, mong cho các con khoẻ mạnh, sớm trưởng thành. Có lúc mẹ cảm thấy sức chịu đựng quá lớn, mẹ chỉ lo không vượt qua được thì các con thơ dại phải ở với ai. Nghe mẹ tâm sự như vậy, chị em tôi ôm ghì lấy mẹ mà khóc gần hết đêm thâu. Thời gian cứ trôi đi, chúng tôi lớn lên, trưởng thành bằng tình thương và nghị lực phi thường của mẹ. Chị tôi đi lấy chồng, mẹ có thêm hai cháu ngoại. Tôi cũng lấy vợ và mẹ có một đứa cháu nội bế bồng. Công tác xã hội hoàn thành, chưa được hưởng chế độ chính sách mà Nhà nước quy định, mẹ đã bỏ lại chị em chúng tôi, lặng lẽ ra đi vào một đêm cuối xuân năm 1994. Mất cha từ khi còn thơ dại, nay lại mất mẹ, tôi cảm thấy sự thiếu vắng tưởng không gì có thể vượt qua. Thế là từ nay, chị em tôi trở thành những đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Khi mẹ còn sống, đã nhiều lần tôi nói chuyện với mẹ rằng : Lớn lên con sẽ đi tìm bố. Nhưng mẹ bảo : Chiến tranh ác liệt như thế biết ở đâu mà tìm, liệu còn hay bom đạn cày đi xới lại làm sao mà tìm được. Dù mẹ nói thế, nhưng nhìn vào mắt mẹ, tôi biết mẹ mong tìm được bố lắm. Bởi mẹ biết, một người yêu quê hương như bố thì đâu bằng được về chính mảnh đất quê nhà, nơi mà vì nó, bố đã không tiếc máu xương, không tiếc tuổi thanh xuân, sẵn sàng xông pha vào nơi lửa đạn để giành độc lập, tự do cho quê hương, cho những người thân, người dân hiền lành và dũng cảm. Không chỉ mẹ con tôi mong mỏi tìm kiếm, mà tất cả những người thân trong gia đình cũng một lòng như thế. Chú Tám - em út của bố tôi - năm 1972, khi đang công tác tại trường sĩ quan pháo phòng không ở Sơn Tây, trong một tối ngồi nghe ca nhạc của đài tiếng nói Việt Nam kỉ niệm ngày Thương binh liệt sĩ, khi nghe cô phát thanh viên giới thiệu giọng ca của người thương binh hỏng hai mắt tên là Nguyễn Văn Sáu, chú đã nghĩ có lẽ đó là anh trai mình. Hay là anh ngại mình bị thương nặng, không muốn người thân phải vất vả, đau khổ vì mình nên không chịu về nhà ? Sáng sớm hôm sau, chú xin phép đơn vị, tức tốc đến tận trại thương binh đó để hỏi thăm. Và rồi chú lại thất vọng ra về vì người ta bảo người thương binh đó không phải là anh trai mình, anh thương binh này quê ở tận Lạng Sơn. Còn chú Bẩy tôi - người em trai ngay dưới bố tôi - người chiến sĩ đã trải qua 4 năm trời ( từ năm 1969 đến năm 1973 ) bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo, trong một chuyến đi công tác trở lại chiến trường xưa vào năm 1978, chú đã đến Phòng thông tin của Bộ tư lệnh Sài Gòn - Gia Định hỏi thăm trường hợp của bố tôi và chú được họ xác nhận hòm thư mà bố tôi gửi về tháng 10 năm 1969 đúng là thuộc tỉnh đội Long An. Và bố tôi chính xác là quân của tỉnh đội Long An chiến đấu tại đó vào thời điểm ấy. Còn cụ thể hồ sơ về bố tôi thì họ không nắm được. Chú rất buồn. Trong sâu thẳm, chú luôn mong muốn tìm thấy anh trai mình, đưa được anh về trong tình cảm sâu nặng của người thân, quê hương, làng xóm. Tất cả, tất cả đều cùng một lòng một dạ : Đón được bố tôi trở về.

Hành trình tìm cha

Lần thứ nhất
Năm 1998, khi cuộc sống gia đình đã dần ổn định, tôi bắt đầu đi tìm bố. Đầu tiên, tôi xuống sở tài chính Hà Bắc ( nơi mà bố tôi đã sống và làm việc trước khi nhập ngũ), nay là sở tài chính Bắc Giang. Tôi gặp bác Phạm Xuân Đến bác cho biết cơ quan hồi đó có 6 người cùng nhập ngũ một đợt với bố tôi thì có đến 4 người hy sinh. Hiện có bác và bác Nam ở phố Thắng. Qua bác Nam, tôi được biết: Năm 1967, sau khi huấn luyện cùng được điều động vào Nam, nhưng vì khác đơn vị nên không liên lạc được với nhau. Kỉ niệm duy nhất mà bác nhớ mãi là : Trên đường hành quân, tới miếu Ba Cô, tình cờ nhìn lên gốc cây sồi, bác thấy khắc dòng chữ Sáu TTCHB ( Ty tài chính Hà Bắc ). Vậy là bạn mình đã vào tới đây. Sau này, sau khi giải phóng, trở về cơ quan, bác chuyển về địa phương làm công tác y tế và được biết bạn mình đã hy sinh.
Ra khỏi phố Thắng, tôi trở lại Thị đội Bắc Giang. Sau một hồi tìm tòi, các anh nói chỉ có được hồ sơ của các chiến sĩ nhập ngũ từ năm 1971 trở lại đây. Còn trước đó, hồ sơ đã bị trận lụt năm 1971 làm hư hỏng hết rồi.
Điều mà tôi đặt hy vọng nhiều nhất là : Bố tôi chắc chắn đã vào đến Long An. Vì trong lá thư cuối cùng mà bố tôi gửi về ( tháng 10 năm 1969 ) thì hòm thư là thuộc tỉnh đội Long An. Và từ thông tin của chú Bẩy tôi.
Lần thứ hai
Năm 2000, vợ chồng tôi cố gắng làm được mấy chục m2 nhà cho khang trang. Sau khi hoàn thành, kinh tế gia đình cũng có phần khó khăn. Vì vậy, tôi quyết định đi lao động hợp tác mấy năm để làm kinh tế. Do hành trình của chuyến đi nên đoàn chúng tôi phải vào thành phố Hồ Chí Minh tập trung. Trước ngày lên đường, vợ tôi có dặn : Vào đó, nếu có thời gian thì xuống Long An tìm bố anh nhé ! Vào đến Sài Gòn, sau vài ngày học định hướng, do hợp đồng bị trục trặc nên có thời gian rảnh rỗi. Tôi thuê xe ôm đưa xuống Long An. Xe đưa tôi dọc theo quốc lộ 1. Khoảng cách từ Thành phố tới Long An được rút ngắn dần: cầu Bến Lức, Bình Điền lần lượt đi qua. Tới Long An, tôi mới cảm nhận được địa hình của tỉnh : Đồng lúa bạt ngàn với những kênh rạch chằng chịt. Hai bên bờ kênh là những hàng dừa nước mọc như rừng. Lúc này, hàng loạt câu hỏi đặt ra trong đầu : Vị trí địa hình như thế này, trong những năm ác liệt đó bố tôi trú quân ở đâu ? Sống cùng dân, được dân che chở ? Hay ở dưới công sự, hầm hào để rồi ngày đêm quần đảo với quân thù ?... Đầu óc tôi cứ suy nghĩ mung lung như vậy cho đến khi Thị xã Tân An hiện ra trước mắt. Từ Thị xã, rẽ phải 500m là tới Tỉnh đội Long An. Sau khi trình giấy tờ, tôi được vệ binh đưa vào phòng Chính sách của Tỉnh đội. Với sự tiếp đón nhiệt tình cởi mở, sau khi được biết ý định của tôi, hàng loạt hồ sơ Liệt sĩ được bày lên bàn cho tôi tìm hiểu. Thật xúc động và kinh ngạc, trước mắt tôi là 64 quyển sổ dày ghi chép danh sách Liệt sĩ của 64 tỉnh thành trong cả nước. Vậy mới biết, chỉ trên địa bàn tỉnh Long An này đã thế. Còn bao nhiêu địa bàn khác của miền Nam cũng như vậy ? Một con số thương vong thật khủng khiếp mà cuộc chiến này đã gây ra ! Không có tên bố tôi. Tôi cảm thấy thất vọng quá. Tôi hỏi lại anh cán bộ quản lí hồ sơ cố gắng tìm giúp tôi xem có tài liệu nào liên quan đến bố tôi không nhưng anh nói: Đây là những Liệt sĩ mà đơn vị báo về. Còn một số đồng chí mất tích hoặc hồ sơ đơn vị đã bị phá hoại vì bom đạn thì không có được. Riêng những đơn vị bị xoá sổ thì không thể biết được gồm có những ai. Thấy tôi có biểu hiện bi quan, anh lãnh đạo giới thiệu tôi trở lại quân khu 7 để tìm hiểu may ra sẽ có gì đó cụ thể hơn. Chào các anh trong Tỉnh đội, tôi lên xe trở về Thành phố. Qua nghĩa trang tỉnh, tôi bảo anh lái xe dừng lại cho tôi vào thắp hương các Liệt sĩ. Nhìn từ cổng nghĩa trang vào, trước mắt tôi là bạt ngàn những nấm mộ Liệt sĩ - nơi yên nghỉ của các Liệt sĩ từ khắp mọi miền Tổ quốc. Sau khi thắp hương trên Kì đài, bước chân đưa tôi đi dọc theo những hàng mộ. Tôi đọc từng tên, từng địa chỉ, hết hàng nọ đến hàng kia. Những nấm mộ có tên không nhiều bằng những nấm mộ Liệt sĩ chưa biết tên. Tôi thì thầm hỏi : Các bác, các chú ơi ! có ai biết bố con nằm ở đâu không, mách bảo giúp con với ! Nhưng đáp lại lòng tôi chỉ có tiếng gió vi vu nhè nhẹ trong sự tĩnh lặng đến mênh mông. Tôi cố hình dung ra xem bố tôi đang nằm ở chỗ nào nhưng càng đi càng vô vọng.
Sáng sớm hôm sau, khi chưa tới giờ làm việc, tôi đã có mặt tại phòng chính sách Quân khu 7. Tiếp đón tôi là một phụ nữ đứng tuổi. Sau khi nghe tôi trình bày và nhã ý của tôi là muốn chị xác định giúp hòm thư mà bố tôi gửi về trong lá thư cuối cùng có phải đúng là thuộc tỉnh đội Long An thời đó không ? Chị vui vẻ giúp đỡ. Sau một hồi lục tìm trong tài liệu, chị quay sang tôi nói : Đúng là hòm thư của tỉnh đội năm 1969 đó em ! Xin lỗi em, ngoài những thông tin đó ra chị cũng không có thông tin nào khác về bố em đâu em à ! Tôi cảm ơn chị. Bấy nhiêu thôi cũng đã làm tôi vừa mừng vừa tủi. Mừng vì biết chính xác bố đã chiến đấu tại đây và hy sinh chính trên mảnh đất Long An này. Tủi vì không biết chính xác bố chiến đấu tại khu vực nào ? Hiện nay bố đang yên nghỉ ở đâu ? Liệt sĩ chưa biết tên trong nghĩa trang nào đó hay còn nằm đâu đó nơi ruộng vườn ? … Nhưng dẫu sao, tôi cũng đã có một cơ sở chắc chắn, có cơ hội tìm thấy bố tôi rồi.
Không may cho tôi là đợt lao động hợp tác đó không thực hiện được. Tôi trở ra Bắc sau đó và tiếp tục công việc. Lòng cảm thấy có lỗi với bố vì đã vào được đến đây rồi mà vẫn chưa đưa được bố về. Nhưng “ lực bất tòng tâm”.
Rồi bao nhiêu lần lang thang khắp các địa chỉ quản lí hồ sơ Liệt sĩ của Hà Nội để dò hỏi và tìm kiếm tin tức về bố. Ai bảo ở đâu là tôi lại tìm đến. ở đâu cũng nhận được sự đón tiếp rất nhiệt tình, nhưng cái hy vọng nhỏ nhoi là được biết một chút ít về bố như càng mất dần.
Lần thứ ba
Thời gian thấm thoắt trôi đi. Cho mãi tới năm nay ( năm 2008 ) , không biết do tình cờ hay có sự run rủi , Nhà nước có chương trình làm đường cao tốc qua làng , họ tôi cũng như bao gia đình và các dòng họ khác trong thôn phải di chuyển mồ mả thuộc đường cao tốc đi qua. Chú Tám tôi được sự uỷ nhiệm của dòng họ ra nhờ nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện xem giúp cách thực hiện di chuyển mồ mả như thế nào cho phải. Chú có bảo tôi : Cô Nguyện có tài tìm kiếm hài cốt đấy. Có ra nhờ tìm bố thì ra. Vì tôi đã được biết ngay từ năm 1999, có người giới thiệu với tôi là nhà ngoại cảm tìm được mộ ( đặc biệt là mộ Liệt sĩ ). Bản thân tôi đã giành ra 2 ngày để trực tiếp đến nghe nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên tìm mộ cho các gia đình. Tôi rất phục. Nhưng hồi đó, mọi người bảo phải ngồi chờ đến lượt mình khoảng 2 tháng mới được gọi, nên tôi không có điều kiện để thực hiện. Tôi cũng được biết từ đó đến nay, các nhà ngoại cảm đã tìm được rất nhiều mộ Liệt sĩ, trong đó có những vị lãnh tụ của dân tộc như: Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Đức Cảnh, … Nên khi nghe chú tôi bảo thế, tôi mừng lắm liền cùng chú ra đăng kí ngay. Sau 3 tháng chờ đợi, ngày 26 tháng 6 năm 2008, tôi được cô Nguyện mời ra làm việc. Trước khi đi, vợ chồng tôi rất lo. Lo vì một điều : Chỉ sợ ra đấy cô ấy bảo không tìm thấy được bố. Trên đường đi chẳng ai nói với ai câu nào . Người nào cũng cùng một suy nghĩ như vậy nhưng không ai dám nói ra. Nhưng thật không ngờ niềm hy vọng lại tràn đầy đến như vậy. Sau khi làm lễ, tôi ngồi chờ đến lượt mình. Câu đầu tiên cô hỏi là :
- Anh muốn tìm ai ?
- Con muốn tìm bố con.
Rồi tôi đưa cho cô bản photo giấy báo tử của bố tôi. Cô cầm xem rồi nói:
- Liệt sĩ này có hai người con. Anh rất giống bố. Dáng người giống. Khuôn mặt giống. Duy chỉ có đôi mắt là không giống. Mắt anh giống bên ngoại.
Tôi kinh ngạc quá. Cô có biết tôi bao giờ đâu. Tôi không biết mặt bố nhưng mọi người biết bố tôi cứ trông thấy tôi ai cũng bảo tôi giống bố tôi quá. Cả cái dáng đi ve vẩy cái tay cũng giống nữa. Cứ như là có bố tôi đang đứng trước mặt cô để cô so
sánh ấy. Rồi cô lại nói tiếp :
- Anh đã đi tìm bố 2 lần rồi phải không ?
Điều này lại làm tôi kinh ngạc. Tôi công nhận điều đó. Cô lại hỏi :
- Anh có quyết tâm đi tìm bố không ?
Tôi nói tôi rất quyết tâm và trăm sự nhờ cô giúp đỡ. Cô không nói gì, miệng thì cứ ngáp liên tục như người buồn ngủ quá. Tôi nghĩ bụng : Hay là cô làm việc từ sáng đến giờ mệt quá rồi. ( Sau này tôi kể cho người lớn trong nhà, mọi người bảo lúc đó cô đang nhập hồn để tìm bố tôi, để bố tôi dẫn đường nhờ cô chỉ giúp tới các con chỗ bố tôi nằm đấy! ). Cô đi lên gác. Một lát, cô xuống, cô bắt đầu chỉ dẫn. Cô nói nơi bố tôi đang yên nghỉ hiện ở xã Lộc Cường ( hay Đức Cường, hay Độc Cường ) huyện Đức Hoà , tỉnh Long An, nơi giáp ranh giữa tỉnh Long An và tỉnh Tây Ninh, tại một vườn cây ăn trái của một người tên là vần Ph, cạnh nhà người có vần T. Bố tôi hy sinh trên đường đi làm nhiệm vụ. Bố là bộ đội trinh sát hay là liên lạc chứ không phải trực tiếp chiến đấu. Khu vực bố tôi đang yên nghỉ hiện nay chỉ cách sông Vàm Cỏ Đông không xa. Cô còn miêu tả rất kĩ về hình hài bố tôi hiện nay như thế nào. Lại một lần nữa tôi khẳng định là đúng bởi như trên tôi đã nói, lá thư cuối cùng bố tôi gửi về thuộc Tỉnh đội Long An, có sự xác nhận của Tỉnh đội mà năm 1998 tôi đã trực tiếp được biết. Sau đó, cô dùng bút màu trên bàn, tay thoăn thoắt vẽ lại bản sơ đồ vị trí địa hình, đường đi lối lại dẫn đến chỗ bố tôi đang yên nghỉ. Vẽ xong, cô mở băng ghi âm, tay chỉ, miệng hướng dẫn tôi theo sơ đồ vào tìm bố. Tôi như không tin vào tai mình nữa. Niềm vui của tôi không gì diễn tả nổi. Thế là hài cốt bố tôi vẫn còn.. Cuộc họp gia đình bất thường được triệu tập. Sau khi nghe tôi trình bày kết quả làm việc ở nhà cô Nguyện, cộng với đoạn băng ghi âm mà mọi người muốn nghe đi nghe lại, ai cũng phấn khởi, lại nghẹn ngào. Hàng loạt kế hoạch được vạch ra, từ việc phân công người đi, đến việc tổ chức như thế nào khi đón được bố trở về. Niềm vui, nỗi buồn cứ đan xen lẫn lộn.
Theo như kế hoạch, ngày 2 tháng 6 ( âm lịch ) , tôi cùng chú Tám, anh Kiên, anh Hạnh sẽ lên đường vào Nam đón bố. Trưa hôm ấy, tôi sắp mâm cơm xin phép tổ tiên được đi đón bố, cầu xin tổ tiên phù hộ cho đoàn được mạnh khoẻ, mau chóng tìm được bố tôi về. Bữa cơm hôm ấy có đầy đủ các cô, chú, thím, bác bên nội, bên ngoại và các anh chị em trong gia đình . Đúng 4 giờ 30 phút, em Tuấn tôi đánh xe ra đón đoàn. Tiễn đoàn ra xe có đầy đủ gia đình nội ngoại. Mọi người đều im lặng lầm lũi vừa xót xa, vừa lo lắng, vừa hy vọng ngày được tận mắt thấy đoàn đón được bố tôi trở về. Lúc này, các thành viên trong đoàn cũng vậy, lên xe rồi mà 30 phút sau không ai nói cùng ai. Còn tôi , khi ngồi trong xe phải nuốt liên hồi cho nước mắt khỏi trào ra vì nhìn sau xe thấy bao nhiêu ánh mắt dõi theo. Với 2 đêm 1 ngày, đúng 6 giờ ngày 4 tháng 6 ( âm lịch ), tàu kéo một hồi còi dài báo hiệu vào ga Sài Gòn. Sau khi xuống tàu, cả đoàn khẩn trương vệ sinh cá nhân, tranh thủ ăn sáng, lên xe tắc xi bắt đầu vào cuộc.

Nguyễn Văn Thụ

0 nhận xét :

Ghi chú cho mẫu nhận xét:
- [img] ..link..[/img].
- [youtube] ...link...[/youtube].
- [nct]...link...[/nct].

:) :( :)) :(( =))

Recent Posts